Loan báo Tin Mừng tại giáo phận Bắc Ninh 2010
MỘT VÀI NÉT VỀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG Ở GIÁO PHẬN BẮC NINH
I-Đôi Nét Về Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo phận Bắc Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, trên diện tích của năm tỉnh trọn vẹn là các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc cùng một số huyện, xã của các tỉnh lân cận như thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Lạng Sơn và Phú Thọ. Mặc dù dân số trên toàn giáo phận lên tới chín triệu người (9,000,000), nhưng số tín hữu Công Giáo thì chỉ có 125,000 người. Người dân thuộc các tỉnh đồng bằng chủ yếu sống bằng nghề nông, trong khi người dân thuộc các tỉnh miền núi chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy và các sản phẩm từ rừng núi. Người dân trong giáo phận, ngoài người Kinh còn có người dân thuộc các dân tộc anh em khác sống rải rác ở các tỉnh vùng núi như người H’mong, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa, và Sán Dìu. Bối cảnh phức tạp này đang là thách thức rất lớn cho công cuộc truyền giáo của giáo phận ngày nay.
Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, giáo phận Bắc Ninh đã phải chịu đựng và trải qua biết bao cam go, thử thách, nhất là khi đất nước phải chịu cảnh chia đôi từ năm 1954-1975. Sau khi Hiệp Định Giơ-ne-vơ được kí kết năm 1954, đã có 47 linh mục, tất cả chủng sinh và gần 40,000 người Công Giáo di cư vào Miền Nam. Giáo phận chỉ còn lại 14 linh mục già, 12 thầy giảng, 11 nữ tu Dòng Đa-minh và khoảng 30,000 tín hữu Công Giáo.
Trước đó trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1946-1954 đã có 250 trên tổng số 300 nhà thờ trên khắp giáo phận bị phá hủy. Trong những năm chiến tranh khó khăn ấy cũng đã có những cuộc di cư của những người Công Giáo từ vùng xuôi lên các tỉnh vùng núi, chính vì vậy mà hiện nay giáo phận cũng đang có nhu cầu cấp thiết phải xây dựng nhà thờ, nhà nguyện cho những vùng đó. Từ năm 1954, các linh mục lớn tuổi dần dần qua đời. Đến năm 1994, mới có hai linh mục được phong chức. Trong thời gian này, số linh mục trong giáo phận bị thiếu hụt trầm trọng, có những lúc cả giáo phận chỉ còn một linh mục (một cha hoạt động chính thức, còn một cha hoạt động trong âm thầm). Chỉ sau khi Đại Chủng Viện Hà Nội được mở cửa trở lại năm 1989 thì số linh mục trong giáo phận mới dần dần tăng lên. Hiện tại giáo phận đã có được 56 linh mục, coi sóc 81 giáo xứ và hơn 300 giáo họ với gần 125,000 tín hữu sống rải rác trong khắp giáo phận. Vì những khó khăn trên đây mà giáo phận đã phải đào tạo những người giáo dân truyền giáo. Chương trình này đã đi vào hoạt động từ thời Đức Cha Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng (1963-1994), và vẫn được tiếp tục trong thời Đức Cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến và vẫn đang được tiếp tục cho đến ngày nay.
Thực vậy, trong suốt những năm thi hành chức vụ, Đức Cha Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng và Đức Cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến đã thành lập và xây dựng Ban Hành Giáo (Hội Đồng Giáo xứ), cổ vũ việc đọc kinh ở nhà thờ và trong gia đình. Chính Đức cố Giám Mục Phao-lô Giu-se là người đã sáng lập Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất nhằm giúp cho việc dạy kinh bổn và giáo lý trong các xứ họ. Cả hai Đức Cha, Đức Cha Phao-lô Giu-se và Đức Cha Giu-se Ma-ri-a đã nỗ lực đào tạo những người giáo dân trong các xứ. Nhờ họ thì các tín hữu trong giáo phận mới có thể giữ vững và sống đức tin trước những khó khăn thử thách.
- Tình Hình Truyền Giáo Của Giáo Phận Bắc Ninh
1- Hiện Trạng Việc Rao Giảng Tin Mừng
Ngày nay, nhiều người đã ý thức: “Rao giảng Tin mừng là bản chất của Giáo hội” (Ad Gentes, 2). Nên hàng trăm nhà truyền giáo đã không quản ngại khó khăn để mang Tin Mừng đến cho anh chị em luơng dân ở mọi nơi trong giáo phận. Nhờ đời sống anh dũng của cha ông, của các chứng nhân tử đạo và của các nhà truyền giáo mà đời sống đức tin không ngừng phát triển và truyền lại cho các thế hệ con cháu như một kho tàng đức tin vô giá.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên hơn 60 năm qua việc truyền giáo trong giáo phận phần nào bị đình trệ. Gần đây, ý thức về truyền giáo đã bắt đầu dần dần được khơi dậy lại. Các nhóm tông đồ giáo dân đã được thành lập và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân tộc ít người và tái truyền giáo cho nhưng người khô khan nguội lạnh.
Các anh chị em truyền giáo đã không quản ngại khó khăn và can đảm mang Tin Mừng đến cho anh chị em luơng dân, những người chưa biết Chúa, cho dù họ biết rằng phải đối mặt với muôn vàn thử thách và khó khăn, thậm chí phải chịu bắt bớ tù đầy, nhưng họ vẫn luôn can cảm và tin tưởng rằng: “Có Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta” (Rm 8,31). Đặc biệt, anh chị em truyền giáo luôn nhận thấy Đức Kitô cùng đồng hành và hiện diện ở giữa họ: Đức Ki tô luôn hiện diện trong cuộc đời và sứ vụ của ta.
Ngày nay, Họ Thánh Giuse, Họ Đức Mẹ Mân Côi, Huynh Đoàn Dòng Ba Đa Minh được thành lập ở hầu hết các giáo xứ trong giáo phận để duy trì đức tin và thúc đẩy sứ mạng rao giảng Tin mừng. Đặc biệt, Nhóm Loan Báo Tin Mừng đã đi vào hoạt động để chuyên trách về việc truyền giáo. Các thành viên trong Nhóm Loan Báo Tin Mừng đã và đang hoạt động ở một số nơi trong giáo phận Bắc ninh và chúng ta có thể hy vọng thu được những hoa trái trong tương lai.
2- Những Thánh Thức Cho Việc Loan Báo Tin Mừng
Ngoài những cố gắng cho việc loan báo Tin Mừng như đã nói trên. Ngày nay công việc rao giảng Tin Mừng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trước hết, Bắc ninh không những là cái nôi của Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, mà còn là trung tâm của văn hóa và niềm tin truyền thống của Việt nam, như Tín Ngưỡng Thờ Mẫu, Thờ Ông Bà Tổ Tiên, Thờ Thiên Nhiên, Thờ Trời,…. Những tôn giáo và tín ngưỡng này đã hội nhập vào văn hóa Việt nam từ hàng ngàn năm trước, và đã bén rễ sâu vào đời sống và tâm thức của người dân Bắc ninh.
Một trong những thách thức lớn nhất là những khó khăn do não trạng vô thần từ nhiều phía. Trong khi đó, Giáo hội lại không được tham gia vào các hoạt động giáo dục hay bác ái xã hội nào và không có bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào để loan báo Tin Mừng.
Toàn cầu hóa cũng đã ảnh hưởng vào mọi lĩnh vực trong đời sống của người dân Bắc ninh. Nó đã và đang tác động vào cuộc sống bình yên trong mọi ngõ ngách ở Bắc ninh. Ngày nay, hàng triệu người dân từ các vùng quê ngèo đói phải di cư về những đô thị lớn hay phải sang các nước khác để có thể kiếm được công việc tốt hơn. Nhiều người trong số họ đã trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử và bạo hành ở môi trường làm việc. Bên cạnh đó, nhân phẩm con người ngày càng bị lạm dụng, rất nhiều gia đình đã và đang trong tình trạng đổ vỡ, hàng ngàn ca nạo phá thai mỗi năm, giới trẻ thì đang xuống cấp về luân lý và đang mất niềm tin vào chính bản thân và xã hội….
Cũng vậy, toàn cầu hóa và khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho tình trạng nghèo đói lại càng thêm trầm trọng hơn, bởi vì đồng lương thì rẻ mạt, người lao động bị bóc lột, tình trạng thất nghiệp ngày càng cao, theo như con số thống kê thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2009 đã có 400,000 người bị mất việc làm, con số này vẫn còn tăng hơn nữa trong những tháng cuối năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010. Điều này càng làm gia tăng thêm gánh nặng cho bản thân và gia đình họ. Còn đối với hơn 70% dân làm nghề nông, bão lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên đang làm cho đời sống của họ ngày càng cơ cực thêm.
Về mặt tâm linh, quan niệm sai lầm về tự do cá nhân ngày càng xảy ra trong bộ phận giới trẻ ở Việt nam. Hôn nhân thử ngày càng trở nên phổ biến đã làm tổn hại đến giá trị cao quý của hôn nhân truyền thống; như chung thủy trong đời sống hôn nhân và nếp sống gia phong trong đời sống gia đình. Ngày nay nhiều bạn trẻ đang thực sự trải qua những khủng hoảng về đời sống tâm linh và xung đột về giá trị sống, điều này làm cho họ bị trống rỗng về những giá trị của kiếp sống nhân sinh.
Ở môi trường giáo dục thì trẻ em bị giáo dục về chủ nghĩa vô thần, vì vậy phần nhiều các bạn trẻ ngày nay suy nghĩ mọi sự chỉ dựa trên khoa học thực nghiệm, chỉ biết đến vật chất, đánh mất phần tâm linh, coi tôn giáo là lạc hậu và mê tín dị đoan.
3- Triển Vọng Của Việc Rao Giảng Tin Mừng
Dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II và Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu về Truyền giáo, giáo phận Bắc Ninh đã bước sang kỷ nguyên mới, một trang sử mới đã và đang thực sự được mở ra ở Bắc Ninh. Nhiều tín hữu đã ý thức được sứ mạng của mình, sứ mạng được dẫn dắt bởi ánh sáng Tin Mừng và được nuôi dưỡng bởi ơn Chúa qua các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể đã giúp người Kitô hữu tăng thêm nghị lực và can đảm để mang Tin Mừng đến cho anh chị em chưa biết Chúa.
Những khó khăn trong xã hội ngày nay vô hình chung lại là điều rất thuận lợi cho việc loan báo Tin Mừng. Ngày nay hơn bao giờ hết, người ta đang mong muốn và khát khao đời sống tâm linh. Những tôn giáo lớn, hay niềm tin và văn hóa truyền thống trong tâm thức người Việt khơi lên niềm khát vọng để chuận bị cho người ta đón nhận giá trị Tin Mừng. Bên cạnh đó, người ta thấy chủ nghĩa Maxist không phải là giải pháp hữu hiệu cho đất nước, khủng hoảng kinh tế đang xảy ra ở khắp mọi nơi…, tất cả những điều này là cơ hội vàng ngọc để ngày càng có nhiều người mong muốn đón nhận Lời Chúa và sống theo giá trị Tin Mừng Mừng.
Ngày nay, trách nhiệm và sứ vụ loan báo Tin Mừng ở Bắc ninh được giao phó cho chính chúng ta, những người Công giáo. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng trở nên cấp thiết hơn bao giớ hết, vì Bắc ninh là cách đồng truyền giáo bao la bát ngát. Bởi vậy, Nhóm Loan Báo Tin Mừng đã được thiết lập ở Bắc Ninh từ 4 năm trước cốt để cung cấp các nhà truyền giáo chuyên môn cho giáo phận Bắc ninh và những vùng lân cận.
Hiện tại giáo phận Bắc ninh có 56 linh mục, 42 chủng sinh, 70 ứng sinh chủng viện, 220 thành viên tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, 7 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, 52 nữ tu dòng Đa minh, 957 giáo lý viên, 83 nhà truyền giáo giáo dân. Thêm vào đó là hàng ngàn thành viên trong các tổ chức Công giáo tiến hành ở tất cả các giáo xứ cũng là nguồn nhân lực vô giá và là niềm hy vọng để viết lên trang sử mới trong cách đồng truyền giáo ở giáo phận Bắc ninh thân yêu.
Chúng tôi thực sự nhận thấy ân sủng của Chúa Thánh Thần đang thúc đẩy mỗi người chúng ta ra đi đem lại sức sống mới cho công việc rao giảng Tin Mừng ở Bắc ninh. Như lời Đức Giêsu vẫn luôn luôn thôi thúc trong tâm hồn mỗi người chúng ta: “Ta còn phải loan báo Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa. vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43).
III- Việc Truyền Giáo Trong Giáo Phận Bắc Ninh Ngày Nay
Truyền giáo là bản chất của Giáo hội, vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha. Đức Giê-su Ki-tô, trong suốt những năm sống ở trên trần gian, đã thực thi sứ vụ ấy bằng việc đến với mọi người không phân biệt họ là ai. Sau khi về trời, Ngài đã truyền lệnh cho các Tông Đồ phải đi đến khắp nơi trên trái đất loan báo Tin Mừng cho mọi người thuộc mọi dân nước và ngôn ngữ.
Vâng lệnh truyền của Ngài, các Tông Đồ – kể từ thời Giáo Hội sơ khai – đã mạnh dạn đến với những môi trường cần ánh sáng Phúc Âm và đem Tin Mừng đến cho mọi quốc gia, mọi dân tộc. Nhờ những nhà truyền giáo nhiệt thành qua các thế hệ mà Ánh Sáng Phúc Âm đã đến được với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc. Là người Công Giáo, tất cả chúng ta đều được mời gọi đem Tin Mừng đến cho những ai chưa biết Chúa. Chúng ta hãy theo chân những nhà truyền giáo-tổ tiên, cha anh chúng ta – đến với mọi dân nước và đem Tin Mừng đến cho họ.
1-Theo Bước Chân Của Các Nhà Truyền Giáo
Như đã nói tới ở trên, truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Đó cũng là nhiệm vụ của mỗi tín hữu Công Giáo, những người đã lãnh nhận phép Rửa Tội. Đó là lời kêu gọi, lời mời và là mệnh lệnh của Đức Giê-su mà tổ tiên chúng ta bằng đức tin đã quảng đại và nhiệt tình đáp lại.
Những nhà truyền giáo đầu tiên đến với giáo phận Bắc Ninh từ thế kỷ 17 là những tu sĩ Dòng Tên, Dòng Đa-minh, và những Thành viên của Hội Thừa Sai Pa-ri (MEP). Những thế hệ người Công Giáo đầu tiên trên mảnh đất Bắc Ninh đã phải chịu rất nhiều
khó khăn, bức bách kéo dài trong nhiều thế kỷ. Giáo phận Bắc Ninh diễm phúc có được hàng trăm vị tử đạo trong giai đoạn ấy. Thực vậy, dù gặp phải muôn vàn nguy hiểm và khó khăn, những người Công Giáo khi ấy vẫn can đảm rao giảng Tin Mừng cho những người họ gặp gỡ. Chính nhờ lòng hăng say của họ mà Tin Mừng đã lan tỏa đến mọi nơi.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn đó rất nhiều người chưa được nghe Tin Mừng. Điều ấy đang thôi thúc chúng tôi phải thực thi sứ vụ truyền giáo của mình; đem Tin Mừng đến cho những người xung quanh. Nhìn vào con số thống kê của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta không thể không cảm thấy xấu hổ, vì sau hơn bốn trăm năm truyền giáo, tỉ lệ người Công Giáo trong đất nước chúng ta vẫn còn rất thấp, vẫn chưa đạt tới 8% trong tổng số 86 triệu người dân. Với giáo phận Bắc Ninh, tỉ lệ này còn thấp hơn rất nhiều: chỉ có 1,38% (tức là chỉ có 125,000 người Công Giáo trong tổng số 9,000,000 người dân trong giáo phận). Một lần nữa, những con số thống kê trên đang thúc giục chúng ta, những người Công Giáo của Giáo Phận Bắc Ninh, hãy dấn thân thực thi sứ vụ truyền giáo của mình cho những người ngoài Công Giáo.
2-Đến Với Môi Trường Cần Ánh Sáng Tin Mừng
Như đã đề cập ở trên, nhu cầu truyền giáo đang rất cấp thiết tại giáo phận Bắc Ninh. Thực vậy, nhìn vào sự phân bố dân số Công Giáo, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng vẫn còn nhiều vùng trong giáo phận chưa có sự hiện diện của người Công Giáo. Trong quá khứ, do thiếu linh mục nên nhiều người Công Giáo sống xa Tòa Giám Mục hầu như không được lãnh nhận các Bí Tích, ngay cả Bí Tích Hôn Phối. Chính vì điều ấy mà con cháu họ đã không thể sống và giữ gìn đức tin của cha ông. Những người trẻ ấy dù cũng biết rằng cha ông họ là người Công Giáo nhưng bản thân họ thì lại hầu như không có chút khái niệm gì về đức tin Công Giáo.
Cũng vậy, do thiếu linh mục trong suốt một thời gian dài, nên nhiều người Công Giáo ở các vùng ngoại ô, các vùng nông thôn đã không được dạy dỗ nhiều về giáo lý và những chân lý Tin Mừng. Nhiều người cho đến nay chỉ mang danh là người Công Giáo chứ không hiểu biết giáo lý và sống đức tin. Với những thách thức của toàn cầu hóa và đa nguyên hóa, những người trẻ trong các vùng nông thông đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn và sống đức tin của mình. Nhiều người trẻ dưới 15 tuổi đã phải kiếm sống xa gia đình mà không được trang bị một nền tảng kiến thức giáo lý đẩy đủ để có thể đứng vững trước những thách đố về đức tin trong môi trường làm việc. Những thực tế ấy đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về nhu cầu cấp thiết của việc tái truyền giáo.
Những thực tế nêu trên đang mời gọi những người Công Giáo nhiệt thành trong giáo phận hãy nhiệt tâm quảng đại dấn thân cho công cuộc truyền giáo, mỗi người tùy theo cách thức và hoàn cảnh của mình, như được viết trong Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003 như sau: “Hãy hiện diện trong môi trường Việt Nam, bởi vì không có nơi nào mà con người xa cách và lạ lẫm đối với Giáo Hội. Giáo Hội phải rao giảng Đức Giê-su cho mọi người và hãy làm cho mọi người được biết Ngài. Tin Mừng phải được thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống của con người hôm nay.”
3-Truyền Giáo Bằng Những Phương Tiện Phù Hợp Cho Con Người Hôm Nay
Làm sao chúng ta có thể truyền giáo cho con người hôm nay, những người đang bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ của chủ nghĩa tiêu thụ, và não trạng duy vật? Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003 đã đưa ra một hướng dẫn cụ thể cho việc thực thi sứ vụ này như sau: “Nền tảng của việc truyền giáo là cầu nguyện và thái độ sẵn sàng bước theo Đức Giê-su, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.” Thực vậy, cầu nguyện luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo ở bất cứ thời điểm nào. Như Đức Giê-su nói: “Lúa chín thì nhiều mà thiếu thợ gặt, vậy anh em hãy xin chủ ruộng hãy sai thợ gặt đến” (Mt 9,37-38). Không có cầu nguyện công cuộc truyền giáo không thể nào mang lại thành quả. Tuy nhiên, việc hiện diện của nhà truyền giáo cũng rất quan trọng. Họ không chỉ đem lại những lời nói suông mà phải đem lại chứng từ bằng cuộc sống. Các nhà truyền giáo cũng được khuyên hãy biết sử dụng những phương tiện phù hợp để mang lại hiệu quả tốt đẹp cho công cuộc truyền giáo.
Những ý tưởng trên đây đã được viết rất rõ trong Thư Mục Vụ Năm 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Để chân lý Phúc Âm được rõ ràng, có thể được hiểu và được đón nhận, các nhà truyền giáo phải biết cách sử những phương tiện phù hợp để rao giảng Tin Mừng cho con người thời đại chúng ta. Phương tiện phù hợp ấy chính là ngôn ngữ rõ ràng và trong sáng.” Thực vậy, chân lý của Phúc Âm sẽ dễ dàng thấm nhập vào trongtâm hồn của con người khi được rao giảng bằng ngôn ngữ bản địa của người nghe. Cũng vậy, những nhà truyền giáo phải rao giảng Tin Mừng với một thái độ khiêm tốn, một tinh thần đối thoại và thái độ tôn trọng với nền văn hóa bản địa. Đó cũng chính là thái độ mà Công Đồng Vaticanô II đã đề ra. Tuy nhiên, để áp dụng những hướng dẫn của Công Đồng, các nhà truyền giáo của chúng ta cũng cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng; họ nên đến sống giữa những người dân tộc, trong những làng quê của những người dân tộc ấy và học ngôn ngữ của họ để loan báo Tin Mừng cho họ bằng chính ngôn ngữ của họ.
- Những Việc Làm Cụ thể
1- Tổ Chức và Đào Tạo Các Nhà Truyền Giáo.
-Việc đầu tiên nhằm thúc đẩy công cuộc rao giảng Tin Mừng là khích lệ mọi Ki-tô hữu cầu nguyện cho các hoạt động này. Bên cạnh đó, để công cuộc rao giảng Tin Mừng có kết quả thì cũng cần có những yếu tố khác dưới đây:
+ Đào tạo người Ki-tô hữu thành những chứng nhân Tin Mừng qua lối sống của họ như: làm từ thiện và sống tinh thần hiệp nhất.
+ Đào tạo nguồn nhân lực (giáo dân, tu sĩ, linh mục) cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Chuẩn bị cho họ cả về đời sống thiêng liêng và nhân bản cũng như các kĩ năng mục vụ.
+ Các phương tiện vật chất khác cũng cần thiết để đem lại hiệu quả của công cuộc rao giảng Tin Mừng, như sách báo, phương tiện đi lại, điểm rao giảng Tin Mừng, nhà thờ và nhà nguyện nơi mà các tín hữu có thể quy tụ để cầu nguyện và học giáo lý.
– Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng của giáo phận, ngoài việc tìm kiếm nguồn tài chính cho công cuộc rao giảng Tin Mừng và đào tạo các thành viên mới cho Nhóm Loan Báo Tin Mừng của mỗi tỉnh, còn phải thiết lập Nhóm Loan Báo Tin Mừng ở mỗi giáo xứ và kêu gọi những người thiện chí cùng tham gia. Nhóm Loan Báo Tin Mừng cấp giáo xứ hoạt động dưới sự điều khiển của cha xứ và theo kế hoạch của Ủy Ban Rao Giảng Tin Mừng của giáo phận. Họ cùng cộng tác với Nhóm Loan Báo Tin Mừng của các giáo xứ khác để mang Tin Mừng đến cho anh chị em chưa biết Chúa.
– Ủy Ban này sẽ đưa ra những kế hoạch chi tiết cho việc rao giảng Tin Mừng trong từng khu vực; tổ chức những hội nghị và đào tạo nhằm giúp đỡ phát triển kỹ năng rao giảng Tin Mừng cho các nhà truyền giáo, giáo lý viên, giáo dân, sinh viên và giới tri thức Công Giáo; tổ chức diễn đàn về rao giảng Tin Mừng và đối thoại liên tôn.
– Nhóm Loan Báo Tin Mừng cấp giáo xứ nên cổ võ việc cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, tổ chức các hội nghị về đào tạo và động viên tất cả giáo dân trong giáo xứ tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng. Các Nhóm Loan Báo Tin Mừng ở các giáo xứ được thiết lập trước nên liên kết với những Nhóm mới được thiết lập ở các vùng xa xôi để giúp đỡ họ hoạt động cho có hiệu quả.
2-Đến với Người Khác
* Đối với Nhóm Loan Báo Tin Mừng: Trong thực tế, một số hoạt động rao giảng Tin Mừng trên đây đang được tiến hành tại giáo phận Bắc Ninh; đặc biệt là công việc rao giảng Tin Mừng của Nhóm Loan Báo Tin Mừng của giáo phận được thành lập từ bốn năm trước đã có được những thành quả nhất định. Tám mươi ba tông đồ giáo dân đã và đang sinh sống và làm việc ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh khác nhau trong giáo phận để cùng sống và làm việc với người địa phương, làm chứng nhân cho Tin Mừng qua đời sống hằng ngày và lời rao giảng của họ. Các tông đồ giáo dân này được trợ cấp một phần từ quỹ rao giảng Tin Mừng của giáo phận. Mỗi tháng, các thành viên của Nhóm trở về Tòa Giám Mục hay nhà xứ ở gần khu vực họ sinh sống để tĩnh tâm và chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo. Mỗi năm, họ được tham dự một khóa đào tạo kéo dài khoảng một tháng về Kinh Thánh và giáo lý, về đời sống và kĩ năng giao tiếp, về vai trò lãnh đạo…. Những thách thức mà hiện nay họ đang phải đối mặt là học ngôn ngữ của người địa phương.
Ủy Ban Rao Giảng Tin Mừng của giáo phận có nhiệm vụ gây quỹ cho công tác đào tạo và sinh hoạt phí cho các thành viên trong Nhóm, cũng như việc dịch thuật và xuất bản sách giáo lý, kinh bản bằng các ngôn ngữ địa phương.
* Rao giảng Tin Mừng qua việc Đối Thoại: Công Đồng Vaticanô II đã cho thấy đối thoại là phương pháp rao giảng Tin Mừng rất hữu hiệu trong thời đại mới. Vì vậy, giáo phận cũng lựa chọn phương pháp đối thoại như là một ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng. Vì ở Việt nam nói chung và giáo phận Bắc Ninh nói riêng, các tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống (như Thờ Cúng Tổ Tiên, Tôn Giáo Vật Linh, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo….) đã hiện diện ở Việt Nam hàng nghìn năm qua. Bên cạnh đó, Bắc Ninh chính là cái nôi của Phật giáo ở Việt Nam với những ngôi chùa có niên biểu từ thế kỷ thứ hai. Từ những trung tâm Phật giáo này, Phật giáo đã phát triển khắp Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam qua các thế kỷ.
Qua việc đối thoại, chúng tôi muốn đem Tin Mừng đến với mọi người trong giáo phận Bắc Ninh, dựa trên việc đối thoại niềm tin và qua đời sống. Qua đối thoại, Tin Mừng và văn hóa, Giáo hội và xã hội sẽ hiểu nhau hơn.Trong tiến trình đối thoại này, các linh mục và các nhà truyền giáo sẽ thường xuyên thăm viếng mọi người thuộc các tôn giáo bạn vào những dịp lễ hội của họ, đồng cảm và chia sẻ với họ trong những lúc vui cũng như lúc buồn. Chúng tôi tin tưởng rằng những cuộc thăm viếng này sẽ làm cho Tin Mừng trở nên sống động và giúp cho những người ngoài Kitô giáo nhận ra “Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ”, và hiểu hơn nữa về Kitô giáo.
* Rao Giảng Tin Mừng qua Hội Nhập Văn Hóa: Hội nhập văn hóa là một nhân tố không thể thiếu trong việc rao giảng Tin Mừng ngày hôm nay. Nó thể hiện một lối “sống Tin Mừng ngay tại quê hương Bắc Ninh.” Trong khi làm như vậy, một mặt chúng ta sử dụng các giá trị truyền thống văn hóa để diễn tả đức tin Ki-tô giáo, mặt khác chúng ta mang văn hóa truyền thống hòa nhập vào niềm tin Ki-tô giáo. Đó là sự trao đổi hay sự chia sẻ giữa đức tin và văn hóa.
Trong quá trình hội nhập văn hóa tại Bắc Ninh, chúng tôi nhấn mạnh đến một số lãnh vực nổi bật như: cổ võ đạo hiếu, tôn kính ông bà tổ tiên và thờ phượng Thiên Chúa, cũng như cổ võ tình huynh đệ đại đồng, những giá trị rất được nhấn mạnh trong truyền thống Nho giáo. Trong phụng vụ, giáo phận Bắc Ninh đã sáng tác các bài hát theo nội dung Thánh Vịnh dựa theo các làn điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh; làm thơ và viết chuyện để diễn tả nội dung giáo lý; Thánh lễ được cử hành hoàn toàn bằng tiếng Việt. Chúng tôi cũng đã áp dụng những mô hình suy tư của người Việt trong phụng vụ và trong truyền đạt đức tin.Trong kiến trúc, chúng tôi cũng bắt đầu hội nhập với nghệ thuật truyền thống (các giáo đường được thiết kế theo kiến trúc Đông Phương). Các sự kiện phụng vụ (Giáng Sinh, Tuần Thánh, lễ Bổn Mạng của xứ họ, …) được tổ chức theo các lễ hội truyền thống (rước kiệu, ca kịch, các nhạc cụ truyền thống…).
3- Việc Từ Thiện
Giáo phận đã thực thi việc bác ái qua các hoạt động cụ thể như: cứu trợ cho các nạn nhân gặp thiên tai và giúp đỡ người nghèo trong nhiều lãnh vực. Về lâu dài, chúng tôi nhắm đến mục đích phát triển toàn diện con người, giúp đỡ người nghèo để họ sống xứng đáng với phẩm giá con người, bởi vì “phát triển là danh xưng mới của hòa bình” (Progressio Populorum). Các hoạt động bác ái xã hội dễ dàng được chấp nhận hơn, bởi vì “con người ngày nay lắng nghe chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe thầy dạy là cũng bởi vì thầy dạy là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi,14). Người môn đệ chân chính sẽ phục vụ người khác bằng tình yêu vô vị lợi. Đây không phải là cách rao giảng Tin Mừng quá xa lạ. Tuy nhiên, rao giảng Tin Mừng phải toàn vẹn và theo từng hoàn cảnh cụ thể. Đức Phao-lô VI đã khẳng định: việc rao giảng Tin Mừng nhắm đến việc giải thoát hoàn toàn khỏi tội lỗi, nhưng cách đặc biệt việc rao giảng Tin Mừng cũng nhắm đến việc giải phóng khỏi bất cứ những gì áp bức nhân loại, chẳng hạn như những người bị bỏ rơi, ốm đau, và nghèo đói. Cụ thể, chúng tôi quan tâm đến những người nghèo, bệnh tật và thấp cổ bé họng. Với những gia đình nghèo, chúng tôi trao học bổng giúp cho con em họ có điều kiện đến trường, xây dựng nhà ở và chương trình nước sạch cho họ. Với người bệnh, chúng tôi quan tâm chăm sóc bằng việc khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. Cho đến nay, giáo phận đã có một phòng khám cho người nghèo, một nhà nuôi dưỡng bệnh nhân tật nguyền, nhiều tủ thuốc ở các giáo xứ vùng xa; chúng tôi cũng đang có các nhân viên phục vụ trong bốn trại phong trên địa bàn giáo phận. Để các hoạt động bác ái từ thiện này được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa, chúng tôi rất cần sự ủng hộ và trợ giúp từ tất cả những người hảo tâm.
- Tóm Lại
Hướng tới phương thức rao giảng Tin Mừng cho kỷ nguyên mới này, chúng tôi đang nỗ lực sống đời sống chứng tá Tin Mừng để nhờ đó Tin Mừng của Chúa Phục Sinh được thấm nhuần vào đời sống và tâm thức của người dân Bắc Ninh, nhằm giúp họ đến với chân lý của Tin Mừng qua tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi đang cố gắng giúp cho người tín hữu Công Giáo trong giáo phận Bắc Ninh ý thức và năng động hơn trong việc rao giảng Tin Mừng. Để có được mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo tại giáo phận Bắc Ninh, chúng tôi luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ban nhiều ân sủng cho việc rao giảng Tin Mừng.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn tất cả những người thiện chí, các nhà hảo tâm cùng các tổ chức đã cầu nguyện và giúp đỡ chúng tôi. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi và các thánh tử đạo Bắc Ninh chúc lành cho quý vị và những hoạt động của quý vị vì Nước Trời.
Tài liệu tham khảo:
- Vaticanô II. Ad Gentes (Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội).
- Lumen Gentium (Hiến chế tín lý về Giáo Hội).
- Phaolô VI. Evangelii Nuntiandi (Tông huấn về việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới ngày nay).
- Populorum Progressio (Thông điệp về phát triển các dân tộc).
- Gioan Phaolô II. Ecclessia in Asia (Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu).
- Eiliers, Franz-Josef, ed. For All the People of Asia, Vol. 4. Quezon City, Philippines: Claretian Publications, 2007.
- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Thư Chung năm 2003.
- Nguyễn Ngọc Sơn. “Gia Đình Việt nam Xưa và Nay.” Hiệp Thông, số 15, (tháng 12 năm 2006): 96-114.
Bắc Ninh ngày 20/09/2010
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Giáo Phận Bắc Ninh