Người khuyết tật trong đời sống Giáo Hội
NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Lm. Justin Glyn, SJ
Giáo sư Giáo luật, Trường Cao đẳng Thần học Công giáo
Melbourne, Australia
WHĐ (10.12.2023) – Hồi còn trẻ, có một lần tôi đi siêu thị cùng gia đình. Một người phụ nữ tỏ ra rất quan tâm tiến lại gần cha mẹ tôi và nói rằng thật đáng tiếc khi cậu bé tội nghiệp bị mù. Rồi bà ấy hỏi “Cậu ấy làm gì cả ngày?”, và tôi đã trả lời “Cậu ấy hành nghề luật”.
Thật không may, chúng ta trong Giáo hội thường ở trong tình trạng đó, thiếu thiện chí để nhìn nhận cuộc sống của những thành viên khuyết tật một cách chính xác như nó là – cuộc sống của những người con bình đẳng của Thiên Chúa, cùng nhau lao động tùy theo ân sủng và tài năng trong vườn nho của Chúa. Vẫn còn sự phân biệt đối xử thịnh hành đối với người khuyết tật trong Giáo hội. Họ thường không tới gần được các tòa nhà, không tiếp cận được các tài liệu và các giả định thường không phản ánh thực tế sống động của tình trạng khuyết tật. Ví dụ, khi nộp đơn gia nhập Dòng Tên, thoạt đầu tôi được cho biết rằng tôi nên tìm kiếm một dòng ít học thuật hơn. Chỉ khi tôi cho người chiêu mộ ơn gọi biết rằng tôi đang hoàn thành bằng tiến sĩ (được hoàn thành vào năm tôi gia nhập) thì tôi mới được phép tiến hành. Tuy nhiên, người khuyết tật được hỗ trợ, và hỗ trợ người khác, bởi các mạng lưới và cộng đồng. Chúng tôi cũng là Giáo hội.
Tôi có đặc ân lớn là được sống, không chỉ trong một giáo xứ mà còn trong một cộng đoàn tu trì luôn hỗ trợ nhau – Dòng Tên. Đồng thời, cả trước khi bước vào đời sống tu trì và hiện nay, tôi đã được hỗ trợ bởi gia đình, bạn bè và cộng đoàn rộng lớn hơn, những người không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất cơ bản của tôi mà còn cung cấp sự đồng hành, hỗ trợ sự trưởng thành trong đức tin và đưa ra những lời khuyên khôn ngoan.
Là một người khuyết tật, tôi cũng cùng bước đi với những người khác để tìm cách mang lại một thế giới tốt đẹp hơn và công bằng hơn cho những người đang bị tổn thương, và thường bị loại ra khỏi các cuộc đàm luận của Giáo hội và thế giới.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, nhiều người khuyết tật tham gia theo những cách hạn chế hơn nhiều. Một số hoàn toàn bị loại trừ, trong khi những người khác bị hạn chế để tham gia như một cuộc sống thể chế hóa sẽ cho phép. Đúng là có những hình thức cộng đồng tham gia cách đặc thù vào đời sống Giáo hội (chẳng hạn như các cộng đoàn L’Arche, Faith and Light và nhiều giáo xứ dành cho người Điếc) nhưng những hình thức này thường chỉ giới hạn cho các thành viên của họ, và cơ hội để tương tác với Giáo hội rộng lớn hơn cũng như những cuộc đối thoại ảnh hưởng rộng hơn trong Giáo hội thường bị hạn chế.
Có một nhu cầu rất lớn, đặc biệt là khi chúng ta chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính Hiệp hành, để Giáo hội đón nhận và làm cho lời tuyên bố trọng đại của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti (FT) thành của mình, lời tuyên bố ấy được những người Công giáo khuyết tật hân hoan chào đón:
Tôi muốn nhắc đến những “người lưu vong ẩn mặt” bị đối xử như bộ phận ngoại lai trong xã hội. Nhiều người khuyết tật “cảm thấy họ sống mà chẳng thuộc về ai và cũng chẳng được tham dự vào việc gì”. Còn nhiều người khác bị “ngăn cản không được có đầy đủ tư cách công dân”. Mối quan tâm của chúng ta không chỉ là chăm sóc họ mà còn bảo đảm cho họ được “tham gia tích cực vào cộng đồng dân sự và Giáo hội. Đó là hành trình vừa đòi hỏi lại vừa khó khăn, sẽ ngày càng góp phần vào việc đào tạo lương tâm biết nhìn nhận mỗi cá nhân là một con người duy nhất và không thể thay thế. (FT 98)
Việc chào đón này bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành. Trong lãnh vực lý thuyết, nền thần học của chúng ta vẫn còn bị bại hoại bởi hai thái cực, một bên coi người khuyết tật như là một gánh nặng chưa được giải quyết của tội nguyên tổ, còn một bên coi người khuyết tật như là “những linh hồn tế thần”, “biểu tượng đặc quyền của Người Con bị đóng đinh”. Cả hai hình ảnh này đều không có bất kỳ một khoảng trống nào cho ân sủng – hoặc ngay cả cho phép Rửa. Xét cho cùng, phép Rửa có ích gì nếu nó không ảnh hưởng trên tội lỗi hay ân sủng?
Mặc dù chúng tôi không phải là biểu tượng cũng chẳng phải là lời cảnh báo, nhưng điều đó không có nghĩa là khuyết tật không có gì để cống hiến cho thần học. Khuyết tật là một lời nhắc nhở rằng bản chất con người là giới hạn. Vâng, những người khuyết tật thiếu những năng lực mà người khác có, nhưng chẳng ai có đầy đủ các năng lực. Con người ai cũng có giới hạn. Chúng ta được sinh ra với một loạt các khả năng rất cụ thể. Mặc dù những khả năng này phát triển khi chúng ta trưởng thành, nhưng chúng cũng mất dần khi chúng ta già đi. Có giới hạn và ranh giới là một phần của tình trạng con người. Điều khó khăn là xã hội chỉ chấp nhận một số khuyết tật chứ không phải mọi khuyết tật. Bạn sẽ thường thấy các đường dốc cho phép đi vào viện dưỡng lão và nhà trẻ. Bạn sẽ không tìm thấy chúng thường xuyên bên ngoài thư viện, tòa nhà hội đồng, nhà thờ và tòa án. Chính việc thiếu phương thế tiếp cận này đã biến những sự khiếm khuyết (chẳng hạn như mù lòa hoặc bại liệt) thành khuyết tật (không có khả năng tiếp cận xã hội và đóng vai trò của chúng tôi trong đó).
Những giới hạn về khả năng của con người như thế có nghĩa là sự cứu độ là một công trình chung. Chúng ta phụ thuộc vào nhau và vào Thiên Chúa. Hình ảnh của Thiên Chúa mà chúng ta được tạo thành theo đó không phải là một sự hoàn hảo tự tại phạm thượng nào đó làm cho chúng ta ngang hàng với Đấng dựng nên chúng ta, nhưng đúng hơn, đó là khả năng để tương quan với Thiên Chúa và người thân cận của chúng ta. Tất cả chúng ta, trong mọi thời đại, hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và vào các anh chị em của mình. Như Thánh Phaolô đã nói trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô:
Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày”. Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. (1Cr 12, 14-26)
Một Giáo hội nói lên và nội tâm hóa những sự thật này trong thần học của mình sẽ là một Giáo hội, mà mượn hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, mang những người lưu vong trở về nhà. Tuy nhiên, với tư cách là Giáo hội, chúng tôi có vị trí đặc biệt để nói lên sự thật về tình trạng khuyết tật trong lãnh vực thực hành hàng ngày.
Tôi nhận thấy rằng đời sống cộng đoàn nói riêng đã nuôi dưỡng ý thức tham gia và hiệp thông (mang tính bí tích). Cho dù đó là chia sẻ Thánh lễ, một lời cầu nguyện hay ăn tối, tôi đã được ban tặng món quà tuyệt vời của những người khác mà tôi cùng nhau bước đi trên đường (syn hodos). Với tư cách là linh mục, tôi cử hành các bí tích với người khác – chia sẻ niềm vui và nỗi buồn và bước vào thế giới của niềm vui và hy vọng (trong các Thánh lễ hoặc Bí tích rửa tội) và đồng hành với những người đau buồn (như khi bước đi với những người hấp hối hoặc những nạn nhân bị tra tấn trong các trung tâm giam giữ người nhập cư). Những giới hạn của tôi cũng đã mang lại cho tôi những nhận thức vô giá đối với công việc của tôi như là một linh mục. Một quan điểm phẩm trật, quá thường xuyên, tạo ra một mô hình nâng cao chức tư tế mà – ở mức tồi tệ nhất – đã dẫn đến sự ngạo mạn và lạm dụng. Là một linh mục khuyết tật, tôi nhận thức về bản chất con người giới hạn tôi chia sẻ với những người tôi phục vụ. Do đó, tôi có thể đứng cùng với những người khác, không phải với tư cách là một nhân vật có thẩm quyền – từ một vị trí có sức mạnh – mà đúng hơn, là từ một điểm lợi thế của sự yếu đuối chung.
Mặc dù thế giới của sự liên đới khuyết tật vượt qua ranh giới đức tin và giáo xứ, nhưng đó vẫn là một cộng đoàn. Chúng tôi đã sống với sự phân biệt đối xử và gạt ra bên lề xã hội và chúng tôi có cơ hội để hỗ trợ lẫn nhau. Trong cộng đồng người khuyết tật, tất cả chúng tôi đều quen bù đắp cho những hạn chế của người khác và hỗ trợ lẫn nhau ngay cả khi các cơ chế hỗ trợ truyền thống – chẳng hạn như cơ chế hỗ trợ của gia đình và giáo xứ – bị phá vỡ.
Theo tôi, sứ mạng của Giáo hội phải bao gồm sự hỗ trợ lẫn nhau này, không phải bằng việc nói cho mọi người biết mọi thứ đang diễn ra như thế nào, mà là học hỏi từ kinh nghiệm của những người khuyết tật và, đi theo cách mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã luôn chỉ ra, đặt những người bị gạt ra bên lề vào trung tâm của việc loan báo Tin Mừng. Xét cho cùng, chúng tôi là “chúng ta” chứ không phải “họ” và tất cả chúng ta đều là những người dự phần vào nhân loại dễ bị tổn thương và giới hạn mà Chúa Kitô đã mang lấy và thánh hóa.
Sự hỗ trợ lẫn nhau nơi người khuyết tật đã được duy trì rất rõ nét trong thời kỳ Covid. Những người khuyết tật đã hỗ trợ, cung cấp thông tin và chăm sóc lẫn nhau trong khoảng thời gian đen tối này. Hiện thân sống động này của sứ điệp thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô có khả năng chỉ đường cho các giáo xứ, giáo phận và những người lãnh đạo Giáo hội quan sát và tuân theo trong lĩnh vực cura personalis (chăm sóc cá nhân) và tổ chức tập thể tốt hơn.
Đây là một sự hoán cải, có thể và nên mở rộng ra mọi khía cạnh của đời sống và quản trị Giáo hội. Người khuyết tật có thể tham gia các phụng vụ của Giáo hội một cách bình đẳng. Chúng tôi có thể là thành viên của quản trị – từ giáo xứ đến giáo phận và từ tòa án đến bộ. Với khả năng ra quyết định được hỗ trợ, những người khuyết tật về trí tuệ cũng có thể đóng một vai trò có ý nghĩa trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, dù là trong Giáo hội hay rộng hơn là trong xã hội.
Nếu chúng ta không phải là thành phần của một Giáo hội nói với chúng ta thì tiếng nói của chính Giáo hội sẽ không được lắng nghe đầy đủ. Người khuyết tật có thể và nên nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội. Dần dần tiếng nói của các nhà thần học khuyết tật đã nổi lên. Những điều này cần được nuôi dưỡng và khuyến khích nhiều hơn nữa. Tôi tin rằng Thần Khí hiện đang tạo ra một cơ hội đáng hoan nghênh để thay đổi – một cơ hội đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nắm bắt.
Trong mỗi cuộc đời đều chứa đựng một thế giới. Do đó, 15% dân số bị khuyết tật mang đến sự đa sắc của những góc nhìn và câu chuyện đang chờ được lắng nghe. Chúng tôi có thể lao động trong tất cả các lĩnh vực của Giáo hội mà những người không bị coi là khuyết tật làm. Ngoài ra, chúng tôi mang đến những trải nghiệm cá nhân từ những khuyết tật của mình và sự hiểu biết về việc gạt ra bên lề và phân biệt đối xử. Chúng tôi có thể đánh thức Giáo hội để có những nhận thức mới về sự hạn chế và tiềm năng liên đới của Giáo hội. Như Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã chỉ ra, chúng ta cũng là Giáo hội. Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau bước đi, không còn là chúng tôi và họ, những người lưu vong hay những công dân nhưng là một trong Chúa Giêsu Kitô.
Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com (23.12.2022)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)