Nỗi lòng “soeur giáo:

NỖI LÒNG “SOEUR GIÁO”

Nhanh lên chị ơi! Tiếng gọi được cất lên từ phía cổng ngoài của Tu Viện sau khi chiếc xe nổ máy, trời đã xế chiều và hoàng hôn đã buông xuống. Từ trong phòng chị vội vàng cầm mấy cuốn sách Giáo Lývồn vã chạy ra. Bước chân vồn vã của chị làm tâm trí tôi miên man, tôi nhớ đến hình ảnh cha tôi. Lúc còn bé, mỗi ngày trước bữa cơm tối, tôi thấy cha thường lấy sách dành cho Giáo Lý Viên ra đọc khoảng 15 đến 30 phút, cha chuẩn bị bài để tối lên lớp dạy giáo lý đấy! Có thể đây cũng là cái duyên, là con đường Chúa nhen nhóm dẫn tôi đến với vai trò là “Soeur giáo” (Soeur dạy Giáo Lý) tại giáo phận Kinh Bắc này.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất xứ Nghệ, từ nhỏ tôi đã được tham gia học Giáo lý qua các lớp: Đồng Cỏ Non, Căn Bản, Kinh Thánh, Vào Đời; rồi Chúa đã dẫn tôi đi theo Ngài trong ơn gọi dâng hiến. Trong giai đoạn đào tạo sơ khởi của Dòng, tôi được học các môn thánh khoa, tu đức, nhân bản…và huấn luyện làm Giáo Lý Viên dướisự hướng dẫn của nhiều thầy cô giáo khác nhau. Đó là các cha, các soeur giáo có trình độ học vấn uyên thâm, hay đó là một huynh trưởng có kiến thức thường thường bậc trung… Tất cả đều đáng kính đáng trọng, vì họ là khí cụ Chúa dùng để truyền tải cho tôi một kho tàng kiến thức Giáo lý và kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ tông đồ.

Tôi còn nhớ như in lời giảng của Soeur giáo trong giờ học huấn luyện Giáo Lý Viên: cái khác và cái khó của việc dạy Giáo lý so với việc dạy văn hóa là chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ giúp các em nắm được một mớ kiến thức, nhưng quan trọng là phải làm sao để các em thực hành, sống theo những lời ấy. Muốn các em nhỏ nghe theo thì trước hết, chính người Giáo Lý Viên phải thực hiện, bởi chúng ta không thể cho cái mình không có. Vì thế các cha, các soeur đã dặn chúng tôi là phải chuẩn bị bài kỹ trước khi lên lớp, phải sống những điều mình dạy trước một tuần để rút kinh nghiệm. Cha giáo nhắc chúng tôi: khi dạy Giáo Lý cần phải khiêm nhường, biết lắng nghe và hạ mình xuống để các em học sinh được lớn lên. Dạy Giáo Lý và chia sẻ Lời Chúa là sứ mạng mà Giáo Hội đã trao phó đặc biệt cho những người sống đời thánh hiến, sứ mạng ấy rất cao cả và lớn lao, chắc chắn không đơn giản chút nào. Trước guồng quay của xã hội, “giới trẻ hôm nay bước vào đời với đôi chân khập khiễng”, vai trò dạy Giáo Lý của các nữ tu cần thiết biết bao!

Hết thời gian thụ huấn theo chương trình đào tạo sơ khởi của Hội dòng, tôi hăng hái mang nhiệt huyết, đam mê của mình cùng chút hành trang bước vào sứ vụ tông đồ. Giờ đây đã là một nữ tu,việc dạy giáo lý song hành cùng việc dạy trẻ, tôi luôn thổn thức với sứ vụ tông đồ. Quả thực, từ lý thuyết tới thực hành là cả một khoảng cách xa vời vợi. Kiến thức mình được học là thế, nhưng khi áp dụng mỗi độ tuổi, mỗi lớp học lại khác nhau tùy hoàn cảnh. Trong một lớp học hai mươi em là hai mươi tính cách, tâm hồn và hoàn cảnh khác nhau. Có em nhỏ nghịch phá, lì lợm nhưng cũng có em ngoan ngoãn, lễ phép. Có em nói chẳng bao giờ ngớt miệng như kiểu giành hết phần nói của souervà các bạn, nhưng có em dường như giành trọn vẹn tâm hồn cho sự im lặng. Có em sống trong cảnh gia đình sung túc, ăn ngon mặc đẹp nhưng có em lại phải ra chợ bán bắp giúp mẹ hay may cặp…để kiếm thêm chút tiền học. Có tuổi thơ may mắn sống trong gia đình hạnh phúc nhưng có em phải tủi buồn khi cha mẹ mỗi người một ngả… Mỗi trẻ nhỏ là một tâm hồn mong manh, nhạy cảm và rất dễ tan vỡ. Vì thế, soeur giáo không chỉ là người thầy, người cô mà còn là người bạn thân tình luôn động viên và nâng đỡ những tâm hồn non nớt ấy.

Tôi yêu tất cả các em! Dù đó là đứa học trò ngang bướng, vào học muộn vẫn nghênh ngang vểnh đầu cười ngạo. Có thể là đứa học trò nóng tính chửi tục và đánh bạn trong lớp. Có em hỗn hào tới mức lè lưỡi…những lúc như vậy, tôi lặng lẽ xuống chỗ em ngồi, nhìn nó với ánh mắt thoáng buồn hoặc xoa nhẹ lên đầu nó một cái rồi quay lên tiếp tục giảng bài. Lớp học chìm trong sự im lặng. Để rồi sau giờ học đó, nó vào face book nhắn cho tôi một tin: “Em xin lỗi souer, lúc nãy em không phải, chắc soeur giận em lắm, em hứa sẽ không thế nữa”… Thiết nghĩ tình yêu của Đức Ki-tô đủ ơn giúp tôi chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả, yêu thương tất cả và làm mới tất cả!

Các em có biết rằng: vì các em, soeur đã phải trăn trở bao đêm? Vì các em, đã không ít lần soeur lặng thầm nuốt nước mắt khi nghĩ đến? Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử mà cho đến ngày nay, tại nhiều giáo xứ trong giáo phận Kinh Bắc này, các em đã mất đi nền tảng của Giáo lý. Có những em đáng ra đã là một huynh trưởng, đứng lên dạy các em, thế mà khi học Soeur hỏi điều gì cũng ngơ ngác và lạ lẫm như lần đầu nghe thấy, thái độ ngơ ngác của em làm cho trái tim tôi quặn đau.Ôi! Những mần non – tương lai của Giáo Hội.

Ngoài giờ dạy Giáo Lý, tôi được lắng nghe những dòng chia sẻ của các bà mẹ trẻ, họ tâm sự về công việc về những xung đột trong gia đình. Qua những chia sẻ tôi có cảm nghĩ, gần như người tín hữu ngày nay cũng dần mất đi sự nhạy bén về đức tin và cảm thức về tội lỗi, họ chạy theo những hình thức bên ngoài, lòng chứa đầy dục vọng, không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự.Là một nữ tu, tôi cảm thấy rất đau bởi sự sa sút về đời sống đức tin của anh chị em mình. Đây cũng là động lực để tôi dẫn thân hơn nơi vùng đất truyền giáo miền Kinh Bắc.

Còn niềm vui của soeur giáo? Đơn giản chỉ là các em chăm chú lắng nghe khi tôi đang say sưa giảng bài, chỉ hai chữ “cám ơn” quen thuộc, Một tấm thiệp nhân ngày lễ Giáng Sinh; là tin nhắn hỏi thăm hoặc chúc mừng trong các ngày lễ trọng… Hay đó là những lời tâm sự chân thành của các em về chuyện gia đình, bạn bè, tình cảm… Giản đơn vậy thôi nhưng hạnh phúc và ấm áp lắm!

Tôi nghiệm ra rằng! là một soeur giáo, tôi phải trở thành người cha, người mẹ và là bạn bè của các em. Vì tình thương và lương tâm của một người giáo, tôi đãphải tỏ lộ những thái độ và cung bậc cảm xúc khác nhau: mềm dẻo nhưng phải nghiêm nghị, nhẫn nhục nhưng không để ai lấn lướt, quả quyết mà vẫn dịu dàng thông cảm…Các em có tin: soeur đã phải thao thứctrăn trở rất nhiều vì các em? Nhưng cũng vì các em, soeur mỉm cười với niềm vui nho nhỏ và vực dậy niềm tin, nghị lực để tiếp tục lên lớp và dẫn thân trong sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.

Cốc! Cốc! Cốc! làm gì trong phòng mà chưa xuống ăn cơm, chuông rồi đó. Tiếng gõ cửa và giọng nói quen thuộc của người chị cùng phòng làm tôi giật mình, đưa tâm trí tôi tôi trở về với thực tại. Tiếng máy xe và bóng dáng của người chị em đã xa khuất, nhìn lên đồng hồ 18h15; muộn rồi, tôi nhanh chân chạy xuống nhà cơm để dùng bữa với cộng đoàn.

Trần Nhàn