Ở Long Biên, có một ngôi nhà thờ từng là trại trẻ mồ côi

Nằm lặng lẽ trên con đường nhỏ, ngôi nhà thờ Gia Lâm tọa lạc tại địa chỉ 189 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, trước 1954 từng là nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Bánh xe lịch sử tàn khốc lăn qua đã xóa sổ mái ấm xưa, khiến người  nay khó có thể hình dung ra nổi. Dẫu vậy, những dấu ấn tình thương thủa nào như vẫn vang đọng đâu đây và nhẹ nhàng phảng phất hương thơm Đức tin khắp phố phường…

Khu đất xung quanh nhà thờ Ngọc Lâm hiện nay vốn là của bà quản Chú (người lương dân), vợ của một Esjudant (thượng sĩ, ông quản) thời Pháp thuộc. Bà làm nghề cho vay nặng lãi (9 xu đổi một đồng) nên có nhiều của cải. Khu nhà của bà hồi đó gồm ba gian giữa và hai chái phía bên phải. Ngôi nhà thờ hiện tại chính là nhà tổ của bà Chú ngày xưa và được xây dựng trên bãi tha ma.

Năm 1945, Việt Minh giành chính quyền, họ tịch thu nhà của bà Chú để làm trụ sở tự vệ. Một năm sau, quân Pháp trở lại đốt cháy ba gian giữa để lại hai chái.

Năm 1948, cha Mai dòng Đa Minh, quê ở Thiết Nham – Bắc Giang về đây. Ngài mang theo ảnh tượng thánh Giu-se, Đức Mẹ và Thánh Tâm Chúa Giê-su, quy tụ mọi người tới đọc kinh, dự lễ mỗi ngày tại một chái nhà. Đồng thời, cha còn cho lập trại trẻ mồ côi với sự giúp đỡ của hai cô con một ông giáo cùng quê. Cha Mai cho xây dựng bốn gian để sinh hoạt, ăn ở và năm gian nhà để dạy học. Tại đây, cha đưa về được 30 em lang thang, cơ nhỡ để chăm sóc, dạy dỗ.

Năm 1949, giáo dân từ xóm Yên Tân (hay còn gọi là phố Khách) di cư sang mạn Gia Lâm do nơi ở bị quân Pháp đóng bốt. Thấy vậy, cha Mai liền giúp giáo dân xây dựng đời sống đức tin của mình. Thời điểm này, còn có bà Hoa và bà Muộn (ở Gx.Tư Đình) và bà Ba vợ ông Ngoạn làm việc giúp cha và hai cô tại nhà trẻ. Tuy nhiên, mọi người chỉ biết các bà đó đã mất, ngoài ra không có thêm thông tin gì.

Sau này, cha Mai và hai cô đi và định cư tại Đà Lạt. Cụ trùm cựu Giu-se Nguyễn Văn Sơn cho biết, cha Mai cũng đã thành lập một cô nhi viện tại thung lũng xanh.

Rồi ít lâu sau, một linh mục người Tây Ban Nha đã đưa các em nhỏ mồ côi sang một trại khác (được biết là bệnh viện Lao phổi Trung ương tại Hoàng Hoa Thám – Hà Nội bây giờ). Vị linh mục xứ Tây ban cầm cũng cho xây dựng một ngôi nguyện đường nhỏ để bà con giáo dân có nơi cầu nguyện, tham dự Thánh lễ.

Khoảng năm 1950 – 1954, cha Cosma Hoàng Thế Sự – là họ hàng với Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt về coi sóc nơi đây. Cha Sự là linh mục gắn bó với nhà thờ Ngọc Lâm trong thời gian dài nhất.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Bắc – Nam Việt Nam phân chia theo vĩ tuyến 17. Cha Cosma Hoàng Thế Sự cùng dòng người năm đó di cư vào miền Nam. Lợi dụng tình hình bất ổn, dân bên ngoài “nhảy dù” vào chiếm dụng khu đất xung quanh nhà thở xây dựng nhà cửa.

Từ đó, nhà thờ Ngọc Lâm bị lãng quên suốt một thời gian dài, mãi tới năm 2000 mới có linh mục quản nhiệm. Tuy vậy, đức tin của giáo dân nơi đây không hề bị phai mờ theo dòng chảy xiết của lịch sử mà tụ lại quanh Thánh giá – nguồn ơn cứu độ.

Giáo họ có 20 nhân danh và dự lễ Chúa nhật hàng tuần.  Sau năm 2000, có cha Đa Minh Bùi Văn Sáu, cha Giu-se Trần Quang Khiêm, cha Đa Minh Vũ Quang Mỹ về coi sóc. Hiện tại, cha Giu-se Trần Quang Thu – chính xứ Tư Đình đang quản nhiệm giáo họ Ngọc Lâm. Mỗi ngày Chúa nhật, nhà thờ Ngọc Lâm chật cứng người tham dự Thánh lễ; ngoài giáo dân trong họ, hầu hết là công nhân, sinh viên di dân.

Tiếng chuông từ ngôi nhà thờ nhỏ vẫn hàng ngày vang lên giữa phố xá ồn ã. Ước chi, nó có thể làm nhiều người nơi thị thành này bớt vội vã, hối hả để dừng lại bên Chúa, để nhớ về một thời quá khứ khó khăn mà tiền nhân đã trải để gìn giữ tiếng chuông, giữ gìn đức tin của mình.

9 10 11 12 13 14 15 16 Hình ảnh sinh hoạt của nhà thờ ngày trước (1) Hình ảnh sinh hoạt của nhà thờ ngày trước (2) Hình ảnh sinh hoạt của nhà thờ ngày trước (3) Hình ảnh sinh hoạt của nhà thờ ngày trước (4)

An Duyên