Ông đã thấy và đã tin (12.4.2020 – Chúa Nhật Phục Sinh)

Lời Chúa: Ga 20, 1-9

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

Suy niệm

Bài Tin Mừng này được đọc vào buổi sáng Chúa nhật Phục sinh,
khi tử thần vẫn tác oai tác quái trên thế giới.
Mỗi ngày hàng ngàn người chết, không đủ nhà xác và quan tài.
Bao người phiền muộn vì mất mát người thân.
Bao người âu lo vì thấy mạng sống mình bị đe dọa.

Bà Maria Mácđala cũng đã trải qua những thời khắc kinh hoàng.
Bà đã đứng gần thập giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh,
chứng kiến Ngài gục đầu và trao sinh khí (Ga 19,30).
Hẳn bà cũng đã tham dự lễ mai táng của Thầy Giêsu.
Ngôi mộ mới của Thầy nằm trong khu vườn mà bà biết rõ.
Maria không thể nào quên được buổi chiều thứ sáu ấy.
Cái chết bi thương của Thầy trên thập giá vẫn in hằn trong trí nhớ.
Bà hiểu mình đã mất Thầy thật rồi,
người Thầy đã giải phóng bà khỏi tay bảy quỷ (Lc 8,2).

Điều làm bà an ủi, đó là bà còn giữ được xác của Thầy.
Đối với bà, xác của Thầy cũng quý như chính con người Thầy.
Bà đã trải qua ngày thứ bảy bồn chồn, khó lòng chợp mắt,
chỉ mong ngày sa-bát mau kết thúc để bà có thể ra viếng mộ.
Tất cả tập trung của bà dồn vào ngôi mộ,
vì trong đó có thân xác của người Thầy mà bà mến thương.

Buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, bà đã vội vã ra mộ.
Điều bà không dám ngờ đã xảy ra: tảng đá che mộ bị dời đi,
và xác Thầy cũng không còn ở đó nữa.
Hốt hoảng, sợ hãi, hoang mang,
bà chạy về báo cho Simôn và người môn đệ kia chuyện chẳng lành.
“Họ đã đem Chúa đi khỏi mộ,
và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2).
Theo bà, chắc chắn phải có người lấy, tuy không biết là ai thôi.
Trong bài Tin Mừng này, không có thiên thần nào hiện ra giải thích,
nên Maria thấy vô cùng khó hiểu trước biến cố mất xác Thầy.

Bước chân chạy của Maria đã kéo theo bước chân chạy của hai môn đệ.
Vì tình hình quá căng thẳng, hai ông như đua nhau chạy cho mau.
Mỗi người đến, nhìn vào mộ đều thấy một điều gì đó.
Bà Maria chỉ thấy xác Thầy mình không còn đó (Ga 20,2).
Người môn đệ Chúa thương, đứng ngoài, thấy những băng vải (Ga 20,5).
Còn Simôn Phêrô thì vào trong mộ, thấy những băng vải,
cùng khăn che đầu được cuộn lại và xếp riêng ra một nơi (Ga 20,6-7).
Cuối cùng, người môn đệ kia cũng vào mộ.
Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).

Người tín hữu hôm nay cũng có lúc giống bà Maria,
Hốt hoảng vì thấy mất Chúa, mất đi điều quý giá nhất của mình.
Ai đã lấy Ngài đi, để lại ngôi mộ trống trơn lạnh lẽo?
Phải tập nhìn vào ngôi mộ, tập để ý đến những chi tiết nhỏ.
Tập đọc ra những dấu chỉ lờ mờ của hy vọng ngay giữa những đổ vỡ.
Tập nhìn thấy những điểm sáng trong ngôi mộ tối tăm,
và nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động cách kín đáo.
Thật tiếc thương khi xác Thầy không còn,
nhưng những băng vải quấn xác Thầy vẫn còn nằm ở đó,
còn khăn che đầu thì được cuộn lại, xếp riêng (Ga 20,7-8).
Điều đó cho thấy không phải có người ăn cắp xác và đem đi.
Vì kẻ cắp không có thì giờ để làm việc đó.
Từ từ ngôi mộ bừng sáng lên, và mang nhiều ý nghĩa.
Nơi của chết chóc và mất mát lại trở nên vườn ươm sự sống.
Maria đi ra mộ viếng xác và đớn đau vì xác Thầy không còn trong mộ.
Bà đâu biết rằng đó là khởi đầu cho một Tin Mừng trọng đại.
Nếu xác Thầy cứ nằm trong mộ thì làm gì có phục sinh.
Bà đi tìm xác một người chết, nhưng rồi bà sẽ gặp người đang sống.

Trận dịch năm nay đem lại nhiều chết chóc đau thương.
Bao nhiêu nấm mộ đã mọc lên vội vàng.
Có hy vọng nào từ những nấm mộ không?
Đức Giêsu đã được phục sinh,
nhưng sau nạn dịch này, thế giới có được phục sinh không?
Sự tàn phá của vi rút trên mạng sống con người
đòi chúng ta phải chung tay xây dựng một thế giới đầy tràn sự sống.
Bảo vệ rừng, ngừng xây đập, không phí tiền chạy đua vũ trang,
làm sạch lại bầu khí, làm xanh lại bầu trời, làm trong lại dòng sông.
Cơn dịch này nhắc chúng ta về những giá trị bị lãng quên,
đòi ta điều chỉnh lại tương quan giữa người với người,
giữa con người với thiên nhiên, và giữa con người với Đấng Tạo Hóa.

Chúa phục sinh đã tặng cho ta ơn phục sinh,
nhưng để hưởng ơn ấy, không phải là chuyện tự nhiên hay đương nhiên.
Chúng ta sẽ chẳng nếm được niềm vui sống lại,
nếu cứ loay hoay ở trong ngôi mộ của ích kỷ và khép kín.

Cầu Nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép.
Cả những chuyện xấu xa tồi tệ mà con người làm cho nhau.
Cả sự dữ đang hoành hành do Xatan gây ra trên mặt đất.
Nhiều khi chúng con không hiểu được
tại sao Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế.
Nhưng chúng con tin rằng, đối với ai yêu mến Chúa,
mọi sự đều đem lại điều tốt cho họ (Rm 8,28; GLCG 395,760).

Chúng con tin rằng những gì Chúa cho phép xảy ra
đều vì yêu thương chúng con
và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.
Chúa đau đớn khi phải dùng roi mà sửa dạy
như người cha sửa dạy con mình để mong con nên người.
Xin cho chúng con nhận ra điều Chúa muốn nhắc nhở,
để cải hóa bản thân và điều chỉnh đời mình cho hợp với ý Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái,
trên đường về quê trời,
Chúa muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,
như bệnh tật, khổ đau và cái chết,
để chúng con nên cứng cáp và trưởng thành.
Xin cho chúng con đừng nổi loạn trước thử thách,
nhưng biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá,
để biết cách nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,
kể cả khi thấy Thiên Chúa vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.

Ước gì cơn dịch bệnh làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,
để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Chúa.
Ước gì khi Chúa cho cơn dịch chấm dứt,
chúng con lại thấy sự sống của Chúa chiến thắng vinh quang.

Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ