Con đã không tìm Chúa, nếu Chúa đã chưa gặp con

Cuộc sống con người được xoay quanh những mối tương quan. Mối tương quan ấy rất đa tạp và có thể được liên kết với nhau cách chặt chẽ mà chỉ có thể cảm nghiệm chứ không thể nào có những chứng minh toán học, hay thậm chí người ta không thể lấy suy tư triết học trừu tượng để có thể lý luận hay tìm ra nguyên nhân tối hậu của những mối tương quan ấy. Một trong rất nhiều mối tương quan ấy phải nói đến là tương quan giữa con người với Thiên Chúa hay với Thượng Đế. Tất nhiên, bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu mối tương quan khác nữa như tương quan giữa con người với thiên nhiên, vạn vật; tương quan giữa con người với nhau. Nhưng ta có thể nói rằng, mối tương quan của con người với Thiên Chúa vượt lên trên và bao hàm mọi mối tương quan khác trong cuộc sống con người. Bởi thế, con người qua nhiều thế hệ vẫn luôn tìm kiếm cho mình mối tương quan đó để qua việc tiếp xúc với Thiên Chúa mà có thể hiểu được mình và có cho mình cảm nghiệm về Thiên Chúa. Do đó, Pascal đã nói về cảm nghiệm này: “Con đã không tìm Chúa, nếu con đã chưa gặp Chúa”, nhưng cũng chung một tâm trạng đó, người phụ nữ tốt lành đã được in năm dấu thánh của Chúa – Marthe Robin lại nói: “Con đã không tìm Chúa, nếu Chúa đã chưa gặp con”. Đây là hai câu nói giống hay khác nhau, là hai cách nói, hai cách hiểu hay chỉ là hai cách diễn đạt của cùng một cảm nhận, cảm nhận về mối tương quan cá vị hay là tiếp xúc với Thiên Chúa?

Pascal nói: “Con đã không tìm Chúa, nếu con đã chưa gặp Chúa”. Hay một cách khác đi ta có thể nói rằng “Con đã không tìm Chúa, nếu như con đã không gặp Ngài nơi sâu thẳm nhất của chính Ngài, nếu con đã không chạm thấu Ngài nơi cuộc gặp gỡ mà con được thông dự, và nếu con đã không cảm nghiệm chút nào về Ngài”. Ở đây, chủ thể của cuộc gặp gỡ là con người, là cá nhân con người chủ động tìm kiếm Chúa và gặp được Ngài. Cuộc gặp gỡ được diễn ra nhờ nỗ lực không ngừng của con người, có thể nói, Thiên Chúa có đó và ở đó nhưng con người không thể gặp được mà không nại đến những nỗ lực của mình. Nếu không vất vả tìm kiếm và khao khát thì không thể nào gặp được Chúa. Những nỗ lực cá nhân không chỉ là nỗ lực nhưng còn là dùng suy tư mà kiếm tìm, cũng chính vì vậy mà cuộc gặp gỡ được xảy đến nơi suy tư của con người; Thiên Chúa đến với họ trong những tư tưởng, trong những cảm nghiệm có được nhờ nỗ lực suy tư của tư tưởng. Tất nhiên là “con tim có những lý do mà lý trí không thể nào hiểu thấu được”, nhưng cũng chính nhờ sự lên đường của cả lý trí lẫn con tim mà có được những cuộc gặp gỡ hay những cảm nghiệm về Thiên Chúa. Con người phải rời khỏi chính mình để đi tìm, để mong mỏi những cảm nghiệm.

Với bà Marthe Robin, việc kiếm tìm Thiên Chúa cũng phát xuất từ việc cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa qua cuộc gặp gỡ, nhưng việc gặp gỡ này lại khác với Pascal vì chủ thể của cuộc gặp gỡ đầu tiên này lại là Thiên Chúa: “Con đã không tìm Chúa, nếu Chúa đã chưa gặp con”. Nếu như với Pascal, con người phải tìm kiếm Thiên Chúa thì với Marthe, Thiên Chúa chủ động đến gặp con người và cuộc gặp gỡ đó không do con người hò hẹn mà là chính Thiên Chúa chủ động đến gặp mình. Với người phụ nữ chỉ sống nhờ lương thực là Thánh Thể Chúa trong hơn ba mươi năm thì hẳn cảm nghiệm về Chúa phải là khác hẳn những cảm nghiệm của mọi người. Mà đương nhiên đã nói đến cảm nghiệm là nói đến cái gì rất riêng tư, chẳng ai giống ai. Nhưng với bà, những cuộc gặp gỡ được đến từ Thiên Chúa như một ân sủng ban không mà con người là thụ thể đón nhận không thể né tránh hay mưu cầu nhiều hơn bên ngoài nó.

Cuộc gặp gỡ ở đây là cái gì? Hai lối nói trên đây khác nhau về vai trò chủ động trong cuộc gặp gỡ, một bên là Thiên Chúa và một bên là con người. Hai con đường khác nhau để cùng đi về một cái đích chung nhất là được gặp gỡ và tiếp xúc với Thiên Chúa. Bởi vậy, trong mối tương quan này, một bên là Thiên Chúa và bên kia là con người. Chúng ta có thể thấy được rằng trong mọi mối tương quan, giữa hai bên phải có hay yêu cầu có một sự bình đẳng nào đó được xét đến, bởi vậy, tương quan ở đây là mối tương quan liên chủ thể, con gặp Chúa và Chúa gặp con, khi đã đến với nhau thì hai bên gặp gỡ nhau, nhờ việc tỏ ra mà Chúa cho con nhận biết và “cảm biết” nơi con những gì con là, nhờ việc đón nhận sự tỏ ra đó mà con nhận biết Chúa và có những cảm nghiệm về Chúa. Qua việc tiếp xúc gần gũi mà cả hai bên được hòa quện vào nhau trong sự ngất ngây không còn là chính mình. Vì phải biến nên người đối diện thì mới có thể hiện diện cách đầy đủ trong cuộc gặp gỡ của một mối tương quan liên vị đang được diễn ra, hay nói cách khác, chủ thể lúc này không còn là chính mình nữa nhưng đã hóa ra như tha thể đối diện và là cho mình nên giống đối phương ấy mà có thể có được những cảm nghiệm nhiều nhất có thể được về họ.

Nhưng tại sao con người lại ước ao có được cảm nghiệm về Thiên Chúa? Cũng có thể nói theo cách nói của thánh Augustin khi ngài nói rằng “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và lòng con những khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”. Con người là thực thể bị giới hạn trong không gian và thời gian, bởi vậy luôn hướng mình về cái siêu việt và ước mong tham dự vào sự siêu việt ẩn khuất nơi sâu thẳm con người. Bởi một khi có được một cảm nghiệm nào đó, con người luôn tìm kiếm lại cảm nghiệm ấy một lần nữa (cho dù là cảm nghiệm về cái đau – xét như một loại tâm bệnh) huống chi đây lại là cảm nghiệm về một cái vô biên vượt xa cái giới hạn. Doxtoevxky cũng nói về những đau đớn của mình như một “chứng bệnh linh thiêng” và ông nói về điều đó “Những lúc đó tôi cảm thấy như trời cao bổ xuống đất để nhai nuốt tôi, quý vị là những người khỏe mạnh, quý vị không thể nào hiểu được cảm giác hoan lạc do chứng bệnh ấy mang lại. Tôi sẵn sang đánh đổi tất cả những thú vui trên đời để lấy lại sự hoan lạc ấy, dù chỉ trong giây phút”. Bởi với nhà văn người Nga – một con chiên ngoan đạo của Chính Thống giáo này thì chính từ những đau khổ ấy mà ông được ban cho những điều tuyệt diệu vượt xa những gì ông có thể có được trong những thú vui mau qua. Nhưng tại sao cuộc gặp gỡ cái vô biên lại bị giới hạn được, phải chăng nó chưa thực sự là cái gì vô biên tuyệt đối? Ta nói rằng không phải vì bản tính hữu hạn bất tất của con người mà con người không thể cảm được hết cái vô biên đó sao, và hơn nữa, chung quanh con người, như đã nói ở trên còn có bao nhiêu mối tương quan khác trong thế giới của không gian và thời gian, nên cảm nghiệm này luôn bị giới hạn lại để cho một cảm nghiệm khác chen chân vào. Bởi vậy khi những cái hữu hạn qua đi, con người trống rỗng muốn lấp đầy cái giới hạn bằng những cảm nghiệm vô hạn, nên cuộc tìm kiếm vẫn xảy đến và tiếp diễn mãi, và sẽ tìm mãi vì cảm nghiệm ban đầu đã có, đã được nếm trải. Như thế, cuộc gặp gỡ tạo nên nơi người đó một cảm nghiệm mà khiến cho họ khao khát và mãi tìm kiếm để có được nó lần nữa, lần nữa. Ta nói sao về đau khổ trong cuộc sống nếu không phải là đem so sánh nó với cảm giác hạnh phúc. Nỗi đau khổ lớn nhất của một người bất hạnh không phải là cảnh khổ mà họ đang phải chịu cho bằng đã một lần nào đó trong đời họ đã được hạnh phúc rồi. Bởi đã có cảm nghiệm về hạnh phúc nên họ mãi đi tìm và ước ao ở trong nó và chính sự so sánh với cái cảm giác hạnh phúc đó mà những điều bất hạnh ấy mới trở nên đau khổ. Ở đây, chúng ta không muốn bàn đến vấn đề so sánh hay cách diễn tả khác đi thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Eintein, nhưng ta nói về một cảm nghiệm có được thôi thúc con người tìm kiếm bởi vì đối tượng tìm kiếm của mình lúc này là một Hữu Thể không thể bao trùm được, không thể nắm bắt hay chứng minh bằng những phương tiện mà con người có được – là chính Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa nào, Ngài ở đâu và bằng cách nào chúng ta có thể gặp được? Như chúng ta đã nói ở trên đây, Thiên Chúa chúng ta tìm kiếm là một Thiên Chúa được tiếp xúc, được cảm nghiệm và đã biến đổi tôi trong những cuộc gặp gỡ, một Thiên Chúa được nhận biết và tác động đến tôi trong một tương quan. Vị Thiên Chúa đó được nói đến cách sống động và gần gũi nơi Thánh Kinh, bởi vậy, chúng ta nhìn vào Thánh Kinh để tìm về những cuộc gặp gỡ của những người đã mặt giáp mặt với Thiên Chúa qua những kinh nghiệm cá vị của mình. Mối tương quan của Thiên Chúa và Adam có lẽ là tuyệt vời khi mà cả hai cùng nhau đi dạo trong Vườn Địa Đàng. Trong mối tương quan đó, con người đi song hành cùng Thiên Chúa và chắc hẳn là cùng đích của mọi cuộc gặp gỡ mà cũng có lẽ vì cuộc gặp gỡ đó mà ẩn sâu nơi đáy lòng mỗi con người như một cái gì đó di truyền khi ai ai cũng khát khao gặp được Thượng Đế và tìm kiếm cảm nghiệm đó. Cuộc gặp gỡ của hai môn đệ ông Gioan với Đức Giêsu để phải đi theo và “Đến mà xem” rồi ở lại với Ngài ngày hôm đó. Nếu không gặp được Đức Giêsu thì chắc hẳn hai môn đệ đã không một lần nữa đi tìm Ngài để rồi giới thiệu cho Phêrô rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”, cũng chắc chắn rằng họ đã không ở mãi với Ngài trong suốt quãng đời còn lại của cả hai bên (của cả Đức Giêsu lẫn hai vị này). Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với Nathanael mang đầy ý nghĩa. Đức Giêsu cho thấy chính Ngài như một con người sống động. Với Ngài, chúng ta hiện diện trong mối tương quan sâu xa nhất trước cả khi chúng ta được nhận biết Ngài: “Tại sao Ngài lại biết tôi”. Và câu trả lời của Ngài với ông cũng thật tuyệt vời: “Ở dưới cây vả”. Đây là thuật ngữ dành cho giới kinh sư, vì người ta nói đến người ở dưới cây vả là khi người đó đang dạy hay đang suy niệm Torah, mà đối với người Do thái, suy niệm Torah là suy niệm và đi tìm chính Thiên Chúa. Như thế Đức Giêsu đã lột trần tâm tư của ông và trả ông về với niềm khát khao nơi đáy thẳm tâm hồn ông là khát vọng đi tìm Thiên Chúa. Chính vì thế Nathanael phải thốt lên: “Thầy chính là Con Thiên Chúa, là Vua Israel” vì khi đó ông thực sự đã gặp được điều ông đang tìm kiếm và khao khát. Nơi ông một kinh nghiệm hay một cảm nghiệm đã chạm thấu đáy lòng của ông khiến ông không nghi nghờ thêm về “con người Nadaret” nữa nhưng là đi sâu hơn nữa vào cuộc gặp gỡ và không ngừng tạo nên những gặp gỡ mới mẻ khác. Như thế cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa có thể phải đến từ cả hai phía, con người và Thiên Chúa. Như thế, chủ thể của gặp gỡ là cả hai bên và khi đã gặp gỡ rồi thì hai bên không còn ai là chủ thể mà cả hai hòa quện nên một và cả hai cùng là chủ thể và cả hai cùng là đối thể của nhau.

Chúng ta đã nhìn qua về cảm nghiệm qua hai cuộc gặp gỡ của hai con người với Thiên Chúa. Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ trình bày đôi chút về cảm nghiệm qua gặp gỡ và những thúc đẩy mời gọi con người đi tìm Thiên Chúa.Thế nhưng, cho dù là cuộc gặp gỡ của Pascal hay của Marthe có tuyệt vời thế nào đi nữa mà chính tôi không có mặt trong đó thì tôi chẳng thể nào có được cảm nghiệm cho riêng mình. Bởi vây, điều cần thiết là chính bản thân tôi cũng phải lên đường tìm Chúa và để cho Chúa tìm thấy mình thì mới mong có được cuộc gặp gỡ, để từ cuộc gặp gỡ này, tôi được biến đổi không còn là tôi, tôi có được cảm nghiệm lần đầu được chạm thấu chính mình và bước vào trong sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Để rồi khi phải trở lại với những mối tương quan khác trong cuộc sống, tôi lại khát khao lên đường tìm kiếm cảm nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của tôi.

Mục Đồng Nguyễn