Chúa Nhật tuần II Mùa Chay năm A

Bài đọc 1    St 12, 1-4a

Thiên Chúa gọi ông Áp-ra-ham, tổ phụ dân Người.

Trích sách Sáng thế.

1 Khi ấy, Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” Ông Áp-ram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông.

Ðáp ca        Tv 32, 4-5.18-19.20 và 22

Đ. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hòa mặt đất.

Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết, và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Bài đọc 2    2 Tm 1, 8b-10

Thiên Chúa kêu gọi và soi sáng chúng ta.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi ông Timôthê.

8b Anh yêu quý, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. 9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, 10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.

Tung hô Tin Mừng

Từ đám mây sáng chói, tiếng Chúa Cha phán rằng: Đây là Con yêu dấu, làm vui thỏa lòng Ta, hãy vâng nghe lời Người.

 

Tin Mừng   Mt 17, 1-9

Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

1 Hôm ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio- an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng  trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ  đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7  Bấy giờ Đức Giê-su lại  gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

 

Bài giảng của Đức Hồng y Phaolô Giuse

Bài Phúc âm hôm nay thuật lại: Chúa Giêsu đem ba môn đệ lên núi Tabo và biến hình trước mặt các ông.

Qua bài Phúc âm hôm nay, chúng ta sẽ suy về hai điểm:

1 – Tại sao Chúa Giêsu biến hình và tỏ vinh quang của người ra:

Chúa Giêsu biến hình có mục đích nâng đỡ đức tin của các môn đệ trong những ngày Chúa chịu thương khó sắp tới.

Cũng như trước đây, Chúa nói tiên tri về sự thương khó Chúa phải chịu để chuẩn bị tâm hồn các môn đệ đón nhận cơn thử thách một cách bình tĩnh can đảm, thì lần này Chúa biến hình trước mặt các ông, để khi Chúa chịu thương khó, các ông giữ được đức tin, không bao giờ nao núng ngã lòng.

Chúng ta đã biết, khi theo Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn mơ tưởng và hy vọng có ngày Thày mình sẽ lên ngôi cai trị thiên hạ, được mọi người tung hô sùng bái. Nhưng thay vì Chúa lên ngôi trị nước, các môn đệ sẽ thấy Chúa bị đóng đinh trên Thập giá giữa hai người trộm cướp – Thay vì Chúa được tung hô sùng bái, các môn đệ thấy Chúa bị người ta đả đảo, chê cười – Thay vì thấy Chúa đội triều thiên, mặc áo cẩm bào, cầm phủ việt, các môn đệ thấy Chúa phải đội vòng gai, mình khoác áo đỏ, tay cầm que sậy như vua giả, vua hề – Thay vì thấy dung nhan Chúa uy nghi tốt đẹp, các môn đệ sẽ thấy mặt Chúa đầy máu me đờm dãi, sưng húp lên, ai trông thấy cũng phải quay đi không dám nhìn. Trong những trường hợp đó, các môn đệ sẽ nhớ lại cảnh tượng núi Tabo, mặt Chúa biến hình sáng như mặt trời, áo Chúa đổi sắc ra trắng như tuyết, trên trời tiếng Đức Chúa Cha phán xuống: “Đây là Con Ta yêu dấu…” – Nhớ lại cảnh tượng hùng vĩ đó, các môn đệ sẽ không hoang mang dao động và giữ được lòng tin tưởng, vì biết rằng Đức Giêsu chết trên núi Canvariô cũng là Chúa biến hình trên núi Tabo – Mặt Chúa đầy máu me đờm dãi cũng là dung nhan Chúa sáng chói như mặt trời, Chúa bị khinh dể sỉ nhục như tên nô lệ, nhưng cũng chính là chính Con Thiên Chúa đã được Đức Chúa Cha công khai xác nhận.

2 – Vinh quang của Chúa Giêsu gắn liền với sự thương khó của Người.

Khi Chúa Giêsu biến hình và tỏ vinh quang trên núi Tabo, có ông Maisen và ông Êlia đến đàm đạo với Chúa về sự thương khó Ngài sẽ phải chịu. Sự kiện đó cho ta biết, vinh quang của Chúa Giêsu là vinh quang chiếm hữu được bằng hy sinh và thập giá.

Từ ngày nguyên tổ ta phạm tội, ai muốn thực hiện một công trình hữu ích thì nhất định phải chịu khó hy sinh. Công trình càng vĩ đại thì hy sinh càng phải lớn lao. Một quốc gia muốn độc lập, muốn giải phóng dân tộc thì phải hy sinh xương máu, chiến đấu có gian khổ thì thắng lợi mới hiển vinh, đó là tất nhiên. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế từ trời sinh xuống để cứu độ không phải một dân tộc, một đất nước, nhưng để cứu cả nhân loại – không phải để cứu ta thoát khỏi ách nô lệ trần gian, nhưng cứu ta khỏi xiềng xích Satan, tội lỗi, không phải để đem lại cho ta hạnh phúc tạm thời trần thế, nhưng đem lại cho ta hạnh phúc vĩnh viễn trên Thiên Đàng. Công cuộc đó thật vĩ đại, thì hy sinh càng phải lớn lao. Vì thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại hy sinh, và Chúa đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên Thập giá. Thập giá là phương thế Chúa dùng để cứu chuộc trần gian. Thập giá cũng là con đường đưa Chúa tới vinh quang. Thánh Phaolô viết về vấn đề đó như sau: “Đấng Kitô đã vang lời cho đến chết và chết trên Thập giá, vì thế Thiên Chúa đã nâng Người lên và ban cho Người một tên cao trọng hơn hết mọi tên. Khi nghe tên Chúa Giêsu, thì mọi loài trên trời dưới đất phải quì gối kính thờ”. – Phúc Âm cũng cho ta biết, sau khi sống lại, Chúa đã hiện ra với hai môn đệ đi về làng Emmau, các ông buồn bã chán nản về cuộc tử nạn của Chúa. Thấy thế, Chúa nói với các ông rằng: “Ôi trí khôn ít hiểu biết và lòng chậm tin những điều các tiên tri đã báo trước: Phải chăng, Đấng cứu thế đã chẳng chịu thương khó rồi mới vào vinh quang của Người ư ?”(Lc 24,25-26)

Đến đây chúng ta nhận thấy, vinh quang của Chúa Giêsu không phải là vinh quang tọa hưởng kỹ thành, nghĩa là cứ ngồi mà thừa hưởng cái đã sẵn có, nhưng vinh quang của Chúa là vinh quang đã chiếm hữu được qua hy sinh đau khổ, là vinh quang gắn liền với Thập giá.

Để kết luận, chúng ta hãy thực hiện một cuộc biến hình cách thiêng liêng, nghĩa là chừa cải tội lỗi, hãm dẹp nết xấu và tập luyện các nhân đức theo như kinh cải tội bẩy mối ta vẫn đọc: khiêm nhường chớ kiêu ngạo, rộng rãi chớ hà tiện, giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục, hay nhịn chớ hờn giận, kiêng bớt chớ mê ăn uống, yêu người chớ ghen ghét, siêng năng làm việc lành chớ lười biếng. Đó là việc biến hình mà ta phải làm mọi ngày, đặc biệt là trong mùa Chay Thánh này. Nếu ở trần gian ta ra sức biến hình cách thiêng liêng như vậy, thì ngày tận thế khi Chúa đến trong vinh quang, Ngài sẽ biến đổi thân xác hư hèn của chúng ta nên giống thân xác của Ngài.

 

ĐỔI ĐỜI ĐẸP ĐẼ (Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Mùa Chay cứ phải hy sinh hãm mình để làm gì? Để làm đẹp. Chúa Giêsu biến hình trên núi sáng láng rạng ngời cho thấy: Mùa Chay là mùa đổi đời đẹp đẽ: Đẹp nhờ hy sinh hãm mình, đẹp như ánh sáng rạng ngời vinh quang Chúa.

  1. Đẹp đẽ. Ai cũng thích đẹp, vui sướng khi chiêm ngưỡng người đẹp, cảnh đẹp. Thế nên, ngày nay rất nhiều người dùng mỹ phẩm và đi thẩm mỹ làm đẹp. Con người thích ngắm nhìn, chiêm ngưỡng cái đẹp hơn là nghe về những điều đúng sai tốt xấu. Thế nên Chúa đã cho các môn đệ chiêm ngắm vẻ đẹp thần thánh của Ngài trước khi bảo họ vâng nghe lời Ngài.
  2. Đau đớn. Để đẹp đẽ thì cần trải qua đau đớn. Nhiều người đã phải trải qua những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đau đớn để được đẹp đẽ. Cả những người đẹp như hoa hậu hay nam thần cũng vẫn cần trải qua vất vả tập luyện kiêng khem. Tảng đá cần trải qua nhiều đau đớn của cưa cắt đục đẽo mới thành bức tượng đẹp. Chúa Giêsu cũng phải vất vả leo lên núi cao mới biến hình đẹp đẽ, phải trải qua đau đớn thập giá mới được phục sinh vinh quang. Chúng ta phải khổ chế hãm mình mới mong được đẹp cả hồn lẫn xác.
  3. Độc đáo.Để đẹp đẽ nổi bật thì cần độc đáo. Hàng hiệu đẹp hơn hàng chợ. Đồ hiệu mà còn sợ bị đụng hàng. Đang hân hoan hí hửng diện bộ đồ đẹp đẽ độc đáo đi dự sự kiện mà lại bị đụng hàng thì thôi hết đẹp, hết vui. Chúa Giêsu thật độc đáo khi “Người đưa các môn đệ đi riêng ra một chỗ.” Trong xã hội tục hóa hưởng thụ hôm nay, môn đệ Chúa rất cần một lối sống riêng độc đáo.
  4. Đạo đức. “Hãy vâng nghe lời Người!” Làm đẹp bằng cách để cho Lời Chúa chiếu rọi cuộc đời chúng ta như ánh sáng chiếu vào các ô cửa kính màu đẹp lung linh rực rỡ. Đó là cái đẹp của thánh thiện đạo đức giống như Chúa là Đấng Thánh.

Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ – vẻ đẹp của siêu việt chứ không phải của siêu mẫu. Mùa Chay ta hãy chạy đến với Chúa để được đổi đời đẹp đẽ. Amen.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá. Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môisê và Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.

Ghi nhớ“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.