Ngày 1/1 Đức Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, Lễ trọng
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, được cử hành vào ngày 01 tháng 01, trùng với ngày bát nhật Giáng Sinh, nhớ đến việc cắt bì và đặt tên cho Chúa Giêsu, khởi đầu năm mới, và cũng là ngày cầu cho hòa bình thế giới.
Trước khi canh tân Phụng Vụ, lễ trọng này được phổ biến trên khắp thế giới và được Đức Giáo Hoàng Piô XI xác định vào ngày 11.10.1931, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm Công đồng Êphêsô. Trong niên lịch mới, lễ này gợi lại ngày thứ tám sau Giáng Sinh. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Ngày lễ trọng ấy nay được đặt vào mồng một tháng giêng theo như tập tục xa xưa của Phụng Vụ Rôma. Lễ này được dành riêng ca tụng việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tán dương tước vị cao quí đặc biệt do phần đóng góp ấy đem lại cho Người Mẹ rất thánh, Đấng có công giúp chúng ta đón tiếp Tác Giả của sự sống” (Marialis Cultus 5).
2. Thông điệp và tính thời sự
Giáo Hội Byzantin mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày tiếp theo lễ Giáng Sinh; Giáo Hội Copte lại mừng ngày 18 tháng 01.
a. Khi cử hành chức Thiên Mẫu đồng trinh và thần linh của Đức Maria, chúng ta cũng đồng thời thờ lạy Con của Mẹ (xem lời nhập lễ). “Bởi Phép Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh” (Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ). Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa và là Chúa chúng ta. Đức Maria, vì là Mẹ Con Thiên Chúa, nên cũng là Mẹ Thiên Chúa! Chân lý đức tin này càng ngày càng được tỏ rạng trong cuộc tranh luận về Thiên Chúa Ba Ngôi và Kitô học trong ba thế kỷ đầu. Công đồng Nicéa, năm 431, tuyên bố cách long trọng: “Đấng Emmanuel (Đức Kitô) thật sự là Thiên Chúa và, vì lý do này, Đức Trinh Nữ thật sự là đấng sinh ra Thiên Chúa (theo tiếng Hy Lạp: Théotokos = Mẹ Thiên Chúa), vì Mẹ sinh ra, về mặt xác thể, Ngôi Lời nhập thể, Đấng xuất phát từ Thiên Chúa.”
Chức Thiên Mẫu của Đức Maria nói lên rõ ràng việc thụ thai và sinh hạ Đức Kitô, nhưng cũng nhấn mạnh đến hành động đức tin tự do và cá nhân của Mẹ Thiên Chúa, “Đấng đã giúp chúng ta đón nhận Tác Giả sự sống là Đức Giêsu Kitô” (lời nguyện nhập lễ). Công đồng Vaticanô II tuyên bố, Đức Trinh Nữ đã nói lên tiếng fiat vào ngày Truyền tin (“Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói” – Lc 1,38), “lãnh nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa vừa trong tâm hồn, vừa trong thể xác của mình… mang lại ơn cứu độ cho mọi người không những trong việc hợp tác như công cụ thụ động trong bàn tay Thiên Chúa, nhưng với sự tự do của đức tin và sự vâng phục” (LG 53 & 56).
Chức Thiên Mẫu của Đức Maria, vừa thần linh, vừa đồng trinh. “Việc sinh hạ Đức Kitô không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ”. Phụng Vụ của Hội thánh luôn tôn vinh Mẹ là đấng “Trọn đời đồng trinh – Aeiparthenos” (sách Giáo lý toàn cầu 499). Một sự đồng trinh sung mãn, vì Đấng Toàn Năng đã nhìn đến phận hèn tớ nữ của Người, đã làm biết bao sự trọng đại cho người nữ này : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
b. Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô, cũng là Mẹ Hội Thánh (kinh hiệp lễ).
Đức Maria “đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).
c. Ngày lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng cử hành việc Cắt bì và đặt tên cho Chúa Giêsu, đúng như lời Phúc Âm trong Thánh lễ : “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà Sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21)
Các phương diện khác của thánh lễ – Lễ đầu năm và ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới (bài đọc đầu tiên của Thánh lễ: “… Xin Thiên Chúa quay mặt lại với ngươi và đem lại bình an cho ngươi !” (Ds 6,22-27) không làm cho chúng ta chia trí. Như ghi chú của Pierre Jounel trong sách lễ: tất cả dẫn chúng ta đến với Đức Kitô và Mẹ của Người.
Enzo Lodi