Ngày 18/3: Thánh Cyrille thành Gierusalem
Lễ nhớ tùy chọn
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Cyrille được gọi là của thành Giêrusalem, là một người vĩ đại của Giáo Hội chính thống, được sinh ra khoảng năm 315 trong thành này, mà ngài trở thành Thượng Phụ giáo chủ vào năm 350, kế ngôi thánh Maxime. Ngài được tôn phong tiến sĩ Hội thánh do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1882.
Thụ phong linh mục tại Giêrusalem, ngài nổi bật giữa hàng giáo sĩ nhờ sự lợi khẩu và dạy giáo lý. Ngài thay mặt giám mục trong Mùa Chay để huấn đạo cho các người dự tòng. Khi vị giám mục Maxime qua đời (năm 350), Cyrille được gọi vào ngôi giám mục tại Giêrusalem. Theo các chứng nhân, trong ngày lễ đăng quang có sự xuất hiện một cây Thánh giá sáng chói trên bầu trời Thành thánh Giêrusalem.
Cyrille thành Giêrusalem ở ngôi giám mục từ 350 đến 386, gặp nhiều thử thách, ngài bị lưu đày 3 lần trong những năm 357, 360 vào 367: 17 năm ngài phải rời bỏ địa phận. Kitô giáo lúc đó bị chia ra hai phái Arius và Chống-Arius.. Thánh Cyrille là đối thủ của nhóm Arius và là kẻ bảo vệ thành quả của Công đồng Nicée (325); Thánh nhân chiến đấu không khoan nhượng, bảo vệ thiên tính của Đức Giêsu. Ngài xác quyết thiên tính tuyệt vời của Ngôi Lời và sự đồng đẳng trọn vẹn của Người với Thiên Chúa Cha.
Chỉ vào năm 378, ngài mới thực sự được trở về địa phận, sau thời gian bị lưu đày lần cuối cùng là 11 năm. Ngài tham dự Công đồng Constantinople (381), được công nhận là đã chiến đấu tích cực chống lại bè Arius. Vị thánh giám mục dùng những năm còn lại để xây dựng sự hiệp nhất về đức tin và hoà bình, cho đến ngày qua đời 18.03.386 hay 387.
Tác phẩm văn chương được gán cho thánh Cyrille thành Giêrusalem đáng chú ý, vì cho thấy quá trình hình thành kinh Credo của Giáo Hội thành Giêrusalem vào thế kỷ thứ IV; cũng cho phép chúng ta nhận ra Phụng Vụ và việc cử hành các bí tích khai tâm (Rửa tội, Thêm Sức và Thánh Thể) vào thời gian này.
Sách “Giáo lý dự tòng” chắc chắn là của thánh Cyrille (tiền dự tòng và 18 bài giảng) dành cho các dự tòng, trong khi đó quyển Catéchèses mystagogiques (Giáo lý huyền nhiệm gồm 5 bài giảng) cũng là của thánh nhân, được hoàn tất trong tuần Phục Sinh, giải thích các bí tích mà các tân tòng sẽ lãnh nhận trong đêm Phục Sinh.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời rao giảng của thánh Cyrille ảnh hưởng rất nhiều vào thời đại ngài, giúp Hội thánh đi vào các mầu nhiệm của ơn cứu độ và tiếp tục giúp chúng ta hiểu biết nhiều về Đức Giêsu Kitô và sống mật thiết với Người.
Nhờ các bài Giáo Lý, chúng ta khám phá ra sự súc tích trong giáo lý của ngài. Ngài luôn lập lại: “Chân lý chỉ có một gương mặt”. Vì thế ngài chống lại mọi hình thức lạc giáo, nhất là khi ngài trình bày sự tốt đẹp, thánh thiện của các mầu nhiệm.
– Tỉ như, ngài giải thích những thay đổi trong bí tích Thánh Tẩy: “Hãy tưởng tượng một người sống trong bóng tối; nếu như tình cờ, anh ta thấy ánh sáng, cái nhìn của anh ta được tỏ rạng, những gì trước kia anh ta chưa thấy, nay anh thấy rõ ràng. Cũng như những kẻ lãnh nhận Chúa Thánh Thần: họ có một tâm hồn được soi sáng và nhận ra những gì mà trước đây họ chưa được biết” (Cat.16,16).
– Lối hành văn của ngài trong sáng, cụ thể, trực tiếp, cảm hứng từ Thánh Kinh mà ngài thường trích dẫn. Ngài viết: “Phu quân gọi mọi người cách tuyệt đối… nhưng tiếp đó, chính Phu Quân, chọn lựa những ai được bước vào tiệc cưới, biểu trưng cho bí tích Rửa Tội…Ước gì không ai phải nghe: Bạn ơi, tại sao bạn bước vào đây mà không có áo cưới ?”
– Về việc Hiệp Lễ: “Đừng dựa vào lâu đài trần tục thể xác, nhưng vào đức tin không lay chuyển, vì không phải bánh và rượu mà người ta mời anh đến dùng, nhưng là Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Khi anh đến gần, hãy đặt tay trái dưới bàn tay phải, như một ngai tòa đón vị quân vương, hãy lãnh nhận trong lòng bàn tay Mình thánh Đức Kitô khi nói: “Amen”… Hãy đến với chén Máu Thánh… nghiêng mình và nói: “Amen” trong một cử chỉ thờ lạy và tôn kính, hãy thánh hoá khi nhận lấy Máu Thánh Chúa Kitô” (Cat Myst V 20.21.22)
– Chúng ta cũng nhớ đến lòng nhiệt thành của ngài với dấu Thánh giá: “Lúc nào cũng phải làm dấu Thánh giá: trên tấm bánh mà chúng ta sắp dùng và trên rượu mà chúng ta uống; khi chúng ta đi vào, khi chúng ta đi ra, trước khi đi ngủ, lúc trên giường, khi thức giấc, lúc ra đi và khi nghỉ ngơi.”
Enzo Lodi