Ngày 22/1: Thánh Matthêu Anphong Leziniana (Đậu)
Cha Mát-thê-ô Li-xi-ni-a-na ở tu viện Săng-ta Cờ ru-sê (Sancta Cruce) dòng Thánh Đa-minh, tỉnh Sô-gô vi-a (Sogovia) nước Tây Ban Nha. Khi đã tuyên khấn, Cha tình nguyện sang phương Đông truyền giáo. Cha chuyển sang tỉnh dòng Mân Côi Phi Luật Tân là một tỉnh dòng chuyên lo việc truyền giáo ở khu vực Á châu. Cha được cử sang miền Bắc Việt Nam.
Một vị thừa sai ốm yếu nhưng can đảm. Tháng 1-1732, Cha Mát-thê-ô đến địa phận Đông Đàng Ngoài. Cha dáng người mảnh khảnh ốm yếu, tuy thế Cha vẫn hăng hái làm việc tông đồ, Cha đã dùng những đau khổ phần xác để lôi kéo ơn thiêng liêng phong phú xuống cho cánh đồng truyền giáo.
Sau khi học tiếng Việt ở Trung Linh (Bùi Chu), Đức Cha coi sóc các xứ vùng Sơn Nam Thượng, từ Kim Động, Tiên Lữ, Thần Khê tỉnh Hưng Yên đến các huyện Thái Ninh, Vũ Thiên tỉnh Thái Bình rồi đến Nam Châu, Giao Thủy, Nam Định. Cha đã trông coi các xứ rộng lớn như Trung Lao, Tiên Chu, Ninh Cù hay Kẻ Nê và Lai Ổn.
Đó là khu vực truyền giáo của vị thừa sai đau ốm, nhưng người ta gặp thấy Cha lúc nào cũng vui tươi, xông pha mọi nơi, nhanh nhẹn đến nỗi người ta không ngờ Cha đang bị bệnh tật dày vò vì không hợp thủy thổ, đi bộ giữa trời nắng như thiêu, mưa thì đường trơn như mỡ, lầy lội, khí hậu ẩm thấp, mọi khó khăn ấy như thay nhau bám riết vị tông đồ truyền giáo. Ngoài ra Cha còn phải trốn ẩn để thoát tay kẻ bách hại.
Một lần nhờ cơn sốt rét ngã nước kinh khủng mà Cha thoát nạn. Hôm ấy là một ngày trong tháng 4-1735, đang ở Trung Lao, Cha báo tin cho giáo dân xứ Tiên Chu biết Cha sẽ đến làm lễ Phục Sinh. Một người ngoại đang học đạo tố giác với quan tỉnh Hưng Yên. Ngày 18-4, quan quân kéo vây làng Tiên Chu, nắm chắc sẽ bắt được đạo trưởng. Nhưng giờ Chúa chưa đến. Môn đệ của Chúa còn phải sống để mở nước Chúa. Cơn sốt làm Cha không thể gắng gượng ra khỏi làng Trung Lao. Hai lần khác cũng vậy, một lần ở Ninh Cù, một lần ở Lai Ổn, Cha đều thoát nạn.
Bị tố giác
Năm 1743, ở Lai Ổn không yên, Cha Mát-thê-ô đến Lục Thủy Hạ, ẩn ở nhà ông Trùm Độ. Cha bị ông Đạt là người xuất giáo tố giác. Ngày 29-11, đang khi Cha dâng Thánh Lễ, lính ập tới bắt Cha, chúng đánh đập Cha tàn nhẫn, may ông cai đội đến kịp thời ngăn cản chúng, nếu không Cha sẽ bị chết ngay vì trận đòn ấy. Cha phải giải lên trấn Sơn Nam (Nam Định) cùng với ba thày giảng là Đa-minh Sỹ, Đa-minh Hậu, I-nha xi-ô Quý và hai người thợ mộc.
Đến tỉnh quan Lê Văn Phượng chỉ giữ Cha và Thày Quý còn tha về hết. Quan truyền đưa hai người lên công đường dụ dỗ, nạt nộ, tra tấn dữ tợn, bắt phải khóa quá, nhưng hai cha con cương quyết trung thành đến cùng. Vì thế quan làm án đệ vào kinh.
Sóng gió thời Hậu Lê
Năm Cảnh Hưng thứ 5, đời vua Hiển Tông, Bộ Hình kết án Cha Mát-thê-ô Li-xi-ni-a-na phải trảm quyết và Thày Quý phải chăn voi chung thân. Nhưng nhờ sự can thiệp của một quan có cảm tình với đạo, án trảm quyết của Cha Mát-thê-ô đổi sang án tù chung thân, còn Thày Quý được chuộc bằng tiền. Ngày 30-5-1744, Cha phải giải từ trấn Sơn Nam lên nhà tù Thăng Long, ở đây Cha vui mừng được gặp Cha Phan-xi-cô Phê-đê rích bị bắt từ tháng 8-1737. Cả hai cha tạ ơn Chúa, nâng đỡ yên ủi nhau cương quyết chịu khó đến cùng.
Sau một thời gian tương đối thái bình, năm 1737, Uy Nam Vương Trịnh Giang (1729-1740) lại cấm đạo. Trong năm ấy bốn Cha dòng Tên là các Cha An-va-rê (Alvarez), Cờ-rát (Cratz), Đơ-A-bơ-rơ (D’Abreu) và Da Cun-ba (Da Cunba) vừa ở Ma Cao đến, bị bắt ngay và phải trảm quyết ở ngoại ô Thăng Long ngày 12-1 cùng với hai giáo hữu Việt Nam. Cha Pông-sơ-gơ-rô[1] (Băng) bị bắt nhưng bổn đạo chuộc lại được.
Một sự kiện duy nhất trong lịch sử Giáo Hội
Dù là hai “tử tù”, nhưng hồi ấy do hoàn cảnh đặc biệt của thời cuộc, nên Cha Mát-thê-ô và Cha Phan-xi cô được tương đối tự do.
Ngày lễ Chúa Ba Ngôi, Cha Phan-xi-cô dâng Thánh lễ trong ngục, Cha Mát-thê-ô giúp. Đến ngày 4-6 lễ Mình Máu Thánh Chúa, Cha Mát-thê-ô dâng thánh lễ lần thứ nhất kể từ khi bị bắt (gần bảy tháng). Hôm ấy 130 giáo hữu thành Thăng Long vào ngục dự Thánh lễ ngay đang giữa thời cấm cách: đó là sự kiện duy nhất trong lịch sử bách hại của Giáo Hội.
Hai Cha còn được thi hành sứ mệnh tông đồ như làm các phép bí tích, rao giảng Phúc Âm. Hai chứng nhân Đức Tin cố gắng lợi dụng những ngày tháng còn lại ở trần gian này để gặt hái cho Chúa các linh hồn.
Bảy tháng trôi qua, giờ chiến thắng đã đến. Ngày 22-1-1742, Cha Phan-xi-cô phải điệu đi xử. Cha Mát thê-ô đau khổ bị bỏ quên. Hai cha từ giã nhau, người đi vui, người ở lại buồn. Quan Giám sát cảm thương, cho phép Cha Mát-thê-ô tiễn bạn đến pháp trường. Cha sung sướng, và được an ủi đôi phần. Nhưng sự an ủi của Cha biến thành niềm hoan lạc, vì khi qua cổng Hoàng cung thì được lệnh triều đình truyền xử luôn cả Cha Mát-thê-ô vì tội giảng đạo Gia-tô. Cha ngửa mặt lên trời cảm tạ ơn Chúa đã ban phúc trọng tử đạo cho mình.
Đoàn người đi xem cả giáo lẫn lương lũ lượt kéo ra pháp trường. Mọi người tỏ vẻ thương xót hai Tây dương đạo trưởng hiền lành mà phải xử như những tên trộm cướp phản loạn. Theo tài liệu cũ đã ghi lại rằng: Một bà già rất sùng đạo Phật, bà khóc lóc vái trời vái Phật để hai Cha khỏi bị giết, bà sợ đất nước sẽ gặp hoạn nạn vì đổ máu các thày đạo vô tội.
Đầu hai Cha vừa rơi, mọi người ồ ạt chen lấn xô đẩy nhau vào thấm mẫu.
Cha Bề Trên tỉnh dòng cử hai Thày Điều, Luận và mấy bổn đạo rước xác hai Cha về nhà Chung Lục Thủy. Đức Cha Hi-le (Hy) dòng Thánh Au-gu-ti-nô cử hành Thánh lễ tạ ơn trước mặt đông đủ các lĩnh mục và giáo dân trong địa phận.
Ngày 15-4-1906, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho Cha Mát-thê-ô Li-xi-ni-a-na, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn người lên bậc hiển thánh. —
[1] Pongsgrau.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn