Ngày 22/1: Thánh Phanxicô Gil de Federich (Tế)

Từ khi đất nước Việt Nam được nhận ánh sáng Đức Tin và trong suốt 100 năm truyền giáo, bao máu đào đã đổ ra tô điểm Giáo Hội Việt Nam. Nhưng phải đợi đến giữa thế kỷ 18 thời Cảnh Hưng Nhà Lê, mới có hai vị từ đạo được vào danh sách 117 chân phúc, được Giáo Hội tồn phong đầu thế kỷ 20. Đó là Cha Phan-xi-có Gin Phê-đê-tích và Cha Mát-thê-ô Li-xi-ni-a-na[1] (Đậu), người Tây Ban Nha thuộc dòng thánh Đa-minh đã đổ máu vì Chúa Kitô ở Thăng Long (Hà Nội) ngày 22-1-1745. Cha Phan-xi-cô Phê-đê-rích bị bắt trước, nên được kể là vị tử đạo thứ nhất được phong chân phúc.

 

Chân phúc thi sĩ.

Cha Phan-xi-cô sinh năm 1702 ở Toóc-tô-sa (Tor-tô-sa) bên bờ sông E-bơ-rơ (Ebre), Tây Ban Nha. Cha dâng mình cho Chúa từ bé. Năm 16 tuổi, Cha đã được tuyên khấn dòng Thánh Đa-minh ở Tu viện thánh nữ Ca-ta-ri-na tỉnh Ba-xơ-lon (Barcelone) Tây Ban Nha, rồi trở thành giáo sư Triết, sau làm giám đốc. Nhưng Cha vẫn mơ ước được đi truyền giáo phương xa và ý nguyện này hằng thôi thúc Cha.

Vì thế Cha xin đổi sang tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi Ma-ni-la là tỉnh dòng chuyên lo việc truyền giáo cho các dân Đông phương.

Cha từ giã quê hương đi Phi Luật Tân. Ở đây Cha Giám tỉnh Đi-ê-gơ Sa-en (Diego Saeng) cảm phục các đức tính của vị thừa sai tình nguyện này, coi Cha như bạn nghĩa thiết và chọn làm thư ký cho mình.

Từ năm 1733-1735, nhiều lần người ta gặp thấy Cha quỳ cầu nguyện lâu giờ trước tượng Đức Mẹ Mân Côi, không nghe thấy Cha nói gì, chỉ thấy vị linh mục sốt sắng, yêu mến Mẹ Maria. Nhưng rồi người ta được biết rõ tâm tư Cha qua những lời lẽ tha thiết bộc lộ trong một bài thơ đại ý như sau:

Lạy Mẹ xin xót thương,

Đứa con điên, mồ côi và tội nghiệp này,

Đã hoạt động quá ít cho tình yêu của Mẹ,

Mặc dầu nó có tham vọng lớn lao.

Con là người, trong trí tưởng tượng,

Thấy mình đến Đông phương,

Gieo vãi hạt giống mới và thánh thiện.

Nhưng còn ở lại

Để đổ thêm dầu vào đèn của Mẹ.

Ở đây người ta gặp một chân phúc thi sĩ mở đường cho các chân phúc thi sĩ Tê-ô-phan Vê-na[2] (Ven), Phê-rô Đoàn Công Quý sau này.

Vượt biển Đông tới miền đất ước mơ

Sau hai năm chờ đợi mong mỏi, cũng là hai năm tha thiết khấn Mẹ Maria, được diễn tả trong câu thơ; “Con còn ở lại để đổ thêm dầu vào đèn Mẹ”, Cha Phan xi-cô vượt biển Đông, giương buồm nhằm đúng hướng đất Bắc, mảnh đất Cha hằng ước mơ. Đó là năm 1735 dưới thời Uy Nam Vương Trịnh Giang (1729-1740), đời hậu Lê, năm Vĩnh Hưng thứ 1.

Hai năm Cha hoạt động truyền giáo ở các huyện Trực Ninh (Nam Đị Vũ Tiên (Thái Bình), coi xứ Mèn và xứ Bắc Trạch rồi sang huyện Giao Thủy coi xứ Lục Thủy. Hồi ấy miền Bắc đang có cuộc bắt đạo của Chúa Trịnh. Trong sử liệu cũ có ghi một chuyện sau đây mà người thời ấy quen gọi là phép lạ: Một hôm Cha Phan-xi-cô mở tuần đại phúc ở họ Quất Lâm, hôm ấy Cha đang giải tội thì một giáo dân đến cấp báo xin Cha trốn ngay vì có người đến tìm bắt Cha, Cha không sợ hãi, ngửa mặt lên trời cầu nguyện, rồi lại tiếp tục giải tội cho đến khi hết. Các người đến bắt không hiểu tại sao lại đổi ý bỏ đi.

Việc phải đến đã đến hay câu chuyện nhà sư Tình

Ngày 3-6-1737 Cha Phan-xi-cô bị bắt ở trong nhà thờ Lục Thủy khi Cha vừa dâng lễ xong. Theo các sử liệu ghi lại thì chủ động việc bắt bớ này là do một nhà sư tên là Tình. Ông ác cảm với đạo mới, lại tham tiền. Khi biết họ đạo bị bao vây, Cha tự ý ra nộp mình để khỏi liên lụy đến giáo dân. Gặp địch thù Cha bình tĩnh hỏi: “Các ông tìm ai? Tôi là đạo trưởng mà các ông đang tìm bắt”. Ông sư truyền lệnh trói Cha. Cha bảo ông: “Đã bắt được tôi thì tha cho bổn đạo”. Họ tha cho mọi người, chỉ bắt mình Cha và giải sang huyện Thủy Nhai.

Giáo dân chạy tiền, đến nhà sư xin chuộc, nhưng sư Tình đòi nhiều tiền hơn nên chưa tha và giữ Cha 10 ngày trong nhà mình. Thấy thế giáo dân chạy lên quan trấn. Quan sai lính bắt cả Cha Phan-xi-cô và sư Tính, ông này chạy thoát lên Thăng Long và tố cáo các quan trấn Sơn Nam dung túng làng Lục Thủy chứa chấp Tây dương đạo trưởng. Vì thế quan phải giải Cha lên Thăng Long và tố cáo sư Tình đồng lõa với bổn đạo chứa đạo trưởng 10 ngày.

Lòng trắc ẩn của hai người phụ nữ ngoại giáo

Trên đường đi, Cha bị sốt rét nặng, đến Thăng Long phải đóng xiềng tống ngục. Mấy hôm sau thay xiềng và chuyển sang ngục khác. Cha khỏe lại dần. Cha Nghi, cải trang làm ông lang, hay ra vào ngục thăm giải tội và cho Cha chịu lễ.

Cha Phan-xi-cô phải lên công đường hai ngày liền, được các quan đối xử tử tế lịch sự vì trong số các quan tòa có một quan có đạo. Nhưng những người ngoại tiếc mắng Cha thậm tệ, họ lấy que làm hình Thánh Giá ném nào Cha. Cha thản nhiên sốt sắng nhặt lên hôn kính.

Xiềng xích quá nặng, hai chân Cha bị những vết thương sâu lở loét rất đau đớn, Cha phải nằm trong xó ngục 15 ngày không gượng dậy được. Lúc đó có hai người phụ nữ ngoại giáo là bà Gạo và chị bà động lòng trắc ẩn xin phép quan được đưa Cha về nhà, để bà săn sóc lấy phúc.

Trong sách lịch sử địa phận Trung và sách lịch sử của địa phận dòng Thánh Đa-minh của Cha Mát-cô Gít-pe (Marcos Jispert) ghi lại rằng: Bà chị hồi ấy mắc bệnh nan y không thuốc nào chữa khỏi. Bà hứa với Cha Phan-xi-cô rằng: nếu Cha làm cách nào để bà khỏi bệnh thì bà sẽ theo đạo. Cha cầu xin sốt sắng và Chúa đã nhận lời, ân nhân của Cha khỏi bệnh, bà giữ lời hứa, chịu phép Rửa tội. Bà cũng khuyên em trở về với Chúa. Bà Gạo từ chối. Cha Phan-xi-cô bảo: “Quả này chưa chín, ta hãy chờ đợi”. Đến sau này bà được ơn Chúa đã xin theo đạo, chính Cha Phan-xi-cô rửa tội cho bà và đặt tên thánh là Rô-sa. Hai chị em trung thành với Chúa đến cùng. Vì đức bác ái Chúa đã trả công cho hai bà rất bội hậu là được nhận lấy ánh sáng Đức Tin.

Bản án kéo dài

Sau một năm giam giữ, ngày 10-7-1738, các quan kết án trảm quyết Cha Phan-xi-cô vì tội giảng đạo Thiên Chúa, sư Tình phải kết án chăn voi chung thân vì tội chứa chấp đạo trưởng 10 ngày. Cha Phan-xi-cô vui mừng tưởng mình sắp được vễ cùng Chúa, nhưng nhà sư còn khiếu nại hết tòa án nọ đến tòa án kia, nên bản án chưa thi hành.

Đến năm 1739, trong một phiên tòa chống án, nhà sư Tình xin đạp ảnh để thanh minh mình không a tòng với người có đạo. Hôm ấy các quan muốn bắt Cha Phan-xi-cô đạp ảnh, Cha đáp: “Tôi không dám phạm tội ấy”. Vừa nói Cha vừa quỳ xuống hôn ảnh. Các quan lại hỏi: “Ảnh này chỉ gì?”- Ảnh này chỉ Con Thiên Chúa ra đời, chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho mọi người. Các quan vặn hỏi: “Nhưng luật nước cấm giảng đạo ấy”. Cha Phan-xi-cô thản nhiên đáp: “Không ai có quyền cấm giảng đạo. Chúa dạy phải giảng cho hết mọi người. Ai cấm là cướp quyền Thiên Chúa”.

Năm, tháng chờ đợi.

Rồi nhiều biến cố xảy đến dồn dập, bản án tử hình của Cha Phan-xi-cô bị bỏ quên. Năm 1740 Trịnh Doanh hạ anh là Trịnh Giang, tự xưng là Minh Đô Vương nhưng cũng đặt cho anh chức Thái Thượng Vương. Bên Triều Lê, vua Hiển Tông thay vua Y Tông, đặt hiệu là Cảnh Hưng, mời khâm sai Trung Quốc từ Bắc Kinh sang phong vương.

Bên ngoài ông Lê Duy Mật khởi binh từ Thanh Hóa nổi lên chống Chúa Trịnh, thanh thế lan rộng. Thêm vào đó nhiều cuộc nổi loạn ở trung châu, và dư đảng nhà Mạc ở miền thượng du.

Tất cả các biến cố trên làm các quan bận rộn.

Trong khi ấy, vị giáo sĩ hiền lành được đối xử rất tử tế. Dù là “tử tội”, các quan cũng cho phép đi thăm các bệnh nhân ngoài phố và các vùng chung quanh thủ đô. Đức Cha Hi-a-xanh Cát-ta-nơ-đa[3] (Gia), Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài định đặt Cha làm Cha Chính xứ Kẻ Chợ (Hà Nội). Cha khiêm nhường từ chối. Các giáo hữu được ra vào ngục tự do để lĩnh nhận các phép bí tích. Chỉ trong năm 1744, Cha giải tội được 1741 lần, rửa tội 32 người lớn, 41 trẻ em và xức dầu cho 11 bệnh nhân.

Bảy năm tù trôi qua, ngày 30-5-1744, Cha vui mừng gặp lại một bạn đồng hương, đồng tu để rồi 7 tháng sau, hai Cha cùng tiến ra pháp trường lĩnh triều thiên vinh quang tử đạo. Đó là Cha Ma-thê-ô Li-ci-ni a-na, phải giải từ Sơn Nam lên Kẻ Chợ với bản án tử hình giam hậu.

Không phải một, nhưng là hai

Cha Phan-xi-cô phải điệu đi xử ngày 22-1-1745. Cha Mát-thê-ô được ơn đặc biệt tiễn bạn ra tận pháp trường. Giáo dân và lương dân đi theo rất đông. Nhưng bất ngờ Chúa Trịnh đổi ý, truyền lệnh xử cả Mát-thê-ô, thế là Cha này cũng được phúc tử đạo cùng ngày với Cha Phan-xi-cô.

Khi đầu hai tông đồ của Chúa vừa rơi, bổn đạo òa lên khóc, xông vào thấm máu.

Xác Cha Phan-xi-cô được đưa về nhà Chung Lục Thủy. Đức Cha Hi-le (Hy) và hầu hết các linh mục trong địa phận đều có mặt. Các ngài dâng lễ, hát kinh Tạ ơn (Te Deum). Năm 1769, Đức Cha Héc-năng-đê[4] (Tuấn) lập bản án gửi về Toà Thánh, được Đức Thánh Cha Cơ-lê-men-tê 14 (Clément) vui mừng tiếp nhận. Nhưng sau đó xảy ra nhiều biến cố, nên bản án bị bỏ quên. Đến năm 1891, theo lời yêu cầu của Cha Bề Trên dòng Thánh Đa-minh, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 truyền xét lại. Ngày 15-4-1906, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã tôn phong Cha Phan-xi-cô Gin Phê-đê-rích lên bậc chân phúc và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại tôn phong lên bậc hiển thánh.

 


[1] Matthieu Liciniana.

[2] Théophane Vénard.

[3] Hyacinthe Castaneda.

[4] Hernandez.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn