Ngày 7/11: Thánh Vinh-sơn Lê Quang Liêm – Linh mục (1732-1113), tử đạo Việt Nam

Tu sĩ Vi-xen-tê Hòa Bình

Cậu Vi-xen-tê Liêm sinh năm 1732 ở thôn Đông làng Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Ông An-tôn Doãn, thân sinh cậu, là một thân hào trong làng, hai ông bà là những giáo dân sốt sắng, chuyên cần giáo dục con cái. Năm 12 tuổi cậu được nhận vào nhà Đức Chúa Trời ở làng Lục Thuỷ, Cậu nổi tiếng thông minh đạo đức nên ba năm sau cậu được gửi sang Ma-ni-la (Mauila) theo học ở trường trung học Thánh Gio-an đơ La-to-ran (Jean de Latran), rồi đến trường Đại học Thánh Tô- ma do các Cha dòng Thánh Đa-minh điều khiển. Ngày 8-9-1753, năm 21 tuổi thày được mặc áo. Sau một năm tập thày được tuyên khấn trọng thể với tên dòng là Vi-xen-tê Hòa Bình. Từ đây thày bắt đầu học lý đoán để chịu chức linh mục.

 

Hồi hương

Năm 1758, Thày Liêm được thụ phong linh mục và chuẩn bị về nước. Ngày 20-1-1759, Cha trở về quê hương được đón tiếp nồng hậu, mọi người vui mừng đặt bao hy vọng vào vị tân linh mục thông thái.

Ít lâu sau Cha được cử làm giáo sư Chủng viện Trung Linh rồi được cử đi truyền giáo các xứ Lai Ổn, Quất Lâm, Trung Lao, Lục Thủy, Trung Lễ. Đi tới đâu Cha cũng được các giáo hữu yêu mến vì Cha tận tình giúp đỡ họ, không nề quản khó nhọc gian nguy.

Một ông hoàng theo đạo

Theo hai bức thư Cha Liêm viết cho Cha Bề Trên ở Ma-ni-la, Cha báo tin ông Hoàng Sáu em Chúa Trịnh Doanh đã được chịu phép Rửa tội trước khi qua đời. Cha cũng báo nhiều tin khác liên hệ đến giáo đoàn miền Bắc như Đức Cha Săng-ti-a-gô Héc-năng đề (Santiago Hemandez) Giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài và bốn linh mục thừa sai dòng Thánh Đa-minh đã đến năm trước đều khỏe mạnh. Cha cũng mừng Đức Cha Bê-na-đô Vô-ta-ri (Bemard Votarie) mới được thu phong Giám mục, Cha xin vị tân Giám mục gửi cho mình một số tràng hạt để phân phát cho giáo dân. Cha cũng bày tỏ các sự khó khăn gian nan mà đạo đang gặp phải trong việc truyền giáo và Cha xin Đức Cha, xin Cha Bề Trên cầu cho mình được nên hoàn thiện hơn, vui lòng chịu mọi sự khó theo thánh ý Chúa. Vì hồi ấy Giáo hội miền Bắc đang trải qua một cơn giông tố mới. Năm 1767 đời Cảnh Hưng, Chúa Trịnh Sâm ra lệnh xử tử một nhà sư có tội và để tránh tiếng thiên vị tôn giáo, nên ra lệnh bắt các đạo trưởng và các giáo dần theo đạo Gia-tô. Ngày 2-10-1773, Cha Liêm đang làm phúc họ Lương Đồng thì bị bắt giải về tỉnh Hưng Yên. Ở đây Cha vui mừng được gặp Cha Gia-xanh-tô Cát-ta-nơ-đa[1] (Gia) đã bị bắt mấy tháng trước. Sau đó hai Cha phải điệu về kinh để Chúa Trịnh xét xử.

Cuộc tranh luận của bốn đạo giáo

Ở kinh đô diễn ra một cuộc bàn luận tôn giáo nổi tiếng trong lịch sử tôn giáo Việt Nam dưới danh hiệu “Hội đồng tứ giáo”, về sau cuộc bàn cãi này in thành sách, được tái bản nhiều lần với nhan đề: Hội đồng tứ giáo danh sư. Tài liệu này kể rằng: Dưới đời Cảnh Hưng, Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, hai đạo trưởng Gia-tô bị bắt: một Tây dương và một bản quốc. Hồi ấy có ông quan lớn trong triều là chủ Chúa Trịnh là người ngoại, nhưng mẹ ông có đạo và quen gọi là bà Thượng Trâm. Bà khuyên con nên tòng giáo. Ông quan lớn, một đàng muốn theo lời mẹ, đàng khác lưỡng lự vì có lệnh Chúa Trịnh cấm đạo, nhưng ông cũng muốn hiểu đạo nào là đạo thật, ông sáng kiến triệu tập bốn đại diện của bốn tôn giáo: Khổng, Phật, Lão, Thiên Chúa. Ông cho mời một nho sĩ, một nhà sư, và một thày pháp và hai đạo trưởng đang phải giam. Ông chủ tọa cuộc tranh luận và ông tuyên bố như sau: ông thường nghe nói đạo này đạo khác, nhưng không biết phải theo đạo nào, nên ông muốn có cuộc thảo luận này để ông biết rõ tôn chỉ mục đích của mỗi đạo, và ông sẽ định đoạt thái độ.

Sau khi trao đổi, hai linh mục đưa ra mấy đề tài chính để thảo luận: Nguồn gốc con người? – Sống ở đời để làm gì? – Chết rồi đi đâu?

Ông quan lớn đòi mọi vấn đề phải bàn cãi tường tận để ông hiểu rõ. Thế là hội nghị kéo dài ba ngày, hai Cha áp dụng chiến thuật minh giáo và thường lấy các điển tích trong sách Kinh sử bằng chữ Hán để chứng minh, khiến quan phục lẽ”.

Cuốn sách “Hội Đồng tứ giáo danh sư”không kể rõ tên hai linh mục dự hội nghị này, nhưng theo truyền khẩu và nhiều tác giả trong đó có Cha Mát-cô Gít-pe (Marcos Gispert) tác giả sách lịch sử truyền giáo của dòng Thánh Đa-minh ở miền Bắc, thì hai linh mục đó chính là Cha Gia-xanh-tô Cát-ta-nơ-đa và Cha Vi-xen-tê Liêm. Cũng theo truyền khẩu thì Cha Liêm chính là tác giả cuốn sách trên. Còn Cha Gia-xanh-tô đã giảng đạo ở Trung Quốc từ năm 1766 đến năm 1769, nên không lạ gì Cha rất thông thạo điển tích và châm ngôn của nước này.

Ánh vinh quang của dân tộc Việt Nam.

Ông quan lớn phục lẽ, nhưng số phận của hai nhà truyền giáo đã được định sẵn. Chúa Trịnh Sâm bị bà mẹ ác cảm với đạo thúc đẩy, đã châu phê bản án xử tử hai linh mục.

Ngày 7-10-1773, Cha Vi-xen-tê Liêm cùng với Cha Gia-xanh-tô được phúc lấy máu đào chứng minh cho lời giảng dạy. Cha Vi-xen-tê Liêm về trời lĩnh phần thưởng sau 15 năm chịu chức linh mục và tận tụy truyền giáo, năm Cha mới 41 tuổi.

Ngày 15-4-1906, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong Cha lên bậc chân phúc.

Trường Thánh Gio-an đơ La-tơ-ran ở Ma-ni-la đã nhận chân phúc Vi-xen-tê Liêm là học sinh cũ làm quan thày nhà trường. Một pho tượng lớn của chân phúc được đặt ngay trước sân trường. Hằng năm đến ngày 6-11, lễ quan thày được cử hành rất trọng thể, có mặt đầy đủ các giáo sư, học sinh của trường, các phụ huynh và nhiều bậc vị vọng ở thủ đô Ma-ni-la tới dự.

Chúng ta có thể tự hào rằng chân phúc Vi-xen-tê Liêm là ánh vinh quang của dân tộc Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha lên bậc hiển thánh.


[1] Jacinthe Castaneda

Đức Hồng Y Giu-se Maria Trịnh Văn Căn