Thứ Ba tuần II Thường Niên
BÀI ĐỌC I: Dt 6, 10-20
“Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.
Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều”. Do đó, Abraham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Đức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c
Đáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. – Đáp.
2) Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Đấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. – Đáp.
3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. – Đáp.
Tin mừng: Mc 2,23-28
23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép!”
25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”
27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta hiểu ý nghĩa tích cực của lề luật. Lề luật được làm ra để giúp con người thăng tiến. Hiểu được vậy, ta sẽ không giữ luật cách nô lệ, hình thức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta sợ mang gông cùm và ghét kẻ nào cướp mất tự do của mình. Rất nhiều lúc con chán ngán hoặc khiếp sợ đạo Chúa vì có quá nhiều lề luật phải giữ. Rất nhiều lúc con nhìn Chúa như một cảnh sát, như một kẻ đè bẹp làm con mất tự do. Rất nhiều lúc con coi thường luật Chúa hoặc đành phải giữ cho xong. Như người Biệt phái, con chỉ nhìn thấy những điều không được phép, những điều cấm đoán, mà chẳng hiểu tại sao.
Lạy Chúa, hôm nay con hiểu được Chúa thương con. Chúa ban lề luật là vì thương con. Lề luật của Chúa không phải như một gánh nặng áp đặt trên con như chiếc gông cùm đè bẹp, nhưng là quà tặng giúp con bay cao, thăng tiến và bảo vệ sự tự do mà Chúa đã ban. Lề luật được làm ra để nâng đỡ con mà con cứ nghĩ Chúa kìm kẹp con. Chính vì con chẳng hiểu nên con đã giữ luật một cách nô lệ, câu nệ hình thức, con cảm thấy nặng nề gò bó.
Con vui mừng dâng lời tạ ơn Chúa vì Chúa giải thoát con khỏi tinh thần nô lệ. Xin Chúa giúp con sống trong tự do của một người con. Xin Chúa dạy con hiểu được ý nghĩa của từng lề luật xuyên qua những điều được phép hay bị cấm. Xin Chúa cho con thấy được rằng tình yêu là điều quan trọng nhất trong mọi lề luật. Và tình yêu sẽ giải thoát con. Amen.
Ghi nhớ: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.
THIÊN CHÚA CỦA NIỀM HI VỌNG – TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Dt 6, 10-20; 1S 16, 1-13; Mc 2, 23-28
Đời sống con người nhiều khi bế tắc. Thân phận yếu kém. Hoàn cảnh khắc nghiệt. Lãnh đạo thiển cận, hẹp hòi và chuyên quyền. Nhưng thánh Phao-lô khuyên ta nên kiên trì giữ vừng niềm tin, vì Thiên Chúa chính là hi vọng.
Thiên Chúa là hi vọng vì Người trung tín. Lời thề hứa của Thiên Chúa là bất di bất dịch. Vì nếu mọi người phải mượn danh Chúa mà thề vì danh Chúa chí thánh là nền tảng vững chắc. Đằng này chính Thiên Chúa thề hứa thì không thể sai chạy. Điều đó chứng tỏ qua cuộc tuyển chọn Áp-ra-ham (năm lẻ) và Đa-vít (năm chẵn). Và càng chứng tỏ hơn nữa qua việc thực hiện lời thề hứa với các ngài. Giữ lời hứa cho Áp-ra-ham một giòng dõi đông đúc ông đã cao tuổi mà vẫn chưa có con. Giữ lời hứa trung tín với nhà Đa-vít nên đã cho Ngôi Lời sinh trong dòng họ này.
Thiên Chúa là hi vọng vì Người luôn quan tâm và khai thông những bế tắc. Con người sai lầm. Lịch sử bất ổn. Hoàn cảnh khó khăn. Nhưng Thiên Chúa luôn biết cách đổi mới. Khi con người lỗi phạm, Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham lập nên một giòng dõi mới. Khi Sa-un đi chệch đường, Thiên Chúa tuyển chọn Đa-vít lập triều đại mới. Và khi Cựu Ước chấm dứt Thiên Chúa sai Con Một xuống lập giao ước mới. Khai mạc triều đại mới. Thiên Chúa luôn mở ra những chân trời mới. Khai thông bế tắc. Đem lại hi vọng lớn lao.
Thiên Chúa là hi vọng vì Người làm chủ vũ trụ. Người có toàn quyền trên muôn vật muôn loài. Làm chủ vũ trụ. Làm chủ vận mạng con người. Làm chủ lề luật. Người tự do và làm cho ta tự do. Người giải thoát ta khỏi mọi ràng buộc. Không bị ràng buộc vào diện mạo bên ngoài. Không phải tuân theo thứ tự trước sau. Người chọn Đa-vít là con út và là người có vóc dáng nhỏ bé. Người chọn Áp-ra-ham là người cao niên mà chưa có con. Lề luật vốn để phục vụ con người. Khi lề luật trở nên gánh nặng, nên gông cùm trói buộc, Người đã giải thoát con người. Vì Người làm chủ lề luật. Chính vì thế Người đem lại niềm hi vọng cho con người.
Khi chưa thấy lời hứa thực hiện ta cũng vẫn tín thác vì Chúa luôn trung tín. Khi ta gặp bế tắc tưởng chừng không lối thoát ta vẫn an tâm vì Chúa luôn quan tâm sẽ khai thông mọi bế tắc. Khi ta bị vây kín trong vòng giam hãm của lề luật ta vẫn tự do vì Chúa làm chủ lề luật sẽ giải thoát ta.
Suy niệm – Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô thuật lại Chúa Giêsu và các môn đệ băng qua cánh đồng lúa. Các môn đệ cảm thấy đói nên đã bứt lúa để ăn. Thấy vậy, những người Pharisiêu đã thắc mắc với Chúa và cho rằng; các môn đệ của Chúa vi phạm luật ngày Sa-bát.
Thật ra, việc bứt lúa không có trong luật ngày Sa-bát. Nhưng vì tính soi mói, ích kỷ và hay bắt bẻ của những người Pharisiêu, nên họ đã lồng việc bứt lúa vào tội vi phạm luật ngày Sa-bát.
Chính vì thế, Chúa đã trưng dẫn việc Vua Đa-vít và các thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ hay các tư tế trong đền thờ vi phạm luật ngày Sa-bát mà không mắc tội, để chỉ cho họ thấy cốt lõi của lề luật là lòng bác ái chứ không phải giữ luật một cách hình thức máy móc. Giữ luật mà không có lòng yêu mến thì chỉ làm nô lệ cho lề luật và chẳng mang lại công phúc gì.
Thực chất, luật ngày Sabát được đặt ra là vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabát. Vì thế cho nên Chúa mới nói với họ: “Con Người làm chủ ngày Sabát”.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức, đừng giữ luật vì lòng ghen tị, đừng soi mói người khác, cũng đừng giữ luật một cách máy móc, hình thức, nhưng tuân giữ và thực hành lề luật với tất cả lòng yêu mến. Như thế, việc tuân giữ lề luật sẽ trở nên nhẹ nhàng, sẽ đem lại tự do và mang lại kết quả là sự sống đời đời cho mỗi người chúng ta. Amen.