Suy niệm mầu nhiệm Mân Côi tháng 05 năm 2020
SUY NIỆM
MẦU NHIỆM MÂN CÔI
05/2020
********************
HMC T5.2020.A4 (pdf)
Thứ bốn thì ngắm: Đức bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy .
Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập đức vâng lời.
I – LỜI CHÚA : Xin đọc Tin Mừng Lc 2,22-40
- GỢI Ý SUY NIỆM:
Khi tìm hiểu đức Vâng Lời, chúng ta không thể không nói tới một mẫu gương tuyệt vời và trọn hảo nhất về đức vâng lời của Chúa Giêsu. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã vâng lời Thiên Chúa Cha, từ bỏ ngai vàng, xuống thế làm người, chịu chết để cứu độ nhân loại (Pl 2, 6-8).
Bài Tin Mừng trên đây, thánh Luca thuật lại Ngài được Đức Mẹ và thánh Giuse dâng cho Chúa Cha trong đền thờ. Qua đó cho thấy, dù là Thiên Chúa làm người, Ngài không miễn chuẩn cho mình việc tuân giữ luật lệ của con người. Nhưng Ngài đã vâng lời và làm theo luật dạy.
Không chỉ như vậy, Ngài là Thiên Chúa nhưng đã vâng lời cả cha mẹ trần gian, hoàn toàn để cho Đức Mẹ và thánh Giuse hướng dẫn, dạy dỗ Ngài và làm chủ cuộc đời Ngài nơi mái ấm gia đình.
Khi thi hành sứ vụ công khai rao giảng Tin mừng, Ngài hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Khởi đầu là hành động bước xuống sông Gio-đan để xin Gioan làm phép rửa cho Ngài. Đây quả là một bài học về đức vâng lời và sự khiêm nhường thẳm sâu của Chúa dành cho chúng ta. Chính vì vậy mà ngay sau khi lên khỏi nước, tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.
Ngài luôn tìm kiếm thánh ý Chúa Cha và còn coi việc vâng phục và làm theo thánh ý Chúa Cha như là lương thực nuôi sống Ngài, khi Ngài nói: “Lương thực nuôi sống Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”.
Khi phải đối diện với cái chết trong vườn Giệt-si-ma-ni, với lời cầu nguyện thống thiết, mồ hôi lẫn huyết tuôn ra trong đau khổ và lo sợ, Ngài vẫn đặt thánh ý Chúa Cha lên trên ý muốn riêng tư của Ngài: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha”.
Cả cuộc đời của Ngài là một cuộc từ bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa Cha. Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Đó là một mẫu gương tuyệt vời và trọn hảo nhất về đức vâng lời mà Ngài đã nêu gương cho chúng ta.
Mẹ Maria cũng là một mẫu gương tuyệt vời về đức vâng lời cho mỗi người chúng ta. Cả cuộc đời Mẹ là một lời đáp trả tiếng xin vâng khi Mẹ thưa với Thiên Chúa trong biến cố truyền tin, khởi đầu công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện nơi loài người. Lời đáp xin vâng của Mẹ xem ra đơn giản, nhỏ nhẹ, nhưng Mẹ đã phải trả giá bằng cả máu và nước mắt.
Khi đáp lời xin vâng, là Mẹ đặt mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và cũng là lúc Mẹ hoàn toàn phó thác cuộc đời Mẹ cho Thiên Chúa, để Người hoàn toàn định đoạt và quyết định trên cuộc đời của Mẹ trong thân phận “Nữ tỳ hèn mọn”, miễn là thánh ý Chúa được nên trọn.
Mẹ đã vâng phục trong mọi hoàn cảnh, dù chưa hiểu hết thánh ý Thiên Chúa: Tại sao Con Thiên Chúa mà lại phải sinh ra trong chuồng bò ? Tại sao Vua cả trời đất mà lại phải chạy trốn trước sự rượt đuổi của con người ? Tại sao Con Thiên Chúa làm biết bao nhiêu việc tốt lành, bao nhiêu phép lạ: Cho người mù được sáng mắt. Kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, người chết ống lại… để cứu chữa người ta, thế mà vẫn bị người ta chống đối ? Rõ ràng thiên thần Gabiel nói trong biến cố truyền tin rằng: Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Vậy mà giờ đây loài người đã tiêu diệt Con Thiên Chúa bằng cách đánh đòn và đóng đinh vào thập giá ? Làm sao có thể hiểu nổi tất cả những điều ấy. Tuy vậy, Mẹ luôn tin rằng: Thánh ý Thiên Chúa luôn hoàn hảo hơn trí hiểu của loài người. Nên Mẹ hoàn toàn từ bỏ ý riêng để thuận theo thánh ý Thiên Chúa.
Một mẫu gương vâng phục nữa đó là thánh Giuse. Cả cuốn Tin mừng không hề ghi lại một lời nào thánh Giuse nói, mà chỉ ghi lại những việc thánh Giuse làm. Điều đó chứng tỏ rằng; Ngài luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng hành động chứ không phải nơi đầu môi chóp lưỡi. Cho dù mệnh lệnh Chúa truyền nhiều khi chỉ là trong giấc mơ.
Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vất vả, nhưng Ngài đã vâng lời làm theo tất cả, miễn là thánh ý Thiên Chúa được thực hiện mà không hề thắc. Như thế, chắc chắn thánh Giuse phải là một người luôn có tâm hồn tĩnh lặng nội tâm thâm sâu thì mới có thể nhạy bén như vậy để lắng nghe và vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Còn rất nhiều gương mẫu nữa về đức vâng lời nơi các thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, không thể kể hết được. Trong tháng này tôi chỉ xin nêu ra 3 mẫu gương sáng ngời về đức vâng lời nơi gia đình thánh gia để cho chúng ta noi đòi bắt chước.
Ước gì mỗi chị em hãy cố gắng học đức vâng lời và làm theo thánh ý Thiên Chúa để đạt tới ơn cứu độ. Đừng như nguyên tổ bất tuân mà dẫn cả nhân loại tới sự chết. Amen.
III. CÂU HỎI GỢI Ý
1- Tôi có vâng phục, đáp lại tiếng Chúa gọi tôi qua tiếng chuông nhà thờ, để tôi tới tham dự các thánh lễ, đặc biệt là Chúa Nhật và lễ trọng không ?
2- Tôi có vâng phục thánh ý Chúa qua việc tuân giữ các giới răn và đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống của tôi không ?
- Tôi có vâng phục tiếng Chúa nhắc bảo qua tiếng lương tâm của tôi: Làm lành, tránh dữ không?
- Tôi có vâng phục thánh ý Thiên Chúa thể hiện qua các vị hữu trách trong Giáo hội, khi các ngài truyền dạy những điều hợp đức tin và giáo lý tông truyền không ?
- Trong gia đình, tôi có nêu gương vâng phục cho con cái của tôi noi đòi bắt chước không ?
* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
- Maria Nguyễn Thị Hồng, giáo xứ Nhã Lộng, giáo hạt Thái Nguyên
* Lưu ý: Theo lịch phân công, các giáo hạt sẽ lần lượt về hành hương kính Đức Mẹ tại TTTM Từ Phong vào ngày 13 hàng tháng (từ tháng 5 đến tháng 10). Nhưng vì dịch bệnh nên việc hành hương tạm hoãn cho đến khi có thông báo lại.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
Đặc trách Hội Mân Côi
Giáo Phận Bắc Ninh.