Suy niệm mầu nhiệm Mân Côi tháng 06 năm 2020

SUY NIỆM

MẦU NHIỆM MÂN CÔI

06/2020

**************

HMC T6.2020 A4docx (pdf)       

Thứ năm thì ngắm: Đức Mẹ tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn .

          Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập sống hiệp thông với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện.

I – LỜI CHÚA :   Xin đọc Tin Mừng Lc 2,41-52

  1. GỢI Ý SUY NIỆM:

Bài Tin mừng trên đây thuật lại việc Chúa Giêsu cùng Đức Mẹ và thánh Giuse đi lễ đền thờ Giêrusalem. Sau khi lễ hoàn tất, hai ông bà ra về theo đoàn hành hương. Thánh Giuse thì tưởng Chúa đi với Đức Mẹ, Đức Mẹ thì tưởng Chúa đi với thánh Giuse. Thực tế, Chúa ở lại đền thờ cầu nguyện cầu nguyện để giữ ơn nghĩa với Chúa Cha.

Sau ba ngày lặn lội vất vả trở lại tìm con, hai ông bà thấy Chúa đang ngồi giữa những bậc thầy Do thái, Người vừa hỏi vừa nghe. Khi Mẹ Maria nói với Chúa về việc hai ông bà vất vả tìm kiếm, Người trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con ?Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha Con sao ?”.

Câu trả lời ấy cho thấy từng giây phút trong cuộc đời, Chúa Giêsu luôn giữ ân nghĩa với Thiên Chúa là Cha của Người, một mối dây hiệp thông mà Người coi đó là bổn phận luôn phải được gắn kết với Chúa Cha mà không thể tách rời, nên Người mới trả lời với Đức Mẹ và thánh Giuse như vậy.

Trong suốt hành trình rao giảng rao giảng Tin mừng, chúng ta cũng nhận thấy Người luôn gắn kết với Chúa Cha qua các giờ cầu nguyện, đặc biệt là qua những biến cố quan trọng trong cuộc đời Người, Người luôn cầu nguyện để nhận biết và thực hiện thánh ý Chúa Cha. Chẳng hạn khi tuyển chọn các môn đệ, Người đã cầu nguyện suốt đêm, đến sáng Người chọn nhóm 12 để sai các ông ra đi, tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin mừng của Người.

Khi làm phép lạ hóa bánh, Người dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, biểu lộ sự gắn kết với Thiên Chúa là Cha của Người. Sau khi dân chúng ăn no nê, dân chúng muốn tôn Người nên làm Vua, nhưng Người đã trốn lên núi để cầu nguyện.

Khi thực hiện các phép lạ, Người đều cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để cho dân chúng thấy là Người bởi Chúa Cha mà đến, đồng thời cho thấy Người luôn gắn kết với Chúa Cha trong ân nghĩa Cha – Con qua từng giây phút của cuộc đời Người.

Kể cả những ngày làm việc vất vả, Chúa và các tông đồ không có cả thời giờ để ăn, nhưng Người vẫn không quên dành thời gian cầu nguyện với Chúa Cha và còn nhắc nhờ các tông đồ: “anh em hãy lánh riêng ra nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút”. Người nói “nghỉ ngơi” ở đây không có nghĩa là giấc ngủ thể lý mà là nghỉ việc phục vụ, nghỉ việc lao động để dành thời gian cầu nguyện, giữ ân nghĩa với Thiên Chúa, hầu lấy lại sức mạnh thiêng liêng, lấy lại nhiệt huyết tông đồ.

Khi phải đối diện với cái chết, lo buồn đến toát mồ hôi máu  nhưng Người vẫn cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất chén này xa con. Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Giả sử như chúng ta, khi phải đối diện với những đau khổ và hiểm nguy như thế, có lẽ lúc ấy chúng ta sẽ cầu nguyện ngược lại; xin đừng theo ý Cha mà theo ý con. Lúc chịu đóng đanh vào thánh giá, cận kề với cái chết, Người vẫn cầu nguyện cho những kẻ giết Người rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Trong đời sống hằng ngày, Người nhắc nhở các tông đồ phải cầu nguyện luôn, đừng nghỉ bao giờ. Người coi việc cầu nguyện như hơi thở của đời sống thiêng liêng để tiếp nhận ân sủng từ Thiên Chúa, đồng thời Người con coi việc làm theo thánh ý Chúa Cha như là lương thực nuôi sống Người, khi Người nói: “lương  thực nuôi sống Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”.

Qua những tìm hiểu trên đây, chúng ta nhận thấy trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu và trong từng giây phút của ngày sống, không lúc nào Người tách rời hay đánh mất ân nghĩa với Chúa Cha. Đây hẳn là một mẫu gương tuyệt vời để mỗi người chúng ta noi đòi bắt chước mối dây hiệp thông ân nghĩa của Người với Thiên Chúa Cha.

Qua đó, mỗi người chúng ta cũng hãy kiểm tra lại mối hiệp thông sống ân nghĩa với Thiên Chúa của chúng ta, để từ đó giúp ta chỉnh sửa lại mối dây ân nghĩa ấy, hầu nối lại mối dây ân nghĩa với Thiên Chúa. Hãy kiểm điểm lại một ngày sống của chúng ta từ khi thức dậy cho tới lúc nghỉ ngơi cuối ngày, để thấy được mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta có cảm tạ Chúa và dâng ngày sống cho Chúa ngay khi thức dậy ? Có gặp gỡ Chúa qua các giờ cầu nguyện hay tham dự Thánh lễ ? Có năng nhớ tới Chúa trong ngày ? Có chịu khó hy sinh vì Chúa ? Có tìm ý Chúa trước khi làm việc không …? Có khi cả ngày sống, không được giây phút nào ta nhớ tới Chúa.

Nếu như thế, ta cần chỉnh sửa lại ngay, cần nối lại sợi dây hiệp thông với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, qua việc tham dự Thánh lễ, qua việc lãnh nhận các Bí tích, để nhận biết và thực hiện ý Chúa, đồng thời để cám ơn Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho chúng ta.

Mẹ Maria, thánh cả Giuse và các vị thánh đều là những mẫu gương tuyệt vời giúp ta thực hành mối dây hiệp thông trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Chính nhờ sống hiệp thông ấy mà các ngài nên thánh và là thành phần ưu tuyển của Hội.

Nếu mối dây ân nghĩa của ta với Chúa bị gián đoạn, ta cần ý thức nối lại ngay để hiệp thông với Ngài, để nhờ sự hiệp thông ân nghĩa ấy, ta mới lấy lại được sức mạnh thiêng liêng từ chính Chúa, mới có thể sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Amen.

III. CÂU HỎI GỢI Ý

  • Tôi có bỏ bê việc cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, làm gián đoạn mối dây ân nghĩa với Chúa không ?
  • Chúa nói: “Phải tìm Nước Chúa Trời trước nhất”. Tôi có đặt việc thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự hay tôi coi đó như việc tùy phụ?
  • Tôi có lấy lý do bận rộn công việc rồi bỏ bê việc thờ phượng kính mến Chúa không ?
  • Tôi có cắt đứt tương giao với Thiên Chúa, thay vào đó tôi đi xem bói để thỉnh ý ma quỷ khi gặp rủi ro hoạn nạn không ?
  • Hãy đọc kinh: “Khi vừa thức dậy sáng ngày” và đem ra áp dụng.

* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi trong tháng.

1- Anna Hạ Thị Điểu, gx Vinh Tiến, giáo hạt Vĩnh Phúc

2-  Anna Nguyễn Thị Quýt, gx Vinh Tiến, giáo hạt Vĩnh Phúc

3- Maria Nguyễn Thị Liền, gx Hữu Bằng, giáo hạt Vĩnh Phúc

4- Giuse Trần Văn Tụng, gx Vinh Tiến, giáo hạt Vĩnh Phúc

5- Anna Hà Thị Ngăn, gx Thái Nguyên, giáo hạt Thái Nguyên

6- Maria Trần Thị Hải, gx Vĩnh Ngọc, giáo hạt Tuyên Quang

7- Catarina Vũ Thị Quân, giáo khu Hích, giáo hạt Thái Nguyên

Lưu ý:

  • Việc về Từ Phong ngày 13 hàng tháng sẽ thông báo sau.

                                                                                                           Phêrô Mai Viết Thắng

                                                                                                           Linh mục đặc trách

                                                                                                 HỘI MÂN CÔI GIÁO PHẬN BẮC NINH