Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia Giáo phận tháng 3.2024

Thứ Sáu ngày 15-03-2024 là ngày Đức cha cử hành Lễ Thánh Giuse Bổn mạng Đức Cha và Hội Trưởng Gia Đình cả Giáo phận Bắc Ninh, xin cộng đoàn sốt sắng để cầu nguyện cho Đức cha và giáo phận, cùng được lĩnh ơn Toàn Xá và nhiều ơn ích thiêng liêng cho bản thân, gia đình và xứ họ trong Mùa Chay Thánh.

 

HOA MÂN CÔI Tháng 03.2024

File PDF A4 File PDF A5 File Word A4 File Word A5

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 3.2024

File PDF File Word

 

HOA MÂN CÔI

Tháng 03/ 2024

Ý nguyện:  Cầu cho các vị tử đạo mới. Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho những ai đang hy sinh mạng sống vì Tin mừng, trong những miền khác nhau trên thế giới, làm cho Giáo hội trở nên phong phú nhờ lòng can đảm và nhiệt thành truyền giáo của họ. 

I – LỜI CHÚA    Xin đọc Tin Mừng Ga 20,1-9

  1. GỢI Ý SUY NIỆM

Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đã kết thúc bởi cái chết đau thương trên thánh giá. Thế nhưng, cái chết ấy chỉ là kết thúc cuộc đời dương thế của Chúa để hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại chứ không phải là chấm dứt sự sống đời đời của Ngài. Nếu cuộc đời của Chúa chấm hết bởi cái chết đau thương trên thánh giá mà Ngài không sống lại, thì đây quả là một sự thất bại thảm hại không những cho chính bản thân Ngài mà còn cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Như chính thánh Phaolô tông đồ đã nói: Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em….. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. (1Cr 15,14-19). 

Thế nhưng, Đức Kitô đã sống lại và Ngài đã khai mở cho chúng ta một niềm hy vọng mới về sự sống đời đời. Ngài chính là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, đã mở ra cho nhân loại một tương lai tràn trề hy vọng về sự sống đằng sau cái chết. Hơn thế nữa, sự phục sinh của Chúa còn là câu trả lời cho tất cả các câu hỏi đã được đặt ra từ xa xưa mà chưa có lời giải đáp. Đó là: Con người sống ở đời này để làm gì ? Chết rồi đi đâu, về đâu ? Có sự sống sau khi chết không ? 

Việc Chúa Kitô sống lại, đã tháo gỡ mọi bế tắc và những thắc mắc về sự sống đằng sau cái chết của con người, đồng thời mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống cuộc đời này sao cho có ý nghĩa. Bởi vì, con người được Thiên Chúa tạo dựng không phải để hư vong trong vô vọng như các loài thảo mộc hay các loài động vật khác, nhưng con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và Ngài còn cho họ được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài. Sự sống ấy chỉ thay đổi chứ không mất đi, cho dù sự sống ấy có bị thối mục hay bị phân hủy.

Chính vì thế mà khi rao giảng Tin mừng, Chúa đã dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất phải chịu phân hủy, chịu thối mục đi, nó mới làm phát sinh sự sống và mới sinh ra nhiều bông hạt, khi Ngài nói: “Nếu hạt lúa mì gieo xuông đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó mới sinh nhiều bông hạt”.

Nhiều lần Chúa đã tiên báo về chính bản thân Ngài phải chịu đau khổ, khi Ngài nói: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế và các kinh sư loại bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Trong Tin mừng cũng đã ghi lại, khi Chúa xua đuổi tất cả những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, Ngài cũng đã nói với những người Do-thái rằng: “các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Đền thờ mà Chúa muốn nói tới ở đây chính là thân thể Ngài phải chịu chết, chịu mai táng rồi ngày thứ ba sẽ sống lại, nhưng người Do-thái và ngay cả các môn đệ cũng không hiểu, mãi cho tới khi Chúa từ cõi chết sống lại, lúc ấy họ mới nhận ra điều Chúa đã báo trước.

Sự kiện Chúa phục sinh là bằng chứng không thể chối cãi. Bởi vì, sự kiện này đã được Chúa báo trước cho các môn đệ và cho cả người Do-thái như đã trình bày ở trên. Không những thế, những tên lính canh mồ cũng đã được chứng kiến sự kiện Chúa sống lại. Sau khi sống lại, Chúa còn hiện ra với mấy người phụ nữ, và hiện ra nhiều lần với các môn đệ, để củng cố niềm tin cho các ông và sai các ông đi rao giảng về sự phục sinh của Chúa.

Nhờ đó, các ông từ những con người mỏng giòn yếu đuối, nhát đảm, sợ sệt, luôn ở trong nhà cửa đóng then cài không dám ra ngoài vì sợ người Do-thái thì nay các ông đã trở thành những con người mạnh dạn, can đảm ra đi rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô phục sinh bằng chính mạng sống của các ông.

Trong cuộc sống đời thường, có thể có những người dám làm chứng cho những điều dối trá qua lời nói hay việc làm, nhưng chẳng ai dám lấy mạng sống để làm chứng về những chuyện bịa đặt, vô nghĩa. Trái lại, sự kiện Chúa phục sinh đã được các môn đệ minh chứng bằng chính mạng sống của mình. Các ông còn tuyên bố trước mặt vua chúa, quan quyền một cách đanh thép rằng: “chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy, tai nghe”, hay “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Không chỉ các tông đồ hay các môn đệ sống cùng thời với Chúa Giêsu, mà trải qua suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội, đã có biết bao nhiêu chứng nhân đã anh dũng hy sinh; lấy chính mạng sống của mình để minh chứng đức tin và làm chứng cho chân lý. Chính vì thế, sự kiện Chúa phục sinh càng ngày càng được sáng tỏ và là một sự kiện không thể chối cãi.

Việc Chúa sống lại là một chân lý, nhưng sự kiện đó có làm thay đổi cuộc đời của tôi không, hay đó chỉ là một ngày lễ kỷ niệm được lặp đi lặp lại hàng năm theo chu kỳ phụng vụ mà thôi, còn bản thân tôi vẫn ở lại trong con người cũ, vẫn sống trong tội lỗi mà không chịu thay đổi để sống lại trong sự sống mới của Chúa Kitô phục sinh ?

Có lẽ chúng ta cần phải xem xét lại, để ta không chỉ tưởng niệm mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh qua chu kỳ phụng vụ hàng năng của Giáo hội, nhưng đem lại cho chúng ta sự biến đổi đời sống thiêng liêng, để từ đây ta được sống lại trong con người mới với sức sống của Chúa Kitô phục sinh. 

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta đừng bao giờ sống như thể chỉ có đời này mà thôi. Bởi vì, sống như thế, xét về khía cạnh tâm linh, con người không hơn gì con vật. Nhưng chúng ta cần xác tín vào sự phục sinh của Chúa và xác tín về sự sống đời sau, để ta biết cởi bỏ con người cũ, biết chết đi cho tội lỗi, để được sống lại trong sự sống mới với sức sống của Chúa Kitô phục sinh. Amen.

III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ 

  1. Tôi có xác tín rằng: Có sự sống sau khi chết không ?
  2. Khi xác tín như vậy, tôi có sống niềm tin đó không ?
  3. Tôi có cố gắng tiêu diệt tội lỗi để sống đời sống mới không ?

* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Maria Nguyễn Thị Đàn, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Bảo Sơn.

2- Anna Vũ Thị Được, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Bắc Giang.

3- Maria Nguyễn Thị Dung, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Nội Bài.

4- Maria Trần Thị Gái, giáo họ Bến Chinh, Giáo xứ Vĩnh Ngọc.

5- Annê Đặng Thị Ngoan, giáo họ Lũng Ngoại, Giáo xứ Hoà Loan.

*Lưu ý: Thứ bảy, ngày 06/04/2024, theo lịch phân công, Giáo hạt Nội Bài sẽ tập trung tại TTTM Từ Phong lúc 16h00 để học hỏi, chia sẻ => 18h30 dâng hoa kính Đức Mẹ. => 19h00 Thánh lễ.

Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 03/2024

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư CN III Mùa Chay: Mt 5,17-19
  2. SUY NIỆM:

 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.”

Đức Giêsu khẳng định cho ta một điều là Người đến để kiện toàn, để Luật Mô-sê hay lời các ngôn sứ trở nên thành tựu, trở nên vẹn toàn. Thật vậy, Người chỉ cho dân Do Thái thấy được những Luật xưa chưa kiện toàn và vì thế mà Đức Giêsu có thể uốn nắn cung cách hành xử của họ theo đúng đường lối của Thiên Chúa. Thế nhưng, Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ chẳng phải là Lời của Thiên Chúa phán với dân qua các vị trung gian thời xưa đó sao. Nếu đã là Lời của Thiên Chúa thì đâu cần phải kiện toàn. Mặc khải của Thiên Chúa mang tính tiệm tiến, đó là phải nương theo “trình độ” hiểu biết của Dân Người và mặc khải được mở ra một cách từ từ theo khả năng nhận biết của họ. Thế nên, Lời Thiên Chúa hay Thánh ý của Người được minh định một cách chắc chắn nhất nơi Người Con của Thiên Chúa. Từng bước, từng bước, Thiên Chúa huấn luyện dân của Ngài qua các thời kỳ khác nhau theo dòng lịch sử cứu độ, và đỉnh cao nhất là nơi Đức Giêsu Kitô.

Hôm nay, Đức Giêsu đã đến để vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa trong việc kiện toàn Luật xưa của Thiên Chúa Cha, hay nói cách khác là hoàn thành công trình còn đang dang dở của Nước Trời. Đức Giêsu đã vượt qua những hạn chế của Giao ước cũ. Người mời gọi ta đi xa hơn những điều ràng buộc xưa. Tội giết người không đơn thuần chỉ là giết người mà còn là những hành vi, những lời nói, những bực tức, giận ghét với anh em của mình. Không những thế, Đức Giêsu còn mời gọi ta đi sâu hơn vào căn cốt của lề luật. Người đòi buộc ta không được giữ luật theo lề thói giả hình bên ngoài nhưng phải xuất phát từ con tim, từ bên trong tâm hồn. Chung quy, mọi lề luật đều quy hướng về điều răn quan trọng hơn hết là yêu thương.

Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn mời gọi ta giữ Luật một cách nghiêm túc, chỉnh chu. Luật ấy không chỉ đơn thuần là Luật Mô-sê, mà là Luật Mô-sê đã được chính Người kiện toàn, là những lời giáo huấn của Người. Bởi thế, tiếp nhận Luật mới đòi hỏi con người cũng cần có một thái độ mới. Một thái độ trung tín và khôn ngoan trong tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thái độ trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn vì tình yêu, và dạy cho người ta cũng phải làm như thế. Thái độ yêu mến Lề Luật chứ không phải chỉ ở thói câu nệ luật, hay giả hình, hay thậm chí là cứng nhắc bám vào mặt chữ. Đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau của người môn đệ bước theo Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là trưởng các gia đình, có lẽ ai trong chúng con cũng muốn tự do để sống và phục vụ, nhưng lại u mê tăm tối trên con đường giữ các điều răn của Người và không hề ý thức rằng, những điều răn ấy là con đường dẫn tới tự do, đưa tới hạnh phúc. Xin Chúa giúp mỗi gia trưởng chúng con, những con người tội lỗi yếu đuối, được tự do như Chúa để yêu mến tha nhân và yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.

* Gợi ý suy gẫm và chia sẻ:

– Đâu là cách thức tôi đang tương quan và tuân giữ các giới răn của Chúa?

– Mùa Chay là thời gian để chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình, thừa nhận chúng ta đã vi phạm luật Chúa. Vậy việc thừa nhận tội lỗi của tôi có thúc đẩy tôi đến với Bí tích Hòa giải như thế nào?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Giuse Trần Hữu Dinh – Họ nhà xứ Chính toà Bắc Ninh

2- Giuse Nguyễn Văn Mạc – Họ Xuân Dục, xứ Bến Đông

3- Vicentê Dương Văn Nguyện – Họ Sơn thủy, xứ Núi Ô

4- Đaminh Nguyễn Trung Nông – Họ Đức Bà, xứ Đức Bản

5- Phêrô Nguyễn Văn Hiệp – Họ nhà xứ Lập Trí

6- Phêrô Nguyễn Văn Hợi – Họ nhà xứ Trung Xuân

7- Đaminh Nguyễn Văn Phượng – Họ nhà xứ Đại Lãm

8- Giuse Trần Văn Thanh – Họ Bến Trinh, xứ Vĩnh Ngọc

9- Đaminh Đặng Văn Tiệp – Họ Đất Đỏ, xứ Đồng Chương

10- Đaminh Nguyễn Văn Sâm – Họ nhà xứ Ngọ Xá

11- Giuse Nguyễn Văn Ngọc – Họ nhà xứ Tử Nê

12- Giuse Vũ Đình Sáng – Họ Thanh Hà, xứ Nỉ

13- Giuse Nguyễn Văn Công – Họ La Đao, xứ La Tú

14- Giuse Ngô Văn Đồng – Họ nhà xứ Tân Cương

15- Augutinô Lê Hồng Chính – Họ Nam Sơn, xứ Ngọc Lâm

16- Gioan Nguyễn Văn Việt – Họ Yên Sơn, xứ Yên lãng

17- Đaminh Hà Duy Hào – Họ nhà xứ Tân Cương

IV- THÔNG BÁO:

CHƯƠNG TRÌNH HỌP TỔNG KẾT

LỄ THÁNH GIUSE: QUAN THẦY ĐỨC CHA

VÀ HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN BẮC NINH

1- Địa điểm: Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Bắc Ninh

2- Thời gian:  Thứ Sáu, ngày 15-03-2024

08g30: Tập trung – Ổn định

09g00: Khai mạc – Mừng Bổn mạng – Báo cáo tổng quát

10g15: Giải lao

10g25: Rước kiệu Thánh Giuse – Thánh lễ

11g35: Bế mạc

* LƯU Ý: – LỄ TRỌNG THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA trong thời gian Mùa Chay, Ban phục vụ giáo xứ giáo họ xin cha xứ tổ chức cho các thành viên được xưng tội tại các xứ họ quê hương.

– Dịp Lễ Thánh Giuse là thời gian các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ họp tổng kết 1 năm và mừng lễ Bổn mạng của các hội TGĐ, các Ban phục vụ xin cha đặc trách giáo hạt, cha xứ hướng dẫn tổ chức và dâng lễ cho các hội.

– Thứ Sáu ngày 15-03-2024 là ngày Đức cha cử hành Lễ Thánh Giuse Bổn mạng Đức Cha và Hội Trưởng Gia Đình cả Giáo phận Bắc Ninh, xin Ban phục vụ và tất cả các thành viên trong toàn giáo phận về tham dự đông đủ sốt sắng để cầu nguyện cho Đức cha và HTGĐ giáo phận, cùng được lĩnh ơn Toàn Xá và nhiều ơn ích thiêng liêng cho bản thân, gia đình và xứ họ trong Mùa Chay Thánh.

Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân