Tài liệu hội Trưởng Gia Đình tháng 9 năm 2019
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 09/2019
Tài liệu hội trưởng gia đình 09-2019 (pdf)
- LỜI CHÚA: Lc 4,38-44
- SUY NIỆM: SỰ CHỮA LÀNH TẬN CĂN
Đức Giêsu đã thực hiện việc chữa lành cho nhiều người. Ngài cắt cơn sốt đang hoành hành trên cơ thể của bà mẹ vợ ông Phêrô. Đủ các thứ bệnh hoạn của con người được đưa đến với Đức Giêsu. Tất cả đều được chữa khỏi. Cả quỷ cũng phải xuất vì kinh sợ quyền uy của “Con Thiên Chúa”.
Khi gặp khó khăn, người môn đệ và dân chúng không ngần ngại đến gặp gỡ Đức Giêsu và xin giúp đỡ. Chẳng ai khó khăn và vất vả đến gặp Chúa mà lại thất vọng. Sau cuộc gặp gỡ, người thì được khỏi bệnh, kẻ được giải thoát khỏi quỷ dữ. Tất cả đều được chữa lành.
Kinh nghiệm về sự chữa lành và nâng đỡ từ Chúa Giêsu đem đến cho người môn đệ và dân chúng sự an ủi mãnh liệt. Họ tìm đến với Ngài bất cứ nơi đâu. Họ mong mỏi sự hiện diện của Ngài. Thế nhưng, đối với Đức Giêsu, đích nhắm của Ngài không chỉ là phép lạ, không chỉ dừng lại ở việc chữa lành bệnh tật hay trừ quỷ, nhưng đúng hơn là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, vì Ngài “được sai đến để cốt làm việc ấy”.
Con người ngày hôm nay dễ dàng tìm đến với Thiên Chúa để xin được phép lạ, để mong mỏi sự chữa lành về phần xác. Dường như người ta quên rằng: Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc chữa lành một căn bệnh hay giải quyết một tình trạng thuộc về xác thịt. Con người cần được chữa lành không những về phần xác nhưng còn cả về phần hồn. Đó là sự chữa lành tận căn và triệt để. Sự chữa lành ấy chỉ có thể trực tiếp đến từ chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, sự chữa lành là sự kết hợp giữa hành động và Lời của Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa biến đổi con người và giải thoát con người khỏi sự tù túng của xã hội đề cao vật chất, của sự hưởng thụ và đặt để cái tôi của mình lên trên hết. Lời ấy có sức đánh động con tim và khiến người ta được đổi mới nếu thực sự khao khát được chữa lành.
Lạy Chúa Giêsu! Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta dễ tìm đến với Chúa để đòi hỏi sự chữa lành về phần xác, thỏa mãn cho những nhu cầu vật chất chóng qua ở đời này, mà quên đi sự chữa lành tận căn cả phần xác và phần hồn. Mỗi người trưởng gia đình chúng con rất cần sự chữa lành của Thiên Chúa, để giải thoát chúng con khỏi căn bệnh của sự ích kỷ, thoát khỏi cơn sốt của chủ nghĩa hưởng thụ, và gìn giữ chúng con trước những cám dỗ của ngẫu tượng cái tôi, đề cao chính mình. Xin Chúa thương chữa lành tận căn chúng con nhờ biết đón nhận Lời của Thiên Chúa, và cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa mà tiến bước vào nước Trời mai sau. Amen!
* Gợi ý chia sẻ
- Tôi đã đến với Chúa Giêsu xin được sự chữa lành trọn vẹn cả về phần xác và phần hồn để có được sự tự do như thế nào?
- Tôi đã chú tâm lắng nghe Lời Chúa để chính mình được biến đổi nên tốt hơn mỗi ngày trong các thánh lễ mà tôi tham dự ra sao?
III. CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI
1- Đaminh Nguyễn Văn Đạo – Giáo họ Đức Bản – xứ Vân Cương
2- Phêrô Nguyễn Văn Trường – Kim Tràng – xứ Phúc Yên
3- GiuseTrần Văn Trung – Nhà xứ vinh tiến
4- Giuse Hà Văn Tuần – Nhà xứ Văn Thạch
5- Anrê Dương Thanh Thảo – Nhà xứ Bảo Sơn
6- Phêrô Đỗ Văn Ích – Giáo họ Kim Lan – xứ Tư Đình
7- Phêrô Hoàng Văn Hòe – Nhà xứ Ngọ Xá
8- Gioan Hoàng Kim Ngọc – Giáo họ Kim Thái – xứ An Bài
9- Đaminh Nguyễn Hữu Cần – Giáo họ Trung Lương – xứ Lập Trí
10- Giuse Trần Văn Quý – Giáo họ Tham Kha – Xứ Vĩnh Ngọc
11- Đaminh Nguyễn Văn Đàm – Giáo họ Hương La – xứ Tử Nê (T.8 đăng sai tên)
- CẦU NGUYỆN CHUNG:
1 Kinh Lạy Cha – Kính mừng – Sáng Danh – 3 lần: Lạy Trái Tim Nhân Lành Chúa Giêsu, xin thương xót và che chở chúng con – Kinh Nguyện giỗ – Vực sâu – Hát bài phù hợp – Trông cậy.
- HỌC TẬP: (Thảo luận chung trong các buổi sinh hoạt… điều gì cần góp ý xin gửi về BPV giáo phận).
VI- CƠ CẤU TỔ CHỨC
- Cha Đặc Trách Hội TGĐ là linh mục do Đức Giám Mục Giáo Phận chỉ định. Cha Phụ Trách là người lãnh đạo và điều hành Hội TGĐ trong toàn Giáo Phận.
- Mỗi Giáo Họ, chỉ có một Hội TGĐ (kèm theo tên Giáo Họ) và một Ban Phục Vụ (BPV) do các hội viên trong Hội bầu ra. Mỗi Hội lại chia ra các Tổ, mỗi Tổ từ 10-15 người…, tùy theo địa lý, nghề nghiệp… (Tên tổ 1, 2, 3…) để dễ dàng sinh hoạt. Mỗi Tổ bầu ra Tổ Trưởng, Tổ Phó. Nhiệm kỳ Tổ Trưởng, Tổ Phó ít là 2 năm, tối đa là 4 năm, tùy thuộc BPV sở tại và cha xứ.
(LƯU Ý: Bản Quy Chế năm 2015 đã thống nhất không có Hội TGĐ giáo xứ, vì nhiều giáo xứ chỉ có 1 hoặc 2 họ đạo, do cha xứ trực tiếp coi sóc, nên đã không có Hội TGĐ giáo xứ. Tuy nhiên, nơi nào đang có Hội TGĐ giáo xứ hoặc giáo khu, xét thấy lợi ích hơn thì vẫn nên duy trì).
- Mỗi Giáo Hạt có một BPV Giáo Hạt (do các BPV Giáo Họ bầu ra).
- Trong Giáo Phận có một BPV Giáo Phận (do các BPV Hạt bầu ra).
Lm. Fx. Nguyễn Văn Huân
Đặc trách HTGĐGPBN