Tài liệu Hội Trưởng gia tháng 9.2023

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 9/2023

Tải file WORD Tải file PDF

I- LỜI CHÚA: Lc 4,38-44

II- SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng thánh Luca kể lại cho chúng ta một ngày làm việc của Chúa. Theo nhịp sống ấy, Đức Giêsu hiện lên là một Đấng chữa lành đầy uy quyền. Sau khi giảng dạy ở hội đường Caphácnaum, chính Người đã dùng những lời lẽ đầy uy quyền mà trục xuất ma quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37). Khi ra khỏi hội đường, Người đến nhà mẹ vợ ông Simon Phêrô và thấy bà đang bị sốt nặng. Đức Giêsu đã cúi xuống và đến gần bà, rồi ra lệnh cho cơn sốt biến khỏi người phụ nữ ấy. Trong căn phòng nhỏ bé của nhà ông Simon, Đức Giêsu không chỉ đứng đó và dùng một lời để ra lệnh cho cơn sốt như Người đã xua trừ ma quỷ, nhưng Người đã cúi xuống và lại gần người bệnh. Có lẽ chỉ bằng một lời, Đức Giêsu cũng có thể chữa lành cho người ấy, nhưng Người đã khiêm nhường cúi xuống với con người, lại gần hơn với những đau khổ của người khổ đau.

Chiều đến, Đức Giêsu còn chữa lành hết những ai đau yếu với đủ thứ bệnh hoạn được đưa đến với Người. Cũng vậy, Người không tập trung tất cả mọi người lại, rồi lớn tiếng ra lệnh cho các bệnh tật biến mất, nhưng Người đã đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Một lần nữa, Đức Giêsu muốn chạm đến và cảm nhận nỗi đau của từng người một. Người không lạm dụng một chút nào về quyền năng hay ra oai với uy lực của mình, nhưng Người không chỉ muốn giải thoát họ khỏi những nỗi đau đớn về thể xác mà còn thấu hiểu những đớn đau ấy của từng người.

Giờ đây, Đức Giêsu cũng đang rất muốn chữa lành những nỗi khổ đau của ta. Người sẽ đến và đụng chạm tới từng người một, và chữa lành những vết thương ấy cho từng người chúng ta. Nhờ đó, ta có thể cảm nhận được phần nào tình yêu thương và lòng thương xót của Người dành cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta. Hơn nữa, chính khi cảm nhận được sự chữa lành, ta cũng được mời gọi trở thành những người chữa lành vết thương cho người khác theo lối hành xử của Thầy Giêsu. Với thái độ khiêm nhường, Người muốn ta lưu tâm đến những con người ấy, cúi xuống, chạm đến họ, lắng nghe họ, cảm thông với họ, thậm chí còn có thể chữa lành những nỗi đau của họ về tinh thần cũng như vật chất.

Quyền năng chữa lành ấy tới từ đâu? Đức Giêsu đã ra nơi hoang vắng. Người đã làm gì? Ắt hẳn, Người đến để gặp Cha trên trời và kín múc nguồn sức mạnh ở nơi ấy. Đức Giêsu vẫn luôn giữ mối liên kết với Cha của Người trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là nhận lãnh quyền uy vô tận của Chúa Cha. Và Người cũng mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy kín múc nguồn sức mạnh ấy nơi Thiên Chúa là Cha của mọi người, của mỗi người, và giữ mối liên hệ khăng khít với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, giữa những bộn bề tất bật của cuộc sống, giữa những lo toan của cuộc đời, xin giúp mỗi trưởng gia chúng con biết chạy đến với Chúa là nguồn an ủi và chữa lành hết thảy chúng con. Nhờ đó, các gia trưởng cũng biết mang tình yêu của Người đến cho những người xung quanh, nhất là những người khô khan, những người đang đau khổ, khó khăn, thiếu thốn phần hồn phần xác.

* Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

– Tuy bận rộn với việc mưu sinh cho gia đình và nhiều những trách nhiệm khác nữa, tôi có học từ Chúa Giêsu sẵn sàng đáp ứng khi người khác cần đến tôi không?

– Điểm nào nơi thân xác, trong cuộc sống của tôi và gia đình cần đến sự đụng chạm chữa lành của Đức Giêsu?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Đaminh Hoành Văn Hào – Họ nhà xứ Tiên Lục

2- Antôn Nguyễn Thế Mạnh – Họ Trại Kê, xứ An Tràng

3- Tôma Nguyễn Văn Kê – Họ nhà xứ Thường Lệ

4- Giuse Trịnh Văn Cường – Họ nhà xứ Yên Lãng

5- Phêrô Nguyễn Minh Đức – Họ Thư Xá, xứ Dân Trù

6- Tôma Nguyễn văn Đức – Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên

7- Tôma Nguyễn văn Khoát –  Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên

8- Tôma Nguyễn văn Nhung – Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên

IV- HỌC TẬP:

KINH THÁNH: SÁCH GHI LỜI CHÚA

“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy” (2 Tm 3,16). “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Thánh Giêrônimô).

ĐỨC KITÔ, LỜI DUY NHẤT CỦA THIÊN CHÚA

Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn ngỏ lời với nhân loại, để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài (MK 2). Nhưng để con người hiểu biết, đón nhận và đáp trả lời mời gọi của Ngài, Thiên Chúa đã ngỏ lời với họ bằng chính ngôn ngữ của nhân loại cũng như sau này Lời của Chúa Cha hằng hữu đến với con người bằng cách trở nên giống như loài người, mang vào mình nỗi yếu đuối của xác thịt nhân loại (MK 13). Kinh Thánh chứa đựng lời ngỏ của Thiên Chúa, trải dài trong suốt chiều dài lịch sử một dân tộc và được viết dưới nhiều hình thức khác nhau do nhiều tác giả nhân loại. Tuy nhiên, xuyên qua mọi lời được viết trong Kinh Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời duy nhất, Chúa Kitô chính là LỜI DUY NHẤT của Thiên Chúa. Lời “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga 1,1-2). Lời “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), đến nỗi “ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Thánh Âu-tinh đã diễn tả chân lý đó cách tuyệt vời “anh em hãy nhớ rằng cũng một Lời đó của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Kinh Thánh, cũng một Lời đó vang dội trên môi miệng tất cả các văn sĩ Kinh Thánh, vì từ khởi thủy Lời là Thiên Chúa và ở bên cạnh Thiên Chúa”. Chính vì thế, Hội Thánh “luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như chính thân thể Chúa, nhứt là trong Phụng Vụ thánh. Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (MK 21).

Lm. Đặc trách HTGĐGPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân