Thờ Phượng Cha Trong Thần Khí Sự Thật (Phần 1)
Thờ Phượng Cha Trong Thần Khí Sự Thật (Phần 1)
(WHĐ, 10.08.2024) – “Vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (Hiến chế Phụng vụ thánh, Số 7).
DẪN NHẬP: LỄ – PHỤNG TỰ – PHỤNG VỤ VÀ CUỘC SỐNG
1. Từ khái niệm “Lễ” tới khái niệm “phụng tự”
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tiên học lễ hậu học văn”. Chữ “lễ” trong ngữ nghĩa Hán-Nôm hoặc trong quan niệm dân gian vừa mang ý nghĩa “văn hóa ứng xử đạo đức, tôn quý, lịch duyệt”, vừa xác định những giềng mối, quy định phép tắc, lễ nghi cần có để thực hiện trong quan hệ xã hội hay tín ngưỡng. Chính vì thế, “Lễ” một trong 5 đức tính chủ yếu (Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) làm nền tảng cho đạo đức của người Á Đông.
Cũng chính từ quan niệm “trọng lễ” đó, nên từ xa xưa, đã hình thành những văn bản qui phạm hướng dẫn thực hành “Lễ” và đã trở thành những di sản quý giá trong kho tàng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân loại. Trong phạm vi của nền văn hóa ảnh hưởng Nho Giáo, không ai mà không biết đến bộ sách “Ngũ Kinh”, mà theo truyền thuyết, được chính Đức Khổng Tử biên soạn hay hiệu đính bao gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Riêng bộ Kinh Lễ ghi chép các lễ nghi hướng dẫn việc duy trì và ổn định trật tự, kỷ cương và phép tắc trong đời sống xã hội giữa người sống với nhau và cả với những bậc thần linh tiên tổ. Chính Khổng Tử đã nói: “Không học kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời”[1].
Tại môi trường xã hội Việt Nam (trước khi tiếp nhận ánh sáng Tin mừng), ngoài những ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa lễ giáo Khổng Mạnh, cọng với những tiếp thu của các nền văn hóa, tín ngưỡng khác như Đạo Giáo (Lão giáo), Phật giáo và tín ngưỡng dân gian… đã phát sinh vô số những phong tục, lễ bái, cúng kính[2]…, vừa chất chứa những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục… cần được trân trọng tôn kính, đón nhận và thanh lọc[3], nhưng cũng không thiếu những hình thức “thờ ngẫu tượng”, mê tín dị đoan, tin vơ thờ quấy cần phải khôn ngoan và can đảm khước từ[4].
Từ khái niệm “Lễ”, một khái niệm phổ quát liên quan đến những sinh hoạt tinh thần và những quy phạm lễ nghi liên quan đến toàn bộ cuộc sống, người ta tiến đến khái niệm “PHỤNG TỰ”, những cách thể hiện đặc thù và những dấu chỉ hữu hình”[5] mang chiều kích tín ngưỡng, tôn giáo. Hay theo Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tông thư Desiderio Desideravi, đó là “ngôn ngữ biểu tượng”, là các “biểu tượng phụng vụ” mà chúng ta cần khám phá, học hỏi và làm mới mỗi ngày: “Chúng ta không được từ bỏ ngôn ngữ biểu tượng vì đây là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để đến với chúng ta qua máu thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn, vấn đề là khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ”[6].
2. Từ khái niệm “Phụng tự” tới ý nghĩa “phụng vụ” trong niềm tin Kitô giáo
Trong Hán Tự chữ PHỤNG: có nghĩa là dâng lên, kính dâng, phụng mệnh, phụng dưỡng, cúng tế, tin thờ, tín ngưỡng (tử tôn thế phụng yên: con cháu đời đời cúng tế). TỰ: có nghĩa cúng tế (Lạp nguyệt tự tổ: Tháng Chạp cúng ông bà). Vì thế, PHỤNG TỰ có thể nói được là một khái niệm tiền-phụng-vụ và có thể áp dụng cho mọi tín ngưỡng, tôn giáo, tập tục, phong tục…(Tự ngũ đế, phụng ngưu sinh: Cúng tế ngũ đế, hiến trâu làm lễ vật).
Trong khi đó, theo sách Tự Điển Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, PHỤNG TỰ được cắt nghĩa như sau:
Phụng: tôn sùng; tự: tế lễ, lễ bái.
– “Phụng tự là việc cử hành những lễ nghi phụng vụ, các bí tích hay việc đạo đức để diễn tả tình yêu, lòng tôn kính và thần phục đối với Thiên Chúa.
– Phụng tự Kitô giáo có liên hệ với phụng tự Do Thái giáo, trong đó các lễ nghi là nơi cử hành việc tưởng niệm những kỳ công của Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử Israel. Nhưng nét độc đáo của phụng tự Kitô giáo là tưởng niệm mầu nhiệm Chúa Kitô đã chịu chết và phục sinh.
– Phụng tự Kitô giáo chủ yếu biến đổi đời sống Kitô hữu qua việc thông hiệp vào sự sống và tình yêu Thiên Chúa”[7].
Sỡ dĩ chúng ta dừng lại để phân tích ngữ nghĩa trên là để đi vào nội dung ý nghĩa của PHỤNG VỤ (LITURGIA), một hạn từ đặc biệt diễn tả toàn bộ những lễ nghi và cách thế phượng thờ cao cả của riêng Kitô giáo, mà chúng ta cần học hỏi, khám phá và làm mới mỗi ngày.
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ
Người ta vẫn thường nói: “Vô tri bất mộ”. Không am hiểu thì không mến mộ, chú tâm; điều đó cũng có nghĩa xem thường. Chúa Giêsu đã từng cảnh báo: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7,6).
Trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa, Phụng vụ chính là “những của thánh”, những “hành vi chí thánh”, như cách khẳng định mang tính “tín điều” của Hiến chế Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium): “Vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (Số 7).
Để thêm phần xác tín về nội dung ý nghĩa trên, chúng ta có thể điểm qua các định nghĩa về Phụng vụ đã và đang hiện hữu trong giáo lý, giáo luật và thần học của Hội thánh.
1. Những định nghĩa chuyên biệt về Phụng vụ
1.1. Bản văn của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Thuật ngữ “phụng vụ” (“liturgia”), theo gốc chữ, có nghĩa là “công vụ”, “việc phục vụ nhân danh dân cho dân”. Trong truyền thống Kitô giáo, thuật ngữ nầy có nghĩa là dân Thiên Chúa dự phần vào “công việc của Thiên Chúa”. Qua phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế của chúng ta, tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội Thánh, với Hội thánh và nhờ Hội thánh của Người” (1069).
1.2. Bản văn của Hiến chế Phụng vụ Thánh: “Vì thế, Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu thị nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người. Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân thể của Người là Giáo hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.” (Số 7).
1.3. Bản văn của Thông điệp về Phụng Vụ của ĐGH Piô XII (Mediator Dei): “Phụng vụ là việc ca tụng vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa phàm nhân. Nhờ Phụng vụ, Giáo hội tiếp tục chức vụ linh mục của Chúa Kitô một cách chính yếu. Vậy phụng vụ là việc phụng tự công cộng do Chúa Cứu Thế dâng lên Chúa Cha với tư cách là Thủ lãnh của Giáo hội; đây cũng là việc phụng tự do cộng đồng tín hữu dâng lên vị Thủ lãnh của mình và nhờ Người, dâng lên Chúa Cha; hay nói cách khác, Phụng vụ là việc phụng tự của tất cả Nhiệm thể Chúa Kitô, gồm Đầu và các chi thể, dâng lên Chúa Cha” (Số 25).
1.4. Bản văn của Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa của ĐGH Phanxicô (Desiderio Desideravi): “Phụng vụ là chức năng tư tế của Đức Kitô, được mặc khải và trao ban trong Mầu nhiệm Vượt Qua của Người, được hiện tại hóa và tác động qua những dấu chỉ hữu hình (nước, dầu, bánh, rượu, cử chỉ, lời nói), để Thần Khí dìm sâu chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua, và biến đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Số 21).
1.5. Bản văn của Thánh Bộ Phụng tự ngày 3.9.1958: “Hành động phụng vụ là những việc khả kính, thánh thiện, do Chúa Kitô hoặc Giáo hội thiết lập, được ghi trong các sách phụng vụ do Tòa thánh phê chuẩn và được những vị chính thức có trách nhiệm cử hành để dâng lên Thiên Chúa, các thánh và các vị chân phước”.
1.6. Bản văn của “Bộ Giáo Luật 1983”
– Điều 834, triệt 1: “Phụng vụ thánh được coi là việc thi hành nhiệm vụ tư tế của Đức Giêsu Kitô, trong đó, bằng những dấu chỉ khả giác, việc thánh hoá con người được biểu hiện và được thể hiện theo cách thức riêng của mỗi dấu chỉ, đồng thời việc phụng tự công nguyên vẹn dâng lên Thiên Chúa được thực hiện do Đầu và các chi thể của Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô”.
– Điều 834 triệt 2: “Việc thờ phượng như thế được thực hiện mỗi khi được cử hành nhân danh Giáo Hội, do những người được đề cử cách hợp pháp, và bằng những hành vi được quyền bính của Giáo hội chuẩn nhận”[8].
2. Những định nghĩa mở rộng mang tính “mục vụ”
2.1. Bản văn sách YouCat[9]
– Phụng vụ chính là hơi thở của Hội thánh: “Con người chúng ta phải thở để sống thế nào thì Hội thánh cũng thở và sống khi cử hành phụng vụ như vậy” (Số 166).
– Phụng vụ chính là cuộc hẹn của tình yêu: “Một hình ảnh khác để minh họa: mỗi dịp thờ phượng Chúa là một cuộc hẹn của tình yêu mà Chúa ghi trong nhật ký của ta. Ai đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa thì sẽ tự nguyện đến đúng hẹn” (Số 166).
– Phụng vụ là sự có mặt của Thiên Chúa: “Phụng vụ trở nên hấp dẫn khi ta cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang có mặt trong các dấu hiệu thánh và trong các kinh nguyện quý báu và thường là rất cổ kính” (Số 167).
– Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của dân Chúa: “Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức được hoàn thành do dân và cho dân. Theo truyền thống Kitô giáo, phụng vụ có nghĩa là dân Chúa tham gia vào “việc” của Chúa.” (Chữ bên lề trang 146).
2.2. Bản văn của sách Tự điển Công giáo phổ thông
“Ngày nay phụng vụ là việc thờ phượng chung và chính thức của Hội thánh, phân biệt với các việc đạo đức riêng của cá nhân. Như thế phụng vụ chính là một cách khác để gọi bí tích Thánh thể, các bí tích mà khi cử hành phải sử dụng đến các á bí tích. Theo quan điểm thần học, phụng vụ là việc thi hành chức vụ tư tế của Đức Kitô ngay trên trần gian, khác với nhiệm vụ giảng dạy và cai quản dân chúng mà Người đã làm. Đức Kitô thi hành chức vụ tư tế ấy trong tư cách là Đầu của Nhiệm thể; thế nên không những Đầu mà cả các chi thể cùng cử hành phụng vụ thánh. Như vậy, phụng vụ có hai chức năng: tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa, tức là thờ phượng; và đem lại ơn phúc cho nhân loại, tức là thánh hoá”[10].
2.3. Bản văn của Tông Thư Desiderio Desideravi
– Phụng vụ là “liều thuốc giải độc”: Phụng vụ tự bản chất là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất đối với những chất độc này (Thuyết Ngộ Đạo và Tân Pelagio) (số 18).
– Phụng vụ “nắm lấy tay chúng ta”: “Phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta” (Số 19).
– Phụng vụ là “một tặng phẩm của mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh: “Phụng vụ không liên quan gì đến chủ nghĩa luân lý khổ hạnh. Đây là một tặng phẩm của mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh, để khi ngoan ngoãn đón nhận, cuộc sống chúng ta sẽ được đổi mới” (Số 20).
– Phụng vụ và vai trò “đầu tiên”: “Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta. Phụng vụ cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên mà chúng ta phải trao cho các Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện (Số 30).
3. Nắm vững những điểm cốt yếu (làm nên tính danh phụng vụ)
Qua các định nghĩa trên, chúng ta có thể rút ra những điểm cốt yếu khi Hội thánh dạy về phụng vụ. Nói cách khác, để một sinh hoạt đức tin trong Hội thánh mang tính danh phụng vụ thì cần hội đủ các yếu tố sau:
– Một cử hành mang dấu chỉ bí tích: Vừa để tôn vinh Thiên Chúa vừa đem ơn cứu độ cho con người được thể hiện qua những dấu chỉ khả giác.
– Một cử hành thờ phượng chính thức. Nghĩa là được thẩm quyền Giáo hội ấn định, phổ biến và được cụ thể hóa qua các Sách Phụng vụ. (Những hình thức đạo đức, những cử hành mang tính tự phát, cá nhân, đều không phải là Phụng vụ).
– Một cử hành mang chiều kích phổ quát. Nghĩa là luôn nhân danh Đức Kitô là Đầu và Thân Thể của Người là Giáo hội. (Cho dù cử hành đó chỉ diễn ra với 1 người, một nhóm nhỏ…).
– Một cử hành được chủ sự bởi thừa tác viên hợp pháp: “Vì là cử hành nhằm thực thi chức năng tư tế của Chúa Kitô, nên người chủ sự cử hành phụng vụ phải là thừa tác viên chính thức được Giáo hội trao ban thánh vụ và phải cử hành đúng quy định của Giáo hội”.
(Còn tiếp)