Toà Thánh nhận đơn của các linh mục muốn trở thành “Thừa sai của Lòng Thương xót”
Toà Thánh nhận đơn của các linh mục muốn trở thành “Thừa sai của Lòng Thương xót”
WHĐ (19.08.2015) – Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi những nhà “Thừa sai của lòng Thương xót”, là nhữnglinh mục có tài giảng thuyết và sẵn sàng dành thời gian ngồi toà giải tội và ban ơn xá giải.
Nếu các linh mục này được Đức giám mục hay Bề trên của mình giới thiệu, và quan tâm đến việc trở thành ngườithông truyền lòng Chúa thương xót cách đặc biệt, các ngài được mời nộp đơn trực tuyến.
Hội đồng Toà Thánh về Tân Phúc Âm hoá, là cơ quan được Đức Thánh Cha uỷ thác việc tổ chức Năm Thánh Lòng Thương xót – bắt đầu từ ngày 08 Tháng Mười Hai, đã công bố những điều kiện cần có và mẫu đơn xin trên trang web của Năm Thánh Lòng Thương xót tại địa chỉ: http://www.im.va/content/gdm/en/partecipa/missionari.html.
Các nhà thừa sai sẽ được Đức Thánh Cha chính thức bổ nhiệm và sai đi vào ngày thứ Tư Lễ Tro, 10-02-2016.
Hội đồng Toà Thánh cho biết các nhà thừa sai là “một dấu chỉ sống động của tình thương của Chúa Cha đón nhận tất cả những ai đang đi tìm ơn tha thứ”. Các nhà thừa sai của Lòng Thương xót cần phải là “những nhà giảng thuyết hăng say về lòng thương xót; những sứ giả của niềm vui tha thứ; những vị giải tội ân cần, yêu thương và có lòng trắc ẩn, có lòng quan tâm đặc biệt đến các hoàn cảnh khốn khó của từng người”.
Hội đồng Toà Thánh cho biết, các nhà thừa sai sẽ được Đức giám mục địa phương mời tham gia những sáng kiến cụ thể trong Năm Thánh Lòng Thương xót, đặc biệt là cử hành bí tích Giải tội.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Lòng Thương xót, ngài cũng nói sẽ ban cho các “nhà thừa sai củaLòng Thương xót” năng quyền đặc biệt “tha cả những tội chỉ dành cho Tòa Thánh”.
Đức Giám mục Juan Ignacio Arrieta, Thư ký Hội đồng Toà Thánh về các Văn bản Luật, cho biết các tội “dành riêng” là những tội có kèm vạ tuyệt thông tức khắc, chẳng hạn như tội cố ý phá thai.
Nếu người đó thống hối, các nhà thừa sai có thể tha vạ tuyệt thông và ban ơn xá giải trong những trường hợp ấy, vốn thường đòi buộc phải có ý kiến hoặc có phép của Đức giám mục địa phương hay của Tòa Ân giải Tối cao.
Minh Đức
nguồn: hdgmvietnam.org