Tuổi thơ của tôi

Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo, một xứ đạo lâu đời (cổ nhất trong giáo hạt Tây Nam), có bề dầy lịch sử, trong vùng quê yên tĩnh.

Ông nội tôi (Thụ) thuộc một gia đình có thế giá tại Phả Lộng thuộc tỉnh Bắc Ninh… Bố có dính líu tới vụ chính trị đã phải gửi con lẩn tránh tại Nội Bài nhận làm con nuôi một gia đình có uy thế, tránh bên ngoài điều tra tông tích. Trưởng thành lập gia thất với bà Giới, gái Thường Lệ. Đông con (Mạnh, Khanh (đi tu làm Thày Giảng, 50 tuổi hồi tục, trở về lập gia đình với bà Thảnh con Ô. Lý Dược xóm Bãi), Truyền, Văn, Dụng, Túc, Thư, Nhàn. Tám người con: 7 trai, một gái út. Cụ người to cao, quắc thước, có học, cũng đã làm Chánh Hội trong làng… Những ngày lễ tết lũ cháu chúng tôi thường đến vui đùa và nhận quà, cụ còn làm những con quay cho chúng tôi chơi… cụ vui tính… Khi cụ ông mệt nặng, lũ cháu nam chúng tôi (Học, Vinh, Đào…) tối tối đến ngủ chung với ông, nghe ông kể chuyện, ông rất vui, khôi hài…một hôm mưa đá, nghe lộp độp ngoài sân, cụ nói “mưa đá đấy, ra nhặt đút vào miệng nhai kẻo tan hết…”. Hai cụ có khu đất rộng, khoảng 1.000m2, 10 người con, 7 trai, 3 gái; Trai lo phần gia thất, lo cả đất (1 sào đất ở, 3 sào ruộng) cho ra ở riêng. Riêng người con trai thứ hai (Khanh) dâng mình cho Chúa, thày Kẻ Giảng, đã tu tới tuổi già (50), không trọn đời tu… đã hồi tục. Cụ lo liệu gia thất (lấy con gái cụ lý Dược là Bà Thảnh, trẻ hơn chồng mấy chục tuổi, sinh được 1 con gái, ở tại đất nhà ÔB. Sinh con, rồi Ô. Khanh quy thiên, Bà Thảnh đứng vậy thờ chồng nuôi con, về ở nhà bố mẹ đẻ cho tới tuổi già an nghỉ).

Bố tôi là con thứ sáu, nên thuận lợi hơn các anh, được theo học dài dài: chữ nho, chữ nôm, chữ quốc ngữ…. Tới tuổi trưởng thành (năm 1931), lập gia thất với bà Cốt con út cụ Nhiễm nổi tiếng đạo đức trong làng, chuyên bán thuốc tễ trẻ em và rửa tội cho các trẻ lương dân mệnh yểu trong các làng lương dân quanh vùng.

Bố mẹ tôi có sức khỏe, cần cù chịu khó, sau 1 năm ở với ông bà, sinh con trai đầu lòng (Vĩnh), ông bà tậu miếng đất 365m2 cho ra ở riêng với 3 sào ruộng cấy lúa. Trên mảnh đất mới, bố mẹ tôi đã làm tạm mấy gian nhà gianh. Có sức khỏe lại chăm chỉ việc đồng áng, thêm vào những lúc nông nhàn, bố tôi đã xuôi Nam Định, hoặc Hải Phòng buôn bán hải sản (tôm cá khô…) về bán tại làng. Sau 10 năm (1941), bố mẹ tôi đã có 4 mụn con (Vĩnh, Phúc, Vinh, Quang), bố mẹ tôi đã đón thợ về xây nhà gạch lợp ngói (trong làng bấy giờ nhà xây lợp ngói vẫn còn rất hiếm), tôi còn rất nhỏ, bế em đi chơi, thợ nghỉ theo chú thợ phó nhặt hoa gạo…

Khi em Quang bế được em, tôi đi học…

  • Học kinh: Cô giáo Cậy (bà quản độc thân).
  • Học chữ: Tập viết, làm toán…Thày Tân, thày Ngự (Các thày Nhà Chung) dạy, thày Ngự còn dạy tôi cả thiếng Pháp, đọc những bài chúc mừng khi Quan Tây về làng…

Đánh đáo chơi khăng, loại dần các bạn cùng trang lứa, chơi với lớp đàn anh hơn tuổi. Chơi đáo đập nát cả bể nước mà cha tôi không quở. Chơi khăng thì bên thắng được cõng trên lưng bên thua, vừa chạy vừa ngậm miệng khoảng 5-7m, đa phần tôi thắng.

Hồi bố mới làm quản giáo (từ năm 1944- 1949), Bố đóng cho một chiếc xe bằng gỗ, lắp 4 bánh goòng đẩy khắp làng, nhất là khi có “bài sai” ra xóm Bãi nhà Ô Quản Bắc (đồng cấp trong BHG) để thông báo một công tác nào đó…Vinh có xe không phải đẩy, còn các bạn thì: đi được ngồi, về phải đẩy, và ngược lại….

Khi bố tôi thầu chợ Nội Bài (năm 1949 – 1950), có buổi chợ đông, tôi phải đóng vé chợ nhiều phồng cả tay (Triện đóng theo ô, được Ô.Quản Nghĩa máy (máy khâu) trên tập giấy trắng không có chỉ, theo ô sẵn để dễ xé). Có lúc coi chợ tôi cũng phát vé thu tiền khi bố vào chợ mua bán hoặc có việc.

Gia đình tôi có lúc đã hơn 5 mẫu ruộng, hai thợ cày: anh Vĩnh và anh Mẫu (con trai bác cả Mạnh, gia đình chết hết năm dịch 1945, còn sống 2 anh em phải đi ở, anh Mẫu ở nhà tôi cày ruộng, lớn bố tôi lo vợ, rồi cho mấy sào ruộng ở riêng). Ruộng nhiều, 2 thợ cày, bố tôi đã chọn trâu cày loại đại, trâu đực…

Đi chăn trâu, vì bé, tôi thường bắt trâu phải cúi đầu, cầm hai sừng, đứng lên đầu trâu, trâu hất nhẹ tôi lên lưng, tôi thường đứng trên lưng trâu, giật chạc cho trâu phi nước đại, nhún chân theo nhịp trâu bồi. Các liền chị, thuộc diện “chua ngoa” thường bị Vinh chơi cảnh cáo, lúc chiều tà, khi đàn trâu về cũng là lúc chị em đi cắt cỏ (cho trâu ăn đêm) cũng về, chao cỏ dưới đầm nước cho sạch đất…đem lên đường cái, chất vào gơ để sau đó gánh về cho trâu ăn đêm, mai kéo cày sớm; Vinh chỉ cần giật dây chạc, lệnh cho trâu đi sát đối tượng, dùng chạc kéo ghì cho trâu cúi sát bên cỏ mình muốn, rồi khẽ giật chạc, trâu hiểu ý lấy sừng hất bên cỏ đó xuống đầm…Nhiều chị chửi toáng lên, phải lội xuống bốc lên…Vinh tỉnh bơ như không hề biết… Có lẽ ít ai biết, chỉ biết trâu nhà ông Túc là con trâu nghịch… chứ không biết thâm ý của bé Vinh, mà chỉ đoán thôi, còn các bạn trai thì nhiều bạn biết và đồng tình.

Rồi những trò nghịch: đánh nhau với bọn chăn trâu Đường Găng, Bùa Hậu làng bên. Hầu hết Thống Nhất thắng, với bọn trẻ Xóm Bãi cùng làng thì ngang ngửa. Xóm Bãi cũng có một trẻ gan lì, đáng gờm là Cảnh (Trì), đá, gạch ném vào lưng bình bịch mà vẫn cứ xông tới (nghe kể theo cha mẹ xuôi Nam năm 1954… trưởng thành có dính vào một vụ đại án…nào đó bị xử bắn…). Những buổi nấu cơm bằng nồi đất, bắt cá rô góc ruộng, nhổ rau muống nấu bằng rạ người ta chưa gánh về…

Rồi một ngày kia, sau trận phá tề (9/1949), cha xứ Gioakim Nguyễn Vĩnh Toàn (Quê Ngăm Giáo) gọi ông Quản Túc (bố tôi) vào gặp cha xứ…, bố về bảo: “Mày vào ở với Cha”, tôi trả lời : “không”. Tuy vậy tôi vẫn vào đội “Cardinale”, giúp Lễ Chủ Nhật hoặc Lễ Trọng, cầm nến đi trước, ra quỳ, đứng, ngồi rồi về; không phải đọc, thưa kinh Latinh hay bê sách, lấy rượu, nước…Nhưng “mùi thiền đã bén…” Sau mấy tháng tôi chính thức ở trong nhà chung. Tuy nhiên nhà gần cứ đảo về luôn.

Hết tuổi “chăn trâu” đến tuổi “đèn sách”, giờ giấc nhà chung, học kinh tiếng Việt, học giúp lễ tiếng La tinh, tập làm văn, làm toán (thày Ngự cho làm toán, hết quyển dễ (thấp) đến quyển khó (lớp trên): 100, 150, 200, 300, 500, 1.000 bài tính đố thày Ngự (nay vẫn còn sống) giao cho Vinh phải làm, vì thày biết vinh có khả năng về môn Toán, và Vinh làm trọn từng quyển, Thày chấm, khen động viên.

Hết thời thơ ấu, nghịch ngợm, đánh nhau…đến thời thành “cậu” nhà chung mọi người mến thương. Cha Khiết (phó xứ) có một con là Đa; cha xứ (Toàn) thì 3 con: Kính, Vinh, Nguyên. Cha Khiết có thêm cậu lớn Roãn ngủ chung một buồng với chúng tôi. Còn buồng các Thày có: T. Ngự, T. Đức, T. Tân ở một buồng. Thày Ngự, thày Tân dạy học. Thày Đức quản lý (ăn uống cho nhà chung, sổ sách thu thóc hơn 100 mẫu ruộng phát canh…).

Phòng các Cậu nhiều ma, mà chủ yếu ma bắt nạt “thày Roãn” (sau Thày cũng lên giúp cha Tất ở tại một họ (Đồng Cờ), rồi bỏ tu lấy vợ Thường Lệ sinh được cậu con trai…), vì thày chúa sợ ma. Có một đêm mùa đông, mấy chúng tôi bàn nhau… giường Thày Roãn có “ma”, Thày về muộn, thấy giường mình có ma thật…dưới ánh đèn dầu mờ mờ, trên giường Thày cọ quậy…Rồi bùng dậy mặt mày nhem nhuốc, tóc xõa ngang vai…xòe hai cánh quỷ (cánh dơi), các cậu chạy tán loạn… Cha Khiết ra hỏi, đoán là bọn Vinh trêu…Nhưng tuyệt mật… Rồi mọi người lại lặng lẽ về ngủ, riêng cậu Roãn tối hôm đó phải ngủ chung với Vinh.

Là con cha Toàn, nhưng tôi được cha Phó (Khiết) quan tâm như con, được cùng Đa học kinh La tinh, học tiếng Pháp thày Ngự dậy, tập viết văn, tập làm toán…Vinh có tài bắn nỏ cao su, tối nào có động ngoài vườn (vườn nhãn um tùm), cha Khiết đều gọi Vinh mang nỏ đi theo Ngài. Có lần Ngài ra nhà thờ đọc kinh nguyện, ngước lên cao thấy Vinh đang đi trên xà từ cột này sang cột kia để vào gian cung thánh bắt chim sẻ, Ngài phải lui vào, sợ Vinh biết Cha trông thấy mà sợ thành nguy, về nhà hôm đó cha xứ đi vắng, bữa cơm Ngài nhắc và khuyên đừng đi như thế, vì nguy hiểm… Tuy vậy, Vinh vẫn đi hàng tuần (còn bạn Xuân mù, bị mù từ bẩm sinh, gần nhà tôi, tay bấu lần từng chiếc rui gỗ, nhà thờ không có trần, chân đạp lên gờ gạch áp mái… tới gian cung thánh mới có trần vôi rơm, đi vào…) Rồi cùng chui qua lỗ nhỏ xây gạch vào trần gian buồng áo, nơi đây tối om, ánh sáng chỉ lọt qua các khe ngói mờ mờ, vì vậy con chim nào chui đầu vào là bị tóm liền, kèm theo tiếng kêu cứu “chóe, chóe!”, con bạn lại rúc đầu vào qua khe ngói thăm dò, lại bị tóm gọn…cứ thế chẳng bao lâu đầy túi vải bạn Xuân đeo vòng qua cổ…và chúng tôi lại về đường cũ, ai nấy đi… Xuống sân, về nhà cùng các cậu ra bờ tre Ông Lý Dược nấu cháo cải thiện. Riêng bạn Xuân cho mấy con đem về…Trước đây, Vinh chưa vào nhà chung thì tôi và Xuân vẫn chơi kiểu này (con đường bắt chim sẻ này duy nhất có Vinh, thêm bạn Xuân vào cầm túi, thi thoảng Xuân cũng moi được trong ổ vài chú chim non, còn chim mẹ Xuân chịu), đưa về nhà Vinh nấu cháo rồi đưa lên gác tre trên cây mít, gọi mấy bạn Ngôn (đã chết), Meng (nay vẫn còn sống) sang chung vui…

Trích cuốn Hồi Ký của cha Giuse Trần Quang Vinh