Khởi đầu lúc 17g chiều ngày 18 tháng 11, Đức cha Phêrô Lê Tấn lợi, Phó Chủ tịch UBMVDD đã cùng với quý Cha dâng Thánh lễ tại Toà TGM, sau đó phái đoàn đã gặp chào Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện và quý Cha đang phục vụ trong Toà TGM.

Sáng hôm sau, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch UBMVDD đã hiện diện và chia sẻ những ưu tư, kinh nghiệm và lưu ý đối với UBMVDD, đồng thời, ngài cũng ủy nhiệm cho Đức cha Phó Chủ tịch điều hành chương trình của UBMVDD. Chiều cùng ngày, phái đoàn UBMVDD đã đến thăm và dâng Thánh lễ tại giáo xứ Phùng Khoang.

Trong gần 3 ngày gặp mặt, quý Cha phụ trách mục vụ di dân của 23 giáo phận (vắng Bà Rịa, Đà Lạt, Lạng Sơn và Vĩnh Long) đã cùng nhau nhận định thực trạng của bối cảnh di dân và những nhu cầu mục vụ đối với anh chị em di dân của các giáo phận, lắng nghe những khó khăn và thách thức trong đời sống đức tin và nhu cầu bí tích của các tín hữu khi phải rời xa xứ đạo và quê hương. Quý Cha vui mừng vì Hội đồng Giám mục đã ban hành Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn giáo hội tại Việt Nam nhân dịp Hội nghị thường niên kỳ I/ 2024 vừa qua và ước mong những quy định này sẽ giúp cho các tín hữu có được thông tin thiết thực, hiểu biết căn bản để chuẩn bị hồ sơ hôn phối mà không gặp những trở ngại hành chánh như trước đây. Đức cha Phó Chủ tịch cũng đề nghị UBMVDD sử dụng công nghệ truyền thông phổ biến đến các bạn trẻ kiến thức cần thiết khi chuẩn bị cho quyết định cử hành bí tích hôn phối để tránh những khó khăn do chủ quan và bị động.

Từ thực tế mục vụ, UBMVDD cũng nhận ra nhu cầu chuẩn bị các phương cách thích hợp đáp ứng nhu cầu học giáo lý của anh chị em di dân khi cuộc sống đòi buộc nhiều tín hữu phải lưu động vì mưu sinh hoặc sống trong tình trạng tản cư nay đây mai đó vì kế sinh nhai. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhiều lần đến bổn phận bước ra vùng ngoại biên, đổi mới cách thế mục vụ để chấm dứt tình trạng “mục vụ bảo tồn” và an phận; vùng ngoại biên của mục vụ ngày nay không dừng lại ở biên giới “tòng thổ” của các xứ đạo mà còn đặt ra những nhu cầu mục vụ mang tính “tòng nhân” của những nẻo đường mưu sinh. Làm sao để UBMVDD có thể thực hiện đúng và đủ chức năng của mình trong bổn phận đối với Hội đồng Giám mục trước nhu cầu mục vụ của anh chị em di dân, và làm sao Ban Mục vụ Di dân của từng giáo phận có thể có được sự cộng tác của các thành phần trong giáo phận để cùng nhau chu toàn các nhu cầu mục vụ của thực trạng di dân như hiện nay?

UBMVDD cũng có dịp gặp gỡ trực tuyến với quý Cha đang chăm sóc mục vụ cho các tín hữu Việt Nam tại vùng Tokyo – Nhận Bản, Busan và Suwon – Hàn Quốc; gặp gỡ và lắng nghe phúc trình của doanh nghiệp chuyên trách về đào tạo, thủ tục và kết quả các chương trình hợp tác lao động ở một số quốc gia. Nhu cầu chăm sóc mục vụ và bí tích cho các tín hữu Việt Nam trong tình trạng “bán cư sở” khi đi học hoặc làm ở ngoài nước ngày càng cao và đây không phải là một đề bài thiếu đáp án. Giáo hội tại các quốc gia khác đã có những hình mẫu về chăm sóc mục vụ cho di dân ngoại quốc và kiều bào xa quê; các cộng đoàn tín hữu Việt Nam tạm cư vì học tập hoặc việc làm tại nhiều nước trong vùng được các Giáo hội địa phương đón tiếp và tổ chức nhiều mô hình mục vụ tiếng Việt, cộng đoàn tiếng Pháp và cộng đoàn Hàn Quốc ở các nơi được đặt dưới sự chăm sóc của “mục vụ kiều bào” rất tốt và chủ động.

UBMVDD cũng chia sẻ trăn trở mục vụ với quý Cha phụ trách mục vụ di dân của những giáo phận có đông, hoặc rất đông, tín hữu đi lao động thời vụ, hoặc thực tập chuyên môn hoặc kết hôn ở ngoài nước mà chưa có thể gia nhập với cộng đoàn đức tin tại quê người. Nếu mục vụ cho tín hữu Việt Nam tạm cư ở ngoài nước còn là một nan giải vì nhu cầu thực tế quá lớn so với nguồn lực có thể đáp ứng, thì mục vụ di dân trong nước vẫn còn là một thách đố rất cần nhiều nỗ lực để đáp ứng hoàn chỉnh. Có thể đơn cử hai nhu cầu mục vụ rõ ràng dễ thấy như bảng chữ cái! Người giáo dân ở một giáo xứ bên cạnh một thành phố lớn khi đi cấp cứu vì tai nạn thì người thân có biết cách tìm linh mục đến ban bí tích cho bệnh nhân không? Nếu nhanh mắt tìm thấy một nhà thờ gần bệnh viện mà cửa đóng chuông tắt vì ngoài giờ cử hành Thánh lễ thì người thân của bệnh nhân làm sao? Một Cha kể chuyện phải chạy xe từ vùng thôn quê tỉnh khác đến một bệnh viện lớn ở giáo phận bên cạnh để xức dầu bệnh nhân vì không gọi được Cha ở gần bệnh viện ở giáo phận đó, kết luận: may mà khi đến bệnh viện vẫn còn kịp! Cuộc sống ở thành phố đô thị khiến người lao động tạm cư, thậm chí đã nhập cư, từ một tỉnh khác chỉ có thể dành dụm đủ để ở trọ trong xóm nhỏ ngõ cụt nơi nhiều nhân khẩu phải chen chúc trong một căn phòng, kể cả với mức lương ổn định của lao động sản xuất cũng chỉ có thể gồng mình liều sống trong một chung cư; khi qua đời, có dễ tìm được một chỗ tươm tất tối thiểu để xin Cha đến cử hành nghi thức an táng không?

Những ngày gặp mặt của UBMVDD đong đầy nhiều niềm vui khi những trái tim mục tử có dịp sống và chia sẻ với nhau tình huynh đệ linh mục và thao thức mục vụ di dân. Nhưng những ngày gặp mặt này không dừng lại với lòng an phận hẹn lại mùa gặp sau để rồi kể tiếp cho nhau nghe công thức “hiện trạng và thách thức”. UBMVDD đã đúc kết và ghi nhận các nhu cầu và đề nghị của tất cả thành viên đại diện 23 giáo phận hiện diện tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội để định hướng cho tiến trình cụ thể trong thời gian tới.

UBMVDD chia tay sau Thánh lễ lúc 10g30 tại Nhà nguyện Toà Tổng Giám mục Hà Nội, kính nhớ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.

Nguồn: WHĐ (21/11/2024)