Vấn đề tuân giữ “bí mật giáo hoàng”
Sự thay đổi này được trình bày trong huấn thị dưới dạng gọi là ”phúc chiếu” (Rescrittum) đăng trên Báo ”Quan sát viên Roma” ngày 17/12 và có hiệu lực ngay, và sau đó, sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (AAS).
Bí mật giáo hoàng
Các qui luật về việc tuân giữ “bí mật giáo hoàng” được trình bày trong văn kiện gọi là “Secreta continere” (Giữ các bí mật), được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phê chuẩn cách đây 45 năm, ngày 4/2/1974, trong lời tựa có minh định rằng: “Trong một số vấn đề quan trọng, cần tuân giữ bí mật đặc biệt, gọi là bí mật giáo hoàng, cần được cẩn giữ như một nghĩa vụ hệ trọng”. Người phải tuân giữ bí mật giáo hoàng phải coi mình bị cầm buộc, không phải do một luật bên ngoài, nhưng do một yêu sách từ chính nhân phẩm của mình và phải coi như một vinh dự sự cam kết gìn giữ những bí mật cần thiết cho công ích”.
Khoản số 1 trong Văn kiện ”Giữ các bí mật” có liệt kê những vấn đề phải giữ bí mật như bí mật giáo hoàng, trong đó có “những thông tri và những tố giác về đạo lý và những thông báo của bộ giáo lý đức tin, cũng như việc cứu xét những điều đó, do chính bộ này thi hành, ngoài ra có những tố cáo ngoài tòa án về những tội ác chống lại đức tin và luân lý, những tội lỗi bí tích giải tội, cũng như những vụ xét xử và quyết định về những lời tố cáo ấy, tuy vẫn luôn tôn trọng quyền của những người bị tố cáo với nhà chức trách được biết về vụ tố cáo họ, nếu việc biết như thế là cần thiết cho việc bênh vực họ. Chỉ được phép tiết lộ tên của người tố cáo nếu nhà chức trách thấy là thích hợp nên để cho người bị cáo và người tố cáo cùng trình diện”.
Khoản số 2 trong văn kiện “Giữ các bí mật” xác định ai phải giữ bí mật giáo hoàng, đó là “các hồng y, giám mục, các bề trên và nhân viên cấp cao và cấp nhỏ, các cố vấn, chuyên gia và nhân sự cấp dưới có liên hệ tới việc xử lý các vấn đề cần giữ bí mật giáo hoàng, các vị đại diện Tòa Thánh và các nhân viên thuộc quyền có bàn về các vấn đề ấy, và tất cả những người được mời gọi góp ý kiến về những vụ ấy, sau cùng là tất cả những người bị buộc phải giữ bí mật giáo hoàng trong những công việc đặc biệt”.
Cũng phải giữ bí mật giáo hoàng trong tiến trình bổ nhiệm giám mục và các chức sắc khác của Tòa thánh.
Kỷ luật cho đến nay
Trong tự sách “Bảo vệ sự thánh thiêng của các bí tích” có qui định phải giữ bí mật giáo hoàng về những vụ do Bộ giáo lý đức tin xét xử, đó là những tội chống lại đức tin và luân lý, những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, thủ đắc, lưu trữ hoặc phổ biến với mục đích thỏa mãn tính dục những hình ảnh dâm ô trẻ em, v.v.
Một số thay đổi theo luật mới
Quy luật tuân giữ bí mật Giáo Hoàng vẫn được duy trì, nhưng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép ban huấn thị về sự kín đáo của các vụ tố cáo và xét xử những tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Theo đó, không buộc phải giữ bí mật Giáo Hoàng như trước đây về những vụ tố cáo, xét xử và quyết định về những tội đã được nói đến trong điều số 1 của Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian”: nghĩa là những vụ hiếp dâm và những hành vi tính dục do sự đe dọa hoặc lạm quyền đối với trẻ vị thành niên hoặc người dễ bị tổn thương; những vụ dâm ô trẻ em, những vụ không tố giác hoặc che đậy những kẻ lạm dụng từ phía các giám mục hoặc các bề trên tổng quyền của các dòng tu.
Bảo đảm an ninh và thanh danh những người liên hệ
Huấn thị mới xác định rằng “những thông tin phải được xử lý làm sao để bảo đảm an ninh, sự toàn vẹn và kín đáo như giáo luật qui định để bảo vệ thanh danh, hình ảnh và đời tư của những người liên hệ. Tuy nhiên, việc giữ bí mật theo chức vụ không ngăn cản việc chu toàn các nghĩa vụ được luật pháp nhà nước qui định, kể cả những nghĩa vụ phải trình báo, thi hành những yêu cầu của nhà chức trách tư pháp dân sự. Ngoài ra, không thể áp đặt sự im lặng cho những người trình báo, cho nạn nhân và cho các nhân chứng về các sự kiện.”
Cùng với văn kiện trên đây, ngày 17/12, còn có văn kiện thứ hai cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô nâng hạn tuổi từ 14 lên 18 tuổi đối với tội giáo sĩ thủ đắc, giữ và phổ biến những hình ảnh dâm ô với mục đích thỏa mãn tính dục, có liên quan đến các trẻ vị thành niên cho tới 18 tuổi, thay vì 14 tuổi như trước đây. Ngoài ra, một điều khoản khác trong Văn kiện thứ hai cho phép: trong những vụ trầm trọng hơn, cả giáo dân có bằng tiến sĩ giáo luật, cũng có thể thi hành vai trò luật sư và ủy viên công tố, chứ không phải chỉ dành cho linh mục như cho đến nay.
Hậu quả của qui luật mới
Tóm lại, với qui luật mới, những văn kiện, chứng từ liên quan đến những vụ tố giác hoặc xét xử lạm dụng tính dục trẻ em, giữ trong văn khố của các cơ quan Tòa Thánh hoặc các giáo phận, có thể được thông báo hoặc chia sẻ với các pháp quan điều tra của những nước yêu cầu, và không phải giữ kín bí mật giáo hoàng như cho đến nay. Đó là một dấu chỉ cởi mở, sẵn sàng, minh bạch và cộng tác với các chính quyền dân dự để bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Qui luật mới không hề đả động gì đến bí mật tòa giải tội là điều tuyệt đối vẫn phải tuân giữ theo giáo luật hiện hành.
Con đường cụ thể
Trong trường hợp một nhà chức trách dân sự của một nước khác xin tham khảo hoặc thông tin về các vụ lạm dụng vừa nói, họ phải đi qua đường ngoại giao. Và trong trường hợp hồ sơ về những vụ lạm dụng giữ trong văn khố giáo phận, vị pháp quan điều tra thỉnh cầu trực tiếp với giám mục giáo phận.
Các qui luật mới trên đây không có nghĩa là các văn kiện hoặc thông tin về các vụ lạm dụng sẽ trở thành một lãnh vực công cộng hoặc trở thành những điều được phổ biến cho công chúng. Cần luôn luôn bảo vệ sự kín đáo đối với các nạn nhân và các chứng nhân.
G. Trần Đức Anh OP – CTV Vatican News
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt