Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ra đời từ khi nào?
Giáo hội dành riêng tháng Sáu để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cao điểm của tháng này là lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ra đời từ khi nào, và đâu là ý nghĩa của việc sùng kính này?
1. Vài nét lịch sử việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ra đời từ rất sớm và luôn hiện diện trong đời sống Giáo hội. Thật vậy, từ thời các Giáo phụ, nghĩa là từ mấy thế kỷ đầu của Ki-tô giáo, các Giáo phụ, chẳng hạn Origène (185-253), thánh Augustinô (354-430)… đã viết về chủ đề này.
Sang thế kỷ XII-XIII, việc sùng kính Thánh Tâm được các thần học gia bàn đến trong các tác phẩm thần học, chẳng hạn thánh Albertô Cả (+1280), chân phúc Henri Suso (+1366) Dòng Đaminh… Trong giai đoạn này, thánh nữ Gertrude (1256-1301), đan sĩ Dòng Xitô thuộc đan viện Hefta bên Đức là nhà thần bí nổi bật nhất đã trình bày về việc sùng kính Thánh Tâm qua tác phẩm “Sứ giả của lòng thương xót Chúa”.
Sang thế kỷ XIV, thánh nữ Catarina Siena (1347-1380) đã viết rất nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng ngài không liên kết lòng thương xót với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thánh nữ nhận thấy, bửu huyết Chúa Giêsu là biểu tượng lòng thương xót của Thiên Chúa.
Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVII do ảnh hưởng của thánh linh mục Jean Eudes (1601-1680) và thánh nữ Margherita Maria Alacoque (1647-1690).
Thánh Jean Eudes đã thiết lập hai Dòng tu, một nam và một nữ, mang tên “Hai Trái Tim”, nghĩa là Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ. Hơn nữa, thánh nhân còn cổ võ thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Theo thánh Jean Eudes, trái tim là trung tâm của con người, vì vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu tượng trưng cho chính Chúa Giêsu, nơi gặp gỡ tình yêu với Chúa Cha, với nhân loại, và với vũ trụ.
Thánh Margarita Maria Alacoque, tu sĩ Dòng Thăm Viếng đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần. Năm 1687, khi hiện ra với thánh nữ, Chúa Giêsu đã mở Trái Tim Người ra và phán: “Hãy nhìn xem Trái Tim này, Trái Tim yêu thương con người quá sức đến không tiếc sự gì cho đến tiêu hao kiệt quệ. Phải đền tạ Thánh Tâm vì những xúc phạm của loài người. Ta hứa với con rằng Trái Tim Ta sẽ rộng mở để đổ tràn muôn vàn ơn phúc trên những kẻ tôn kính Trái Tim Ta”. Thánh nữ còn được Chúa Giêsu ủy thác, xin Bề trên Giáo hội thiết lập lễ kính Thánh Tâm. Tuy nhiên, gần hai thế kỷ sau ngày thánh nữ qua đời, vào ngày 23/8/1856, qua lời thỉnh cầu của các Đức Giám mục Pháp và một số Đức Giám mục trên thế giới, Đức Piô IX (1846-1878) mới chấp thuận và thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trên toàn thế giới.
Gần nửa thế kỷ sau ngày Đức Piô IX thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 25/5/1899 Đức Lêô XIII ban hành Thông điệp “Annum Sacrum” (Năm Thánh), qua văn kiện này, ngài ấn định lễ nghi dâng nhân loại cho Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu cách công khai và long trọng trên toàn thế giới. Hơn nữa, cũng trong Thông điệp này, Đức Lêô XIII chỉ thị rằng: “Trước ngày dâng nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu, tức ngày 11 tháng 6, cần cử hành tuần Tam Nhật để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu”. Với lễ nghi dâng nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu mà thánh nữ Margarita Maria Alacoque cổ võ từ hơn 200 năm trước đã đạt tới tột điểm.
Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu chưa dừng lại ở đó. Ngày 8/5/1928, Đức Piô XI ban hành Thông điệp “Miserentissimus Redemptor” (Đấng Cứu Chuộc rất nhân hậu). Trong văn kiện này, Đức Piô XI nhấn mạnh rằng, việc đền tạ Thánh Tâm là bổn phận thiết yếu của mọi tín hữu, và là nhu cầu khẩn cấp của thời đại nhằm đền bù những xúc phạm của mỗi người cũng như của toàn nhân loại đối với Thánh Tâm, đồng thời khẩn cầu lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Piô IX thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 15/5/1956, Đức Piô XII (1939-1958) đã ban hành Thông điệp “Haurietis Aquas In Gaudio” gồm 119 điều về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Theo Đức Piô XII, Thánh Tâm Chúa Giêsu “là biểu tượng của tình yêu hoàn hảo”. Đây là văn kiện quan trọng nhất về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
2. Ý nghĩa biểu tượng của Thánh Tâm Chúa Giêsu
Như đã nói, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu mới được thiết lập vào cuối thế kỷ XIX, nhưng những suy tư thần học về Thánh Tâm đã bắt đầu từ thời các Giáo phụ. Trên đồi Canvê, chiều thứ Sáu, một người lính cầm đòng đâm cạnh sườn, trúng trái tim Chúa Giêsu, tức thì máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34). “Máu” và “nước” được các Giáo phụ giải thích theo hai nghĩa chính: trước hết, Hội thánh được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu, như xưa kia, bà E-và được dựng nên từ cạnh sườn ông A-đam; sau nữa, máu và nước tượng trưng cho bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, nhờ đó nhân loại được tẩy sạch khỏi mọi tội lỗi và được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, cả hai đều bắt nguồn từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hơn nữa, từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu máu và nước chảy ra, theo các Giáo phụ, trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch trao ban ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu không chỉ loan báo tình yêu của Thiên Chúa nhưng Ngài còn là máng thông chuyển tình yêu đó cho nhân loại. Trái tim Chúa Giêsu trở thành biểu tượng của việc chuyển thông ân sủng.
Các thánh thời Trung cổ cũng diễn tả, trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thánh nữ Catarina thành Siena ghi lại lời Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Khi chỉ cho con cạnh sườn mở toang của Ta, Ta muốn con thấy bí mật của con tim Ta, để con hiểu rằng Ta đã yêu thương nhiều hơn là có thể bày tỏ tình yêu đó qua những đau khổ của Ta”.
Thánh Bonaventura đã cầu nguyện với Chúa: “Con tim Chúa đã bị thương, để qua vết thương hữu hình đó, chúng con có thể thấy vết thương vô hình của tình yêu”.
Từ thế kỷ 13 trở đi với thánh nữ Mechtilde de Hackeborn và Gertrude, việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu như biểu tượng tình yêu khôn lường của Thiên Chúa đối với nhân loại bắt đầu phát triển.
“Lạy Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu, xin ban cho con kính mến Trái Tim Chúa một ngày một hơn”.
Lm. Giuse Đào Hữu Thọ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org