Lãnh nhận bí tích giao hoà mùa chay
Con người ngày hôm nay không muốn nói về đề tài tội lỗi nhưng lại muốn đề cập đến ân sủng ban xuống hầu xóa bỏ tội lỗi nơi con người. Quả thực ân sủng của Thiên Chúa luôn trổi vượt và thanh tẩy mọi lỗi lầm của con người đã phạm phải, nhưng thiết nghĩ chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề này hầu có thể hiểu thêm về tội lỗi, về những gì là tội hay mức độ của nó. Tội lỗi là vấn đề nan giải và khó có thể hiểu hết được, tội lỗi là một mầu nhiệm. Tính mầu nhiệm ở đây không phải vì nó có tính thiêng thánh, nhưng mầu nhiệm vì chúng ta không thể nào đi hết được mọi góc cạnh của tội lỗi mà hiểu hết hầu có thể tránh né hay làm chủ mình khỏi tội. Trong bài nhỏ này chúng ta chỉ nhìn cách đơn giản về vấn đề tội hầu có thể đưa ra một cái nhìn vừa truyền thống nhưng cũng vừa đổi mới khi đề cập đến tội trong đời sống của mình. Ta cũng phải nói trước rằng nói đến tội không phải để nói đến những điều tiêu cực, nhưng nói về tội để chúng ta biết sửa mình và cảm biết tình yêu thương của Thiên Chúa khi chúng ta được thứ tha tội lỗi.
Con người chúng ta được dựng nên bởi cát bụi (bùn đất) với con người ban đầu là Adam, Adam có gốc bởi Adama có nghĩa là mỏng dòn. Bản chất con người mỏng dòn, dễ vỡ và hay vấp phạm. Bởi đó, khi những cám dỗ chợt đến khiến con người rất dễ sa ngã và gây ra những lỗi lầm. Con người sẽ phạm tội và vẫn phạm tội. Nhưng một vấn đề cần đặt ra là tội lỗi là gì? Tội được định nghĩa bởi sự lỗi phạm và phá vỡ những chiều kích sâu xa. Trước hết, tội là hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, là hành vi phản nghịch đến Thiên Chúa trong ân nghĩa với Ngài. Tội lỗi đầu tiên được xét đến như tội của nguyên tổ loài người Adam và Eva đã phạm trong vườn địa đàng. Ông bà phạm tội không phải vì đã ăn trái cây sự sống nhưng là hành vi ăn trái của cây biết lành biết dữ, thứ cây mà Thiên Chúa không muốn con người đụng đến. Ông bà đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa: “Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: ‘Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ chết’”. (St 2,16-17). Hành vi ăn trái cây biết lành biết dữ không phải là một hành vi thể lý cho bằng muốn cho mình biết lành, biết dữ. Hành động biết ở đây không phải chỉ là phân định hay nhận thức về điều lành, điều dữ; nhưng hành động biết trong Thánh Kinh muốn nói đến là hành động thuộc về Thiên Chúa khi chỉ có Ngài mới có quyền quyết định điều gì là lành, điều gì là dữ. Tội lỗi của con người chính là muốn chiếm lấy quyền lực của Thiên Chúa trên mọi loài và mọi hành vi của mình mà muốn quy định điều gì là tốt, điều gì là xấu trong cuộc đời của mình. Tội chính là hành động lỗi phạm đến Thiên Chúa trong lệnh truyền của Ngài, là muốn có cho mình quyền hành của Thiên Chúa trên mình và mọi loài dù trong cuộc sống luân lý hay luật lệ tự nhiên; sự hỗn loạn trong chính mình khi muốn thiết lập lại trật tự, muốn đặt lại luật lệ luân lý về những điều đúng sai.
Tội cũng được định nghĩa trong việc phá hủy và phạm đến chính bản tính của con người. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người thể hiện trong việc con người mang trong mình lý trí, ý chí tự do và lương tâm trong sạch đến từ Thiên Chúa; hơn thế nữa, hình ảnh Thiên Chúa thổi hơi vào bụi đất mà trao cho nó sự sống để trở thành con người nói lên bên trong bản tính con người mang theo hơi thở của thần linh. Vì thế, khi con người phạm tội chính là khi ta làm tổn thương đến chính bản tính nội tại của con người. Bởi khi phạm tội, con người làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình bị tổn hại. Con người sử dụng lý trí và tự do của mình cách lệch lạc làm cho lương tâm mình sai lạc, từ đó việc phạm tội chính là lúc con người làm cho hình ảnh của Thiên Chúa lu mờ nơi sâu thẳm con người mình. Bên cạnh đó, khi con người phạm tội làm phá vỡ tương quan với vạn vật, nói cách khác quyền làm chủ vạn vật của con người cũng bị thương tổn trong chính tội lỗi của mình. Thần học hiện đại nói về tội gắn liền với với lương tâm con người. Tội là hành vi trái với lương tâm của con người. Điều này xét đến vì lương tâm con người như tiếng nói của Thiên Chúa trong lòng của mình, nhưng điều cần thiết là phải có một lương tâm trong sáng hay ngay thẳng. Vì chưng, nếu một ai đó có một lương tâm lệch lạc thì mọi hành vi tội lỗi theo lương tâm của họ cũng cần đặt lại? Không phải vậy, lương tâm con người phải tuân theo một quy tắc chung nhất của nó, hơn thế nữa lương tâm phải thúc đẩy con người tuân theo luật của Thiên Chúa. Chính vì thế, tội trước hết là làm thương tổn đến lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa trong con người mọi thời đại. Lương tâm phải là tiếng nói của Thiên Chúa giúp con người làm lành, lánh dữ, giúp họ thăng tiến bản thân hầu đạt tới cùng đích của mình là chính Thiên Chúa.
Từ định nghĩa trên đây về tội, việc xác định mức độ nặng nhẹ của tội cũng là một vấn đề nan giải. Bởi chưng thật là khó quy định hay lên những danh sách tội nguy tử, tội nặng hay tội nhẹ trong đời sống con người và trong thời đại hôm nay. Giáo lý của Giáo hội nói về tội nặng là tội làm mất hết ân nghĩa với Thiên Chúa qua những hành vi tội lỗi. Nhưng tội nặng đòi buộc phải là hành vi phạm tội trong những vấn đề nặng nề như ngoại tình, giết người, thờ tà thần… đồng thời phải kèm theo một ý chí tự do hoàn toàn hay ước muốn làm việc đó mà không bị cưỡng ép hay vì vô tri. Điều này khiến cho việc xác định về tính chất nặng nhẹ bị đặt lại hay giới hạn rất mong manh để đánh giá. Vì chưng, chúng ta rất khó đánh giá mức độ tự do hoàn toàn của con người trước hành vi phạm tội. Đương nhiên phải có một bậc thang giá trị rõ ràng cho vấn đề này, nhưng nhìn chung thần học hiện đại nại đến lương tâm con người như một án quyết cuối cùng. Chính lương tâm con người kết án tội đó là nặng hay nhẹ. Tội nhẹ là tội phạm nhưng vẫn còn ân nghĩa với Thiên Chúa mà không phá hủy toàn bộ. Vì thế, tội nhân luôn là người cần phải hoán cải chính mình hầu kín múc nơi Thiên Chúa ân sủng của Ngài. Tuy nhiên, ngay trong các tội nặng cũng có những mức độ khác nhau, ta có thể lấy ví dụ: tội giết người là tội nặng nhưng tội giết cha mẹ thì phải nặng hơn giết chết một người xa lạ hay giết một người gây hại đến mình (hành vi tự vệ). Mức độ của tội luôn là vấn đề khó có thể phân định rõ ràng, khó có thể đặt ra những danh sách phân biệt rõ ràng mức độ của tội nếu không nại đến hoàn cảnh của nó. Vì tội luôn được nói đến hay được diễn ra trong một hoàn cảnh cụ thể và của một ai đó cụ thể. Bởi thế ta không thể kết án tội nhân khi không xét đến hoàn cảnh của họ và càng không thể kết án họ khi không nhìn đến bản chất con người nơi họ. Tội lỗi khác với tội nhân, chúng ta lên án tội lỗi nhưng tội nhân luôn là kẻ đáng thương vì nơi họ bản tính con người bị thương tổn và cần được nâng đỡ, phục hồi. Bao lâu con người còn sống trong xác thịt yếu đuối, bấy lâu con người sẽ không thể tránh khỏi những lỗi lầm, ít là những tội nhẹ. Nhưng chúng ta không bi quan vì điều đó bởi chưng lòng thương xót của Thiên Chúa luôn tha thứ cho tội nhân khi họ biết hoán cải chính mình. Kinh Thánh nói về thứ tội lỗi bị hư mất đời đời, thứ tội không được tha thứ khi phạm đến Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, lòng từ bi của Thiên Chúa không bị giới hạn nhưng con người có thể cố ý từ chối đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa khi không muốn sám hối. Con người gạt bỏ ơn tha thứ tội lỗi, gạt bỏ ơn cứu độ của Thiên Chúa trên cuộc đời mình do Chúa Thánh Thần ban tặng. Đây chính là tội trọng gây nguy tử mà con người có thể phạm phải vì sự cứng lòng của mình.
Con người sống giữa trần thế và trong một xã hội ngày một tục hóa, bởi thế con người luôn có xu hướng phạm tội cho dẫu là những tội nhẹ, những lầm lỗi rất nhẹ mà thôi. Thế nhưng con người được khuyên nên xa tránh và tìm cách cố gắng để cho mình không phạm tội cho dù là một tội nhẹ. Bởi chưng, tội lỗi lại lôi kéo tội lỗi, tội lỗi sinh ra những nết xấu do sự lặp lại nhiều lần một hành vi như nhau, từ đó sinh ra những khuynh hướng xấu làm mờ ám lương tâm và hư hoại sự đánh giá cụ thể về lành dữ. Ta có thể lấy những ví dụ rất cụ thể trong đời sống con người thời đại hôm nay về những tội lỗi điển hình dù công khai hay thầm kín. Ta lấy hai ví dụ điển hình mà giới trẻ hôm nay dễ mắc phải là thủ dâm (tội thầm kín) và phá thai (tội công khai). Một người chưa bao giờ phạm phải những tội này sẽ cảm thấy thật khó để mình phạm phải chúng, bởi chính họ cũng ý thức được những điều ấy là xấu tự bản chất. Nhưng đến khi những cám dỗ chợt đến và hoàn cảnh cuộc sống xô đẩy khiến cho họ phạm tội. Họ sẽ cảm thấy đau buồn, sợ hãi, hối hận và những day dứt trong tâm hồn luôn theo bám lấy họ, nhưng bên cạnh đó lại luôn có một khoái cảm về giác quan hay về tâm lý, một sự an tâm cho một cách thế giải quyết, một hướng đi mới cho việc thỏa mãn chính mình sẽ lôi kéo họ tiếp tục đến với những tội lỗi tiếp theo. Họ sẽ tìm về cảm giác đã có, họ cũng tự an ủi mình: “lần trước mình đã thủ dâm, đã phá thai mà có sao đâu”, chúng ta cố gắng tự xoa dịu chính mình trong tội lỗi. Dần dần, lương tâm chúng ta không còn thấy đó là tội nhưng là một chuyện rất thường tình, một nhu cầu, một cách thế được phép làm mà thôi. Cũng vậy, một nếp sống mới được hình thành trong chúng ta như một thói xấu (thủ dâm thành thói quen hoặc liên tục những hành vi phá thai sau đó). Như thế tội lỗi sẽ sinh sôi nảy nở khi chúng có được một mầm sống, nói một cách khác đi, chúng ta sẽ tiếp tục phạm phải những tội mà chúng ta đã một lần phạm qua trước đó. Tội lỗi sẽ kéo theo tội, có lần đầu rồi sẽ có những lần tiếp sau nữa và dần làm lương tâm con người bị chai mòn, lệch lạc. Chính vì thế, muốn xa tránh tội lỗi, chúng ta cần phải xa tránh và dứt khoát với nó ngay từ lúc đầu tiên; muốn được như vậy trước hết ta phải xa tránh bảy mối tội đầu như là căn nguyên của mọi tội lỗi khác: kiêu ngạo, hà tiện, ghen tuông, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, lười biếng. Đây là những nguồn gốc để phát sinh mọi thứ tội lỗi khác trong con người và trong xã hội mọi thời đại. Bởi đó, chúng ta cần đào luyện chính mình trong sự trưởng thành hầu lướt thắng những cám dỗ của tội. Cách thế hữu hiệu nhất được nhắc đến qua việc con người tập cho mình những nhân đức tốt lành. Ngoài ba nhân đức đối thần: Tin, cậy, mến và bốn nhân đức trụ: công bằng, tiết độ, khôn ngoan, dũng cảm; con người cần tập cho mình những nhân đức tốt lành khác nữa, đồng thời từ việc tập các nhân đức, con người tạo cho mình những thói quen tốt lành hầu xa tránh tội lỗi. Chính các nhân đức tốt lành sẽ giúp con người đào tạo cho mình một lương tâm ngay chính.
Con người thời xưa vẫn coi tội có tính cách xã hội hay cộng đoàn khi coi tội lỗi của một người đều có liên đới tới mọi người hiện diện trong cộng đoàn đó. Ngày hôm nay, con người thời đại muốn giản lược tính chất của tội vào tương quan cá nhân mà thôi, tội là mức ảnh hưởng của mối tương quan cá nhân người đó với Thiên Chúa. Cả hai lối nhìn này đều đưa ra những lý chứng thuyết phục mọi người nhằm bênh vực cho mình. Để xét đến tính chất cộng đoàn hay cá nhân của tội thiết nghĩ ta nên xét lại bản chất của tội là gì và tương quan của nó trong thế giới như thế nào. Tự bản chất tội là lỗi phạm của một người cụ thể và xúc phạm tới Thiên Chúa của mình. Như vậy, tội có một chiều kích cá nhân ngay trong sự lỗi phạm của nó khi xúc phạm đến Thiên Chúa. Như thế khi tôi phạm một tội nào đó, điều này luôn dẫn đến tình trạng làm thương tổn mối tương quan của tôi với Thiên Chúa. Vì vậy, chiều kích cá nhân được thể hiện khi chính tôi đã lỗi phạm và mối tương quan của chính tôi bị thương tổn. Hơn thế nữa, tội lỗi phạm phải cũng làm cho mối tương quan của tôi với chính tôi bị tổn hại, hay nói cách khác chính tôi làm cho bản tính con người trong tôi bị lu mờ, lệch lạc. Chính trong những mối tương quan ấy, con người tồn tại với Thiên Chúa và với chính mình như một sự hữu độc lập, và vì vậy tội lỗi mang một chiều kích cá nhân sâu sắc. Mọi tòa án dân sự cũng xét xử các vụ án về tội lỗi con người, và tôi sẽ không bị trùng phạt vì tội lỗi của một người khác cho dẫu người đó rất thân thiết với tôi, vì đó là tội của cá nhân họ chứ không phải là hành vi của tôi nên tôi không bị liên đới trong trách nhiệm, hay chịu chế tài vì tôi có liên hệ thân quen với phạm nhân được. Bởi đó, có thể nói một cách nào đó tội mang chiều kích cá nhân gắn liền với con người đó, nó đi liền với cá nhân đó trong tương quan với Thiên Chúa và với chính mình. Nhưng tội không chỉ là chiều kích cá nhân nhưng luôn mang chiều cộng đoàn nữa. Vì chưng con người luôn sống trong một công đồng người nào đó, mà vì thế mỗi tội lỗi phạm phải đều có liên đới cộng đoàn. Con người không chỉ tồn tại với Thiên Chúa và với chính mình nhưng còn là sống với nhau, cho nhau và với vạn vật nữa. Mỗi tội lỗi đều làm cho mọi mối tương quan của con người bị thương tổn: tương quan hướng thượng lên Thiên Chúa, tương quan sâu xa với chính mình và tương quan chiều ngang với tha nhân. Mọi mối tương quan bị thương tổn bởi tội nguyên tổ loài người thế nào thì tội cá nhân cũng phá đổ chúng trong con người họ như vậy. Bởi khi phạm tội, chúng ta luôn làm cho hình ảnh của cộng đoàn bị thương tổn, làm gương mù, gương xấu cho người khác và trở thành một cớ vấp phạm cho một ai đó trong cộng đoàn mình hiện diện. Cho dẫu tội phạm trong thầm kín vẫn có chiều kích cộng đoàn như vậy, bởi chưng khi đó chúng ta làm cho bản tính nhân loại bị thương tổn, làm cho mối tương quan cộng đoàn bị rạn nứt trong chính mình. Nhưng trên hết khi phạm tội là xúc phạm đến chính Thiên Chúa và vinh quang của Ngài. Thiên Chúa không là Thiên Chúa của riêng một ai nhưng là Thiên Chúa của cả nhân loại và vạn vật. Vì thế, tội phạm đến Ngài đồng thời cũng phạm đến cả loài người và vũ trụ nữa. Chiều kích cộng đoàn của tội đòi buộc con người phải ý thức vai trò của mình trong cộng đoàn, để nhờ việc ý thức chính mình, con người xa tránh tội lỗi cùng thúc đẩy các nhân đức của mình. Đồng thời chiều kích này cũng nhắc nhớ con người hiện diện luôn là hiện diện với ai đó và cho người khác, vì thế chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ người khác vượt qua cám dỗ và nâng đỡ những tội nhân được hoán cải chính mình.
Người tội lỗi luôn được mời gọi đến với bí tích hòa giải hầu có thể được giao hòa với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Tội chỉ có thể được tha thứ khi các mối tương quan được hàn gắn lại và đưa chúng ta vào trong một mối tương quan mới. Con người ban đầu cũng như tất cả loài người đã phạm tội, nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ và ban cho con người những phương thế để được tha thứ. Qua tác vụ của Hội Thánh, Thiên Chúa vẫn thanh tẩy tội lỗi của con người qua chính Con của Người là Đức Giêsu. Bí tích Rửa tội và bí tích Hòa giải tha thứ những tội lỗi của con người, bằng cách đó chúng ta nhận lãnh ân sủng đã đánh mất khi phạm tội; đồng thời nhờ việc hòa giải, con người hàn gắn các mối tương quan mình đã phá vỡ. Vì sám hối và ăn năn những tội lỗi của mình, con người được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi và đưa ta vào trong mối tương quan mới với Ngài; nhờ việc thứ tha và hòa giải với nhau, mối tương quan của con người với con người được gắn kết và đưa họ về với tình bằng hữu, tình gia đình và tình người với người. Nhưng để có thể sám hối, chính mỗi người chúng ta phải nhìn lại chính mình (phản tỉnh), phải đối thoại, chất vấn chính mình và thứ tha cho mình nữa. Từ đó, mối tương quan của con người với chính mình cũng được thay đổi, bản tính con người nơi họ được phục hồi và đưa họ về với chính mình với tâm hồn trong sạch. Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Hòa giải để có thể tiếp tục ở với loài người tội lỗi, nâng đỡ và đưa họ về hòa nhập với cộng đoàn Giáo hội. Hòa giải không chỉ mang chiều kích cá nhân của chúng ta với Thiên Chúa để rồi chỉ bằng kinh nghiệm và những cử chỉ đức tin thầm kín con người cũng có thể được tha thứ, nhưng hòa giải còn là chiều kích cộng đoàn của hối nhân với cộng đoàn hiện diện và cộng đồng nhân loại. Bởi chưng nhờ sự sám hối của một con người mà cộng đoàn đó gia tăng sự thánh thiện của chính mình và góp phần làm thành một Giáo hội thánh thiện. Hơn thế nữa, nhờ vào sự sám hối của một người có thể trở thành gương mẫu cho nhiều người chung quanh và giúp người khác nhận được những hoa trái của sự sám hối nơi họ. Điều này cũng khơi gợi cho người sám hối cần hòa mình vào trong cộng đoàn với một con người mới, con người của sự thánh thiện và trong trắng. Tình yêu thương của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì cho dẫu là tội lỗi, con người cần trở về với Ngài trong bí tích Hòa giải để lãnh nhận những ơn lành và những dấu chỉ hữu hiệu của tình yêu Thiên Chúa nơi mình, chỉ khi hoán cải chính mình, chúng ta mới có thể tìm lại bản tính người nơi mình, phục hồi và biểu lộ cách rõ ràng nhất hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình là thọ tạo của Ngài. Chính việc sám hối ấy giúp cho ta làm cho con người của mình trở nên đền thờ đã được thanh tẩy để Thiên Chúa ngự vào.
Con người với bản tính yếu mềm, dòn mỏng, dễ bị cám dỗ và rối loạn trong chính mình; cùng với việc tồn tại trong thời gian và những món quà Thiên Chúa ban tặng là ước muốn và tự do, con người dễ sa ngã khi những cám dỗ đến với mình. Tội lỗi là một mầu nhiệm và luôn đồng hành với dòng lịch sử của con người. Dù thời đại nào và ở bất cứ nơi đâu, con người vẫn hướng chiều về sự dữ cho dẫu con người được chính Thiên Chúa dựng nên. Tội lỗi nơi con người làm phá vỡ các mối tương quan chung quanh con người: mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, tương quan của con người với con người và vạn vật cùng mối tương quan của con người với chính mình. Tội lỗi ấy không chỉ mang chiều kích cá nhân nhưng còn mang một chiều kích cộng đoàn và ảnh hưởng tới cả cộng đồng nhân loại cho dẫu nó được phạm cách công khai hay thầm kín. Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người trong chính tội lỗi của họ, bởi chưng Thiên Chúa luôn yêu thương con người vì chính con người và vì con người có tội được Ngài phân biệt với tội lỗi nơi họ. Với Ngài, bản tính con người nơi họ bị thương tổn và cần được phục hồi, thứ tha để được trở lại cùng Ngài. Tội lỗi luôn đáng trách nhưng tội nhân là kẻ đáng được xót thương. Chính vì thế Thiên Chúa mời gọi con người sám hối mỗi ngày và cải đổi đời sống mình hầu có thể hưởng tình yêu thứ tha của Thiên Chúa ban tặng cho mình. Mỗi người chúng ta đều đã hơn một lần phạm tội, vì thế các bạn và tôi, chúng ta cần hoán cải chính mình (nghĩa là nhận thấy tội nơi mình và quyết tâm sửa đổi) để đến được với Chúa hầu có thể được hòa giải với Thiên Chúa, với người anh chị em chung quanh và với chính bản thân bản thân mình.
Thế nên mùa chay sắp hết rồi, chúng ta cùng đi giao hòa với Chúa và mọi người nhé!
Mục Đồng Nguyễn