Sinh viên Công giáo Thái nguyên tổng kết năm học

Thái Nguyên ( 24/5/2015): Bốn năm đại học trôi qua thật nhanh nhưng kỷ niệm về những tháng ngày được sống, được làm việc, được học tập và trưởng thành dưới mái nhà chung sinh viên Công Giáo Thái Nguyên ( SVCG TN) đã để lại trong trái tim tôi tình cảm mến yêu nhất. Đặc biệt, qua chương trình thánh lễ tổng kết và chia tay anh chị cuối khóa diễn ra vào ngày 24/5 đã giúp tôi hiểu ra ý nghĩa thực sự và sự thân thương, ngọt ngào của hai tiếng “ gia đình”.

Chương trình tổng kết năm học và chia tay anh chị cuối khóa diễn ra vào ngày 24/5/2015 tại nhà xứ Thái Nguyên với sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên, đặc biệt là các anh chị sinh viên cuối khóa. Vì thời tiết quá nắng nên chương trình được khai mạc vào lúc 14h15. Sau đó là phần chia tổ và những trò chơi tập thể vui nhộn.

Nhưng điểm để lại dấu ấn nhất có lẽ là phần trò chơi bịt mắt. Với mục đích là giúp các bạn sinh viên cảm nhận được những khó khăn, vất vả của đấng sinh thành trong cuộc đời đầy sương gió và nỗi lo cho con ăn học. Và chính nhờ đó tôi cũng có ít nhiều suy ngẫm về hai tiếng “ gia đình” thân thương.

Tất cả chúng tôi khi tham gia trò chơi sẽ bị bịt mắt và được dẫn đi trên một hành trình định sẵn. Cái cảm giác tối mù trước mắt khiến tôi khó chịu nhưng rồi, tôi cố gắng thay đổi, lắng đọng tâm hồn và cảm nhận mọi vật bằng trái tim và giác quan.

Tôi cảm nhận được tình yêu Chúa khi Người đặt để tôi nơi cung lòng người mẹ. Khi cho tôi được chào đời trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương, trong cái nôi hạnh phúc. Cảm nhận chính Chúa đang dẫn dắt tôi trên hành trình cuộc đời và Ngài hằng yêu thương tôi bằng trái tim, sự lo lắng, ân cần của người mẹ và sự mạnh mẽ, vững vàng của người cha.

Bước đi qua những vũng bùn lầy, mon men bên bờ ao giúp tôi cảm nhận sự bấp bênh trong cuộc đời của cha mẹ. Con học đại học nơi xa có khi nào thấu hiểu được những nỗi nhọc nhằn, đắng cay hay thật vọng ê chề khi mất mùa hạn hán, khi mưa lũ bão bùng…Cha mẹ vẫn nén nỗi buồn, sự thất vọng mà gửi cho con tiền tiêu hàng tháng. Con nào có biết nơi quê nhà mẹ, cha đã phải chiến đấu với cái rét thấu sương mỗi buổi sáng đi chợ rau, với cái nắng như đổ lửa trên cánh đồng lúa hay những ngày mưa xối  xả …

Tiếp tục được dẫn đi tới những con đường trơn trượt. Tôi nghĩ đến những bài học mà mẹ cha đã dạy. Biết bao điều hay lẽ phải được dạy mà tôi nào có nghe, tôi nào có làm. Mỗi lẫn vấp ngã sau thất bại nơi tôi nghĩ đến không đâu khác là mái ấm gia đình, là lời an ủi dịu dàng của mẹ và bờ vai mạnh mẽ của cha. Tôi cảm thấy thực sự chân trọng những ngày tháng được sống trong tình yêu thương của gia đình. Nơi mà tôi đã từng muốn thoát ra khỏi sự ngột ngạo và gó bó. Tôi nào có hiểu, đó là sự chở che, là điểm tựa cần thiết cho tôi.

Rối tiếp tục cuộc hành trình là những bước đi trên cát. Không phải chỉ bước đi mà nhiều đoạn phải bò, phải luồn cúi. Những lúc đó khiến tôi nhớ đến tuổi thơ của mình. Đã nhiều lúc khiến mẹ phải “ muối mặt” khi đi xin lỗi bác hàng xóm về những trò nghịch ngợm tai quái của mình. Hay chính khi tôi không vâng lời, thậm chí là hỗn và cãi lời khiến mẹ tôi đau đớn chừng nào. Nhiều khi nỗi đau thể xác không thể làm mẹ gục ngã nhưng một lời nói láo, một sự không vâng lời của tôi khiến mẹ buồn trong lòng. Đôi mắt mẹ trũng sâu vì suy nghĩ và lo lắng cho tôi.

Người xưa có câu: “ Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Quả thực đối với gia đình, mẹ cha luôn có những điều mà tôi chẳng thể lý giải được. Nhưng giờ tôi tạm hiểu rằng, tất cả chỉ vì cha mẹ yêu thương mà muốn tốt cho tôi mà thôi.

Hành trình nào rồi cũng phải khép lại. Trò chơi rồi cũng kết thúc nhưng điều mà tôi cảm nhận được sẽ theo tôi mãi, là hành trang giúp tôi vững bước vào đời.

Chính nhờ tham gia chương trình tổng kết này, và gia nhập gia đình SVCG TN , đã giúp tôi có được sự thấu hiểu về ý nghĩa của hai tiếng “ gia đình”. Vì vậy, tôi cũng không quên gửi trọn lòng biết ơn và tình yêu thương dành cho gia đình thứ hai của tôi- gia đình SVCG TN. Chính nơi đây là gia đình, là nhà, là trường dạy cho tôi và giúp tôi trưởng thành.

Nhớ lắm nhũng ngày cùng anh chị em sinh viên rong ruổi trên khắp các khu trọ để xin ve chai, hay trong cái rét sương muối miền bắc cùng nhau tập múa để đi giúp giáng sinh, cùng nắm tay nhau nhảy lửa trại hay cùng bên nhau với anh nến lung linh và cầu nguyện tha thiết.

Không phải qua những hoạt động mà chính nhờ tình Chúa, tình người đã gắn kết anh chị em chúng tôi trong mái nhà chung sinh viên Công giáo Thái Nguyên. Để hôm nay đây, đứng trong hàng ngũ anh chị sinh viên cuối khóa, được lãnh nhận nghi thức sai đi và được chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi cảm thấy những cơn sóng đang trào dâng trong tôi một tình cảm mến yêu nhất dành cho gia đình thứ hai của tôi- gia đình sinh viên Công giáo Thái Nguyên.

11130162_716480038495455_4092403576836120979_n 11139771_542619485875916_4979548116002096931_n 11218882_542619245875940_4298938516671870594_n (1) 11289701_470523303110231_270056749_n 11301472_470524229776805_1935210583_n 11328880_470523186443576_1719446275_n 11335902_470524213110140_1919301520_n 11350062_470523113110250_1646541991_n 11350533_1596365923973829_3651500715262155179_n 11350643_716480101828782_5013804895153040494_n 11354723_470523229776905_1037567727_n thanhle tongket

                                                                   Phạm Hằng ( SVCG TN).