Người nghèo nhắc cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa

Người nghèo nhắc cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa và mở rộng con tim cho tha nhânÔng nhà giầu không bị kết án vì các của cải của mình, nhưng vì đã không có khả năng cảm thương và cứu giúp Ladarô, đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư hằng tuần hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển ý nghĩa dụ ngôn ông nhà giầu và ông Ladarô nghèo. Ngài nói: cuộc sống của hai người này xem ra chạy trên hai đường rầy song song: các điều kiện sống của họ đối nghịch nhau và hoàn toàn không truyền thông. Cửa nhà của ông nhà giầu luôn luôn đóng kín đối với người nghèo nằm bên ngoài, tìm ăn vài thứ thừa từ bàn của ông nhà giầu. Ông này mặc quần áo sang trọng, trong khi ông Ladarô người đầy vết thương; ông nhà giầu ăn tiệc rộn ràng mỗi ngày, trong khi Ladarô  chết đói. Chỉ có chó tới liếm các vết thương của ông. Cảnh này nhắc lại lời quở trách nặng nề của Con Người trong ngày sau hết: “Ta đã đói và các ngươi không cho ăn, đã khát và các ngươi đã không cho uống, đã trần truồng và các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25,42-43). ĐTC nhận định như sau:

Ông Ladarô diễn tả tiếng kêu của các người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.

Chúa Giêsu nói rằng một ngày kia ông nhà giầu chết: người nghèo và người giầu chết, họ đều có cùng số phận. Tất cả chúng ta đều chết. Không có luật trừ cho điều này. Và khi đó ông nhà giầu hướng tới tổ phụ Abraham khẩn nài ngài với tên gọi là “cha” (cc.24.27). Như vậy, ông đòi là con của người, thuộc dân Thiên Chúa. Thế nhưng trong cuộc sống ông đã không cho thấy sự chú ý nào tới Thiên Chúa, trái lại ông đã lấy chính mình làm trung tâm của mọi sự, đóng kín trong thế giới sang trọng và phung phí của ông. Khi loại trừ Ladarô, ông đã không để ý gì đến Chúa, cũng như lề luật của Ngài. Không biết đến người nghèo là khinh dể Thiên Chúa! Chúng ta phải học cho kỹ điều này: không biết tới người nghèo là khinh dể Thiên Chúa!

Có một đặc điểm cần ghi nhận trong dụ ngôn: đó là người giầu không có tên, chỉ có tính từ người giầu thôi, trong khi tên của người nghèo được lặp lại tới 5 lần và “Ladarô” có nghĩa là  “Thiên Chúa trợ giúp”. Ông Ladarô nằm trước cửa, là một lời nhắc nhở sống động cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa, nhưng ông nhà giầu không tiếp nhận lời nhắc nhở ấy. Ông sẽ bị kết án không phải vì của cải của ông, mà bởi vì ông đã không có khả năng cảm thương đối với Ladarô và cứu giúp Ladarô.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong phần hai của dụ ngôn chúng ta thấy ông Ladarô và ông nhà giầu sau khi chết (cc.22-31). Trong cuộc sống bên kia tình hình đảo ngược: ông Ladarô nghèo được các thiên thần đem lên trời gần tổ phụ Abraham, còn ông nhà giầu trái lại bị ném xuống giữa các cực hình. Khi đó ông nhà giầu hướng mắt lên và trông thấy tổ phụ Abraham ở xa xa, và ông Ladarô bên cạnh. Xem ra ông trông thấy Ladarô lần đầu tiên, nhưng các lời ông nói phản bội ông: “Lậy cha Abraham – ông nói – xin thương xót con và gửi Ladarô – ông đã biết Ladarô mà – xin gửi Ladarô nhúng ngón tay vào nước và nhỏ trên lưỡi con cho mát, bởi vì con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”.

Bây giờ ông nhà giầu nhận ra Ladarô và xin ông ta trợ giúp, trong khi còn sống ông giả bộ không biết tới ông ấy. Có biết bao lần – biết bao lần – biết bao người giả bộ không trông thấy các người nghèo! Đối với họ không có người nghèo.

Trước đây ông từ chối ông Ladarô cả thức ăn thừa từ bàn của ông, mà giờ đây ông muốn ông ta cho mình uống nước. Ông còn tin là mình có thể ỷ vào quyền vì điều kiện xã hội trước kia của ông. Khi tuyên bố không thể nhận lời xin của ông chính tổ phụ Abraham cống hiến chià khóa của toàn trình thuật: người giải thích rằng các điều lành điều ác đã được phân chia để bù trừ sư bất công trên trần gian, và cánh cửa chia cách ông nhà giầu và người nghèo trong cuộc sống đã biến thành “một vực thẳm”. Cho tới khi ông Ladarô còn ở dưới cửa nhà mình, thì ông nhà giầu có khả thể  cứu rỗi: mở toang cửa ra và trợ giúp ông Ladarô… nhưng giờ đây khi cả hai người đã chết, tình trạng đã trở thành không thể sửa chữa được nữa. Thiên Chúa đã không bao giờ được gọi vào cuộc một cách trực tiếp, nhưng dụ ngôn cảnh giác một cách rõ ràng: lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta gắn liền với lòng thương xót của chúng ta đối với người lân cận; khi thiếu điều này, thì điều kia cũng không tìm ra chỗ trong con tim khép kín của chúng ta, không thể vào được. Nếu tôi không mở toang cửa con tim ra cho người nghèo, cánh cửa đóng kín ấy. Cho cả Thiên Chúa nữa. Và điều này thật là kinh khủng!

Tới đây ông nhà giầu nghĩ tới các anh em ông có nguy cơ kết thúc như ông, và ông xin cho ông Ladarô có thể trở lại trần gian để cảnh cáo họ. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời: “Họ có ông Môshê và các ngôn sứ, hãy lắng nghe các vị”. Rồi ĐTC khẳng định:

Để hoán cải, chúng ta không được chờ đợi các biến cố lạ lùng, nhưng phải mở lòng cho Lời Chúa mời gọi chúng ta yêu thương Thiên Chúa và người lân cận. Lời Thiên Chúa có thể làm sống lại một con tim khô cằn, và chữa lành nó khỏi mù quáng. Ông nhà giầu đã biết Lời Chúa, nhưng đã không lắng nghe, ông đã không đón nhận nó trong tim, không để nó vào trong con tim, không lắng nghe nó, và vì thế đã không có khả năng mở mắt và cảm thương người nghèo. Không có sứ giả và sứ điệp nào có thể thay thế người nghèo mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời, bởi vì chính nơi họ mà Chúa Giêsu đến găp gỡ chúng ta: “Tất cả những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy là đã làm cho chính Thầy” (Mt 25,40), Chúa Giêsu nói. Như thế, trong việc lật ngược các số phận mà dụ ngôn miêu tả, dấu ẩn mầu nhiệm ơn cứu rỗi của chúng ta, trong đó Chúa Kitô kết hiệp nghèo túng với lòng thương xót. Anh chị em thân mến, khi lắng nghe Phúc Âm chúng ta tất cả, cùng với các người nghèo của trái đất, chúng ta có thể hát lên với Mẹ Maria: “Nguời đã lật đổ ngai của các kẻ quyền thế, kẻ mọn hèn Người đã nâng cao; Người đã ban của đầy dư cho kẻ đói nghèo, người giầu có đã đuổi về tay không” (Lc 1,52-53).

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau. Trong số các nhóm tiếng Pháp có nhóm các chủng sinh Strasbourg, phái đoàn Đức Bà La Salette, và Thánh Bernardo Thụy Sĩ. Cũng có các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Malta, Nga, Slovachia, Ấn Độ, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản và Hoa Kỳ. ĐTC cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp giúp mọi người canh tân tinh thần và là thời gian ơn thánh cho họ và gia đình họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức có đoàn hành hương giáo phận Ausburg và các trẻ em giúp lễ giáo phận Eichstaett, cũng như các giáo sư phân khoa thần học Paderborn.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Bồ Đào Nha có các nữ tu Phansinh bệnh viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và tín hữu các giáo xứ Porto Nacional và Povoa de Varzim. Ngài chúc cuộc hành hương đến mộ hai Thánh Tông Đồ giúp họ củng cố cảm thức về Giáo Hội, và học được nơi Mẹ Maria cách đọc hiểu các dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử để xây dựng một nhân loại mới. Trong số các nhóm đến từ Trung Đông có nhóm tín hữu Ai Cập. Ngài cầu chúc mọi người hiểu biết và sống Thánh Kinh để biết sống thương xót.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là ngày kỷ niệm thánh sinh nhật của Gioan Phaolô II. Ngài hiệp ý với tổng thống và binh sĩ Ba Lan tham dự thánh lễ tại nghĩa trang Montecassino cầu nguyện cho các binh sĩ tử trận hồi đệ nhị thế chiến, cũng như những người tham dự lễ thánh hiến đền thánh “Trinh Nữ Maria Ngôi sao của việc tái truyền giảng Tin Mừng và của thánh Gioan Phaolô II” tại Torun. Ngài cầu mong đây là dịp tín hữu cầu nguyện cho hoà bình thế giới và sự thịnh vượng của Ba Lan.

Chào các trẻ em mồ côi và người tỵ nạn Ucraina vì chiến tranh, ĐTC cầu mong hoà bình sớm trở lại với người dân của đất nước này qua lời bầu cử của Mẹ Maria.

Tiếp đến ngài đã chào các đoàn hành hương các giáo phận Prato Tempio- Ampurias, Matera Irsina do các Giám Mục sở tại hướng dẫn. Ngài cũng chào các linh mục của Giáo Hội Chính Thống Nga, khách của Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các kitô hữu, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, trẻ em nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu,  người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài khuyến khích người trẻ noi gương thánh Phanxico di Paola sống khiêm tốn, vì khiêm tốn là sức mạnh chứ không phải là sự yếu đuối. Ngài nhắn nhủ các bệnh nhân đừng bao giờ quên xin Chúa trợ giúp trong lúc khổ đau, và ĐTC khích lệ các đôi tân hôn noi gương các thánh thi đua yêu thương nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nguồn: Đài Vatican

‎‎