Đức Thánh Cha tôn phong 2 chân phước tử đạo Colombia
Đó là Đức Cha Jesús Emilio Jaramillo Monsalve, bị sát hại cách đây 28 năm (1989) và cha Pedro María Ramírez Ramos, bị sát hại cách đây 69 năm (1948).
ĐTC đã từ Bogotà bay đến phi trường quân sự của thành Villavicencio cách đó 94 cây số về hướng đông nam và ở cao độ 460. Khí hậu ở đây rất ẩm thấp và nóng, nhất là đối với những người từ Bogotà ở cao độ 2640 mét đến đây.
Trong số các tín hữu hiện diện, cũng có nhiều tín hữu đến từ các vùng rộng lớn Llanos và các làng của 112 bộ lạc thổ dân, cũng như các nạn nhân bị bạo lực. Họ chào đón ngài với các điệu vũ và những bài ca. Đại diện một số thổ dân đó, trong các y phục truyền thống, đã được ĐTC chào thăm đặc biệt đầu thánh lễ trên lễ đài. Có thổ dân mình trần tặng cho ngài một chiếc lao của họ. Có người khác tặng cho ngài vòng đeo cổ của người thổ địa.
Lúc 9 giờ rưỡi sáng giờ địa phương, ĐTC bắt đầu thánh lễ mừng kính Sinh Nhật Đức Mẹ, đặc biệt là nghi thức tôn phong chân phước cho 2 vị tử đạo.
Đầu thánh lễ đã diễn ra nghi thức phong chân phước. Tiểu sử tóm tắt của hai vị chân phước được xướng lên.
Tiểu sử hai chân phước tử đạo
– Trước tiên là Đức GM Jaramillo Monsalve. Ngài sinh ngày 16 tháng 2 năm 1916 tại Santo Domingo Colombia, gia nhập Hội Truyền giáo hải ngoại Yarumal và thụ phong linh mục ngày 1 tháng 9 năm 1940 lúc mới được 24 tuổi. Cha lần lượt đảm nhận các chức vụ: giáo sư, linh hướng chủng viện, giáo tập, giám đốc chủng viện, phụ tá Bề trên Tổng quyền, Cha sở nhà thờ chính tòa Buenaventura, Bề trên Tổng quyền, đặc ủy toàn quốc Colombia về Tông đồ giáo dân.
Ngày 11-11 năm 1970, lúc 54 tuổi, Cha được ĐGH Phaolô 6 bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa ở Arauca và sau này ngài trở thành GM chính tòa tiên khởi tại đây khi hạt đại diện này được nâng lên hàng giáo phận.
Đức Cha Jaramillo Monsalve nổi bật về các hoạt động bênh vực các quyền của dân nghèo không có tiếng nói. Ngài xác tín rằng mọi người đều có quyền có tiếng nói. Đức Cha cũng là một mục tử quan tâm săn sóc các nhu cầu tinh thần của đoàn chiên và dấn thân chống lại những bất công xã hội. Đức Cha Jaramillo bị phiến quân tả phái Quân đội giải phóng quốc gia, gọi tắt là ELN, bắt cóc, tra tấn và sát hại ngày 3 tháng 10 năm 1989 cùng với linh mục José Munos Pareja. Lúc đó Đức Cha được 73 tuổi. Lực lượng du kích ELN do linh mục Manuel Pérez người Tây Ban Nha thành lập và theo chủ thuyết mác xít. Có một số LM cũng gia nhập tổ chức này.
– Vị tử đạo thứ hai được ĐTC phong chân phước tại Colombia là Cha Pedro Maria Ramírez Ramos (1899-1948), bị giết vì sự oán ghét đức tin, tại Armero, tỉnh Tolima.
Cha sinh tại thành phố Huila, Colombia ngày 23-10-1899 và gia nhập chủng viện Garzón năm lên 16 tuổi, nhưng rời chủng viện này năm 21 tuổi (1020) và được đón nhận vào chủng viện Ibagué 8 năm sau đó, rồi thụ phong linh mục năm 1931. Cha lần lượt làm cha sở ở Chaparral (1931), rồi Cunday (1934) và Fresno (1943). Năm 1948, cha chuyển về làm cha sở ở Armero-Tolima.
Ngày 9 tháng 4 năm 1948, Cha Pedro đến nhà thương địa phương để viếng thăm một bệnh nhân, thì có những tin tức từ thủ đô Bogotà truyền tới về vụ ứng viên tổng thống của đảng cấp tiến, Ông Padro Eliecer Gaitán, bị giết. Một làn sóng bạo lực kinh khủng bùng nổ trên toàn Colombia và chính cha Pedro cũng phải trả giá. Những người ủng hộ ông Gaitán và những người theo phe tổng thống Mariano Ospina Pérez (1946-1950) chống đối và xung đột nhau.
Tại Armero-Tolima, các nhóm gây rối tìm cách tấn công cha Pedro vì họ cho rằng cha thuộc những nhóm bảo thủ, nhưng cha chạy được vào nhà thờ của các nữ tu dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi Thánh Thể. Một vài gia đình muốn giúp cha chạy trốn ban đêm ra khỏi làng nhưng cha quyết liệt từ chối.
Chiều ngày 10-4-1948, một nhóm đông những người cấp tiến xúc phạm thánh đường và tu viện của các nữ tu, đám đông bắt đầu la ó, đòi phải giao nộp cho họ các võ khí giấu kín. Các nữ tu chạy trốn hết. Và khi họ kiểm soát không thấy võ khí nào, họ bắt giữ cha Pedro và điệu ra quảng trường trung ương. Đám đông hành hung, và một kẻ lấy dao rựa chém cha chết. Lúc đó cha được 68 tuổi. Thi hài cha Pedro bị để lại quảng trường vài tiếng đồng hồ và chỉ đến nửa đêm, xác cha mới bị kéo tới cổng nghĩa trang, rồi sau đó được chôn trong một huyệt mộ, không có áo chùng thâm, và ngoài ra họ cấm không được cử hành lễ nghi tôn giáo nào. Khi một số quan chức chính quyền từ thủ đô Bogotà đến, lúc đó đã là ngày 21-4-2017, người ta mới cho phép giảo nghiệm thi hài và an táng cha theo nghi thức Công Giáo. Gần một tháng sau, thân nhân mới có thể đưa quan tài cha về nghĩa trang La Plata, quê hương của cha, và từ đó mộ của cha Pedro trở thành nơi hành hương.
Ít lâu trước đó, cha đã viết chúc thư tinh thần, trong đó cha bày tỏ ước muốn đổ máu mình cho dân thành Armero.
Cha Pedro bị nhóm ủng hộ đảng cấp tiến coi là ”một người bảo thủ cuồng tín và nguy hiểm”. Thậm chí 37 năm sau, cha còn bị cáo buộc là đã gây ra vụ lở tuyết thê thảm ngày 13-11 năm 1985 làm cho 20 ngàn người chết, vì đã nguyền rủa đất nước trước khi chết.
ĐTC đã đọc công thức cho phép tôn kính hai vị Tôi Tớ Chúa: Đức Cha Jaramillo Monsalve và Cha Pedro Maria Ramírez Ramos như chân phước, theo các qui luật của Giáo Hội. Hai bức chân dung của hai chân phước mới được vén màn, trong khi thánh tích của hai vị được rước lên đặt cạnh bàn thờ.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã mạnh mẽ mời gọi toàn dân Colombia thực thi sự hòa giải và tha thứ.
Trước tiên, ngài nhắc đến lễ sinh nhật Đức Mẹ. Mẹ Maria là ánh quang đầu tiên loan báo đêm chấm dứt, nhất là ngày đang đến gần. Việc Mẹ sinh ra làm cho chúng ta trực giác sáng kiến yêu thương, dịu dàng, thương xót của tình yêu qua đó Thiên Chúa cúi mình trên chúng ta và mời gọi chúng ta đi vào một giao ước tuyệt vời với Chúa mà không điều gì và không ai có thể phá vỡ.
Đề cập đến bài Tin Mừng, với thánh Giuse toan tính âm thầm bỏ vị hôn thê Maria của mình khi khám phá Mẹ có thai, ĐTC nhận xét rằng: Tâm hồn cao thượng của thánh Giuse đã khiến cho thánh nhân đặt điều mà Người đã học được qua lề luật phải tùng phục đức bác ái; và ngày hôm nay, trên thế giới này, trong đó bạo lực tâm lý, lời nói và thể lý đối với phụ nữ thực là điều hiển nhiên, thánh Giuse xuất hiện như hình ảnh của người nam biết tôn trọng và tế nhị, tuy không có đủ mọi thông tin, nhưng vẫn quyết định bảo vệ thanh danh, phẩm giá và mạng sống của Mẹ Maria. Trong sự nghi ngờ của thánh Giuse không biết hành động cách nào cho tốt đẹp hơn, Chúa đã giúp đỡ Người chọn lựa phán đoán của Chúa bằng cách soi sáng cho thánh nhân.
Từ những điều trên đây, ĐTC áp dụng vào hoàn cảnh của Colombia, một quốc gia đang cần sự hòa giải hơn bao giờ hết, một dân tộc đầy những chuyện yêu thương và ánh sáng, nhưng cũng có những đụng độ, xúc phạm, và cả chết chóc, nhưng ánh sáng của Tin Mừng có thể làm đầy những lịch sử tội lỗi, bạo lực và xung đột của chúng ta. ĐTC nói:
”Hòa giải không phải là một lời trừu tượng; nếu không thì nó không mang lại thành quả nào, và chỉ gây ra sự xa cách. Hòa giải là mở ra một cánh cửa cho tất cả và từng người đã sống thảm trạng xung đột. Bao nhiêu nạn nhân đã thắng được cám dỗ dễ hiểu là muốn báo thù, bằng cách trở thành những người nắm giữ vai chính, đáng tin cậy hơn, trong tiến trình xây dựng hòa bình. Cần có những người can đảm đi bước đầu trong chiều hướng ấy, không đợi người khác làm trước. Chỉ cần một người tốt để có hy vọng! Mỗi người trong chúng ta có thể là người ấy! Điều này không có nghĩa là không nhìn nhận hoặc che đậy những khác biệt và xung đột. Đó không phải là hợp thức hóa những bất công cá nhân hoặc cơ cấu. Việc nại đến hòa giải không thể dùng để thích ứng với những hoàn cảnh bất công. Đúng hơn, như thánh Gioan Phaolô 2 đã dạy, ”đó là một cuộc gặp gỡ giữa những ngừơi anh em sẵn sàng vượt thắng cám dỗ ích kỷ và từ bỏ những toan tính tự thi hành công lý; đó là thành quả của những tâm tình mạnh mẽ, cao thượng và quảng đại, dẫn tới việc thiết lập một sự sống chung dựa trên sự tôn trọng mỗi ngời và những giá trị riêng của mỗi xã hội dân sự”…
ĐTC nêu bật tấm gương của hai vị chân phước mới, Đức Cha Jaramillo Monsalva và Cha Pedro María Ramírez Ramos tử đạo là dấu chỉ một dân tộc muốn ra khỏi vũng lầy bạo lực và oán hận.
Và ngài kết luận rằng: Mỗi người trong chúng ta có nghĩa vụ nói ”đồng ý” với sự hòa giải.. Mỗi người trong chúng ta có nghĩa vụ nói “xin vâng” như Mẹ Maria và cùng Mẹ chúc tụng những kỳ công của Chúa, vì như Chúa đã hứa với các tổ tiên chúng ta, Chúa giúp tất cả và mỗi dân tộc, Chúa giúp Colombia ngày nay đang muốn hòa giải và mãi mãi giúp dòng dõi của Ngài.
Cuối thánh lễ, ĐTC còn chào thăm một nhóm những người sống sót sau trận lụt thảm hại hồi tháng 4 năm nay ở Mocoa, miền tây Colombia mà ngài đã đóng góp để cứu trợ các nạn nhân.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican