Xuân Hòa, ngôi nhà thờ đặc biệt vùng Kinh Bắc

XUÂN HOÀ, NGÔI NHÀ THỜ ĐẶC BIỆT VÙNG KINH BẮC

                                                                                                           Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê có rất nhiều những ngôi nhà thờ gỗ. Vì thế, kiến trúc nhà thờ gỗ vùng duyên hải Bắc Bộ không quá xa lạ với chúng tôi. Duyên may khiến chúng tôi có dịp đến với xứ đạo Xuân Hoà, thuộc giáo phận Bắc Ninh, và ngôi nhà cổ kính này của vùng Kinh Bắc[1] đã khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa trầm mặc, vừa duyên dáng, lại mang rất nhiều sắc thái riêng biệt. Chúng tôi xin được dùng bài viết này để mời độc giả cùng nhàn lãm một vài nét độc đáo của ngôi nhà thờ này.

Nhà Thờ Xuân Hòa (pdf)

Phong cách kiến trúc đặc sắc

Nếu như nhà thờ chính toà Phát Diệm có thể được xem như là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc gỗ vùng đồng bằng Bắc Bộ với nét cao vút trong kiến trúc gôtích, thì nhà thờ Xuân Hoà lại vừa mang dáng dấp đường bệ của những chùa chiền miền Kinh Bắc, vừa mang những nét uy nghi của kiến trúc Barốc Tây Ban Nha.

Cũng cần phải nói thêm rằng so với kiến trúc barốc của nhà thờ chính toà Bùi Chu, đường nét chạm trổ, trang trí của nhà thờ Xuân Hoà xem ra vừa trang trọng, lại vừa ấm cúng hơn. Bên cạnh đó, lòng nhà thờ trải rộng, cùng với hai cánh thánh giá – một nét rất riêng biệt đối với một ngôi nhà thờ gỗ – khiến không gian phụng tự của nhà thờ Xuân Hoà mang nét thoáng đãng và quí phái.

Xét về mặt kiến trúc và thẩm mĩ, cánh thánh giá vừa góp phần tạo không gian rộng, vừa tạo điểm nhấn cần thiết cho cấu trúc tổng thể. Số liệu cho biết nhà thờ Xuân Hoà chỉ cao 10m, trong khi chiều dài tới hơn 45m. Cánh thánh giá khiến cho người ta khi đứng trước ngôi nhà thờ này, không có cảm giác về sự mất cân đối giữa chiều dài và chiều cao.

Ngoài ra, mặt tiền nhà thờ, với những ô cửa giả và những đường cột, cùng với cây tháp lệch cũng có thể được coi là nét kiến trúc đặc trưng barốc, vốn nhấn mạnh tới những biến chuyển bất ngờ trong kiến trúc.

Có thể nói những điểm nhấn khác nhau về kiến trúc và thẩm mĩ đã khiến cho ngôi nhà thờ Xuân Hoà vừa mang nét sang trọng quí phái, lại vừa đầm ấm gần gũi.

Giữa một vùng quê mang đậm nét văn hóa Việt

Nhà thờ Xuân Hoà, thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh, nằm giữa một trong những nôi văn hoá quan trọng của người Việt. Chùa Dâu, thuộc huyện Thuận Thành, vốn là một trong những trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của vùng Đông Á. Ngôi chùa cổ kính này nằm trong vùng Dâu, tức là Luy Lâu thời xa xưa.

Gần hơn, thiết tưởng không thể không nhắc tới những truyền thống dân gian đặc sắc như làng tranh Đông Hồ, những làn điệu dân ca quan họ, những hội hè đình đám, và còn biết bao nhiêu nét đẹp văn hoá của những làng quê vùng Kinh Bắc. Giữa một vùng rất đa dạng về văn hoá ấy, xứ đạo Xuân Hoà, với truyền thống sống đạo từ nhiều đời nay, tạo nên một nét đẹp rất riêng biệt, một bông hoa giầu hương sắc trong vườn hoa muôn mầu muôn vẻ Xứ Bắc.

Nhìn một cách khái quát, nhà thờ Xuân Hoà dường như mang nhiều nét ảnh hưởng của kiến trúc vùng Kinh Bắc, nơi nổi tiếng với vẻ đẹp của những ngôi chùa[2], đồng thời lại kết hợp được nét kiến trúc barốc Tây Ban Nha mà đức tin Kitô giáo mang tới. Trong cái nhìn như thế, có thể nói rằng nhà thờ Xuân Hoà đã đem một nét mới mẻ vào truyền thống ngàn đời của Xứ Bắc, nhưng lại không hề tạo ra cảm giác lai căng hay xa lạ. Nét đẹp riêng của ngôi nhà thờ này là làm phong phú và thăng hoa những truyền thống lâu đời của vùng bản địa.

Với những chứng tích đặc biệt của thời kì cấm đạo

Tới đây, chúng tôi mới chỉ giới thiệu sơ sài những nét đẹp riêng về kiến trúc và văn hoá của nhà thờ Xuân Hoà. Đã tới lúc cần đề cập tới điều cốt yếu đã làm nên vẻ đẹp đặc sắc này: ĐỨC TIN.

Có thể nói Xứ Bắc đã đón nhận Tin Mừng ngay khi những thừa sai Dòng Tên đầu tiên tới Đàng Ngoài. Bản phúc trình của linh mục Cabral gửi tới Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên vào ngày 12-10-1647 cho biết: “ở các tỉnh thuộc Xứ Bắc và Xứ Đông, có 37 nhà thờ[3]. Linh mục Dòng Tên Tissanier đến Đàng Ngoài vào năm 1658 cũng cho biết thêm: “Tôi gặp thấy ở nơi này gần ba trăm ngàn Kitô hữu có lối sống được trang điểm bằng những nhân đức Kitô giáo đẹp đẽ nhất”[4]. Những tài liệu của các thừa sai viết vào thế kỉ 17 nói nhiều tới sự tiến triển vượt bậc về nhiều phương diện của các Kitô hữu Đàng Ngoài. Tuy nhiên, trong những tài liệu đó, chúng tôi chưa tìm được tài liệu nào đề cập tới Kẻ Roi, tức là giáo xứ Xuân Hoà hiện nay[5].

Sự lớn mạnh của Hội Thánh tại Đàng Ngoài gắn liền với những cuộc bách hại đạo. Dấu ấn của thời gian này còn khá đậm nét tại giáo xứ Xuân Hoà, vì giáo xứ vẫn còn lưu giữ được một số dụng cụ tra tấn thời đó. Đặc biệt hơn, tương truyền cây thánh giá trên bàn thờ chính hiện nay là cây thánh giá vua quan đưa về để buộc các giáo hữu phải bước qua. Nếu kí ức bình dân là đúng, thì đây hẳn là một trong những cây thánh giá giống những cây thánh giá đã được tác giả Adrien Launay nói tới: “Vào đầu năm 1838, vua Minh Mạng gửi đi 40 cây thập giá mà chính nhà vua đã cho làm. Nhà vua gửi những thánh giá này tới cho tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh. Nhà vua gửi kèm mệnh lệnh đặt các cây thập giá ở các cổng thành nhằm buộc các Kitô hữu dẫm lên trên”[6].

Cũng phải nhắc thêm rằng tại nhà thờ Xuân Hoà còn có một nơi dành riêng để kính nhớ 100 vị đầu mục[7] Xứ Bắc đã nhất quyết không chịu bước qua thập giá. Họ đã phải trả giá bằng mạng sống mình: tất cả bị chôn sống ở cổng bên tả thành Bắc Ninh vào ngày 4-4-1862. Hiện giáo xứ Xuân Hoà vẫn còn lưu giữ di cốt của 27 vị tử đạo, trong số này 26 vị là những tín hữu thuộc giáo xứ Xuân Hoà[8].

Chúng tôi vừa cùng độc giả đi thăm một ngôi nhà thờ đặc biệt của vùng Kinh Bắc. Nét duyên dáng trầm mặc của ngôi nhà thờ Xuân Hoà hẳn cũng làm độc giả thích thú. Nhưng điều gây thích thú nhiều hơn có lẽ là những nét đẹp kín đáo về văn hoá và đức tin tại một nơi vốn vừa là một trung tâm văn hoá cổ, lại cũng là một trong những mảnh đất mà hạt giống Tin Mừng đã bén rễ và nẩy nở từ khá sớm. Mong sao các vị hữu trách và các tín hữu tại vùng đất này luôn biết trân trọng quá khứ và xây đắp tương lai để Xuân Hoà mãi đẹp hơn.

[1] Các tài liệu cổ thường dùng các tên gọi khác nhau để chỉ vùng Bắc Ninh ngày nay: Trấn Kinh Bắc, Trấn Bắc, Kinh Bắc, Xứ Bắc, Kẻ Bắc, Châu Bắc.

[2] Ca dao xưa từng so sánh nét kiến trúc riêng của các vùng bằng câu: Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài.

[3] Trương Bá Cần, Lịc sử phát triển Công giáo ở Việt Nam. Tập I (Hà Nội 2008), trang 153.

[4] Charles Duniol (éd.), Mission de la Cochinchine et du Tonkin (Paris 1858) trang 143.

[5] Tài liệu của giáo phận Bắc Ninh cho biết rằng Kẻ Roi, Kẻ Mốt và Kẻ Nê là những cộng đoàn Kitô hữu đã được ghi nhận khi giáo phận Đại Diện Tông Toà Đàng Ngoài được thành lập.

[6] Adrien Launay, Mgr Retord et le Tonkin catholique (Lyon 1893) trang 147. Ở đây, tác giả Launay nói đến những cây thánh giá được gửi tới Nam Định, nơi có trụ sở Vĩnh Trị của giáo phận Tây Đàng Ngoài, tức là có liên quan trực tiếp tới Đức cha Retord Liêu.

[7] Các chức sắc thuộc ban hành giáo.

[8] X. Trang điện tử http://www.giaoxugiaohovietnam.com/BacNinh/01-Giao-Phan-BacNinh-XuanHoa.htm, truy cập ngày 21-12-2015.