Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

Đức cha Phạm Đình Tụng sinh năm 1919 tại Ninh Bình, được tấn phong giám mục tại Hà Nội năm 1963, về Bắc Ninh nhận giáo phận lễ Mân Côi năm ấy. Năm 1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam: từ nay các giám mục không chỉ là Đại Diện Tông Tòa như trước, nhưng là giám mục chính tòa. Đức cha Tụng là giám mục chính toà tiên khởi của giáo phận Bắc Ninh. Dáng người nhỏ bé, tính tình hiền từ, ngài thân thiết với mọi người, nhưng ngại  những tranh chấp và đối đầu. Không được thăm các giáo xứ, ngài làm gì trong hoàn cảnh giáo phận rộng lớn, ruộng đất của giáo phận cũng như của các xứ họ đã bị tịch thu , lại chỉ còn mấy linh mục?

 

Trước hết, ngài cầu nguyện. Phải nói đây là việc chính của ngài. Hằng ngày ngài đọc kinh với giáo dân ở nhà thờ Chính Tòa. Ngài thường đọc kinh phụng vụ, dâng lễ và chầu Mình Thánh một mình trong phòng nguyện ngỏ chưa đầy 8 m2 cạnh phòng ngài. Cùng với cánh tay đắc lực là cha Quảng, ngài làm tất cả những gì làm được cho giáo phận. Chủng viện bị đóng cửa mà các linh mục lớn tuổi chết dần: đây là giai đoạn giáo phận Bắc Ninh nổi tiếng thế giới vì có “một linh mục rưỡi”: chỉ một linh mục được chính thức hoạt động công khai, và mấy linh mục khác làm việc trong âm thầm, nên chỉ được hoạt động hạn chế. Ngài đào tạo chủng sinh bằng phương pháp hàm thụ: gửi bài cho chủng sinh học ở nhà, thỉnh thoảng thầy trò mới gặp nhau trực tiếp. Thiếu linh mục, ngài củng cố các ban hành giáo tại các xứ họ. Đây là những giáo dân nhiệt thành và kiên vững, không ngại gian khổ và hy sinh. Chính họ là trung gian giữa Tòa Giám Mục và các xứ họ. Để giúp các xứ họ cũng như Tòa Giám Mục, ngài quy tụ các thiếu nữ tự nguyện sống độc thân để phục vụ giáo phận. Các cô làm bất cứ việc gì làm được, từ quét dọn nhà thờ đến việc dạy giáo lý, từ việc tập hát đến việc đọc kinh chung hàng ngày với dân họ. Đây là tiền thân của Tu Hội Hiệp Nhất hiện nay.

Ngài sửa đổi một số kinh giáo dân thường đọc cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Ngài cũng sáng tác bản tóm lược cuộc đời Chúa Giêsu và một số kinh khác bằng văn vần để giáo dân dễ thuộc. Ngài có lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên đặt lời cho bản dâng hoa Trái Tim theo là điệu của các bài dân ca. Vì thiếu linh mục, giáo dân từ nhiều nơi về Toà Giám Mục học giáo lý, dự lễ và lãnh nhận các bí tích từ Thánh Tẩy đến Giao Hoà, từ Hôn Phối đến Xức Dầu Bệnh Nhân. Toà Giám Mục và nhà thờ Chính Toà trở thành gần như giáo xứ của toàn thể giáo phận. Tại Toà Giám Mục, ngài tổ chức nếp sống gần như ở Nhà Đức Chúa Trời thời các cha Dòng Tên: mọi người ăn chung, đọc kinh dự lễ chung, công việc được phân chia theo khả năng.

Ngay năm 1964, ngài âm thầm phong chức linh mục lần đầu tiên ở Bắc Ninh. Từ năm 1972 đến năm 1973, đức cha cùng với toàn thể nhân sự Toà Giám Mục phải sơ tán đến Xuân Hoà để tránh bom đạn chiến tranh. Năm 1974 đánh dấu một số sự việc quan trọng đối với tương lai giáo phận. Vì đức cha ngã bệnh nặng, trong âm thầm ngài đã phong chức linh mục cho 12 thầy đã học hàm thụ, kể cả 2 thầy thuộc giáo phận khác. Năm 1975, ngài tấn phong giám mục cho cha Đaminh Đinh Huy Quảng. Các linh mục được hợp thức hoá dần dần. Riêng đức cha Quảng từ năm 1975 bị chính quyền buộc về cư trú tại giáo xứ Đại Lãm, tỉnh Bắc Giang và qua đời tại đó năm 1992, mãi đến năm 2007 mới được giáo phận công bố là giám mục. Cũng trong năm 1974, lần đầu tiên kể từ năm 1954, chính quyền đồng ý để ngài phong chức cho 2 tân linh mục: cha Giuse Nguyễn Tiến Giản coi vùng Bắc Giang, cha Giuse Trần Đăng Can ở Toà Giám Mục. Năm 1980, ngài được chính quyền đồng ý phong chức linh mục cho người mà sau này sẽ là đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.

Có thể nói tình trạng căng thẳng giữa các xứ họ với chính quyền là việc khá phổ biến. Nhiều nơi sinh hoạt đạo bị hạn chế. Một số linh mục và chủng sinh hay thầy giảng bị bắt giam, có khi đến 15 năm. Một số giáo dân bị đe doạ, bị thẩm vấn, thậm chí có người bị bắt giam mấy năm. Năm 1984 xảy ra liên tục mấy sự kiện khá nghiêm trọng như việc khám xét và tịch thu sách tại Toà Giám Mục, việc quấy nhiễu ở xứ Lai Tê và họ Tiên Lục, cho thấy tình hình căng thẳng gia tăng. Năm 1979 do chiến tranh biên giới với Trung Hoa, đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Dụ phải sơ tán đến Bắc Ninh.

Ngài được Toà Thánh bổ nhiệm làm giám mục chính toà tiên khởi của Lạng Sơn từ năm 1961, nhưng chính quyền không cho ngài ra khỏi Thất Khê, và cũng không cho giám mục nào đến đó, nên không tổ chức lễ tấn phong được. Trong phòng nguyện nhỏ bé của Toà Giám Mục Bắc Ninh ngài đã được đức cha Tụng tấn phong âm thầm năm 1979. Năm 1980, lần đầu tiên đức cha Tụng được ra khỏi Toà Giám Mục để đi dâng lễ cho nghĩa phụ tại giáo xứ Đại Từ. Tuy nhiên năm 1986, chính quyền đưa ra đường lối đổi mới: tự do được mở rộng đôi chút, kể cả hoạt động tôn giáo. Đức cha được phép đi kinh lý một số giáo xứ. Ngài cho xây dựng Toà Giám Mục mới to lớn hơn, lấy Toà Giám Mục cũ làm nhà xứ Chính Toà. Năm 1989, đức cha lại bệnh nặng nên quyết định đặt giám mục phó cho giáo phận: ngài tấn phong đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, lần này được chính quyền chấp thuận nên lễ tấn phong được tổ chức công khai. Ngài cũng cho xây dựng Đền Thánh Tâm ở thành phố Bắc Giang và một số nhà thờ khác.

Năm 1992, ngài được bổ nhiệm làm giám quản Tổng Giáo Phận Hà Nội. Ngài giao quyền cho đức cha phó coi sóc giáo phận Bắc Ninh. Năm 1994, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội, đức cha Tuyến chính thức trở thành giám mục chính toà thứ hai của giáo phận Bắc Ninh.

Ngày 26/11/1994, chỉ hơn 3 tháng từ khi nhận Tổng giáo phận, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã phong tước Hồng Y cho Đức cha Phaolô Giuse. Niềm vui tràn ngập trong toàn Tổng giáo phận và Giáo Hội Việt Nam.

 

Năm 1995, Đức Hồng Y được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Đại hội Giám mục lần VI tại Hà Nội.

Năm 1996, Đức Hồng Y dẫn đầu phái đoàn các Giám mục Việt Nam trong chuyến đi Ad Limina.

Năm 1998, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Hồng Y làm Giám quản Tông tòa giáo phận Lạng Sơn.

Ngày 26/4/2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chính thức chấp nhận đơn xin của Đức Hồng Y, lúc Ngài bước vào tuổi 84.

Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã trải qua những giờ phút cuối đời tại Nhà Chung của Tổng Giáo phận và đã được Chúa gọi về vào lúc 10 giờ 10 phút ngày 22/02/2009.

Vp. Tòa giám mục Bắc Ninh