Bộ phim “Hai Giáo Hoàng” không diễn tả chính xác về Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô

WGPSG – Một sản phẩm mới của Netflix –  phim “Hai Giáo Hoàng” – đã được trình chiếu trên Netflix, bắt đầu từ ngày 20-12-2019.

Bộ phim tập trung vào một vài cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng y Jorge Bergoglio trong giai đoạn nằm giữa hai mật nghị: mật nghị năm 2005 bầu Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và mật nghị năm 2013 bầu Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI do diễn viên Anthony Hopkins thủ vai, và Đức Hồng y Bergoglio – vị Giáo hoàng tương lai – do tài tử Jonathan Pryce thủ vai.

Trong khi các nhà làm phim nói rằng bộ phim là một tác phẩm hư cấu, thì đạo diễn của bộ phim cũng nói với CNA (Catholic News Agency) rằng: nó thể hiện sự hiểu biết của ông về các giá trị của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng các nhà phê bình nhấn mạnh: Bộ phim không diễn tả chính xác về Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nó chỉ phản ánh một cái nhìn rất chủ quan về hai vị ấy.

Thầy phó tế Steven Greydanus – một nhà phê bình phim và cũng là vị sáng lập trang webfilms.com – nói với CAN: “Khi giản lược Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI như một nhân vật phản động cứng nhắc và Đức Giáo hoàng Phanxicô tương lai như một nhà cách mạng cải tổ, thì có nghĩa là đã giảm thiểu sự thực về nhân vật, để chỉ phục vụ cho nhu cầu cần phải tạo ra những xung đột kịch tính và thỏa mãn sở thích muốn kể về những cải cách cấp tiến sẽ vượt thắng chủ nghĩa truyền thống hẹp hòi.”

Thầy Greydanus nói: “Luận đề của phim ‘Hai Giáo Hoàng’, đó là Đức Bênêđictô XVI đại diện cho tất cả những gì sai trái với Giáo hội thời quá khứ, trong khi Đức Phanxicô là tất cả những gì chúng ta cần cho Giáo hội ngày mai. Đức Bênêđictô là vị giáo hoàng đầy tham vọng và vô vọng, bị Thiên Chúa từ khước, trong khi Đức Phanxicô là vị mục tử vô tư, được Chúa chọn để dẫn dắt chúng ta đi đến tương lai.”

Thầy Greydanus lưu ý: “Đối xử với Đức Bênêđictô và Đức Phanxicô như là biểu tượng của các phe đối kháng, thì không chỉ bất công cho cả hai vị Giáo hoàng, mà còn duy trì một mô hình phân cực, giản lược vào sự xung đột trong Giáo hội, và cuối cùng là sự xung đột của chính bản thân Giáo hội.”

Thầy Greydanus nói thêm: “Kịch tính hấp dẫn của một bộ phim phụ thuộc vào sự xung đột, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi bộ phim trình bày sự khác biệt giữa Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng khi cố tình tạo ra những khác biệt quá mức, bộ phim đã đánh mất đi sự thật.”

Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ ‘Hỗ Trợ Phát triển Con Người Toàn Diện’, đã xem bộ phim trong buổi trình chiếu ngày 11-12-2019.

Khi được hỏi về nó vào ngày 12-12-2019 tại một cuộc họp báo không liên quan đến bộ phim, ngài chỉ nói: “Bộ phim này chỉ là một cách ‘giải thích’ mà thôi”.

ĐHY Turkson cũng nói thêm một chút rằng, trong khi tài tử Pryce nhìn khá giống với Đức Hồng y Bergoglio, thì diễn viên Hopkins lại không giống với Đức Bênêđictô. Người đóng vai Đức Bênêđictô hơi quá mạnh mẽ, trong khi Đức Bênêđictô là người yếu đuối hơn, nói năng nhẹ nhàng hơn.

Vi Hữu (theo CNA)
Nguồn:Tổng Giáo Phận Sài Gòn