Xa thương gần thường
Ta thường coi thường những gì gần gũi và chỉ luyến tiếc xót xa khi nó mất đi. Hay nói cách khác, khi ta đã mất đi cái gần gũi đến độ “có như không”, ta mới cảm nhận được giá trị sự tồn tại của nó.
Mình đã từng hối hận với người thân đã khuất. Lúc họ còn sống bên cạnh, mình dùng những lời chua cay gắt gỏng, chế giễu gièm pha. Cho tới ngày họ về với Chúa, và dù mình có muốn cũng không cách nào chuộc lại.
Mình có kinh nghiệm về chiếc đồng hồ và chuỗi mân côi đeo hằng ngày, quen đến độ mình chẳng còn cảm nhận được sự hiện diện của nó, cho đến ngày mình chợt nhận thấy tay mình thiếu thiếu. Mình hối hả tìm cho kì được vì đó là quà tặng của người tôi yêu mến.
Mình có kinh nghiệm về sự thờ ơ lạnh nhạt của bản thân đối với chị em cùng tu trong một dòng, ở chung một cộng đoàn. Mình khó chịu về tính khí của chị em và mình chẳng tiếc lời nói xấu. Mình quen họ đến cỡ độ chẳng quan tâm gì đến sự hiện hữu của họ.
Mình có thể yêu quý những người ở thật xa, nhắn tin, điện thoại thăm hỏi, mong mỏi gặp mặt nhưng lại không sống những điều đó cho những chị em cùng ăn, cùng ở với mình. Mình hâm mộ một ca sĩ dù chẳng biết tung tích của họ nhưng chẳng bao giờ mở lời khen sơ chị sơ em, nhiều người múa giỏi hát hay.
“Xa thương gần thường” nó là quy luật tình cảm thật. Nhưng với mình, nó như căn bệnh trầm kha ăn sâu vào não trạng con người. Còn gì hơn nếu: “xa thương gần thương hơn”
Con người vốn bất toàn, người tu sĩ vốn chẳng “toàn năng”. Trong con người rất “người” ấy, mình và bạn, mỗi người cần nhìn nhận bản thân vốn đầy rẫy những giới hạn để mỗi ngày: “ngọt ngào tốt đẹp lắm thay/ chúng ta được sống vui vầy bên nhau”.
BTT Dòng Đaminh Bắc Ninh