Suy niệm mầu nhiệm Mân Côi tháng 7 năm 2020
SUY NIỆM
MẦU NHIỆM MÂN CÔI
07/2020
********************
Hoa Mân Côi tháng 07.2020 (pdf)
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu, ta hãy xin cho được ăn năn tội nên .
Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập sám hối tội lỗi.
I – LỜI CHÚA : Xin đọc Tin Mừng Lc 22,39-46
- GỢI Ý SUY NIỆM:
Trong các mầu nhiệm Mân Côi, có lẽ mầu nhiệm 5 sự thương, đánh động tâm hồn chúng ta hơn cả. Vì qua các mầu nhiệm này, chúng ta nhận thấy, tội lỗi của chúng ta chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Chúa trên thập giá. Vì tội lỗi của chúng ta, Ngài đã can đảm hy sinh để nhận tội thay cho chúng ta. Vì chịu tội thay cho chúng ta, mà từ một Đấng là nguồn mạch sự thánh thiện, Ngài đã trở thành phạm nhân trọng tội chỉ vì yêu thương chúng ta. Đúng như người ta nói: “con dại, cái mang”.
Các nỗi thống khổ Chúa phải chịu diễn ra ngay trong vườn Cây Dầu, được tóm tắt lại trong mầu nhiệm thứ nhất mùa thương. Trong vườn Cây Dầu, dưới sức nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại, đã làm cho Chúa phải buồn sầu đau khổ đến độ đổ mồ hôi máu mình ra vì tội lỗi chúng ta.
Nỗi đau khổ diễn ra nơi một người bình thường thì không thể có mồ hôi lẫn máu chảy ra. Bởi vì, nỗi đau ấy chưa đạt tới độ cùng cực. Nhưng các nhà khoa học đã giải thích rằng; khi người ta gặp đau khổ quá sức chịu đựng, các vi mạch máu trong cơ thể có thể bị vỡ ra và gây nên tình trạng xuất huyết qua da.
Với kết luận của các nhà khoa học, ta nhận thấy nỗi đau khổ dưới sức nặng tội lỗi của loài người đã làm cho Chúa đau khổ đến độ đổ mồ hôi lẫn máu trong vườn Cây Dầu.
Đứng trước nỗi đau khổ ấy và nhìn thấy cái chết diễn ra ngay trước mắt, Chúa đã muốn Chúa Cha cất chén đắng ấy cho Ngài, nhưng Ngài vẫn cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”. Giả như chúng ta, lúc đó có lẽ chúng ta sẽ cầu xin ngược lại; xin đừng theo ý cha mà theo ý con.
Tuy đau khổ đến tột độ, nhưng Chúa vẫn đặt thánh ý Chúa Cha lên trên tất cả, chứ không xin Chúa Cha chiều theo ý riêng của Ngài. Giả như Ngài xin theo ý riêng như chúng ta và giả sử như Chúa Cha nhận lời và làm theo ý riêng của Ngài thì ơn cứu độ liệu có xảy ra cho nhân loại không ? Nếu không có giá máu cứu độ của Chúa, chắc chắn tội lỗi nhân loại vẫn còn đó, chưa được xóa bỏ.
Trong khi Chúa chịu đau khổ, tâm hồn Ngài buồn sầu đến chết được, tưởng các đồ đệ của mình chia sẻ, cảm thông, ủi an, nâng đỡ, nhưng sự thật đáng buồn thay, ngay trong lúc này các ông vẫn chìm say trong giấc ngủ, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Khi hiện ra tại Fatima, Mẹ Maria đã cùng lần chuỗi Mân Côi với ba trẻ em là Lu-ci-a, Ja-cin-ta, Phan-xi-cô. Chắc chắn Mẹ cũng rất đau khổ khi nhớ lại cảnh tượng Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong đau khổ tại vườn Cây Dầu, dưới sức nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại. Chúa cầu nguyện tha thiết, thân mình đầy mồ hôi lẫn huyết tuôn ra, thế mà các môn đệ vẫn vô tâm chìm say trong giấc ngủ. Sự vô tâm, vô cảm đó càng làm cho gia tăng sự đau khổ của Chúa.
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa và sự vô tâm của các tông đồ, chúng ta có thể đối chiếu cuộc đời của mỗi người chúng ta với các tông đồ khi ấy để thấy rõ con người thật trong mỗi người chúng ta. Biết bao lần chúng ta đến cầu nguyện với Chúa hay khi tham dự Thánh lễ, chúng ta cũng ngủ gà ngủ gật không khác gì các tông đồ trong vườn Cây Dầu xưa kia. Tiếng Chúa răn dạy qua vị chủ tế, chúng ta chẳng thèm nghe.
Thánh lễ là vô giá, là hiện tại hóa hy tế của Chúa Giêsu trên bàn thờ thập giá xưa kia. Thế nhưng, chúng ta lại thờ ơ nguội lạnh, coi đó như là một việc lặp đi lặp cách nhàm chán.
Có những lúc tham dự Thánh lễ không ngủ gật thì lại quay sang nói chuyện với người bên cạnh hoặc tham dự cách thụ động, bó buộc. Có khi bớt xén Thánh lễ bằng cách đi muộn về sớm. Tất cả những thái độ ấy, không khác gì sự vô tâm, vô cảm của các tông đồ trong vườn Cây Dầu khi xưa.
Trong đời sống thường ngày, nhiều khi nhìn thấy trước mắt những đau khổ của người anh chị em khác mà chúng ta ta đã vô tâm, vô cảm, ngoảnh mặt làm ngơ và coi đó như không có chuyện gì xảy ra và cũng chẳng liên quan gì đến mình.
Chính vì vậy mà mầu nhiệm Mân Côi này nhắc nhở chúng ta phải ăn năn sám hối. Bởi vì chính tội lỗi của chúng ta là chính nguyên nhân dẫn đến cái chết đau thương của Chúa.
Hơn nữa, ta phải ăn năn sám hối vì Nguyên tổ loài người đã sa ngã phạm tội ngay sau khi được Thiên Chúa sáng tạo và hậu quả ấy đã làm cho con cháu phải chuốc lấy ngay từ khi còn trong bào thai. Đúng như thánh vịnh sám hối đã nói: “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”.
Điều đó cho thấy rằng; Chẳng ai trong chúng ta sinh ra trên đời này mà vô tội. Bởi vì, người đời còn nói: “nhân vô thập toàn, không ai là người hoàn hảo”. Do đó, ăn năn sám hối là việc làm hết sức cần thiết để nhận ra những khuyết điểm của mình mà mau mắn chỉnh sửa lại lối sống của mình, để nối lại tình tương giao với Chúa và với nhau.
Ước mong sao mỗi người chúng ta đừng bao giờ bỏ qua việc sám hối mỗi ngày, để xin Chúa giúp ta sửa chữa lại những sai lỗi của chúng ta, giúp ta được thăng tiến về đời sống thiêng liêng và thăng tiến trên đường nhân đức. Amen.
III. CÂU HỎI GỢI Ý
1- Có bao giờ tôi tuyên bố rằng: Mình chẳng có tội gì không ?
2- Có khi nào tôi trót sa ngã phạm tội với Chúa, với tha nhân mà tôi cố tình không ăn năn sám hối không ?
3- Sám hối sẽ làm thay đổi con người, từ xấu nên tốt. Vậy, tôi có quyết tâm sám hối cải đổi đời sống của tôi để nên tốt không ?
* Thực hành: Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, chị em hãy nhớ xét mình, để nhìn lại những sai lỗi trong ngày, để sám hối và quyết tâm cải đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi trong tháng.
- Anna Nguyễn Thị Ngoạn, gx Hữu Bằng, giáo hạt Vĩnh Phúc
- Maria Nguyễn Thị Loan, gx Hữu Bằng, giáo hạt Vĩnh Phúc
- Anna Nguyễn Thị Thấy, gx Vinh Tiến, giáo hạt Vĩnh Phúc
Thông báo: Sau cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm (ngày 10/6) của đại diện các giáo hạt và BPV giáo phận đã thống nhất như sau: Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2020, các giáo hạt sẽ luôn phiên về dâng hoa kính Đức Mẹ tại TTTM Từ Phong như sau:
- Tháng 8 : Giáo hạt Nội Bài + Vĩnh Phúc
- Tháng 9: Giáo hạt Thái Nguyên + Bắc Giang
- Tháng 10: Giáo hạt Bắc Ninh + Tuyên Quang
Linh mục đặc trách
Phêrô Mai Viết Thắng