Được rửa tội và được sai đi – anh chị em giáo dân cất bước lên đường.
Người giáo dân trước kia chỉ biết có kinh bổn, thế nhưng hôm nay đã có thể đối diện thẳng với lời Chúa. Nhờ các chương trình lời Chúa và cầu nguyện, có thể gặp gỡ Chúa Giêsu trong Tin Mừng qua những đoạn thánh kinh của phụng vụ hằng ngày. Khi tham gia chương trình cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng, thì được hướng dẫn để sáng thức dậy biết cùng với Chúa Giêsu cất lên lời nguyện cầu Thiên Chúa Cha, tương tự cùng với Chúa Giêsu trong ngày cũng như buổi tối, kết thúc một ngày sống trong Giêsu và bên gối mẹ Maria.
Cuộc sống của người tín hữu nếu cứ đều đặn như thế, cộng với việc siêng năng tham dự thánh lễ, thì có khác nào Hội thánh sơ khai trong tiến trình lớn lên làm con Thiên Chúa: cũng chuyên cần lắng nghe lời Chúa, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Đến khi phải rời Giêrusalem vì cơn bách hại tàn khốc ngay sau cái chết của ông Têphanô, trong khi các tông đồ trụ lại Giêruasalem, thì “những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa (Cv 8,4), họ còn đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành Antiôkia…có mấy nguời gốc Syp và Kyrênê còn giảng cho cả người Hy Lạp nữa, loan Tin Mừng về Đức Giêsu cho họ. (Cv 11,19-20). “vì có bàn tay Chúa ở với họ, số đông đã tin và trở lại cùng Chúa” (Cv 11,21).
Bàn tay Chúa cũng ở với người tín hữu hôm nay, để trên mọi nẻo đường cuộc sống, lời Thiên Chúa tiếp tục lan tràn. Theo lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng là ra đi, đến các vùng ngoại biên, gặp gỡ bất cứ ai cũng mời vào dự tiệc nước Trời, đây là cách thế loan báo Tin Mừng dễ dàng và hiệu quả nhất. Từ mấy năm nay, các chị em trong ban loan báo Tin Mừng một giáo xứ thuộc giáo phận Bắc Ninh cũng đã ra đi, đơn giản hễ ra ngõ gặp người lạ là làm quen, gặp cô đi buôn lợn ở chợ cũng đến hỏi thăm, rồi theo cô về nhà, thế là chỉ ít tháng sau đã có thể mời cả nhà đi lễ nhà thờ, và rồi từng bước tiến dần đến dòng suối thanh tẩy.
Bước đường loan báo Tin Mừng dễ dàng – “vì có bàn tay Chúa ở với các chị”. Mỗi khi tới vùng đất lạ, các chị thường tìm đến nhà các cụ già. Trước khi vào thăm, chị em làm dấu và đọc kinh xin Chúa sáng soi, tiếp theo là một kinh lạy Cha để nhận rõ sứ vụ của mình là để Chúa Cha được tôn vinh, rồi sau đó xin Đức Mẹ đồng hành, cùng với Mẹ đem Chúa Giêsu đến viếng thăm nhà này, như xưa mẹ đi thăm bà chị họ Isave. Một cuộc viếng thăm bình thường như những cuộc thăm viếng thường hằng, có khác là thăm viếng để rồi mời gọi mọi người đến dự bàn tiệc lời Chúa và Thánh Thể. Vào nhà, chị em tự giới thiệu mình lả người của nhà thờ, và thế là từ những lời thăm hỏi gia đình để làm quen, lân la tới chuyện giáo xứ và cuối cùng gặp nhau trong Thiên Chúa trời đất. Sau một hồi trò chuyện, đến lượt các cụ đặt câu hỏi, những câu hỏi chạm đến thực tế cuộc sống và niềm tin. Thật lạ lùng, dù các chị chẳng hiểu lời Chúa bao nhiêu, nhưng câu trả lời luôn được gợi lên từ chính lời Chúa.
Thì ra lời Chúa mà các chị quen biết không ngoài câu chuyện Giêsu, hay đúng hơn, khuôn mặt Giêsu các chị bắt gặp hằng ngày trong Tin Mừng qua việc chiêm ngắm và lắng nghe, và lúc này cơ hội đến là kể lại, tùy theo câu hỏi được người đối diện đặt ra. Sau một vài lần quen biết, chị em mời các cụ cùng đến nhà thờ giáo xứ, đến mà xem “Thiên Chúa dịu ngọt dường bao”. Dĩ nhiên các cụ già làm sao đi được? Không sao, các chị sẽ đề nghị đưa xe máy tới chở đi, vừa biết nhà thờ và cũng biết được nhà của chị em. Có cái gì sai sai ở đây mà lại vẫn đúng, bởi lẽ chỉ cần biết nhà thờ chứ biết nhà chị em làm gì. Tuy nhiên chính việc làm quen với nhà của chị em không chỉ làm cho các cụ đỡ ngại khi bước vào nhà thờ. Mà còn để các cụ làm quen với cảnh sống của một gia đình công giáo: cởi mở và thân tình. Hơn nữa từ xa tới cũng cần rửa chân tay, sửa lại bộ cánh nữa chứ.
Có đôi khi đặt chân vào một nhà, chị em cũng không được tiếp nhận mà còn bị đuổi đi nữa. Như trong lần ghé vào nhà 2 ông bà, mà bà thì ít nói. Chị em vào thăm lần nhất, chủ nhà không mấy thiện cảm, qua lần 2 có chút quà cho bà, ông không cho nhận mà còn đuổi khéo. Chị em xin phép rồi cáo lui. Sau đó cũng muốn quay trở lại, nhưng phải chờ một dịp thuận lợi. Một chị 35 tuổi, khi được dẫn tới nhà thờ, chị ngạc nhiên vì thấy Thiên Chúa được tôn thờ ở đây thật cao sang nhưng lại rất nhân từ, khác hẳn những ông thần bà chúa trong các đền đài chị vẫn tới viếng, từ đó chị vui lắm vì được biết Chúa và cứ trông mong tới chúa nhật để được theo chị em vào nhà thờ.
Trên bước đường tìm đến với bà con lương dân, đến đâu cũng được tiếp nhận, tính ra 10 nhà mới có một nhà từ chối. Lên đường, cứ bắt tay vào việc với tấm lòng đơn sơ vui vẻ và biết lắng nghe, và Thánh Thần Thiên Chúa sẽ dẫn đưa và lên tiếng, cho đến một lúc “một mạch nườc hằng sống, từ lòng người, trào lên…” tưới mát những tấm thân khô khan lạnh lẽo.
Được rửa tội là trở nên môn đệ truyền giáo. Các chị em trong ban loan báo Tin Mừng đã chung sức chung lòng thật nhịp nhàng. Càng đi, tiếng gọi phía trước càng thêm mãnh liệt, kinh nghiệm khi được sai đi từng hai người một nâng đỡ và hỗ trợ nhau rất nhiều: Mỗi ngày thêm hiểu biết nhau và cũng biết nhường nhịn nhau nữa. Vào một nhà hễ chị kia nói nhiều thì chị này nói ít thôi, có gì sai sót thì trên đường về nhắc bảo nhau, gặp chuyện cần làm thì người nọ đỡ người kia và đỡ đần những người mình được sai đến: khi đón người nhà từ bệnh viện về, lúc có người tới gần giờ lễ mà vẫn còn bận trồng rau thì các chị bảo cứ đi lễ, rồi xong lễ các chị sẽ tới phụ.
Những người giáo dân bình thường, cuộc sống bình thường, cái phi thường ở đây là lòng khao khát tìm kiếm các linh hồn về cho Chúa. Các chị vẫn phải lo tròn công việc trong gia đình, nuôi dạy con cái, nhưng lại cũng vẫn miệt mài tìm đến làm quen với những khu vực ngoài xóm đạo, dễ nhất là đến với các cụ già, và con đường dẫn về dòng suối thanh tẩy một lần nữa rộng mở chào đón 11 người con nhập đoàn với cộng đoàn giáo xứ: ở cầu Đầm có 2 cụ, và một gia đình 3 người gồm ông bà và cô con gái; cũng ở cầu Đầm có anh chồng 55 tuổi, không thật tính lắm, chả thế có lần chị em phải gọi ra cắt tóc rồi gội đầu. Chị vợ cũng khao khát lắm, nhưng bản thân còn ngập ngừng vì đang ở nhà riêng với con trai chưa hiểu gì về đạo .
Bên xóm chùa, có hai mẹ con, mẹ xin đi theo trước, còn cô con gái giữ chùa thì hẹn lần sau. Cụ xin đi theo vì trong lần qua nhà người mới được rửa tội, thấy nơi khuôn mặt của người theo đạo an bình và vui tươi quá. Tuy nhiên cô con gái, vì là người trông coi ngôi chùa, xin khất lại đợt sau. Xóm chợ có 1 cụ bà một thân vất vưởng, vẫn sống được nhờ lương người cao tuổi và chút tiền lời gửi tiết kiệm, nhưng thiếu bạn, nay thì đã trở thành người trong gia đình giáo xứ. Xóm Văn Đức thêm mấy người nữa. Thế là trong một ngày, các cụ ông cụ bà cùng với mấy trai trẻ, tất cả là 11 người, nhờ sự nâng đỡ của những người chị em Chúa gửi đến, đã được Thiên Chúa dẫn vào màu nhiệm nước Trời, qua dòng nước thanh tẩy.
Những người chị em, các giáo dân bình thường, con dân của một giáo xứ, có gì khác người đâu. Điều khác lạ ở đây là đã biết và đã sống cuộc đời của mình như một sứ vụ, qua việc lắng nghe lời Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra tiếng gọi của Người giữa lương dân, và nhất là đã để cho Chúa Thánh Thần rèn đúc trong chị em mầu nhiệm cá nhân, có thể nói về Chúa Giêsu Kitô cho mọi người.
Đa Minh Trần văn Tân, SJ.