Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về phẩm giá con người
Sáng ngày 8/4, Bộ Giáo lý Đức Tin đã ra tuyên bố “Dignitas Infinita” về phẩm giá con người. Tài liệu này đã được Bộ Giáo lý Đức tin làm việc trong 5 năm và chứa đựng những huấn quyền giáo hoàng trong thập kỷ qua: từ chiến tranh đến nghèo đói, từ bạo lực đối với người di cư đến bạo lực đối với phụ nữ, từ phá thai đến mang thai hộ cho đến cái chết êm dịu, từ lý thuyết về giới đến bạo lực kỹ thuật số.
Ba chương đầu cung cấp nền tảng cho những tuyên bố trong chương thứ tư, trong đó nêu ra “một số vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người”. Điểm nổi bật của tài liệu là việc đưa ra một số chủ đề chính của huấn quyền giáo hoàng gần đây để bổ sung cho các chủ đề đạo đức sinh học. Trong danh sách “không đầy đủ” được đưa ra, trong số những vi phạm nhân phẩm, cùng với việc phá thai, an tử và đẻ mướn, còn có thêm chiến tranh, bi kịch về nghèo đói và người di cư, và nạn buôn người. Do đó, văn bản mới góp phần khắc phục cho sự phân cự hiện có của hai nhóm: thứ nhất là những người chỉ tập trung vào việc bảo vệ sự sống chưa sinh hoặc đang hấp hối, mà quên đi nhiều cuộc tấn công khác chống lại phẩm giá con người, và thứ hai ngược lại, những người chỉ tập trung vào việc bảo vệ người nghèo và người di cư, mà quên mất rằng sự sống phải được bảo vệ từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên.
Nguyên tắc nền tảng
Trong ba phần đầu tiên của tuyên bố, các nguyên tắc nền tảng được nhắc lại. “Giáo hội, dưới ánh sáng Mặc khải, nhắc lại và xác nhận cách tuyệt đối” về “phẩm giá bản thể của con người, được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa và được cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô” (1). Tài liệu chỉ trích những người xem “một con người chỉ là ‘một sinh vật có khả năng lý luận’. Do đó, họ lập luận rằng “một đứa trẻ chưa sinh ra sẽ không có phẩm giá cá nhân, và tương tự với một người già không tự lập cũng như một người khuyết tật về tâm thần”. Ngược lại, Giáo hội nhấn mạnh rằng “phẩm giá của mỗi con người, bởi chính tính nội tại của nó, vượt lên trên mọi hoàn cảnh” (24). Hơn nữa, tuyên bố cũng nêu rõ “khái niệm về phẩm giá con người, đôi khi, cũng bị sử dụng một cách lạm dụng để biện minh cho việc nhân lên một cách tùy tiện các quyền mới… như thể để đảm bảo khả năng bày tỏ và hiện thực hóa mọi sở thích hoặc mong muốn chủ quan của cá nhân” (25) .
Nghèo đói, chiến tranh và nạn buôn người
Tuyên bố sau đó đưa ra danh sách “một số vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người”. Trước hết là “thảm kịch nghèo đói”, “một trong những bất công lớn nhất của thế giới đương đại” (36). Sau đó là chiến tranh, “một thảm kịch phủ nhận phẩm giá con người” và “nó luôn là một ‘sự thất bại của nhân loại’ (38), đến nỗi ‘ngày nay rất khó để ủng hộ các tiêu chí hợp lý’ … ‘để nói về một ‘cuộc chiến tranh chính nghĩa’” (39). Kế đến là “nỗi ám ảnh của những người di cư”, những người mà “cuộc sống của họ bị đe dọa vì họ không còn phương tiện để lập gia đình, làm việc hoặc nuôi sống bản thân” (40). Sau đó, tài liệu nhắc đến “nạn buôn người” với những vấn đề bi thảm và được định nghĩa là “một hoạt động hèn hạ, một nỗi xấu hổ cho những xã hội tự cho là văn minh (41). Kế đến, chúng ta được mời gọi đấu tranh chống lại các hiện tượng như “buôn bán nội tạng và mô người, bóc lột tình dục các bé trai và bé gái, lao động nô lệ, bao gồm mại dâm, buôn bán ma túy và vũ khí, khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức” (42). Tài liệu cũng đề cập đến “lạm dụng tình dục”, để lại “những vết sẹo sâu trong tâm hồn những người hứng chịu nó” (43). Các đề tài tiếp theo liên quan đến phân biệt đối xử với phụ nữ và bạo lực đối với họ, trong số đó có dẫn đến “việc cưỡng bức phá thai, ảnh hưởng đến cả mẹ và con, thường để thỏa mãn sự ích kỷ của nam giới” và “việc thực hành chế độ đa thê” (45).
Phá thai và mang thai hộ
Phá thai bị lên án cách mạnh mẽ: “trong số tất cả những tội ác mà con người có thể phạm chống lại sự sống, việc phá thai có những đặc điểm khiến nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng và đáng trách” (47). Ngoài ra, tài liệu cũng phản đối mạnh mẽ đối với việc làm mẹ thay thế, “qua đó đứa trẻ, với phẩm giá vô hạn, lại trở thành một đối tượng đơn thuần”, một thực hành “làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá của người phụ nữ và đứa con của họ… dựa trên việc lợi dụng hoàn cảnh của nhu cầu vật chất của người mẹ. Một đứa trẻ luôn là một món quà và không bao giờ là đối tượng của một hợp đồng”. (48) Sau đó, danh sách đề cập đến an tử và hỗ trợ tự tử, nhắc nhở rằng “đau khổ không làm cho bệnh nhân đánh mất phẩm giá vốn là phẩm giá nội tại và bất khả chuyển nhượng của họ” (51). Trong số những vi phạm nghiêm trọng về phẩm giá con người còn có việc “loại bỏ” người khuyết tật (53).
Lý thuyết về giới và bạo lực kỹ thuật số
Kế đến, tài liệu phê phán lý thuyết về giới vốn “rất nguy hiểm vì nó xóa bỏ những khác biệt trong quan điểm rằng mọi người đều bình đẳng” (56). Lý thuyết về giới “muốn phủ nhận sự khác biệt lớn nhất có thể có giữa các sinh vật: đó là về giới tính” (58).
Cuối danh sách này, tài liệu cũng nhắc đến “bạo lực kỹ thuật số” và đề cập đến “các hình thức bạo lực mới lan truyền qua mạng xã hội, ví dụ như bắt nạt trên mạng” và “sự lan truyền nội dung khiêu dâm và bóc lột con người vì mục đích tình dục hoặc thông qua cờ bạc trong những trò chơi trên web” (61). Tuyên bố kết thúc bằng lời kêu gọi “đặt sự tôn trọng phẩm giá con người vượt lên trên mọi hoàn cảnh vào trung tâm của việc dấn thân vì lợi ích chung và của mọi hệ thống pháp luật” (64).
Nguồn: vaticannews.va/vi