Ngày 12/7: Thánh Ingatiô Delgado Y – Giám mục, tử đạo

Đức Cha I-nha-xi-ô Đen-ga-đô sinh ngày 23-11-1762 ở làng Vi-la-phê-li-sơ (Villafeliche) nước Tây Ban Nha. Khi đến tuổi trưởng thành người vào tu dòng Đa-minh ở nhà dòng Thánh Phê-rô tử đạo trong thành Ca-la-ta-su. Người hằng mơ ước được đi truyền giáo cho dân ngoại nên khi đã khấn trọng thể trong dòng và học xong, ngày 25-9-1785 người được Bề trên cử sang thành Ma-ni-la (Manila). Năm 1787, người chịu chức linh mục và được ở trong danh sách các tông đồ truyền giáo ở Việt Nam.

 

Bề trên địa phận

Đầu năm 1790, Cha đến Bắc Việt ở địa phận Đông Đàng Ngoài. Khi đã thông thạo tiếng nói, Cha được cử làm giám đốc chủng viện, và coi sóc các việc chung trong địa phận. Khi còn học trong trường, Cha tỏ ra rất nhiệt thành; khi đến Việt Nam, Cha nêu gương sáng cho mọi người.

Hội đồng dòng ở thành Ma-ni-la năm 1794 cử Cha làm Cha Chính và giao cho coi sóc các việc dòng trong địa phận hơn hai năm. Càng ngày Cha càng nổi tiếng nhân đức, luôn tìm dịp giúp các linh hồn, nên Đức Thánh Cha Pi-ô VI đặt Cha làm giám mục phó, và năm 1799 khi Đức Cha Phê-rô qua đời, lại đặt Cha làm giám mục chính coi sóc địa phận Đông. Bấy giờ địa phận Đàng Ngoài đã chia thành ba địa phận là Đông ký, Trung ký và Tây ký.

Một mùa bội thu

Đức Cha Đen-ga-đô rất siêng năng làm các việc bậc mình. Khi vua Gia Long đã thống nhất đất nước thì Người và Đức Cha địa phận Tây ký vào kinh chầu vua. Vua tiếp các đấng niềm nở, lịch sự và cho phép tự do giảng đạo. Lợi dụng dịp tốt, Đức Cha chăm đi kinh lược, thăm viếng bổn đạo, sửa lại luật địa phận. Từ bấy giờ Giáo Hội Việt Nam mới tổ chức những lễ nghi phụng vụ trọng thể sốt sắng giúp nhiều người tìm hiểu và yêu mến đạo. Cánh đồng truyền giáo Việt Nam phát sinh một mùa bội thu, nhiều người xin gia nhập đạo, nhất là địa phận Đông sự đạo mở mang, các giáo hữu sùng đạo và truyền thống ấy còn tồn tại cho đến nay, đó là công lao của Đức Cha Đen ga-đô mà Hội Truyền giáo đã nhiều lần viết thư khen ngợi.

Năm 1821, Hội Thánh truyền cho các Đức Giám mục Trung Quốc và các nước lân cận phải rao lề luật công đồng Tri-đen-ti-ô về phép Hôn phối thì Người vâng lời ngay và dạy các bổn đạo trong địa phận phải giữ.

Lệnh triệu hồi về kinh

Vua Gia Long qua đời, vua Minh Mệnh vừa lên ngôi đã ra lệnh đòi các giáo sĩ ngoại phải về kinh dịch thư và mấy quyển sách tiếng Pháp. Mọi người hiểu đấy là lý do che giấu ý đồ đen tối của vua. Sự thực, vua ghét đạo, muốn tập trung các giáo sĩ để dễ trục xuất hay nếu cần sẽ thủ tiêu.

Vì thế, ở địa phận Đàng Ngoài không giáo sĩ nào vào chầu vua. Một năm trôi qua, vua tức giận truyền các quan phải bắt và giải các giáo sĩ về kinh, đốt phá các nhà thờ, nhà Chung, nhà trường, sau lại truyền bắt các trùm trưởng, quản giáo và những người có đạo lên tỉnh ép buộc họ xuất giáo. Các quan muốn thu xếp việc cho nhanh nên bắt dân làm tờ khai trong làng, xã của mình có đạo trưởng không. Nhưng không làng nào nhận có, các quan cứ theo các tờ khai ấy đệ trình lên vua.

Quan Trịnh Quang Khanh báo thù

Đạo trải qua một thời bình an. Được ít lâu dân làng Yên Liêm thuộc tỉnh Nam Định bắt được 6 bức thư gửi cho hai Đức Cha, Cha Chính và ba Cha khác, họ nộp các thư ấy cho Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh. Quan này nộp các thư ấy lên vua, tưởng mình sẽ được thưởng, ai ngờ vua Minh Mệnh nổi giận giáng chức quan Tổng đốc vì còn để các đạo trưởng lẩn lút trong tỉnh.

Vua ra hạn trong ba tháng quan phải bắt hết các đạo trưởng, phá tuyệt đạo Gia-tô thuộc khu vực mình rồi mới được phục chức.

Quan Trịnh Quang Khanh nổi tiếng độc dữ, ghét đạo, lại càng tức giận sai lính đi truy nã mọi nơi, các bổn đạo sợ hãi kinh khiếp phải trốn ẩn và hết sức lo liệu che giấu các Cha.

Khi ấy Đức Cha Đen-ga-đô đang ở làng Kiên Lao ẩn trong hang sâu. Có kẻ do thám tố cáo với quan rằng: “ Ở làng Kiên Lao có cố Tây”. Quan Tổng đốc sai quan Lê Ngọc Thể đến vây làng, sục sạo hai ngày không bắt được ai. Đến ngày thứ ba là ngày 2-5, quan giả vờ giải vây nhưng không phải thế mà là rút về rồi quay trở lại đến chính nơi đã được báo trước. Ở đây đang có cố Lâm – sau làm giám mục – nhưng may có một thày giảng đưa người đi trốn.

Đức Cha Hê-na-rét (Minh) là Đức Cha Phó cũng ở đấy chạy kịp, chỉ có Đức Cha Đen-ga-đô vì già, Thày Thông xin người ngồi vào chõng khiêng đi, giữa đường gặp lính, hai người khiêng chõng sợ quá bỏ Đức Cha ở đấy chạy trốn. Lính bắt Đức Cha, lấy chuôi gươm đánh mạnh vào vai người rồi mới giải nộp cho quan đang ngồi chờ ở đình làng.

Đức Cha không sợ hãi, ở cách hiền lành khiêm nhường. Khi quan hỏi người từ đâu đến làng này thì Đức Cha thưa lại cách lịch sự dịu dàng: “Tôi mới đến đây, làng này không phải là nơi tôi ở, xin quan tha cho họ”. Nghe Đức Cha nói, quan bảo rằng: “Ông hãy tự tử như các anh hùng trong nước tôi”. Đức Cha đáp rằng: “Tôi không dám tự giết mình vì đấy là tội rất nặng, nếu quan giết tôi vì tôi theo đạo Thiên Chúa thì tôi rất mừng và cám đội ơn quan”.

Cuộc đời trong cũi

Quan nghe Đức Cha nói cương quyết làm vậy thì truyền bỏ Đức Cha vào cũi, chiều hôm ấy giải về Phủ Xuân Trường, ngày hôm sau giải lên tỉnh Nam Định. Giữa cửa thành, đặt một ảnh Thánh Giá lớn để mọi người vào thành phải bước qua. Đức Cha đề nghị bỏ tượng ấy đi, quân lính bằng lòng, nhưng khi cũi Đức Cha đi qua, họ lại đặt Thánh Giá vào chỗ cũ, nên các bổn đạo đang theo Đức Cha rất động phải quay trở lại. Cha phải giam ở Cửa Nam gần Trại Vệ. Đức Cha rất nhịn nhục, chịu đói khát, nóng bức cùng mọi sự khốn khó, phải tra hỏi nhiều lần, nhưng không bao giờ Đức Cha phàn nàn ca thán; phải sống trong cũi 43 ngày, Đức Cha vẫn vui vẻ cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng”.

Trước công đường Đức Cha nói khôn ngoan, mạnh mẽ, vững vàng tuyên xưng Đức Tin, mọi hình khổ không lung lay nổi ý chí kiên quyết của người. Các quan tra hỏi người về các đạo trưởng trong địa phận trốn ở đâu, người không trả lời. Người chỉ nói rằng: “Tôi sang Việt Nam để giảng đạo Thiên Chúa, dạy người ta ăn ở ngay lành, nếu các quan hiểu được đạo tôi giảng, các quan sẽ theo ngay. Tôi là người đứng đầu các người giảng đạo trong địa phận này, các quan ghét đạo xin hãy giết tôi, tôi sẵn lòng chết, xin giết tôi ngay, để lâu lính canh vất vả quá”.

Trong cũi Đức Cha nên như bài giảng công khai hùng hồn cho dân ngoại, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm, mọi người thấy cụ già 75 tuổi vui vẻ chịu khổ, luôn nhịn nhục tha thứ, dũng cảm cương quyết, họ sẽ phải đặt dấu hỏi về đạo. Còn giáo dân sẽ bắt chước Chúa chiên của mình, không cậy sức riêng, nhưng xin Chúa thêm sức vượt qua chặng đường gian nan, dành phần chiến thắng sau cùng.

Chết rũ tù

Ngày 7-5, Đức Cha bị kết án trảm quyết, các quan đệ án vào kinh. Vua chưa kịp châu phê, thì ngày 21-7-1838, các thiên thần đã đội triều thiên tử đạo cho Đức Cha trong cũi chật hẹp và đưa linh hồn người về nơi vĩnh phúc. Bệnh kiết lỵ đã tàn phá thân xác già yếu của Đức Cha. Thiếu thuốc, thiếu của ăn, bị tra tấn, cảnh ngục tù đã kết liễu cuộc sống trần gian của người.

Đức Cha qua đời, lính canh lấy vải thấm dầu quấn vào ngón chân người mà đốt xem có chết thật không, rồi báo quan. Quan Thượng muốn khủng bố tinh thần giáo dân và cho mọi người biết Đức Cha đáng tội trảm quyết nên truyền rằng: “Tên tù này là người khác giống, đã cố tình đến nước ta giảng tà đạo, dụ dỗ nhiều người, cứng cổ không chịu bỏ đạo ấy, ta không thể coi nó như tù nhân khác. Phải thi hành mọi điều bản án ta đã ra để mọi người biết tội nó rất nặng”. Lính khiêng cũi Đức Cha ra pháp trường Bảy Mẫu chém đầu rồi đưa cho quan Giám sát xem.

Bổn đạo thu xếp mua lại các đồ dùng của Đức Cha, lấy vải thấm máu người và chuộc xác người đưa về táng ở làng Bùi Chu. Còn đầu Đức Cha phải bêu ba ngày, rồi quăng xuống sông Vị Hoàng. Nhưng bởi quyền phép Chúa thì ba tháng sau một người họ Vạn có đạo kéo lưới, thấy đầu Đức Cha trong lưới mình, không có mùi, còn nguyên vẹn như khi sống. Bổn đạo đưa về Bùi Chu táng cùng với xác người.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Đức Cha I-nha-xi-ô Đen-ga-đô ngày 27-5-1900. Đức Cha được phúc tử đạo ngày 11-7-1838.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn