Lược sử giáo họ nhà xứ Đạo Ngạn
1. Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Tổ dân phố Đạo Ngạn 2, phường Quang Châu, Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
Giáo dân: Có 120 nhân danh. Nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp, làm công nhân tại các xí nghiệp.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, hội Trưởng gia đình, Mân côi, Thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn.
Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay có chiều dài 50m, rộng 9m, cao 9m. Diện tích khuôn viên nhà thờ hiện nay có: 3597,5m2 (đã có sổ đỏ). Nhà thờ có một tháp chuông cao 32m, có một quả chuông.
Các giáo họ trực thuộc: Hoàng Mai, Núi Hiểu, Sen Hồ
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Theo lời kể lại, Đạo Ngạn đã được đón nhận hạt giống đức tin từ rất sớm. Vào năm 1810, có hai nhà truyền giáo đến đây để dạy đạo thánh Chúa cho bà con dân làng Đạo Ngạn. Một người ngoại quốc có tên gọi là Tuyên và một người Việt có tên là Vũ Văn Thận. Việc truyền giáo của hai vị tại đây diễn ra khá thuận lợi vì được chính quyền tạo điều kiện và dân làng cũng nhiệt tình hưởng ứng. Cũng chính năm này mà cây Thánh Giá đầu tiên đã được dựng lên tại đây, đánh dấu mốc son trong lịch sử đức tin của dân làng Đạo Ngạn.
Ngay từ những năm 1810 – 1862, Đạo Ngạn đã có được ngôi nhà thờ đầu tiên. Số nhân danh lúc đó vào khoảng 200 người. Năm 1884, Đạo Ngạn tiến hành làm ngôi nhà thờ thứ 2 bằng gỗ có 9 gian. Lúc này các gia đình di chuyển từ khu xóm Đông về khu xóm Trại và sinh hoạt đức tin tại đây. Số nhân danh lúc này đã tăng lên được khoảng 300. Xóm Trại chính là Đạo Ngạn ngày nay. Vào năm 1885, Đức cha Antôniô Lễ cho Đạo Ngạn chính thức lên xứ, bao gồm 8 họ đạo đó là: Đạo Ngạn, Nguyệt Đức, Đông Tiến, Hoàng Mai, Nếnh Trần, Nếnh Sen, Núi Hiểu và Lạc Sơn. Đến năm 1910, nhà thờ Đạo Ngạn được xây dựng lần thứ 3. Năm 1951, cha Giuse Phạm Sỹ Khiêm cho trùng tu lại ngôi thánh đường này. Tuy nhiên sau đó không lâu thì xảy ra biến cố di cư năm 1954. Có đến 95% giáo dân theo cha xứ Giuse Phạm Sỹ Khiêm vào Nam. Từ đó trở đi đời sống đức tin trên mảnh đất này trở nên nguội lạnh, nhà thờ hoang tàn vì thiếu người trông nom coi sóc. Phải đến năm 2001, ngôi nhà thờ Đạo Ngạn mới được trùng tu lại và hoàn thiện vào năm 2002. Từ ngày 14/4/2002, tiếng chuông nhà thờ lại được ngân vang và đời sống đức tin của cộng đoàn nơi đây từng bước được phục hồi.
Ngoài ngôi thánh đường cổ kính với hơn 100 năm tuổi, Đạo Ngạn còn được nhiều người biết đến bởi nơi đây đã từng có nhà Phước do Đức cha Khâm thành lập từ năm 1904 và nay được đổi tên thành dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất. Cùng với nhà Phước, Đạo Ngạn đã từng có chủng viện Antôniô. Tuy nhiên hiện nay, đất của chủng viện đã được nhà nước mượn để các công ty xí nghiệp sử dụng.
Ngoài những dấu ấn trên đây, Đạo Ngạn cũng được biết đến bởi máu của ông Phaolô Nguyễn Thế Hòa đổ xuống vì đức tin. Ông là một thầy lang chữa bệnh cho nhiều người trong làng. Ông can đảm làm chứng cho đức tin và chịu phúc tử đạo vào tháng 4/1862. Hài cốt của ông hiện đang nằm trên gian cung thánh của nhà thờ Đạo Ngạn.
3. Đời sống đức tin
Kể từ khi đón nhận hạt giống đức tin, cộng đoàn Đạo Ngạn thường xuyên có quý cha đến dâng Thánh Lễ, cũng như trực tiếp coi sóc trong các giai đoạn từ cha cố Tuyên (1810-1860) cho tới cha Giuse Phạm Sỹ Khiêm (1950-1954). Sau biến cố di cư năm 1954 cũng như trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đạo Ngạn vẫn được các cha quản nhiệm coi sóc, đó là các cha Đaminh Đinh Huy Quảng, Giuse Trần Đăng Can, Đaminh Nguyễn Văn Kinh, Phanxicô Xavier Nguyễn Đức Đại, Gioan B. Nguyễn Huy Long, Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Huân, Giuse Nguyễn Huy Tảo, Đaminh Nguyễn Văn Hồi. Nhờ sự tận tình giúp đỡ và quan tâm chăm sóc của quý cha, hạt giống đức tin vẫn không ngừng được tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Trải qua bao khó khăn thử thách, hiện nay đời sống đức tin của cộng đoàn giáo họ Đạo Ngạn đã dần ổn định và ngày càng phát triển. Một thuận lới rất lớn của cộng đoàn giáo họ Đạo Ngạn đó là có quý dì Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất ở gần kề, nhờ đó cộng đoàn có Thánh Lễ thường xuyên, đời sống đức tin không ngừng được tiến triển mạnh mẽ.
BTT Giáo Phận