Tàu Mare Jonio Cứu 182 Người Ở Địa Trung Hải

Được tổ chức phi chính phủ “Mediterraean Saving Humans” thuê, sứ mạng thứ 18 của tàu “Mare Jonio” được hộ tống bởi một chiếc thuyền buồm của tổ chức Người di cư của Hội đồng Giám mục Ý. Đặc phái viên của Radio Vatican-Vatican News cũng có mặt trên tàu.

Trong khoảng thời gian từ tối thứ Bảy ngày 24 tháng 8 đến sáng Chúa Nhật ngày 25 tháng 8, con tàu nhân đạo Mare Jonio đã tham gia cứu hộ 182 người di cư đang cố gắng vượt qua Địa Trung Hải đầy nguy hiểm. Đây là hoạt động thứ mười tám được thực hiện bởi Mediterranean Saving Humans, một tổ chức xã hội dân sự của Ý, nhưng là hoạt động đầu tiên được thực hiện với sự hợp tác của tổ chức Người di cư của các Giám mục Ý.

Những cuộc cứu nạn

Thứ Bảy lúc 6 giờ chiều, tàu Mare Jonio phát hiện một chiếc thuyền gỗ ở vùng biển quốc tế, cách bờ biển Tunisia khoảng 35 dặm. Vị trí của những người di cư đã được báo cáo cho lực lượng bảo vệ bờ biển Ý, trong khi thủy thủ đoàn của tàu Mare Jonio phân phát áo phao cho tất cả những người trên tàu vì chiếc thuyền tạm bợ có vẻ rất không ổn định. Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý đã đến ngay sau đó và vận chuyển những người này – tổng cộng 67 người, tất cả đều gốc Bắc Phi – đến nơi an toàn trên đảo Lampedusa.

Trong lúc đó, tàu Mare Jonio đã được thông báo về sự hiện diện của một chiếc thuyền khác gần đó. Khi màn đêm buông xuống, con tàu tiến về vị trí của con thuyền và nhìn thấy nó – một chiếc xuồng cao su quá tải – vào khoảng 23h20. Ngay sau khi đưa những người này lên tàu, tàu Mare Jonio đã có thể bàn giao 50 người di cư, chủ yếu là người gốc Ethiopia – bao gồm 43 trẻ vị thành niên và hai phụ nữ – cho lực lượng bảo vệ bờ biển Ý.

Cuối cùng, vào khoảng 6h30 sáng Chúa Nhật, khi đang đi về phía nam để tìm kiếm những chiếc thuyền di cư khác, tàu Mare Jonio gặp chiếc thuyền thứ ba. Nó đã giải cứu những người di cư – 26 người Syria, 30 người Bangladesh và 6 người Pakistan – và được chính phủ Ý giao nhiệm vụ đưa họ đến cảng Pozzallo, ở Sicile.

Cuộc đấu tranh đã qua, cuộc đấu tranh tương lai

Những cảnh tượng đầy cảm xúc diễn ra khi những người ngồi trên chiếc thuyền thứ ba được đưa lên tàu Mare Jonio. Những người di cư ôm các tình nguyện viên và cảm ơn họ đã giải cứu. Một người đàn ông nói : “Các bạn là những thiên thần được Chúa gửi đến để giúp đỡ chúng tôi”.

Chiếc thuyền đã rời Libya vào tối hôm trước. Hầu hết những người trên tàu đã bị lực lượng dân quân của đất nước giam giữ vào lúc này hay lúc khác, và nhiều người mang dấu vết bị ngược đãi và tra tấn trên cơ thể và trong mắt họ.

Một trong những người sống sót từng là thẩm phán ở quê hương của ông. Một người khác, một giáo viên dạy tiếng Ả Rập ở Damas, hoàn toàn muốn nói về Shakespeare.

Những tương tác này, mặc dù rất xúc động, nhưng lại nhuốm màu buồn bã. Một khi niềm hân hoan của cuộc giải cứu qua đi, những người di cư sẽ phải đối mặt với cuộc đấu tranh to lớn để xây dựng cuộc sống mới, trong bối cảnh một châu Âu ngày càng thù địch với sự hiện diện của họ. Một lời nhắc nhở rằng hoạt động tìm kiếm và cứu hộ của Mediterranea Saving Humans, với tổ chức Người di cư, tuy quan trọng, nhưng không gì khác hơn là một sự khởi đầu.

Công việc thực sự của việc xây dựng mạng lưới liên đới – xây dựng xã hội “tình huynh đệ và tình bạn xã hội” mà Đức Thánh Cha Phanxicô mơ ước – sẽ chỉ bắt đầu một cách nghiêm túc trên đất liền.

Tý Linh

(theo Joseph Tulloch-trên tàu Mare Jonio, ở Biển Địa Trung Hải, Vatican News)