Lược sử Giáo họ nhà xứ Dân Trù

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Họ nhà xứ Dân Trù.

Địa chỉ: Dân Trù, Yên Phương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Năm thành lập: 1888.

Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (07/10).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, Caritas – Ban bác ái xã hội, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.

Giáo dân: Giáo họ có 489 nhân danh sống rải rác trong thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Giáo dân trong giáo họ chủ yếu làm nông nghiệp. Một số giáo dân làm nghề phụ như buôn bán, công nhân. Đời sống kinh tế tương đối ổn định.

Nhà thờ: Nhà thờ Dân Trù được khởi công xây dựng năm 1936 và hoàn thành năm 1940. Nhà thờ được trùng tu 2 lần (năm 1990 và 2002). Hiện nay, nhà thờ có diện tích là 840m2 với chiều dài 60m, chiều rộng 14m, mái cao 15m, tháp chuông cao 30m, có treo quả chuông bằng đồng nặng 90kg, được đúc tại Pháp và có niên hiệu 1902. Tổng diện tích khuôn viên nhà xứ rộng 9000m2

Các giáo họ trực thuộc: Phương Trù, Tràng Lan, Thư Xá, Lan Tràng

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Họ nhà xứ Dân Trù nằm gần triền đê Sông Hồng và cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 62km về hướng Tây Bắc. Giáo họ thuộc địa bàn hành chính thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đây, Dân Trù có tên gọi là Kẻ Chò. Đây được coi là nơi cư tú của người Việt Cổ thời các Vua Hùng. Kẻ Chò nằm bên hữu ngạn Sông Hồng nên việc giao thương trên cạn và dưới nước khá phát triển. Chính nhờ sự giao thương ấy mà hạt giống Tin Mừng đã được gieo trên mảnh đất cổ xưa này. Khoảng năm 1755, cụ tổ họ Trương và các con cháu thuộc Kẻ Chò đã được đón nhận đức tin từ các nhà truyền giáo phương Tây. Trải qua nhiều cuộc bách hại Đạo Chúa thời Minh Mạng và Tự Đức, đức tin nơi đây vẫn được duy trì. Đến năm 1888, sau khi giáo phận Bắc Ninh được thiết lập (1883), xứ Kẻ Chò chính thức được thành lập cùng với 11 xứ họ khác. Từ đây, Kẻ Chò có các linh mục về coi sóc. Khi đó, Đức cha Côlômê Lễ bổ nhiệm cha Vincent Bá làm chính xứ tiên khởi xứ Kẻ Chò. Cha Bá đã đổi tên xứ Kẻ Chò thành Dân Trù (Chò Giữa). Từ năm 1889 – 1944, nhà xứ Dân Trù được các cha chính xứ coi sóc lần lượt là: cha Vicentê Bá (1888 – 1902), cha Giuse Lý (1902 – 1908), cha Gioan Chiểu (1908 – 1915), cha Đaminh Kính (1915 – 1920), cha Đaminh Nguyên (1920 – 1924), cha Giuse Vọng (1924 – 1926), cha Giuse Chung (1926  – 1927) và cha Gioakim Nguyễn Quang Thận (1927 – 1944).

Đến năm 1936, cha chính xứ Gioakim Nguyễn Quang Thận cùng giáo dân khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới và hoàn thành năm 1940. Ngoài ngôi nhà thờ khang trang, nhà xứ xây dựng khu nhà cho các dì phước, nhà cô nhi viện và một trường học để dạy chữ quốc ngữ cho thiếu nhi từ lớp vỡ lòng cho đến hết bậc tiểu học. Những năm sau đó, quân đội Pháp chiếm đóng tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ sự ảnh hưởng của ông quận Đề, nhiều làng đã xin nhập Đạo Chúa và dỡ đình chùa làm nhà thờ. Những làng như Yên Thư, Lũng Hạ, Dân Trù, Phương Trù đều trở thành làng Công Giáo toàn tòng .

Tuy nhiên, năm 1954, một nửa giáo dân xứ Dân Trù di cư vào miền Nam cùng cha xứ. Số giáo dân tân tòng lại “bỏ giáo hồi lương”, dỡ nhà thờ đề xây đình chùa. Năm 1955, một phần khu đất nhà thờ, nhà mụ ở Dân Trù đã bị chia cho nông dân sau cuộc cải cách ruộng đất. Nhà xứ chỉ còn 50 hộ giáo dân ở lại quê hương sống và giữ đạo. Từ năm 1955 – 2005, giáo họ Dân Trù chỉ có các cha quản nhiệm coi sóc.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đức tin giáo họ Dân Trù vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Ngày 09/10/2005, sau 51 năm, xứ Dân Trù đã có cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Huy Liệu làm chính xứ đến ở trực tiếp và coi sóc. Tiếp sau đó, các cha lần lượt làm chính xứ Dân Trù là cha Giuse Nguyễn Hoàng Ân (2012 – 2018), cha Giuse Nguyễn Văn Đinh (2018 – 2022) và cha Giuse Hà Mạnh Hoàn (2022 đến nay). Với ơn Chúa ban qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi và nhờ sự coi sóc tận tình của các cha chính xứ, giáo họ Dân Trù đã không ngừng phát triển về cơ sở vật chất và đời sống đức tin.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, nhà xứ Dân Trù có 521 nhân danh. Hàng tuần, nhà xứ thường xuyên có Thánh lễ, đặc biệt là ngày Chúa Nhật. Hằng ngày, bà con giáo dân vẫn duy trì đến nhà thờ đọc kinh sớm tối. Nhà xứ có hội các hội đoàn đang hoạt động tích cực như: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, Caritas – Ban bác ái xã hội, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Hy vọng hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất Dân Trù sẽ tiếp tục nảy mầm và không ngừng trổ sinh hoa trái.

BTT Giáo Phận