Cái Biết
Bạn thân mến! có những “cái biết” làm cho ta lớn lên và trưởng thành, nhưng cũng có những “cái biết” làm ta đánh mất những điều quý giá mà ta sẽ mãi phải tiếc nuối.
Người ta vẫn thường hay nói: “cái giá phải trả”. Cái giá phải trả là không sai cho cuộc sống với vô vàn những điều con người muốn đạt được và muốn khám phá. Nhưng bạn và tôi, chúng ta cùng ngẫm xem cái nào là “cần” là “đáng” cho cái giá mà ta phải trả cho “cái biết”. Cần định hướng cho đúng hướng đi của “cái biết” kẻo không chúng ta sẽ xa đường lạc lối và đánh mất nhiều thứ.
Chẳng hạn như một mẫu gương tiêu biểu cho mọi thời đó là Thầy Giê-su vĩ đại của chúng ta, Thầy đi đến đâu cũng đem đến hạnh phúc và bình an. Thầy thi ân giáng phúc, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Nhưng khi Thầy trở về quê hương thì mọi người lại thờ ơ lãnh đạm và ngủ yên trong “cái biết” của họ và Thầy đã phải nói rằng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình, hay đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4).
Nhiều khi chúng ta nhầm tưởng về “cái biết” của mình, chúng ta nghĩ mình đã biết tất cả về một ai đó, về cuộc sống của họ, về con người họ…về họ. Nhưng thật chất, chúng ta còn chẳng thể nào biết hết về chính mình huống chi là người khác. Chắc hẳn là một người Việt, bạn đã quá quen và nghe nhiều về câu truyện ngụ ngôn: “Thầy bói xem voi”. Bạn thấy đó, ở mỗi góc độ chúng ta sẽ có “cái biết” khác nhau và vô cùng giới hạn, chẳng thể nào biết hoàn hảo cho “cái biết” mà mình có.
Cuộc sống vẫn bị xoay lòng vòng bởi “cái biết”, chính vòng luẩn quẩn đó đã đưa đẩy biết bao nhiêu cảnh đời vào vòng lao lý, gông cùm tội lỗi mà không tìm được lối thoát. Có những “cái biết” phiến diện của ai đó đẩy người khác vào trốn ngục tù bởi sự mặc định vô căn cứ. Có những “cái biết” làm tan nát mái ấm gia đình,…nhưng bên cạnh đó cũng có những “cái biết” giúp con người ta cảm thông, chia sẻ và đón nhận họ như họ là để giúp họ bắt đầu lại.
“Cái biết” cần lắm trong cuộc sống, nhưng cần không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng phải biết hết mọi chuyện, mọi việc hay việc gì, chuyện gì cũng phải loa loa cho cả làng được biết. Bởi có những “cái biết” cần lắm trong phạm vi rộng, nhưng cũng có những “cái biết” cần kết đan trong sự tế nhị.
Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm để thấy “cái biết”, đừng như những người dân ở quê Thầy Giê-su, họ nghe, họ thấy những việc tốt mà người con, người em đã lớn lên tại quê hương xứ sở mình đã nói và đã làm, nhưng họ không đón nhận, không chấp nhận thực tế đó. Bởi vì họ nghĩ “cái biết” của mình về Thầy Giê-su đã đủ và không đón nhận thêm bất kì “cái biết” nào khác. Chính sự ngủ yên trong “cái biết” của họ mà họ đã đánh mất niềm vinh dự, niềm tự hào vì đã được sinh ra ở quê hương Thầy Giê-su.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng bị ngủ yên trong trong “cái biết” của mình về một ai đó và làm họ mất cơ hội làm lại từ đầu. Hãy tỉnh thức bạn nhé, để cùng nhau bước ra khỏi sự ngủ yên đó. Bởi chúng ta là những người lữ hành, những người lữ hành đang sống và tiến bước trong niềm hy vọng.
Bạn thân mến! chúng ta đang sống trong Năm Thánh, năm của niềm hy vọng, năm của những người lữ hành tiến bước trên đường hy vọng để bước theo Thầy Giê-su. Bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau mang “cái biết” của mình đến với Thầy Giê-su, để Thầy định hướng cho “cái biết” đó đi đúng đường, để “cái biết” của chúng ta trở thành cầu nối, là niềm hy vọng của sự bình an cho những người xung quanh. Hãy để “cái biết” của chúng ta trở nên nguồn cảm thông và sự bình an cho người khác. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trên đường hy vọng và cùng sống năm thánh thật thánh thiện. Bạn nhé!
Cô Muối