Bạn có tin điều đó không?
GỢI Ý TỪ TÀI LIỆU TUẦN LỄ CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT (18 – 25/01/2025)
Chủ đề: “Bạn có tin điều đó không?” (x. Ga 11,26)
- GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ CỦA NĂM 2025
“Bạn có tin điều đó không?” (x. Ga 11,26)
«Crois-tu cela?» (Jean 11,26)
Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2025, nội dung lời cầu nguyện và suy niệm được cộng đoàn Tu viện Bose, miền bắc nước Ý biên soạn. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea (325). Dịp kỷ niệm này mang lại cho chúng ta cơ hội để cùng nhau suy ngẫm và cử hành chung đức tin của các Kitô hữu, như được thể hiện trong Kinh Tin Kính mà công đồng đã tuyên xưng đức tin. Đó là một đức tin cho đến ngày nay vẫn còn sống động và sinh nhiều hoa trái. Tuần cầu nguyện này là lời mời gọi hãy cùng nhau rút ra di sản chung và tiếp cận sâu hơn vào đức tin hiệp nhất tất cả các Kitô hữu.
Công đồng Nicaea, như là kết quả giúp khám phá ra việc cùng nhau chia sẻ một đức tin trong các bối cảnh văn hóa và chính trị khác nhau. Việc tìm được sự đồng thuận về bản văn Kinh Tin Kính, nghĩa là xác định những nền tảng chung thiết yếu để xây dựng các cộng đoàn địa phương, mỗi cộng đoàn tôn trọng sự đa dạng của nhau. Có thể nói, bản văn Kinh Tin Kính đã được phê chuẩn sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng tôi tin”, hình thức này nhấn mạnh việc thể hiện của sự thuộc về một đức tin.
Từ năm 325 đến năm 2025, tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu là cơ hội để khám phá lại di sản sống động này và tái thể hiện trong mối liên hệ với các nền văn hóa đương đại. Ngày nay cùng nhau sống đức tin tông truyền không có nghĩa là mở lại những tranh cãi thần học của thời đại, vốn đã tiếp diễn qua nhiều thế kỷ, nhưng đúng hơn là đọc lại trong lời cầu nguyện, những nền tảng Kinh Thánh và những kinh nghiệm của Giáo hội đã dẫn đến Công đồng này và những quyết định của nó.
Bản văn Kinh Thánh cho Tuần Cầu Nguyện là bản văn Ga 11,17-27. Chủ đề: “Bạn có tin điều đó không?” (x. Ga11,26), được lấy cảm hứng trong chuyến viếng thăm của Đức Giêsu với Martha và Maria ở Bethania qua cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Martha, sau cái chết của người em trai tên là Lazaro. Đức Giêsu giới thiệu về chính Người, Người tuyên bố quyền năng của Người trên sự sống và sự chết, và mặc khải về chính Người là Đấng Messia: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (c.25-26). Sau lời nói đáng ngạc nhiên này, Đức Giêsu hỏi Martha một câu hỏi rất trực tiếp và sâu sắc: “Con có tin điều đó không?” (c.26).
Tương tự như Martha, các thế hệ Kitô hữu đầu tiên không thể thờ ơ hay thụ động khi những lời của Đức Giêsu chạm đến tâm hồn họ. Họ háo hức tìm cách đưa ra một câu trả lời dễ hiểu cho câu hỏi của Đức Giêsu: “Các bạn có tin điều này không?” Các Giáo phụ của Nicaea cố gắng tìm ra những từ ngữ bao trùm toàn bộ mầu nhiệm nhập thể và cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trong khi chờ đợi Người trở lại, các Kitô hữu trên khắp thế giới được kêu gọi cùng nhau làm chứng cho niềm tin vào sự phục sinh này, đối với họ đó là nguồn hy vọng và niềm vui mà họ mong muốn chia sẻ với mọi dân tộc.
Đại kết cử hành Lời Chúa, việc cử hành trong Tuần Cầu nguyện tập trung vào ý nghĩa của việc tin và việc khẳng định đức tin, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, cả “Tôi tin” và “Chúng tôi tin”. Bản văn Kinh Thánh lấy chủ đề của tuần lễ này, với thách đố mà câu hỏi đặt ra cho chúng ta: “Bạn có tin điều đó không?”
- NỘI DUNG CHO TUẦN CẦU NGUYỆN
Ngoài các bản văn Kinh Thánh, phần suy niệm được trích dẫn từ những suy tư của các giáo phụ nhằm giúp chúng ta cảm nhận các ý niệm của các giáo phụ về đức tin tông truyền, các ngài truyền cảm hứng để chúng ta cùng tuyên xưng đức tin, một đức tin phản ánh sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và linh đạo vốn là đặc điểm của Giáo hội sơ khai. Phần lời nguyện mỗi ngày mời gọi chúng ta biết hiện tại hoá đức tin được chia sẻ và cử hành trên khắp thế giới, cùng tìm ra chung một lý do để tạ ơn trong thời gian của tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất.
Chủ đề các ngày trong tuần và gợi ý cầu nguyện:
Ngày I: Tình phụ tử và sự chăm sóc của Thiên Chúa, Đấng làm chủ vũ trụ.
Bạn hãy cảm nhận về sự chăm sóc của cha mẹ trong cuộc sống của mình? Suy nghĩ về những ngăn cản chúng ta thừa nhận người khác là con Thiên Chúa? Việc thừa nhận Thiên Chúa là Cha của chúng ta sẽ ảnh hưởng thế nào đến nhận thức và mối tương quan của chúng ta với người khác?
Ngày II: Tạo dựng là công trình của Thiên Chúa.
Công trình tạo dựng là một món quà của Thiên Chúa, làm thế nào chúng ta có thể nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta? Nếu có thể, hãy dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên và chiêm ngưỡng cách nó kết nối chúng ta với Thiên Chúa.
Ngày III: Nhập Thể của Chúa Con.
Niềm tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, truyền cảm hứng và định hướng cuộc sống của chúng ta như thế nào? Bạn đã trải nghiệm sự hiện diện đầy an ủi của Chúa Kitô trong cuộc đời bạn như thế nào? Bất cứ nơi nào chúng ta thấy ai khát, đói, khóc lóc hay đau khổ thì Chúa Kitô hiện diện ở cùng họ, bạn có nhận ra Chúa nơi những con người này hay không?
Ngày IV: Mầu nhiệm vượt qua: cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Chúng ta biết rằng tất cả chúng ta sẽ chết, việc tin Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết sẽ thay đổi cách chúng ta tiếp cận thực tế này như thế nào? “Thiên Chúa cho phép mình bị trục xuất khỏi thế gian và bị đóng đinh trên thập giá. Thiên Chúa bất lực và yếu đuối trên thế giới, nên chỉ có Ngài ở bên và giúp đỡ chúng ta.” (Dietrich Bonhoeffer). Chúa Giêsu là Đấng Phục Sinh, ở cùng chúng ta cho đến tận thế, sự đồng hành của Người khích lệ bạn như thế nào trong cuộc sống hàng ngày?
Ngày V: Chúa Thánh Thần ban sự sống và niềm vui.
Thần Khí của Thiên Chúa đổi mới bộ mặt trái đất mỗi ngày, kêu gọi chúng ta cộng tác với Ngài. Nguồn vui nào trong cuộc sống của bạn và chúng được liên kết với Chúa Thánh Thần như thế nào? Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động ở đâu, vượt qua sự chia rẽ và đưa chúng ta đến sự hiệp nhất sâu sắc hơn? Làm thế nào chúng ta có thể tham gia vào công việc này?
Ngày VI: Giáo hội là cộng đoàn các tín hữu.
Giáo hội được mời gọi loan báo ánh sáng Chúa Kitô cho thế giới như thế nào? Mặc dù trong Chúa Kitô, Giáo hội là một thân thể, nhưng về mặt lịch sử, các Giáo hội vẫn bị chia rẽ. Bạn cảm thấy nỗi đau của sự chia rẽ này như thế nào? Giáo hội, với tư cách là một cộng đoàn thuộc về Chúa Thánh Thần, Đấng ban hòa bình, được sai đi để sống và loan báo sứ điệp hòa bình trên thế giới. Bằng cách nào Giáo hội có thể giúp các thành viên của mình đáp lại lời kêu gọi này?
Ngày VII: Phép rửa tội trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
Kitô hữu được rửa tội trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Lễ rửa tội hôm nay có ý nghĩa gì với bạn? Tội lỗi làm biến dạng chúng ta theo nhiều cách, qua phép rửa tội, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi điều này, bất chấp các truyền thống và thực hành khác nhau của Giáo hội, việc tuyên xưng “một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Eph 4,5) ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với các Kitô hữu khác?
Ngày VIII: Chờ đợi Nước Thiên Chúa hằng sống lại đến.
Tình yêu sẽ là thực tại của Nước Thiên Chúa, những hành động bác ái cụ thể làm cho Vương quốc này hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, sống trong niềm mong đợi Nước Thiên Chúa, chúng ta thể hiện những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa sắp đến trong thế giới ngày nay như thế nào? Chúng ta được mời gọi chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai, chúng ta chuẩn bị cho việc này như thế nào?
- CẦU NGUYỆN:
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, xin nhận lời ngợi khen và tạ ơn của chúng con, vì những gì đã hiệp nhất các Kitô hữu trong lời tuyên xưng và làm chứng về Chúa Giêsu, Chúa chúng con. Xin Chúa hãy hướng dẫn tất cả các Giáo hội biết nhận ra mình trong sự hiệp thông duy nhất mà Chúa mong muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
Lm. Tôma Aquinô Nguyễn Đức Khôi viết theo: christianunity.va