Có cần che Thánh Giá và ảnh tượng trong Mùa Chay không?

Mùa Chay được nhấn mạnh là thời gian của sa mạc, chay tịnh và thanh luyện, nên phụng vụ mang dáng vẻ khổ hạnh, trang nghiêm và loại bỏ các trang trí mang tính lễ hội và không cần thiết. Tinh thần này cũng dẫn đến những thực hành tiết chế cho không gian phụng vụ. Chẳng hạn, việc che phủ bàn thờ, Thánh giá và các ảnh tượng tuy không còn là quy định bắt buộc từ sau Công đồng Vatican II, nhưng ngày nay vẫn được Sách Lễ nhắc tới thực hành này từ Chúa Nhật V Mùa Chay.

Sách Lễ Rôma (ấn bản III – năm 2002), chỉ rõ: có thể giữ thói quen phủ Thánh giá và các ảnh tượng từ Chúa nhật này [Chúa nhật thứ V Mùa Chay]. Thánh giá được phủ cho đến khi cử hành cuộc Thương khó của Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh, các ảnh tượng khác được phủ tới lúc bắt đầu Canh thức Phục sinh.”[1] Ngoài ra, sau Lễ Tiệc Ly (Thứ Năm Tuần Thánh), Sách Lễ cũng ghi “Sau đó [= sau khi đã kiệu Mình Thánh Chúa sang Nhà tạm], lột khăn bàn thờ, và nếu có thể, cất các thánh giá. Nếu còn thánh giá nào, phải phủ khăn.[2]

Điều này có thể khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: Tại sao lại che đi những biểu tượng vốn giúp tín hữu nâng tâm hồn lên với Chúa giữa Mùa Chay thánh thiện này?​ Thực ra, khó mà có một giải thích đầy đủ cho tập tục này.

Có giả thiết cho rằng: trước đây Chúa Nhật V Mùa Chay được gọi là Chúa Nhật “Ném Đá,” Tin Mừng trong thánh lễ nhắc tới việc dân Do Thái đòi ném đá Đức Giêsu trong đền thờ, nhưng Ngài đã ẩn đi và từ đó không hoạt động công khai nữa, cho tới khi tiến vào thành Giêrusalem để chịu thương khó (Ga 11), và nghi thức phủ khăn thánh giá trong nhà nguyện đức giáo hoàng kèm theo câu “Đức Giêsu lánh mặt họ – Jesus autem abscondebat se” (Ga 12,36) để giải thích: Thần tính của Đức Kitô đã bị che phủ đi khi Người tới giờ chịu nạn và chịu chết. Do đó, các hình ảnh của các thánh cũng được che phủ, bởi vì không xứng hợp chút nào khi chính vị Thầy thì phải lánh mặt đi mà các tôi tớ thì lại xuất hiện!

Giải thích khác lại cho rằng: Thánh giá thời Trung Cổ làm bằng vàng để biểu tượng cho Đức Giêsu như vị Vua Phục Sinh chiến thắng, nên  vào Tuần Thánh, người ta sẽ che phủ Thánh Giá và tượng ảnh thánh để che phủ sự lộng lẫy, giảm sự chia trí của tín hữu, để mọi người tập trung vào bàn thờ, nơi cử hành mầu nhiệm hy tế Thập Giá của Chúa Kitô.

Ngoài ra, nghi thức này cũng được coi là gắn liền với thực hành sám hối thời xa xưa. Khi ấy, các tội nhân sẽ không được vào trong nhà thờ cử hành phụng vụ với cộng đoàn, mà phải ở ngoài, và họ không thể nhìn thấy cung thánh, Thánh Giá và bàn thờ. Hình phạt ấy là một hình thức sám hối. Dần dần các tín hữu cũng muốn chung đồng cảm ấy, và cả cộng đoàn cùng “giữ chay giác quan” nghĩa là che phủ Thánh Giá và mọi tượng ảnh, để suy niệm về nỗi đau khổ của Chúa Kitô và chờ đợi lễ Phục Sinh.

Như vậy, việc che phủ Thánh Giá và tượng ảnh là một cách để nhắc nhở chúng ta đang trong một giai đoạn đặc biệt của phụng vụ. Khi bước vào nhà thờ, thấy mọi thứ được che phủ, chúng ta sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Chúng giúp tín hữu chú tâm hơn đến những lời được đọc, được xướng đáp trong thánh lễ. Nhờ đó, khi lắng nghe Bài Thương Khó, các giác quan của họ được khơi dậy, giúp họ tiếp nhận một cách sâu sắc từng câu từ đầy cảm xúc trong Tin Mừng, và thực sự hòa mình vào những khoảnh khắc thiêng liêng. Có thể nói rằng, thực hành che thánh giá và các ảnh tượng trong Mùa Chay thánh này của Giáo hội vẫn còn giá trị khơi dậy và nuôi dưỡng sự háo hức chờ đón đại lễ Phục Sinh của các tín hữu trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay và Tuần Thánh.

Tóm lại, việc che phủ Thánh giá và các ảnh tượng trong những tuần cuối Mùa Chay tuy không còn đòi buộc như một “tín điều”, nhưng nó vẫn được khuyên duy trì trong phụng vụ, nhất là từ Chúa Nhật V Mùa Chay (Chúa Nhật Thương Khó) hoặc ít là sau Lễ Tiệc Ly đến trước lễ Vọng Phục Sinh.

Vì vậy, dù không bắt buộc, các giáo xứ vẫn nên tiếp tục duy trì thói quen ý nghĩa này. Những tấm khăn phủ nên mang màu tím biểu trưng, và không cần thiết phải che Đàng Thánh giá hay các hình ảnh thánh trên cửa kính màu nhà thờ.

Thực hành này giúp các tín hữu như cảm thấy “đói và khát Thánh giá”, để dễ dàng tập trung vào các yếu tố cao trọng của công trình cứu độ của Chúa Kitô[3].

 

Lm. Phao-lô Nguyễn Khắc Trọng

Tổng hợp – Mùa Chay Năm Thánh 2025

[1]SLRM, tr.223; Bộ Phụng Tự, Thư luân lưu về việc Chuẩn bị và Cử hành đại lễ Phục Sinh, 1988, n.26

[2] SLRM, Ghi chú số 21, chữ đỏ Lễ Tiệc Ly

[3] Edward McNamara, “Covering of Crosses and Images in Lent” in ZENIT Daily Dispatch (ROME, 8 MARCH 2005)