Cúng mụ hay Rửa tội cho con đây?
“Là bé trai, tròn 4 cân, chúc mừng gia đình!”
Cả nhà mừng húm sau mấy tiếng đồng hồ thấp thỏm. Ông bà ngoại của thằng cu mới chào đời cứ rối rít cả lên. Chuyện, chỉ vì sự ra đời của nó mà đôi vợ chồng U40 được nhảy phắt lên cái tên “ông , bà”. Bà ngoại trẻ hăm hở đặt tên cúng cơm cho cháu. “ Chíp , chíp nhá!”. Chíp – cái tên nghe có vẻ rẻ rúng quá. Theo đúng phiên âm của từ “ cheap”( rẻ) trong tiếng anh à. Bà phẩy tay: “ Không bận gì hết, tên xấu xấu cho ma nó đỡ bắt”. Hóa ra vậy, các cụ nhà ta vẫn hay quan niệm thế. Chẳng thế mà hồi xửa xưa, tên của các cụ toàn là Tấm với Cám, Đục mí cả Trong… rồi lại đủ kiểu tên khác, mà ngày naybị lũ trẻ coi là “ quê một cục”. Ông ngoại nhìn thằng cháu cười rồi tậc cái lưỡi: “ Bà mày làm trưởng dòng Ba mà mê tín quá chừng!”. Bà chỉ cười huề.
Niềm vui như đẩy thời gian đi tăng tốc hơn. Thoắt cái, thành viên mới đã ghi dấu chân vào đại gia đình tròn một tháng. Để kỷ niệm ấn dấuđó, chú chó lớn trong đàn phải ngậm ngùi, ăng ẳng từ biệt mái ấm của mình. Ăn đầy tháng ở nhà con xong, hai ông bà tạm biệt thằng cháu yêu rồi về. Trên đường về, bà ngoại trẻ sực nhớ ra chuyện rồi lay chồng: “ Mà sắp cho thằng cu đi rửa tội đi chứ nhỉ, một tháng rồi”. Ông chồng với giọng nói ồm ồm:“ Bảo cái Dung nó rồi. Tháng tới cha xứ rửa tội cho mấy nhà đấy”. Bà ậm ừ: “ Thế à”.
Ngày hôm sau,
Reng… reng…
“Bố mẹ à… Chồng con không muốn cho cu Chíp rửa tội…” Giọng nói ngập ngừng của đứa con gái ông bà yêu quý từ đầu dây bên kia làm họ sững người…Nổ máy. Hai ông bà lập tức lấy xe lên nhà con mình. Con đường 15 cây số không dài nhưng đủ để hai con người này nghĩ suy về cái gọi là quá khứ.
Dung là đứa con gái đầu lòng và cũng là hoa trái đầu mùa của tình yêu vợ chồng trẻ nơi thôn quê. Một con bé đảm việc nhà, tháo vát việc nhà Chúa, nổi trội ở trường lớp. Sau 4 năm học Đại học nơi thủ đô nhộn nhịp, cô về nhà với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi và cùng với đó là Long – người mà ông bà đang gọi là con rể quý. Long là một người lương dân nhưng lại được lòng bố mẹ vợ ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Với khuôn mặt tuấn tú, sự lịch thiệp và lễ phép sẵn có của một gia đình gia giáo, ông bà dường như muốn gật gật cái đầu đồng ý ngay lập tức. Dẫu vậy, đâu đó vẫn có những lời ra tiếng vào: “ Cùng hội, cùng thuyền vẫn hơn…”. Thế nhưng, chỉ cho tới khi được nghe cái giọng “nhát gừng” rồi cho tới lúc bây giờ, là khi xe đang chuyển bánh chầm chậm theo dòng suy nghĩ, ông bà mới thấm thía cái câu nói “vào ra” hồi nào…
Phịch. Chiếc xe dream cũ như muốn nghiêng theo hướng đi nhanh vội của đôi ngoại trẻ. Chưa kịp uống xong ngụm nước thằng con rể rót, bà vào đề:
“ Sao… sao… sao…?”. Một câu hỏi lưng lửng như vừa rơi từ trên trời xuống cũng đủ làm ai nấy hiểu ra ý của người nói. Hai vợ chồng vội nhìn nhau rồi Long ngập ngừng:
“ Bố mẹ à, hay là không đưa cu Chíp đi Rửa tội bố mẹ nhé. Liệu như vậy…”
Nuốt ực cái cục “sao” trong cuống họng xuống, bà mẹ lại bắt lời, tranh phần cả ông chồng:
“ Nhưng sao lại thế? Thế là như thế nào?”
Long – vẫn là giọng nói từ tốn, điềm đạm như ngày đầu ra mắt, anh nói:
“ Bố mẹ à. Trước khi làm lễ cưới, con cũng đã được đi học Giáo lý. Con biết là một tôi thì không được thờ hai chủ. Nhưng bố mẹ biết, bố mẹ của con thì đã qua đời.Với nghĩa vụ là thằng con trai, con phải tiếp tục việc thắp hương cho tổ tiên, ông bà và bố mẹ. Con nghĩ, đấy là lẽ phải của đạo làm con, hợp tình với phong tục Việt Nam, hợp lý với đạo Chúa thôi. Thế nhưng, bố mẹ con ngày trước còn lập một bàn thờ Quan Âm. Thế là mỗi tháng con cũng phải thắp hương, thờ kính theo đúng như nguyện vọng của bố mẹ con ngày nào. Thực tình, con cũng không biết phải theo bên nào và phải làm như thế nào nữa. Thế nên, con không muốn cho con trai con rửa tội. Con không muốn nó cũng dở dang như con, cũng một thân mà thờ hai chủ như mình.”
Đôi ngoại trẻ mới ngoài 40 chỉ lặng nhìn mà nghe thằng con rể. Rồi lặng thinh. Không khí như trùng lại để hòa mình cho đúng vị của buổi nói chuyện gia đình. Lát sau, Long lên tiếng để phá đi cái không khí nặng nề:
“ Bố mẹ à. Con đã thề trước Chúa và mọi người là sẽ sinh con cái và giáo dục theo đúng tinh thần của đạo. Thôi thì con không dám quyết định mọi chuyện, con vẫn muốn ý của em Dung thế nào.”
Dung vội liếc chồng, ánh măt dụt dè nhìn khuôn mặt bố mẹ, giọng thỏ thẻ như nàng dâu mới:
“ Thì… hồi trước mình đã thề hứa như thế nào… Thì giờ mình cứ làm như vậy…”
Anh chồng đáp lời:
“ Thế nhưng, khi con mình được Rửa tội, sau khi lớn, em có thế đưa con đi lễ ngày Chủ nhật, đưa đi học Giáo lý được không. Nếu em không chu toàn những việc đó, em lại có lỗi, có tội với Chúa…”
Chị vợ chỉ lặng thinh, không nói lời gì. Cái im lặng vô duyên cứ tràn vào căn nhà vừa ảnh Chúa, vừa tượng Phật. Bên cạnh bức tranh mười điều răn của Chúa thì cũng là mười điều răn của Phật. Cạnh ngay cỗ tràng hạt Mân Côi là một chuỗi dây gỗ để đọc kinh Nam- mô Adi đà. Có lẽ ngày mà cu Chíp được Rửa tội thì cũng là ngày thằng cu được cúng Mụ chăng?
Tự nhiên, có cái gì đó mặn mặn, chan chát trên khuôn mặn sạm màu của ông bố. Ông chỉ ngồi nghe mà quặn lòng. Ông chồng vội lay nhẹ bà vợ đang đơ cái mặt rồi làm hiệu đi về.
“ Thôi, bố mẹ đi về.”
Ông thấy mình bất lực trước con cái. Cái ông có thể cho con cái mình chẳng phải là tiền bạc hay những lý lẽ sắc sảo về tôn giáo nhưng chỉ là niềm tin đơn sơ vào Chúa. Thế nhưng, niềm tin ấy lại chẳng đủ lời lẽ để giải thích cho con mình là cái gì tốt, cái nào dở. Lặng buồn, bà ngoại trẻ tựa đầu vào vai ông chồng, để rồi lại trút trên ông cái thở dài thườn thượn và ném vào tai ông câu nói mà ông cũng đang nghĩ trong đầu: “ Không biết khi mình chết, nó sẽ đọc kinh cầu nguyện hay là đốt vàng mã cho chúng ta đây?”.
Dust