Dấu ấn mục vụ năm 2020

DẤU ẤN MỤC VỤ NĂM 2020

Năm 2020 là năm đầy biến động bởi dịch viêm phổi do chủng mới Virus Corona gây ra. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những sinh hoạt của giáo hội khắp nơi trên thế giới cũng như tại giáo phận Bắc Ninh. Giãn cách xã hội làm cho các sinh hoạt chung bị tê liệt nhưng chính lúc ấy thật nhiều những sáng kiến mục vụ được đưa ra nhằm thích ứng với thực tại cuộc sống.

1.Sinh hoạt Đức tin giữa dịch bệnh

Dịch viêm phổi do Virus Corona chủng mới phát xuất từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã lan rộng ra thế giới trong đó có Việt Nam. Những bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam, từ Hồ Bắc trở về, phần đa là người đang sinh sống trên địa bàn giáo phận Bắc Ninh. Để phòng chống dịch bệnh, chính quyền đã quyết định phong tỏa xã Sơn Lôi (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) trong 20 ngày, trong đó có hai giáo họ là Ngọc Bảo và Bá Cầu.

Giữa lúc không ít người lo lắng hoang mang vì dịch bệnh nên sinh ra tâm lý bài xích, tẩy chay những người Bình Xuyên – Vĩnh Phúc, thì giáo phận Bắc Ninh đã cử một linh mục trẻ đi vào giữa tâm dịch để phục vụ bà con giáo dân cũng như giúp đỡ lương dân. Sự xuất hiện của cha Giuse Hoàng Trọng Hữu giữa lúc hàng vạn người bị phong tỏa cách ly là niềm an ủi, động viên mọi người vững tâm giữa lúc cuộc sống hoang mang, lo lắng đến cùng cực.

Khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan thiếu kiểm soát, chính phủ đã quyết định “cách ly xã hội” trong 15 ngày. Lệnh cấm này khiến cho những sinh hoạt Đức tin có tính cách cộng đồng bị biến động khiến cho nhiều tín hữu buồn sầu lo lắng vì không được đến nhà thờ, bị hạn chế gặp gỡ bạn hữu đồng đạo. Không khí trầm lắng, tĩnh mặc là tình trạng chung ở khắp các xứ họ trong giáo phận. Người Công giáo trải qua Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh chưa hề có tiền lệ trong lịch sử nhân loại.

2.Những sáng kiến mục vụ chưa từng có

Trong những ngày tháng lo lắng hoang mang vì sự bùng phát của dịch bệnh, lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội diễn trong cả nước, nhà thờ đóng cửa, giáo dân không thể tập trung cầu nguyện. Chính lúc ấy những sáng kiến mục vụ mới mẻ chưa từng có trong lịch sử giáo hội được khai sinh.

Thay vì đến nhà thờ cầu nguyện chung, các gia đình tụ họp nhau đọc kinh cầu nguyện, có nhiều nơi các gia đình luôn phiên thay nhau tới nhà thờ chầu Thánh Thể. Việc đọc kinh chung vì cuộc sống xô bồ tưởng như rơi vào quên lãng thì nay “nhờ có” dịch bệnh mà được tái sinh. Các cha cũng chủ động dâng nhiều thánh lễ mỗi ngày, thường xuyên túc trực để các tín hữu tới xin hiệp lễ riêng, thậm chí các cha còn kiệu Mình Thánh Chúa tới từng gia đình để cho mọi người được rước Chúa vào lòng.

Sự bùng phát dịch bệnh, làm cho mọi người xa cách nhau nhưng chính lúc ấy các phương tiện truyền thông hiện đại lại trở thành cầu nối thực thụ giúp các tín hữu đến gần với Chúa, đến gần với nhau hơn. Các thành viên trong gia đình trang phục nghiêm trang chỉnh tề, ngồi bên nhau dự lễ Online, thưa đáp rõ ràng, say sưa ca tụng Thiên Chúa. Xóm làng, xứ họ bỗng đâu rộn rã lên tiếng kinh cầu.

Chưa bao giờ giáo hội có một sức sống mãnh liệt đến vậy. Các tín hữu vững tin vào tình Chúa quan phòng, thêm yêu mến bí tích Hòa Giải, thêm khát khao bí tích Thánh Thể. Một giáo hội sống động đang vươn cành trổ lá giữa hoàn cảnh thực tại khô cằn, dịch bệnh. Điều đó càng chứng tỏ rằng, tất cả mọi sự là do Chúa, là của Chúa và thuộc về Chúa, chỉ khi con người thấy mình bé nhỏ mà vững tin vào Thiên Chúa quan phòng thì mọi sự sẽ trở nên dễ dàng, thiếu Thiên Chúa con người sẽ trở nên bất hạnh.

3.Hai linh mục kiên trung về với Chúa

Trong năm qua, giáo phận mất đi hai vị linh mục khả kính, là những người con đã gắn bó với giáo xứ Xuân Hòa truyền thống đạo hạnh. Cuộc đời của cả hai cha gắn liền với những thăng trầm, những khó khăn do thời cuộc chính sự nhiễu nhương. Những vượt lên trên tất cả, hai đấng vẫn luôn trung kiên theo Chúa và làm sáng danh Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cha Giuse Phạm Sĩ An sinh ngày 16 tháng 03 năm 1940 tại giáo xứ Phượng Mao trong một gia đình đạo đức. Năm lên 10 tuổi cậu Giuse An đã dâng mình cho Chúa và ở cùng với cha già Lộc. Năm 1955, cậu An được gửi tới tu học tại tiểu chủng viện Gioan Hà Nội, nhưng tới năm 1960 trường bị đóng cửa nên cậu An về Xuân Hòa ở cùng cha cố và thường xuyên đạp xe ra Hà Nội học hàm thụ cùng cha Phaolo Phạm Đình Tụng. Năm 1963, cha Tụng về làm giám mục coi sóc Bắc Ninh, thầy An tiếp tục chương trình hàm thụ và được Đức cha Tụng truyền chức linh mục âm thầm tại phòng nguyện U8 trong đêm 29 tháng 06. Kể từ đây, cuộc đời cha An bước sang một trang sử mới đầy sóng gió với 20 năm tập trung cải tạo, 22 năm sống âm thầm dưỡng bệnh và làm linh hướng cho cộng đoàn nữ Đaminh ở Xuân Hòa, 14 năm hưu dưỡng trị bệnh. Cha An được Chúa gọi về vào hồi 18 giờ ngày 16 tháng 2 năm 2020 (tức ngày 23 tháng Giêng năm Canh Tý), kết thúc hành trình 80 năm dương thế với 55 năm linh mục “âm thầm và ẩn dật”. Thánh lễ an táng cha An diễn ra lúc 9h00 sáng 21 tháng 02 năm 2020 và an táng tại nghĩa trang nhà xứ Chính Tòa.

Cũng giống như cha Giuse An, Cha Phêrô Nguyễn Trọng Quý cũng sống một đời linh mục gắn chặt với những biến cố lớn lao của thời cuộc. Cha Phêrô Quý sinh ngày 15 tháng 01 năm 1929 tại giáo họ Trại Đường – giáo xứ Xuân Hòa. Năm 1941, khi lên 12 tuổi cậu Quý được cha nghĩa phụ gửi tới tu học tại Tiểu chủng viện Anton Ninh Đạo Ngạn. Mười năm sau vào năm 1951, chú Quý được gửi tới tu học tại Đại chủng viện Thánh Albertô Nam Định. Với tư chất thông minh và tinh thần ham học hỏi, năm 1954 thầy Quý được chọn gửi sang học thần học tại chủng viện Rosary Hill ở Hồng Kông. Sau đó 2 năm (vào năm 1956), thầy Quý lại tiếp tục được bề trên giáo phận gửi sang tu học tại chủng viện Genova – Italia hoàn tất chương trình thần học. Nhằm đúng ngày lễ bổn mạng thánh Phêrô 29 tháng 06 năm 1958, thầy Phêrô Quý đã được truyền chức linh mục tại nước Ý. Ngay sau khi lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, cha Phêrô đã đến thành đô Rôma theo học chuyên ngành Thánh Nhạc từ năm 1958 đến năm 1963. Cũng trong thời gian này, cha Phêrô còn theo chương trình khoa bảng và đậu bằng tiến sĩ thần học vào năm 1967. Vì thế thời không thể trở về miền Bắc, năm 1968 cha cố Phêrô được gia đình giáo phận Long Xuyên đón nhận và được bổ nhiệm làm giáo sư thần học tại đại chủng viện  Xuân Bích, Vĩnh Long. Năm 1972, giáo phận Long Xuyên thành lập Đại chủng viện Thánh Tôma và cha Phêrô là giám đốc tiên khởi và duy nhất. Đầu năm 1975, cha Phêrô cùng với các cha giám đốc Đại chủng viện khác sang Rôma dự Đại hội Đại chủng viện thế giới với khát mong được gặp gỡ, chia sẻ và học hỏi. Kết thúc đại hội thì cũng vào thời điểm xảy ra biến cố 30 tháng 04, vậy là một lần nữa cha Phêrô Quý lại bị mắc kẹt nơi thành Rôma. Kể từ năm 1976, cha Phêrô giúp giáo xứ và linh hướng cho anh chị em giáo dân Việt nam tại Giáo phận Toulon, nước Pháp. Năm 1981, cha Phêrô được mời sang Tây Đức giúp xứ và làm linh hướng cho cộng đoàn giáo dân Việt Nam tại Tổng giáo phận Paderborn và Giáo phận Essen. Vào ngày 29 tháng 11 năm 1995,  sau 41 năm xa cách nhớ nhung, cha Phêrô lần đầu tiên được trở lại quê mẹ Kinh Bắc. Vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 11 tháng 09 năm 2020, cha Phêrô đã an bình về với Chúa tại thành phố Herne – Đức Quốc, khép lại cuộc hành trình dương gian đầy biến cố để tiến về quê hương Thiên quốc. Linh cữu cha Phêrô được đưa về quàn tại nhà thờ Bắc Ninh, thánh lễ an táng được Đức cha Giáo phận cử hành vào hồi 14h00 ngày 26 tháng 09 năm 2020. Sau thánh lễ, thi hài của ngài được an táng tại nghĩa trang nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh.

Như vậy trong năm qua, giáo phận Bắc Ninh đã mất đi hai cây đại thụ là những chứng nhân Tin mừng đích thực. Một linh mục làm chứng cho Chúa bằng sự âm thầm khiêm cung, một linh mục làm chứng cho Chúa bằng đời sống nhiệt thành phục vụ tha nhân trong mọi hoàn cảnh. Mặc dù trong hoàn cảnh dịch bệnh lan rộng nhưng tình Chúa quan phòng vẫn bảo vệ, chở che và sắp đặt để các ngài được trở về quê hương bản xứ an nghỉ trong lòng đất mẹ Kinh Bắc, bên cạnh những người anh em linh mục và giáo dân của miền Quan họ mến thương.

Cha Giuse Phạm Sĩ An

Cha Phêrô Nguyễn Trọng Quý

  1. Nhà thờ Ngọc Lâm và nhà thờ Thái Nguyênn được cung hiến

Ngày 17 tháng 01 năm 2013, cả giáo phận bàng hoàng, truyền thông loan tin khắp nơi, nhà thờ Ngọc Lâm đổ sập khi đang thi công phần mái khiến ba người chết và 70 người trong đó có một cha bị thương. Hoang mang, chán nản và dang dở là tâm trạng sau sự cố này. Nhưng vượt lên trên tất cả, gia đình giáo phận đã cùng với dân họ Ngọc Lâm lại bắt tay tiếp tục công trình của Chúa và niềm vui trở nên trọn vẹn khi ngôi thánh đường khang trang được hoàn thành và cung hiến cho Thiên Chúa vào ngày vào ngày 21 tháng 10 năm 2020 với tước hiệu Đức Mẹ Lên Trời.

            Trong năm vừa qua, nhiều xứ họ, giáo điểm đã hoàn tất việc xây dựng nơi thờ tự xứng hợp để làm nơi giáo dân đến gặp gỡ Chúa và cùng nhau tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh, lần hạt Mân Côi… Từ những nhà nguyện bé nhỏ xinh xắn như nhà nguyện Thanh Hoa thuộc giáo xứ Nỷ, nhà nguyện Xóm Luông ở giáo điểm truyền giáo Hích, nhà nguyện Mỹ An ở giáo điểm truyền giáo Chũ, nhà nguyện Coóng Lẹng của giáo xứ Tiểu Lễ, nhà nguyện Nam Thái ở giáo xứ Phú Cường, đến những nhà thờ rộng rãi khang trang như nhà thờ Huống Trung thuộc giáo xứ Ngọc Lâm hay nhà thờ Thủy Đương ở giáo xứ Vân Cương.

 Cũng vậy nhà thờ Thái Nguyên, một trong những ngôi nhà thờ lớn nhất trong giáo phận được khởi công xây dựng ngày 15 tháng 10 năm 2015. Sau  5 năm xây dựng, nhà thờ đã hoàn thành và được cung hiến vào ngày 8 tháng 12 vừa qua với tước hiệu Đức Mẹ Ban Ơn.

            Trong thời gian tới ngôi nhà thờ đầu tiên ở miền sơn cước Bắc Kạn, nhà thờ Nà Phặc, sẽ được cung hiến sau dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Với lòng biết ơn chân thành đối với quý ân nhân thuộc mọi thành phần trong và ngoài Giáo phận, chúng ta “nguyện xin Chúa trả công bội hậu những ai đã làm phúc cho chúng ta” như chúng ta vẫn đọc trong các buổi cầu nguyện.

Ban Truyền Thông (T/H)