Đôi nét về gương sống Đức Tin của các thánh tử đạo Bắc Ninh
Nhìn lại lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam bị cấm và bị bách hại trên 200 năm, ta thấy số tín hữu bị bách hại qua các triều đại: vua Lê, chúa Trịnh, Cảnh Thịnh và triều Nguyễn (Minh Mệnh, Thiều Trị, Tự Đức) thì nhiều vô kể, không ai thống kê nổi[1]. Các vua chúa giai đoạn nói trên, đặc biệt là các vua quan như Minh Mệnh, Thiều Trị, Tự Đức đã nhằm “triệt hạ tận gốc đạo Công Giáo”[2]. Một cuộc tru diệt đạo Công Giáo của những kẻ nắm quyền lựcđứng đầu đất nước là giới vua quan “khát máu”[3]. Họ triệt hạ tín hữu Công Giáo không chút vũ khí tự vệ cách vô cùng dã man chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Các tín hữu Công Giáo thời Minh Mệnh, Thiều Trị, Tự Đức bị xử tử cách không khoan nhượng, lệnh của vua: “không cần xét xử, hãy lấy gươm, búa, giáo, tất cả những gì có trong tay mà tiêu diệt.”[4] Nhưng nhờ ơn Chúa: Giáo hội Việt Nam vẫn đứng vững, số tín hữu vẫn gia tăng, rất nhiều chứng nhân đức tin đã anh dũng tử đạo. Giáo hội Việt Nam đã được tôn phong 117 vị thánh, trong đó có 12 vị thánh tử đạo Bắc Ninh. Các vị thánh tử đạo của giáo phận Bắc Ninh từng là những tín hữu đã sống đạo cách sống động và chết vì đạo cách hân hoan. Các ngài kết hợp với ơn Chúa, đồng thời thực hiện lời Chúa dạy trong đời sống của mình và loan báo Tin Mừng của Chúa cho người xung quanh. Sau cùng các ngài đổ máu đào làm chứng cho Chúa qua cái chết của mình cách anh dũng.
Dưới đây xin sơ lược đôi nét về bối cảnh văn hóa và những khó khăn thời kỳ Nhà Nguyễn mà các vị tử đạo Bắc Ninh đã phải đương đầu. Đồng thời tìm hiểu cuộc “lội ngược dòng” của các ngài xưa kia để sống đức tin vào Chúa mà giữ chữ “trung” với đất nước, giữ chữ “hiếu” với tiền nhân tiên tổ, giữ chữ “tình” với quê hương làng xóm như thế nào?
- Những ác tâm và thiển ý của vua chúa thời các Thánh tử đạo Bắc Ninh:
Bối cảnh xã hội Việt Nam vào giai đoạn thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, dưới chế độ quân chủ[5] Nhà Nguyễn – một thể chế hình thức chính quyền cứng nhắc và lập dị từ một phía theo kiểu Tống Nho: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung…” (vua sai bảo bầy tôi chết, bầy tôi phải chết, nếu bầy tôi không chết thì bất trung)… Vua thì coi mình là Thiên tử, “là con trời” nên không thể sai lầm trong mọi phán quyết, cấm cách và bách hại thần dân. Đặc biệt đối với những ai vua không ưa, những ai không tuyệt đối vâng theo vua thì vua trừ khử hết. Thế nên ”những vụ hành quyết người thân tộc, tàn sát những công thần đã vào sinh ra tử hoặc phá hại lăng mộ của họ, những vụ trả thù hèn hạ với nhà Tây Sơn[6]… cho thấy họ cai trị dân theo con đường bá đạo.”[7] Việc Nhà Nguyễn xây thành, đào hào, quy định cách ăn mặc[8], độc tôn Tống Nho, chủ trương “tứ bất”[9] và giặc giã loạn lạc nổi lên khắp nơi[10], vv… tất cả cho thấy ngai vàng của họ thiếu vững chắc. Nói về tình trạng bất ổn của Nhà Nguyễn nhiều nhà nghiên cứu Sử, chẳng hạn Đinh Đồng Phương viết trong cuốn Giáo Phận Bắc Ninh như sau:
“Từ thời Minh Mệnh, khắp trong Nam ngoài Bắc, loạn lạc giặc giã nổi lên khắp nơi. Đến khi Tự Đức lên ngôi năm 1847, giặc giã lại càng dữ dội hơn. Bên ngoài thì quân Pháp tấn công, bên trong thì đám người khởi nghĩa bùng lên ở khắp các tỉnh…”[11]
Mặc dù lúc đó:
“Nhà Nguyễn đã thống nhất được đất nước, nhưng không có khả năng an dân vì những quyết sách dã man. Trong khi thế giới đã đổi thay mà họ cứ mải mê trong lò luyện Tống Nho, mù quáng trước những lời thỉnh cầu cải tổ của đất nước.”[12]
Nhà Nguyễn mải mê biến Nho giáo thành công cụ quyền lực cho mình mà quên đi lợi ích cho dân cho nước. Than thở về điều này Sử gia TrầnTrọng Kim đã viết:
“Nước ta từ xưa đến nay, điều gì cũng theo Nho giáo… Lúc trong nước mình từ vua quan cho chí dân sự, ai ai cũng lấy cái lý tưởng ấy làm phải, làm hay, mà lại thấy có người bỏ đi theo đạo khác… thì tất cho là theo tả đạo, làm hư hỏng phong tục mình…”[13].
Đối với người Công Giáo, vua cũng cậy thế “con trời” mà cấm đạo và bách hại tín hữu một cách mê lầm. Ông hoàng Tự Đức là vị vua thứ 4 trong triều đình nhà Nguyễn. Ông đã trải qua nhiều những tiếp xúc với giới Công Giáo, liên quan đến nhiều sắc chỉ cấm đạo của mấy thế hệ cha anh trước ông, vậy mà ông vẫn nghĩ lệch lạc về đạo Công Giáo như họ rằng: “Đạo móc mắt người chết làm thứ thuốc mê hoặc dân chúng”[14]. Ông coi đạo Công giáo không những là “Tả Ðạo” mà còn tệ hại như một “một dịch tễ”[15]. Vì thế, theo ông Đạo phải bị cấm là đúng, nhưng ông cấm lại không được, giết mãi không xong. Nói như Trần Trọng Kim: “cấm mà không được thì tất là phải giết, mà khi cấm và giết như vậy vẫn tưởng mình làm bổn phận làm vua của mình, chớ có biết đâu là mình làm sự thiệt hại cho đất nước…”[16] Các tín hữu Công Giáo thời này đều bị coi là kẻ phản quốc, bị Nhà Nguyễn vu khống đủ điều: “theo Đạo Hoa Lang[17] là đạo hủy hoại quốc gia”, “Đạo Tây phương là một tà đạo, vì ai theo đạo ấy không phụng thờ tổ tiên, lại móc mắt người sắp chết làm bùa ngải... ”[18], “Chúng lập nhà riêng nhà giảng, tụ tập nhiều người cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm…”[19] “Trong khi cử hành hôn phối, đạo trưởng bắt làm những điều tồi bại,”[20] “Đạo Hoa Lang lầm lạc, nghịch lại lý trí, mê hoặc lòng dân và còn truyền bá sai lầm.” “Đạo Gia-tô[21] lừa dối ngu dân, dạy chúng biết có thiên đàng, hỏa ngục. Chúng không thờ Phật, không thờ cúng ông bà, thật là quân vô đạo.”[22] “Tất cả lý thuyết sai lầm của đạo Gia Tô đều đi ngược với lý trí và nguy hại cho thuần phong mỹ tục.”[23] vv… Trên đây là sơ lược vài điều các vua quan độc ác mù quáng đã chụp lên đầu người tín hữu Công Giáo. Họ thực hiện những quyết sách dã man để loại trừ tín hữu Công Giáo không nương tay.
Đối với các Thánh tử đạo Bắc Ninh, mặc dù các ngài sống trong một chế độ vua quan độc ác và đầy nhiễu nhương như đã nói ở trên, nhưng các ngài vẫn giữ luật vua phép nước một cách có suy nghĩ, có lựa chọn. Bản tấu của một vị quan lớn có thế giá trong triều đình Nhà Nguyễn là Nguyễn Đăng Giai dâng vua Tự Đức tấu trình rằng: “… họ sống bằng lòng với tình trạng giầu nghèo của họ, họ đóng thuế rất sòng phẳng, không có trộm cướp hay làm loạn, sáng chiều họ đọc kinh…” Nguyễn Đăng Giai là vị quan danh tiếng, ông từng chinh chiến và trấn thủ nhiều thành trọng yếu của Nhà Nguyễn, có lẽ ông đã tiếp xúc nhiều với tín hữu Công Giáo ở nhiều nơi nên ông biết họ sống đạo nên ông báo cáo triều đình như vậy. Các vị tử đạo của Bắc Ninh là những tín hữu tuân giữ những luật lệ hợp lý để phục vụ cho lợi ích con người và đất nước[24]. Các ngài cực lực phản đối điều nghịch lẽ đạo, điều trái với lương tâm mình. Đồng thời các ngài luôn coi vua như một người cha trong một đất nước, coi mọi người đều là con trong đại gia đình dân tộc Việt, dân tộc này có Thiên Chúa làm chủ. Các ngài luôn ý thức: “Đạo trước hết dạy thờ kính Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên mọi loài, sau đến vua cai trị đất nước và cuối cùng là cha mẹ.” Nên các ngài đều coi việc tôn thờ một Đức Chúa Trời cùng kính mến Người trên hết mọi sự, yêu mọi người như chính mình là lẽ sống quan trọng của mình. Khi mỗi người sống đúng với đạo lý làm người như thế, thì dân tộc này mới có thể là một dân tộc phát triển đầy đủ các phương diện. Cổ nhân cũng từng nói:“Con người lý tưởng là con người hoàn toàn bắt chước theo Đạo”.
- “Gieo trong nước mắt, gặt trong hân hoan”:
Trong một xã hội phong kiến có những ông vua độc ác như Nê-rô bạo chúa thù ghét đạo Công Giáo, thì việc sống đạo và giữ được đức tin khó khăn và nguy hiểm biết chừng nào. Vua Minh Mệnh từng nói: “Trẫm cấm và bắt bớ đạo cho tới khi diệt tận gốc dễ”[25], hay như vua Tự Đức tuyên bố tiêu diệt đạo Công giáo đến cùng: “Trẫm quyết sẽ tiêu diệt cho bằng hết”, “đặt người Công Giáo vào đường cùng”[26]…, do đó việc sống và tuyên xưng đức tin của tín hữu Công Giáo thời này quả là quá nhiều khó khăn thách đố. Nhưng ta thấy trọng tâm việc tuyên xưng đức tin của các vị tử đạo Bắc Ninh không bao giờ lệ thuộc vào chuyện nhằm thắng bại bằng đao kiếm-tranh đấu-ẩu đả để tuyên xưng đức tin. Trọng tâm việc tuyên xưng đức tin của các ngài cũng ít khi lệ thuộc vào những lý luận dài dòng, hay chủ trương nhằm thắng bại trong việc tranh luận giáo lý. Các ngài cũng không nhằm trình bày những bài thần học rườm rà cao xa. Nhưng chỉ thể hiện ý chí sắt đá qua hành động can trường không chịu bước qua Thánh Giá dưới mọi hình thức: “chúng tôi không quá khóa”. Nhiều khi việc từ chối bước qua Thánh Giá của các ngài còn rất mạnh mẽ: “cho dù phải chết, chúng tôi cũng không quá khóa.”[27] Các ngài cũng rất cảnh giác với những hành động chối Chúa tương tự khác. Thí dụ việc quan Tuần phủ Hải Dương vốn có lòng nhân hậu và yêu quý cha Đỗ Yến. Ông tìm các tha cha Đỗ Yến nên xin cha: “tự nhận mình là lang y để được phóng thích”, cha Đỗ Yến không đồng ý. Quan “truyền vẽ một vòng tròn xung quanh chỗ cha Yến đứng, rồi bảo cha bước qua để được tha chết,”[28] cha không bước. Cha coi các hình thức này là hành động để chối Chúa và cha không chấp nhận làm theo ý quan. Nơi khác các quan cũng nói với thày Úy: “ta chỉ yêu cầu anh bước qua một khúc gỗ thôi mà”[29]. Hoặc như quan tỉnh Bắc Ninh nói với thầy Mậu thầy Úy anh Đệ anh Mới và anh Vinh trước khi xử: “chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha.” Hay “chỉ cần đi vòng quanh tượng ta cũng tha.“[30] Vv… Các vị tử đao Bắc Ninh không những đã tỉnh thức né tránh những hành động chối Chúa núp dưới các hình thức, mà còn can trường cam chịu mọi cực hình dã man khủng khiếp vượt quá sức chịu đựng của con người như: xử trảm (tức chém đầu), xử giảo (tức bị tròng dây vào cổ và cho lý hình kéo hai đầu dây xiết chặt cho đến chết), hay bị chôn sống (100 Đầu Mục[31]) vì Đạo Chúa. Mặc dầu các chứng nhân của Bắc Ninh bị vua quan xử tệ như vậy, nhưng các ngài vẫn bình thản tự tin, một niềm tín thác vào Thiên Chúa cách can trường qua cái chết của mình. Các chứng nhân của Bắc Ninh đứng trước những lưỡi gươm, trước những tròng dây xiết cổ của bính lính mà trên môi luôn nở nụ cười hân hoan vì được nên giống Chúa Giêsu tử nạn để được “Phúc Trường Sinh” với Chúa. Các ngài không ngớt lời ca ngợi Chúa trên môi: “Ngày hôm nay Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một đặc ân, xin muôn đời ngợi khen Ngài, và riêng tôi, tôi xin ngợi khen Ngài hết lòng hết trí khôn tôi.”[32]
- Các vị tử đạo Bắc Ninh sống chữ “trung”:
Trước hết, “trung” là một khái niệm mang tính đạo đức trong Nho giáo cổ xưa, khái niệm này thường được dùng để chỉ hành động hết lòng với vua. Theo đó khái niệm “trung quân” xuất hiện khi một ông vua vì quyền lợi của dân tộc và có những người theo vua để phục vụ cho quyền lợi này. Do đó trung với vua là đồng thời trung với nước, trung với lợi ích của dân tộc. Trong mối quan hệ Quân/Thần (vua/tôi): Khổng Tử[33] đã nhận thấy mỗi bên đều phải có trách nhiệm với nhau, đều phải có cách đối xử cần thiết, và cách đối xử của bên này là điều kiện để bên kia có cách đối xử tương ứng. Ông nói “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung”: tức vua sai khiến bề tôi thì dùng lễ, bề tôi phụng sự nhà vua thì giữ lòng trung. Khổng Tử không chủ trương “ngu trung[34]” theo kiểu Tống Nho, tức là không bắt bề tôi phải phục tùng vua một cách vô điều kiện như quan niệm về chữ “trung” trong thời thượng tôn Tống Nho của Nhà Nguyễn sau này. Hơn thế, Mạnh Tử cho rằng “trung” không phải là tuyệt đối theo kiểu “ngu trung”, mà ông còn chỉ cho bề tôi cách ứng xử rõ ràng dứt khoát: “lễ mạo suy, tắc khử chi“. Có nghĩa là khi vua đối xử với bề tôi thiếu lễ độ, thì nên bỏ đi ngay. Cũng có thể hiểu đơn giản: khi vua không ra vua thì thần dân không nhất thiết phải trung. Đó là mấy quan niệm về chữ “trung” trong lẽ sống của cổ nhân xưa.
Ở chế độ phong kiến thời Nhà Nguyễn, nội dung của “trung” đã khác. Lúc này chữ “trung” được Nhà Nguyễn thay đổi theo kiểu “ngu trung” để làm công cụ củng cố quyền lực cho họ. Họ bắt dân phải phục tùng vua một cách vô điều kiện lập dị theo kiểu “ngu trung” đã nói trên. Họ cai trị theo kiểu một thể chế chính quyền cứng nhắc và lập dị từ một phía. Họ hành quyết và tàn sát cả những người họ không ưa. Đặc biệt với tín hữu Công Giáo thì Nhà Nguyễn tàn sát rất dã man. Họ nhằm loại bỏ cả Đạo và những ai theo Đạo này trong mọi trường hợp.
Thời vua Tự Đức khi đất nước đang bị giặc Pháp xâm lược, nhiều tín hữu Công Giáo muốn đi đánh giặc để giữ nước nhưng vua không cho. Chẳng hạn: năm 1858 đến 1859 khi quân Pháp tiến vào Đà Nẵng, lúc đó giới Công Giáo tình nguyện đi bảo vệ non sông đất nước rất đông, nhưng “vua Tự Đức đòi họ: muốn tham chiến thì phải bỏ Đạo trước đã!”[35] Ngay cả các binh sĩ là người Công Giáo đang trong quân ngũ cũng bị xử rất tệ, vua lệnh rằng: “Binh sĩ Công Giáo không đạp ảnh Thánh Giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả Ðạo và bị đầy chung thân” (x. Sắc lệnh tháng 12/1859). Trong tiểu sử của 117 vị thánh tử đạo Việt Nam cũng có những vị là binh sĩ đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Ki-tô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ!”[36] Ở tỉnh Bắc Ninh người Công Giáo còn bị xử tệ hơn nữa, Tổng đốc Nguyễn Văn Phong dựa vào lệnh của vua mà “chơi luật rừng” với các binh sĩ người Công Giáo, ngày 04/4/1862 ông xử trảm luôn 31 vị binh sĩ[37] (trong số 100 vị Đầu mục) tại Cổng Tả.
Mặc dầu sống trong một đất nước có những ông vua độc ác như thế, nhưng trong tiểu sử của các vị tử đạo Bắc Ninh không hề có một vị nào chối bỏ dân tộc, chối bỏ quê hương đồng bào mình. Các ngài đều là những người yêu dân tộc và trung thành với dân với nước ngay cả khi phải chết. Là con dân của đất nước, các ngài luôn sẵn sàng thi hành mọi nghĩa vụ, thuế khóa, gia nhập quân ngũ… cho đất nước. Khi vua cấm Đạo có nhiều tín hữu đang tận tình phục vụ trong quân ngũ nhưng vẫn bị bắt, bị xử tử. Các tín hữu thời này có là binh sĩ, quan lại, hay là thường dân chăng nữa, thì “vua bảo chết là phải chết”. Nhưng điều tuyệt vời ở các vị tử đạo của Bắc Ninh là các ngài nhất quyết không bước qua Thánh giá, không chối bỏ Chúa, chẳng hạn 31 vị binh sĩ trong số 100 Đầu Mục chịu chết tại Cổng Tả thành Bắc Ninh ngày 4/4/1862 cũng là một thí dụ.[38] Không chỉ vậy, ngay trong lao tù các ngài vẫn luôn cầu nguyện cho vua quan và đồng bào mình được bình an và thịnh vượng. Chẳng hạn Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh đang khi bị giam cầm xiềng xích, nhưng ngài vẫn cầu nguyện liên lỉ rằng: “cầu Chúa Giêsu cho các vua quan trị nước được bằng yên và càng ngày càng thịnh.”[39] Lời cầu nguyện của Cụ Cảnh vì lòng yêu nước thương nòi vang lên trong lúc thân cụ đang mang gông cùm xiềng xích đã làm cho “các quan ngạc nhiên và phá lên cười”[40] vì không thể ngờ nổi lòng yêu nước thương nòi nơi cụ. “Quan không thể hiểu tại sao cụ Cảnh có thể cầu nguyện cho những vua khát máu như Minh Mệnh, người đã tàn ác giết chết bao nhiêu người Công Giáo.”[41]vv… Trong lúc máu sắp chảy, đầu sắp rơi mà lòng các ngài chẳng chút phôi pha lòng yêu nước thương nòi, đúng là “không có vị tử đạo nào phản bội tổ quốc, chỉ có các vua quan thiển cận ngược đãi và kết án các ngài.”[42]
Xã hội cổ của Việt Nam phần nào được xây dựng trên ba mối liên hệ căn bản gọi là “Tam cương[43]”: Quân/Thần, Phu/Phụ, Phụ/Tử. Đối với liên hệ Quân/Thần có thể được hiểu là mối liên hệ giữa Nước và Dân, vì trong chế độ quân chủ thì vua đại diện cho Nước. Còn hai liên hệ Phu/Phụ (chồng/vợ) và Phụ/Tử (cha mẹ/con cái) là những liên hệ gia đình. Xét như vậy thì liên hệ Quân/Thần cũng thuộc luân lý gia đình, vì coi Nước là một Đại Gia Đình thì trong đó vua quan được coi là “dân chi phụ mẫu” – tức vua là cha là mẹ của dân. Do đó, với lòng quý trọng vua coi như là chữ Hiếu này được xem như Đạo Hiếu, chứ vua không thể được coi là Trời, là Thiên Chúa được.
Các Thánh tử đạo Bắc Ninh là những con dân trong thời đó dù phải đối diện với cái chết, nhưng các ngài vẫn phân định trên dưới: đâu là “trung” và đâu là “hiếu” rất rõ ràng. Cha Phêrô Tự đã từng trả lời quan tòa: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ.”[44] Tức tôn thờ Thiên Chúa là trên hết, thứ đến phục tùng vua, sau đó là hiếu nghĩa với cha mẹ. Các ngài cũng “không thể nghe cha ruột để hại vua, cũng không thể vì vua mà phạm đến Thiên Chúa.“[45] Lòng trung tín với Chúa được các vị tử đạo xác quyết cách chắc chắn, và nếu cần thì các ngài sẵn sàng trả giá bằng mạng sống. Lời thầy Mậu thay mặt 5 anh em nói trước quan tòa: “Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là Cha chung muôn loài, là Vua trên hết các vua, là Đấng chúng tôi mong đổ máu ra để chứng tỏ lòng trung thành và yêu mến.”[46]
- Các vị tử đạo Bắc Ninh sống chữ “hiếu”:
Chữ ”hiếu” trong tâm thức người Việt: ta thấy người Việt thường dạy con cháu giữ việc tôn kính tổ tiên rất hay. Đạo Hiếu này rất gần với đạo lý trong Kinh Thánh:
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.”
… …
“Thờ cha kính mẹ hết lòng,
Ấy là chữ Hiếu, dạy trong luân thường
Thảo thơm, sau trước nhịn nhường,
Nhường anh nhường chị, lẫn nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ, lấy nền con em.”
… …
“Dạy con, con nhớ lấy lời,
Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên.”
… …
”Chữ rằng: hiếu hạnh vi tiên
Làm con phải nhớ tổ tiên ông bà
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” … (Ca dao).
Tổ tiên ai cũng phải thờ, vì ngoài Trời ra thì tổ tiên là hạng nhất. Từ vua quan đến lê thứ, ai ai cũng phải kính sợ tổ tiên” (Trần Trọng Kim).
Đạo hiếu trong Kinh Thánh: Điều Răn thứ Bốn của đạo Công Giáo dạy “Thảo kính cha mẹ” đó là một đạo hiếu mà Kinh Thánh Cựu Ước đã nói nhiều: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, để được sống lâu và để hạnh phúc trên đất nước mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi đã ban cho ngươi” (Đnl 5, 16), hay như “Ai thờ cha thì đền bù tội lỗi, ai kính mẹ thì tích trữ kho tàng… ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho cha mẹ an lòng”…(x. Huấn Ca 2-6). Đặc biệt trong Tân Ước: Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Thiên Chúa phán: ngươi hãy thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử” (Mt 15, 4). Thánh Phaolô cũng coi thảo kính cha mẹ là lệnh truyền thứ nhất trong đạo hiếu, ngài từng viết khi dạy tín hữu Ephêsô: ”Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ” (6, 1), vv…
Cuộc đối kháng văn hóa Đông – Tây và những đụng chạm: ở giai đoạn từ khoảng năm 1625 đến 1742 bên Trung Hoa nổ ra “cuộc tranh luận về Lễ nghi Trung Hoa”[47] gay gắt và kéo dài gần hai thế kỷ, bởi những khác biệt về văn hóa và phong tục địa phương giữa các các thừa sai phương Tây và cư dân bản địa Trung Hoa – Á Đông[48]. Đọc giai thoại về cuộc “tranh luận Lễ nghi bên Trung Hoa” trong sử sách, ta đều thấy nét chính yếu nơi các thừa sai thời bấy giờ là: “không hiểu văn hóa bản địa Trung Hoa cho đủ – nhìn nhận không đúng, giải quyết không đúng”[49] nên vội vàng kết án nghi thức kính nhớ tổ tiên và một số tập tục văn hóa Trung Hoa là sai lạc với đức tin. Linh mục Nguyễn Thế Thoại còn cho rằng cuộc “tranh luận về Lễ nghi Trung Hoa thực chất là một cuộc đối kháng văn hóa Đông – Tây”[50] chứ không phải cuộc khẳng định đạo Công Giáo bỏ thờ kính ông bà tổ tiên. Cuộc “đối kháng văn hóa Đông – Tây” đó đã gây nhiều hiểu lầm, gây nhiều đụng chạm đến phong tục tập quán văn hóa Trung Hoa và lan rộng vùng Á Đông, gây ra những hiểu sai lệch về giáo lý đạo Công Giáo về việc tôn kính ông bà tổ tiên (Đạo Hiếu) ở vùng Á Đông này[51]. Phần nào bị ảnh hưởng từ những “nhìn nhận không đúng”[52] này, nên phía Giáo hội Công Giáo ban đầu cũng có những hiểu lầm về phong tục thờ kính ông bà tổ tiên trong văn hóa bản địa Trung Hoa. Nhưng rồi Giáo hội cũng nhận ra những giá trị tốt về tôn kính tiền nhân trong các “lễ nghi thuộc hành vi dân sự” này. Giáo Hội đã nhiều lần lên tiếng ngăn chặn để hạn chế đụng chạm, hạn chế những đối kháng không đáng có. Chảng hạn:
”Nghe việc tôn kính tiền nhân là hợp lý, ngày 23-3-1656 Đức giáo hoàng Alexander VII (1655-1667) đã ký sắc lệnh chuẩn thuận những nghi thức mà ngài coi như tập tục dân sự Trung Hoa, kể cả việc tôn kinh Khổng Tử và tổ tiên… Tiếp theo, năm 1659 Bộ Truyền giáo còn ra “huấn thị sử dụng cho các đại diện tông tòa đi các nước Trung Hoa, Tonkin và Cochinchine (Trung Hoa, Bắc và Nam Việt Nam) trong đó có ghi lời căn dặn này: “Đừng dùng nhiệt tâm nào, đừng xức tiến luận chứng nào để bắt những dân này thay đổi những nghi lễ, những lề thói và những phong tục của họ, ít nữa khi nó không hiển nhiên ngược với đạo và luân lý. Còn gì chướng hơn khi mang một nước Pháp, Tây Ban Nha, Italia, hoặc một xứ Âu Châu nào vào chỗ người Trung Hoa? Đừng đưa một xứ nào của chúng ta vào xứ họ, nhưng hãy mang đức tin vào, đức tin này không ruồng bỏ, cũng không đả thương các nghi lễ hoặc thói quen của dân tộc nào – miễn chúng không ghê tởm – trái lại, đức tin muốn người ta cứ giữ, cứ bảo vệ những phong tục đó…”[53]
Các vị tử đạo Bắc Ninh sống chữ ”hiếu” thế nào? Ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIX, Nhà Nguyễn với mục đích bài trừ tận gốc đạo Công Giáo, nên triều đình Nhà Nguyễn đã mượn cớ những chuyện lêch lạc từ “cuộc tranh luận về Lễ nghi Trung Hoa” là đạo Công Giáo cấm không cho thờ cúng ông bà tổ tiên như đã nói ở trên mà chụp mũ người Công Giáo nhằm bách hại tín hữu Công Giáo cách dã man. Nhưng không vì thế mà các vị tử đạo Bắc Ninh nản lòng. Các vị tử đạo của Bắc Ninh phần lớn là người Á Đông, các ngài là những tín hữu ngoan đạo, các ngài rất coi trọng chữ ”hiếu” của người Á Đông, các ngài giữ đạo hiếu và tôn kính tiền nhân theo cách đạo Công Giáo đã dạy. Thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự từng nói với quan:
“Khi cha mẹ tôi còn sống tôi rất mực trọng kính các người, tôi lo lắng và săn sóc chu đáo, nhưng khi các ngài chết, các ngài không còn ăn uống nữa vì linh hồn là thiêng liêng không cần gì nữa. Cha mẹ của quan đã mất, mà quan vẫn còn thờ cúng chuối oản như là các ngài còn sống, nếu các ngài ăn được, các ngài đã dùng rồi. Còn như vàng bạc tiền nong gửi cho họ bằng cách đốt đi, nếu giả như họ dùng được tại sao quan lại không đốt vàng thật hay tiền thật? Làm vậy không phải là một trò diễu cợt người chết ư?”[54]
Là tín hữu Công Giáo, các vị tử đạo của Bắc Ninh coi việc tôn kính ông bà tổ tiên là việc cần thiết của mọi thế hệ hậu sinh. Các ngài thấy đó là bổn phận của mọi người, không miễn trừ ai.
Thời Nhà Nguyễn cấm đạo gắt gao, có lẽ một số vị thánh của giáo phận cũng chưa được nhiều về thần học, chưa được học kỹ về Giáo lý lắm. Giả thiết rằng: nếu như Mười Điều Răn trong Giới Luật của Chúa là bài học căn bản, thì kiến thức về đạo hiếu về việc tôn kính tổ tiên của các ngài ở “Điều Răn Thứ Bốn: Thảo Kính Cha Mẹ” là rất có thể. Nhưng ta thấy đó, với đức tin đơn sơ các ngài khai triển giáo lý để áp dụng vào cuộc sống lại tuyệt vời. Các ngài không chỉ giữ chữ “hiếu” qua việc qua việc chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, cầu nguyện cho cha mẹ khi đã qua đời. Đặc biệt, các ngài còn giữ chữ “hiếu” qua việc vâng giữ điều cha mẹ dạy phải giữ đạo Chúa mà cha ông đã truyền lại cho nên: “Nếu tôi cả gan bước lên Thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với cha mẹ. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết.”[55] Các ngài coi việc phản bội đức tin không những là phản bội Chúa, mà còn là phản bội cả cha mẹ nữa. Vì các ngài là người đã vun trồng niềm tin cho mình, nên hành động bước lên thánh giá để chối Chúa thì cũng đồng nghã là “bất hiếu với cha mẹ” luôn, là chối bỏ lời dạy của cha mẹ luôn. “Cá không ăn muối cá ươn, con không vâng lời cha mẹ trăm đường con hư”, tục ngữ nói thế.
- Các thánh sống chữ “tình” nơi gia đình và xóm làng:
Những hình ảnh nơi quê hương xóm làng của các vị tử đạo Bắc Ninh: cây đa, bến nước, con đò, dòng sông hiền hòa trôi êm ả, những đàn chim chiều chiều về ríu rít trên lưng những con trâu, ríu rít trên những bờ tre xanh ven làng… tất cả đã quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của các ngài. Tất cả những hình ảnh đó đã in đậm nơi tâm trí các ngài. Cũng từ nơi đây, lời Tin Mừng của Chúa đã vang vọng tới các ngài: “Ta bảo thật các con, đừng lo lắng về đời sống của mình” …, “hãy nhìn chim chóc trên trời”…, “hãy xem hoa huệ ngoài đồng… Các ngài nhìn sự quan phòng của Thiên Chúa cho bông huệ mọc ngoài đồng có vẻ đẹp hơn cả áo vua Sa-lô-môn. Các ngài thấy chim sẻ ngoài đồng chúng chẳng phải gieo phải gặt, mà Chúa vẫn ban cho có cuộc sống đầy đủ và thảnh thơi bay lượn đẹp đẽ. ”Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” Câu hỏi tu từ của Lời Chúa này đã làm cho các ngài biết và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho các ngài sống động biết bao. Cũng từ lời mời gọi ấy, Chúa Giêsu đã làm cho các ngài biết thêm ý nghĩa mới cao đẹp hơn, mời gọi các ngài đi vào hạnh phúc siêu việt hơn đó là: “các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người!”.
Tiếng mời gọi của Chúa, tình yêu gia đình, tình yêu làng xóm được các vị tử đạo Bắc Ninh hòa điệu qua việc làm của mình. Các ngài thể hiện tình yêu của mình với gia đình xóm làng trong những việc làm tưởng chừng rất bình thường như: cụ trùm Cảnh bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo, thăm nom người đau ốm bệnh tật, rửa tội cùng chăm lo sự đạo cho mọi người cách chu đáo, chẳng phân biệt giáo – lương luôn giúp đỡ mọi người.[56] Anh Đệ may thêu cờ quạt đồ trang hoàng nhà thờ cách tận tình.[57] Thầy Mậu khuyên nhủ mọi người giữ vững đức tin khi cơn bách hại đến,[58] vv… Tất cả những việc đó được các ngài làm với sự phục vụ cách trân trọng với mọi người! Khi lệnh cấm đạo của vua ban bố, quan quân lùng sục và bắt bớ khắp nơi, mà lòng các vị tử đạo Bắc Ninh chẳng hề nao núng. Có lẽ lúc đó các vị tử đạo Bắc Ninh cũng phần nào biết rằng: chẳng bao lâu nữa những nhát gươm, những vòng dây xiết cổ thật đau đớn nện xuống các ngài; thế nhưng các ngài đâu xá gì! Những tình làng nghĩa xóm, tình yêu gia đình cháy bỏng được các ngài thực hiện mọi nơi, ngay cả khi ở trong tù các ngài vẫn thăm nom và dạy giáo lý cho mọi người xung quanh[59]….
Điều đau xót nơi các ngài là phải li tán gia đình, phải xa làng xóm bạn bè… … có biết bao lắng lo trăn trở nơi các ngài:
– Cụ trùm Cảnh còn là một lương y với “biệt hiệu là người tốt phúc”[60] sớm chiều bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người, cụ lưu ý đến người nghèo cách đặc biệt. Cụ hết lòng chăm sóc phần hồn cho bà con lối xóm, cụ lén đi rửa tội cho ai muốn gia nhập Đạo ngay đang khi cấm Đạo. Một chiều nọ cụ bị bắt tại bến đò Thổ Hà, khi cụ đang trên đường đi chữa bệnh và rửa tội cho một người. Mặc dầu vậy mà miệng cụ chẳng một lời than van. Cụ lo lắng rồi đây những người bệnh đang đau ốm trong làng sẽ ra sao khi mà mình đi rồi luôn trăn trở nơi cụ. Làng xóm sẽ thế nào khi mà gót giầy binh lính đang rần rần nện xuống làng quê trong cơn bách hại, khi mà ở nơi khác cả làng đang bước qua Thánh Giá, phản bội Chúa! Nghĩ đến dân làng cụ cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin yên ủi chúng con, dạy dỗ chúng con làm những việc lành…”[61]. Cụ chỉ biết trông vào Chúa mà cầu nguyện cho dân làng thân yêu của mình.
– Tại làng Kẻ Mốt ngày 29.6.1838, quan quân lệnh cho mọi người từ 18 tuổi trở nên phải bước qua Thánh giá, nhưng anh Tôma Đệ không đi, vì trên thì anh yêu Chúa dưới thì thương vợ con. Khi quân lính xồng xộc xông vào nhà lùng bắt anh Đệ, anh “biết mình không thể tránh được nữa, liền từ giã vợ, dặn vợ đưa con về bên ngoại, ôm hôn từng đứa con, rồi mới ra trình diện.”[62] Cảnh tượng “người vợ trẻ cùng ba đứa con nhỏ của gia đình anh Đệ chia ly trong nước mắt và những bàn tay nhỏ của các con kéo anh lại trong tiếng khóc thày ơi… thày ơi[63]…” thật đau xót đến tột cùng! Đang khi đó những sợi dây thừng xiết chặt anh Đệ và quân lính lôi anh xềnh xệch… Chúng lôi đi đâu anh cũng mặc kệ. Thân thể bị lôi ra khỏi cửa, rồi lôi ra đến cổng, nhưng đôi mắt đẫm lệ của anh vẫn chẳng rời vợ con. Anh chẳng sợ quân lính, cũng chẳng sợ đòn vọt, nhưng anh bàng hoàng vì phải xa ba đứa con nhỏ với những ánh mắt còn quá thơ ngây. Anh lo cho các con mai đây sẽ sống ra sao? Chúng sẽ giữ đạo, sẽ thờ phượng Chúa thế nào…? biết bao nhiêu lo lắng trăn trở trong anh! Nhắc đến nỗi lo lắng trăn trở về vợ con của anh Đệ sử sách kể rằng: “hai mươi tám tuổi đời, một vợ với ba con nhỏ đó là mối ưu tư trăn trở của Tôma Đệ trong những ngày bị giam cầm. Không thể bỏ Đức tin, nhưng tương lai của vợ con sẽ ra sao!”[64] Ngồi trong tù, ngoài những giờ đọc kinh cầu nguyện, lòng anh Đệ canh cánh bao nỗi âu lo cho gia đình như vậy. Dầu vậy, anh vẫn hoàn toàn phó thác cho Chúa. Có lần vợ đến thăm, anh thấy vợ khóc nức nở. Anh cũng chẳng cầm được nước mắt nhưng vẫn cố gắng nắm tay vợ mà an ủi rằng: “đừng khóc mình ạ! Mình hãy về dạy dỗ con nên người, dạy chúng thờ phượng Chúa. Tôi đã dâng mình và các con cho Người.”[65] Dù anh đứng trước sự tối tăm của thế lực quan quyền đang phá nát gia đình, nhưng không phá nát được tình vợ nghĩa chồng, không phá nát được tình thương yêu con cái nơi anh. Anh Đệ vẫn luôn tin rằng có Chúa phù trợ. Anh đã dặn người vợ yêu dấu: “mình nhớ cầu Chúa cho tôi được thêm sức mạnh đến cùng.”[66] Vv…
– Anh Vinh – một người nghèo quê ở Bồ Trang Thái Bình. Vì cuộc sống khó khăn nên anh đã “theo bạn bè lên làng Kẻ Mốt làm thuê làm mướn” để kiếm sống. Nơi làng Kẻ Mốt “mọi người đều thương mến anh vì tính đơn sơ, chất phác và thật thà”[67] nơi anh. Với mọi công việc, dầu là làm thuê hay giúp đỡ dân làng, anh chẳng quản chi khó nhọc, rất mực chu đáo trong mọi công việc: “không bao giờ anh làm cho qua lần hay chiếu lệ”, “việc gì anh làm cũng tốt đẹp,” “không có gì phải chê trách.”[68] Anh sống chan hòa tình cảm với mọi người nơi làng Kẻ Mốt. “Trường học mà anh ham thích và theo được là các lớp giáo lý. Những điều học được nơi lớp giáo lý anh đã đem thực hành trong cuộc sống”[69] hằng ngày. Anh thấy giáo lý của Chúa dạy mọi người phải sống tốt với nhau. Vì vậy, anh Vinh luôn toàn tâm toàn ý làm điều tốt điều hay cho dân làng mỗi khi có thể. Anh sống hết tình với dân làng, bắt chước Chúa Giêsu: “Ta đến để phục vụ”. Ngày 29.6.1838 có đông quân lính vây dồn dân làng Kẻ Mốt ra đình bắt bước qua Thánh Giá, anh Vinh cũng lách vào giữa đám đông trong sân đình. Có lẽ anh đã anh dũng xông vào trước mặt quan quân để đòi công lý cho dân làng: họ có tội gì đâu? Tại sao vua quan lại bắt họ phải bước qua Thánh giá để bỏ Chúa, tại sao quan bắt họ bỏ đức tin…? Anh tuyên tín: “Đạo Chúa Giêsu là đạo thật!”[70] Anh biện luận cho dân làng Kẻ Mốt rằng: theo “đạo thật” là tốt chứ? Tại sao quan quân lại bắt bớ dân làng khi mà họ theo “đạo thật” như thế?… Và anh cũng khẳng khái nói với quan quân: “tôi cũng chẳng bao giờ bước qua Thánh giá đâu!” Vv… Chắc chắn anh Vinh đã có không ít những biện luận tương tự cho dân làng và cho bản thân. Vì anh “biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”[71]. Nhưng anh cũng chẳng thoát, chẳng khác anh Đệ anh Mới và cha Tự, hay cụ trùm Cảnh, kết cục cũng bị bắt luôn. Cũng chính vì định tín “tôi biết Đạo Chúa Giê-su là đạo thật” mà anh bị quân lính bắt đang khi anh còn là người tân tòng, chưa được chịu Phép Rửa.
Tựu chung lại, “Tháng Giêng năm 1804 nhà Nguyễn đã khôi phục Nho giáo làm quốc giáo,”[72] từ đây Nho giáo trở thành công cụ quyền lực cho cho đế chế này.[73] Trong bối cảnh thượng tôn Tống Nho và thù ghét đạo Công Giáo, Nhà Nguyễn bắt các tín hữu Công giáo phải chịu cái ách “ngu trung” của họ. Trong khi đó các vị tử đạo Bắc Ninh lại đề cao việc tôn thờ và tôn thờ và giữ Giới Luật Thiên Chúa hơn giữ luật lệ của nhà vua, thì đủ làm cho vua thêm tức giận. Vì khi đề cao việc tôn thờ Thiên Chúa hơn luật lệ kiểu “ngu trung” của nhà vua như thế, thì các ngài bị coi là trái lệnh vua một cách nghiêm trọng. Nên các ngài luôn bị án chết đe dọa là chuyện dễ hiểu. Nhưng các vị tử đạo Bắc Ninh vẫn luôn trung kiên giữ lòng tôn thờ và kính mến Thiên Chúa chẳng chút sợ hãi, yêu mến mọi người xung quanh cách tận tâm. Các ngài kiên tâm giữ các đạo Chúa ngay cả khi phải phải đứng trước cái chết. Thí dụ cha Phêrô Nguyễn Văn Tự từng nói với quan:
“Tôi rất kính trọng đức vua, nhưng đồng thời xin quan cứ việc xử tôi như người theo Đạo Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Chúa cả trời đất nên tôi phải thờ lạy, nếu vua cho phép tôi được sống, tôi hết lòng đa tạ, bằng không nếu vua muốn xử án chết, tôi xin tuân theo, còn ngoài ra với bất cứ giá nào tôi không thể làm theo ý vua.”[74]
Khó khăn nguy hiểm là thế, nhưng các ngài vẫn anh dũng làm chứng cho Chúa chẳng chút sợ hãi: “Đạo tôi là đạo thật, cả bao thế hệ trước tôi đã theo, cha mẹ tôi đã theo, và bây giờ tôi đang theo.”[75] Các ngài sẵn sàng đổ máu mình để minh chứng đức tin vào Thiên Chúa trong niềm hân hoan tín thác: “Anh em ơi, tôi sắp được chém rồi!“[76] Các ngài quả là những chứng nhân đức tin anh dũng phi thường, thật đáng khen ngợi:
“Thế gian bách hại, nhưng đã thắng,
Thể xác đớn đau vẫn coi thường.
Cái chết oai hùng, con đường thẳng,
Khải hoàn Thiên quốc, chính quê hương.”
(Thánh Thi Kinh Sáng lễ Tử Đạo)
Xin các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh cầu cho chúng con!
Lâm Văn Trung
[1] Mấy thống kê về con số tín hữu tử đạo: trong 3 thế kỷ cấm đạo dường như không có con số thống kế chính xác về số tín hữu bị bách hại cách này hay cách khác. Các con số được đưa ra đều mang tính ước đoán:
Thí dụ thứ nhất: theo một tài liệu của cha Francis Hồ Ngọc Thỉnh ngày 08 tháng 4 năm 2011 tại Windheim Germany: “Trong vòng 300 năm, Hội thánh Việt nam đã dâng cho Chúa một số chứng nhân anh dũng, đã nhận lấy cái chết để làm chứng và tỏ lòng trung thành với Chúa Kitô. Con số thực sự của các tử đạo tại Việt nam cũng không có được thống kê chính xác, chỉ biết rằng con số này rất đông, từ 100.000 đến 130.000 người.”
Thí dụ thứ hai: theo một sử gia của Giáo hội như là linh mục Hồng Phúc CSscR trong cuốn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo cho biết: “trong 300 năm giảng đạo là 300 năm trong cảnh máu chảy đầu rơi. Hơn 120.000 người đã tuẫn vì Đạo, hơn 120.000 người đã chết vì Đức tin” (trang 376).
Thí dụ thứ ba: con số này do ký giả Nguyễn Quốc Hải trong bài ĐẠO CHÚA KI TÔ VÀ NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI MIÊN TRƯỜNG viết: “Tại Việt Nam, Đạo Công Giáo bị cấm đoán-bách hại trên mấy trăm năm, nhưng việc tàn sát giết hại tín hữu dữ dằn ghê rợn nhất là trong ba triều vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và đặc biệt dưới chiêu bài của phong trào Văn-Thân. Sử sách ước lượng chừng 300.000 tín hữu Kitô giáo đã chịu chết vị Đạo, trong số đó có 117 vị được tuyên thánh.” (Rev. Nguyễn Quốc Hải, nguồn: http://www. simonhoa dalat.com).
[2] X. Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, trg 139.
[3] X. Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, trg 204.
[4] Lệnh của Minh Mệnh năm 1838. Trích Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, trg 151.
[5] Chế độ quân chủ là một thể chế hình thức chính quyền cứng nhắc, trong đó người đứng đầu nhà nước là nhà vua. Theo đó, mọi quyền lực, mọi chi phối các hoạt động trong xã hội phải tuyệt đối tập trung trong tay nhà vua lãnh đạo. Với Nhà Nguyễn (1802 – 1945) – một chế độ bắt buộc sự tuân phục mù quáng từ một phía của dân chúng đối với nhà cai trị, con với cha, vợ với chồng, em với anh.
[6] “Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ” (Thực lục I, tr.473).
[7] Vũ Đức Hòa, OC, lm, CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN TRÊN ĐẤT VIỆT, tr 69.
[8] Để thống nhất việc ăn mặc cho cả nước, vua Minh Mạng đã hai lần ra sắc dụ bắt dân chúng Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người Đàng Trong. Việc cải đổi y phục của vua Minh Mạng đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối. Trong tác phẩm Đất Lề Quê Thói tác giả Nhất Thanh và Vũ Văn Khiếu đã viết về vấn đề này, xin lược trích như sau: “Người xứ Bắc vốn không qui phục nhà Nguyễn… lại gặp phải chính sự hà khắc cấm đoán cả về y phục, trái với lẽ thường, dân mất váy lần này có câu ca rằng: Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.” (tr. 207-208)
[9] “Tứ bất” có nghĩa là bốn không – bốn điều cấm kị trong triều đình Nguyễn, cụ thể là: Không lấy trạng nguyên, không tuyên hoàng hậu (vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương sau ngày cưới 20-3-1934, bà được phong Hoàng Hậu là một sự phá lệ của triều đình nhà Nguyễn), không phong thái tử, không cử tể tướng…
[10] Thời Nhà Nguyễn trong bối cảnh chế độ quân chủ chuyên chế bị khủng hoảng trầm trọng, họ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều tầng lớp nhân dân. Các phong trào chống triều đình Nhà Nguyễn theo thống kê của các nhà sử học từ năm 1802 trở đi: tại Bắc Hà có từ 350 cho tới 400 cuộc nổi dậy của nông dân nổ ra. Mạnh mẽ và dồn dập nhất là 254 cuộc khi Minh Mạng cầm quyền (1820-1840). Có thể điểm tên rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn trong Nam ngoài Bắc như: Phan Bá Vành ở Nam Định (1821-27), Lê Duy Lương ở Ninh Bình (1833-1834), Cao Bá Quát (1854-1856) ở Hà Nội, đặc biệt là phong trào bạo loạn do Lê Duy Phụng dẫn đầu (1861-1865), cuộc binh biến Lê Văn Khôi ở thành Phiên An (1833 – 1835), cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân (1833 – 1835), Ma Danh Cúc (Dương Đình Cúc), bộ hạ triều Tây Sơn cũ, tập hợp người Cao Lan nổi dậy ở Thái Nguyên, những cuộc khởi nghĩa của tộc người Khơ me ở Nam Bộ, cuộc chiến chống Pháp xâm lăng… Ngoài ra triều đình Nguyễn còn phải lo đối phó dư đảng Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn tổ chức chống lại nhà Thanh bên Trung Quốc bị bại trận tràn sang Việt Nam cướp phá vùng thượng du…
[11] Đinh Đồng Phương, Giáo Phận Bắc Ninh, 1993, tr 409.
[12] Vũ Đức Hòa, lm, CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN TRÊN ĐẤT VIỆT, tr 69.
[13] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nxb SG, 1971, q,II, 186
[14] Sắc chỉ cấm đạo năm 1848
[15] Sắc lệnh 7/06/1857
[16] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nxb SG, 1971, q,II, 186
[17] Vua quan gọi đạo Công Giáo là “Đạo Hoa Lang” tức là Đạo Bồ Đào Nha. Hay có khi vua quan còn gọi là Đạo Tây phương.
[18] Chiếu chỉ cấm đạo của Tự Đức năm 1848.
[19]Chiếu chỉ cấm đạo của Minh Mệnh năm 1833.
[20] Sắc lệnh cấm đạo 25-1-1836.
[21] Đạo Công Giáo.
[22] Chỉ dụ cấm đạo ngày 6-1-1833 thời vua Minh Mệnh.
[23] Chỉ dụ cấm đạo và “Thánh dụ Huấn dịch Thập điều” của vua Minh Mệnh năm 1836.
[24] Thí dụ như: đi lính, làm quan lại, công tượng (thợ làm quan xưởng đúc vũ khí, đúc tiền…) đào kênh, vỡ đất khẩn hoang, phục hóa, mở rộng phát triển nông nghiệp, nộp sưu thuế…
[25] Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, trg 114.
[26] X. Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, trg 295.
[27] X. Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh,43.
[28] X. Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh,39.
[29] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 24.
[30] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, 33.
[31] X. Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 61 – 84.
[32] Vũ Thành, lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 202.
[33] 551 – 479 tCN
[34] “Ngu trung” là thuật ngữ dùng để chỉ những người bị ảnh hưởng của Tống Nho mà trung thành với cấp trên một cách mù quáng.
[35] Đào Trung Hiệu, Op, Lm, Cuộc Lữ Hành Đức Tin, q.II, 209.
[36] Đào Trung Hiệu, Op, Lm, Cuộc Lữ Hành Đức Tin, q.II, 209.
[37] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 61 – 84.
[38] Tổng hợp từ cuốn CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM XÁC TẠI BẮC NINH VÀ DANH SÁCH CÁC VỊ TỬ ĐẠO TẠI CỔNG TẢ THÀNH CỔ BẮC NINH của cha Phêrô V. Chu Quang Tòng, 2005.
[39] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 11.
[40] X. Tài liệu đang dẫn, 11.
[41] Vũ Thành, linh mục, Dòng Máu Anh Hùng, 204.
[42] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, 101.
[43] Tam là ba, cương là giềng mối = ba mối quan hệ: Quân-Thần (vua tôi), Phụ-Tử (cha con), Phu-Phụ (vợ chồng).
[44] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 12.
[45] Xem tài liệu đang dẫn, tr 12.
[46] Xem tài liệu đang dẫn, tr 33.
[47] Cha Nguyễn Thế Thoại là một nhà nghiên cứu Sử Giáo Hội Công Giáo đánh giá về tên gọi “cuộc tranh luận về Lễ nghi Trung Hoa”: “đây là một cuộc tranh luận phức tạp mà ngay tên gọi này cũng chưa hẳn đúng.” Về “Cuộc tranh luận về Lễ nghi Trung Hoa”này “thực chất đây là một cuộc đối kháng văn hóa Đông – Tây” (x. Nguyễn Thế Thoại, Giáo Hội Đi Trong Nhân Loại, trang 439), chứ không phải cuộc khẳng định chữ “hiếu” của người Á Đông ngược với giáo lý đạo Công Giáo. Các thừa sai phương Tây vì mang trong mình dòng máu văn hóa phương Tây. Nên khi vào truyền giáo tại Á đông, các ngài “không hiểu văn hóa bản địa Trung Hoa – nhìn nhận không đúng, giải quyết không đúng” nên bị đụng chạm với tập tục văn hóa ở đây, dần dà sinh đối kháng nhau: “Các thừa sai bị chia rẽ vì nhiều vấn đề giữa tôn giáo và văn hóa: gọi Chúa thế nào theo tiếng địa phương (Trung Hoa)? Có cần thích ứng lễ nghi Ki-tô giáo không? Được tôn kính người chết và gìn giữ chế độ đẳng cấp không?… Các tu sĩ Dòng Tên đã áp dụng rộng rãi những thích nghi này. Nhưng các dòng khác lại coi là nhượng bộ việc thờ ngẫu thần…” (x. Đào Trung Hiệu, OP, Lm, Cuộc Lữ Hành Đức Tin, q.II, tr 68-69).
[48] X. Phần tranh luận về Lễ nghi Trung Hoa trong cuốn Giáo Hội Đi Trong Nhân Loại của cha JMT. Nguyễn Thế Thoại trang 439-443. Và phần “cuộc khủng hoảng về truyền giáo” trong cuôn Cuộc Lữ Hành Đức Tin II của cha Đào Trung Hiệu Op, trang 68-70.
[49] Nguyễn Thế Thoại, Giáo Hội Đi Trong Nhân Loại, tr, 438.
[50] Nguyễn Thế Thoại, Giáo Hội Đi Trong Nhân Loại, tr, 439.
[51] Lịch sử cho biết những sai lầm ban đầu của một số thừa sai khi mới đến truyền giáo tại Á châu gây ra tranh cãi vì hiểu lầm đối với văn hóa và tập tục dân sự ở vùng này, đặc biệt ở bên Trung Hoa vào giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII. Nhưng cũng có những thừa sai khác nhìn nhận đúng đắn về vấn đề nghi lễ và phong tục văn hóa này cách xuất sắc, chẳng hạn như cha Matteo Ricci đã nhìn nhận đúng đắn vấn đề và khai triển hội nhập văn hóa và phong tục để loan báo Tin Mừng rất tốt. Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, SJ – một nhà nghiên cứu Sử từng tốt nghiệp Đại học Sorbonne Paris cho biết: “Khi các thừa sai phương Tây vào Trung Hoa và Việt Nam, đều vô cùng bỡ ngỡ về các nghi lễ, phong tục ở đây quá khác lạ với những gì quen thuộc ở châu Âu, nhiều vị còn cho là mê tín dị đoan, cần phải được tẩy rửa thì mới hợp với đức tin. Cho nên nhiều báo cáo gửi về châu Âu, xin giải quyết. Vì ở xa, Toà thánh khó mà hiểu hết sự việc, nên đã ra lệnh nghiêm cấm, nhất là vào năm 1715 và 1742. Tuy nhiên, ngay từ cuối thế kỷ XVI cũng có những nhà truyền giáo ra sức nghiên cứu tìm hiểu sâu xa vấn đề. Chẳng hạn như cha Matteo Ricci để hết tâm sức vào việc học chữ Hán, tập suy tư và sống như người Trung Hoa, không phải chỉ bề ngoài mà bằng cả tâm hồn, nghiên cứu ngôn ngữ, văn học, triết học và các phong tục, nghi lễ… của Trung Hoa; hơn nữa, cha Ricci còn viết sách giáo lý, thiên văn, toán học, triết học, từ điển bằng tiếng Hoa. Cha Ricci đã cố gắng hội nhập, hoà mình vào văn hoá – xã hội Trung Hoa trong suốt cuộc đời truyền giáo ở đây, mở đầu cho nhiều nhà truyền giáo khác theo” (Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, SJ. Nguồn dongten.net).
[52] Nguyễn Thế Thoại, Giáo Hội Đi Trong Nhân Loại, tr, 438.
[53] Nguyễn Thế Thoại, Giáo Hội Đi Trong Nhân Loại, tr 441.
[54] Vũ Thành, lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 201.
[55] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 22.
[56] X. Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 9.
[57] X. Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 27
[58] X. Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 21.
[59] X. Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 22.
[60] Vũ Thành, lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 202.
[61] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 11
[62] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 27
[63] Anh Đệ là người gốc Thái Binh, vùng Thái Bình con cái trong gia đình thường gọi bố mẹ là “thày, là u”
[64] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 26
[65] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 26.
[66] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 26.
[67] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 29.
[68] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 29
[69] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 29
[70] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 29
[71] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 29
[72] Trần Ngọc Thêm Ts, Tìm Về Bản Săc Văn hóa Việt Nam, nxb HCM, 1997, tr 556.
[73] X. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, nxb VH, 2003, tr 14.
[74] Vũ Thành, Lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 198.
[75] Lời thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự trong cuốn Dòng Máu Anh Hùng, tr 197.
[76] X Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 24.