ĐTC Phanxicô: Các ngẫu tượng luôn luôn nô lệ hóa con người
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài tôn thờ ngẫu tượng. Ngài đã giải thích văn bản chương 32 sách Xuất Hành viết rằng: “Khi đó Gia vê phán với ông Mô-sê: ‘Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” (Xh 32,7-8). ĐTC nói: giai thoại con bò vàng có một bối cảnh chính xác là sa mạc, nơi dân chúng đợi ông Môshêkhi ông lên núi để nhận các huấn lệnh của Thiên Chúa.
Trong sa mạc dân chúng tìm các ngẫu tượng
ĐTC giải thích: Sa mạc là một nơi, trong đó thống trị sự tạm bợ và bất an – trong sa mạc không có gì hết – trong đó thiếu nước, thiếu thực phẩm và thiếu nơi trú ngụ. Sa mạc là hình ảnh của cuộc sống con người, mà điều kiện là không chắc chắn và không có các bảo đảm không thể vi phạm. Sự bất an này làm nảy sinh ra nơi con người các âu lo đầu tiên, mà Chúa Giêsu nhắc tới trong Phúc Âm: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?” (Mt 6,31). Chúng là các lo lắng đầu tiên. Và sa mạc khơi dậy các âu lo đó.
Trong sa mạc ấy xảy ra điều gì đó khơi dậy việc tôn thờ ngẫu tượng: “Ông Môshê lâu quá không xuống núi” (Xh 32,1). Ông đã ở trên đó 40 ngày, và dân chúng mất kiên nhẫn. Thiếu điểm tham chiếu, là ông Môshê: vị lãnh đạo, thủ lãnh; thiếu sự hướng dẫn trấn an, và điều này trở thành không chịu nổi. Khi đó dân chúng xin một vị thần hữu hình – đây là cái bẫy dân chúng rơi vào để có thể tự nhận diện và định hướng.
Họ nói với ông Aharon: “Hãy làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi”. “Hãy làm cho chúng tôi một thủ lãnh, một người hướng dẫn”. Để trốn chạy sự bấp bênh – sự bấp bênh là sa mạc – bản tính con người kiếm tìm một tôn giáo “tự làm lấy”: nếu Thiên Chúa không tự cho trông thấy, chúng ta hãy làm cho mình một vị thần phù hợp. Trước ngẫu tượng người ta không liều khả thể của một tiếng gọi khiến ra khỏi các an ninh của mình, bởi vì các ngẫu tượng “có miệng nhưng không nói” (Tv 115,5). Khi đó chúng ta hiểu rằng thần tượng là một cớ để đặt để chính mình vào trung tâm thực tại, trong việc thờ lậy công trình tay mình làm ra” (Lumen fidei, 13).
Thành công, tiền bạc, của cải – luôn là những cám dỗ
Ông Aharon không chống lại lời xin của dân chúng và tạo ra con bò vàng. Trong vùng Trung Đông Cổ con bò có hai ý nghĩa: một đàng nó diễn tả sự phong phú và thịnh vượng, đàng khác nó diễn tả năng lực và sức mạnh. Nhưng trước hết nó bằng vàng, vì thế nó là biểu tượng của sự giầu có. Thành công, quyền lực và tiền bạc. Các điều này là các thần tượng lớn: thành công, quyền bính và tiền bạc.
Chúng là các cám dỗ muôn thuở! Đó, con bò vàng là gì? Nó là biểu tượng của tất cả mọi ước muốn cho ảo tưởng của sự tự do, nhưng trái lại chúng nô lệ hóa, bởi vì thần tượng luôn luôn nô lệ hóa. Có sự hấp dẫn, và bạn đi tới. Sự hấp dẫn của con rắn nhìn con chim con, và con chim con không thể động đậy, và con rắn bắt nó. Ông Aharon đã không biết chống cự lại.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: nhưng mọi sự nảy sinh từ việc không có khả năng tín thác nơi Thiên Chúa, đặt để nơi Ngài các an ninh của chúng ta, để cho Ngài trao ban sự sâu xa đích thực cho các ước mong của con tim chúng ta. Điều này cho phép nâng đỡ cả sự yếu đuối, bất an và bấp bênh của chúng ta nữa. Việc quy chiếu Thiên Chúa khiến cho chúng ta mạnh mẽ trong yếu đuối, trong bất an và cả trong sự bấp bênh nữa. ĐTC nói tiếp như sau:
Không có quyền tối thượng của Thiên Chúa thì người ta dễ rơi vào việc tôn thờ ngẫu tượng, và hài lòng với các trấn an bần cùng. Nhưng đây là một cám dỗ mà chúng ta đọc thấy trong Thánh Kinh.
Và anh chị em hãy nghĩ kỹ điều này: giải phóng dân khỏi Ai Cập đã không tốn công đối với Thiên Chúa; Ngài đã làm điều đó với các dấu chỉ quyền năng và tình yêu thương. Nhưng công việc lớn lao của Thiên Chúa đã làm đó là lấy “Ai Cập” khỏi trái tim của dân chúng, nghĩa là lấy đi việc tôn thờ thần tượng khỏi trái tim của dân. Và Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc để lấy nó khỏi ra trái tim của chúng ta. Đó là công việc vĩ đại của Thiên Chúa: lấy đi “Ai Cập” mà chúng ta mang trong mình, là sự hấp dẫn của việc thờ tà thần.
Yếu đuối không phải là một tai ương bất hạnh
Khi chúng ta tiếp nhận Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Đấng giầu sang nhưng đã trở thành nghèo nàn vì chúng ta (x. 2 Cr 8,9), thì khi đó chúng ta khám phá ra rằng thừa nhận sự yếu đuối của mình không phải là một tai ương của cuộc sống con người, nhưng là điều kiện để rộng mở chính mình cho Đấng thật sự mạnh mẽ. Khi đó ơn cứu độ của Thiên Chúa vào qua cánh cửa của sự yếu đuối (x. 2 Cr 12,10). Chính trong sức mạnh của sự không đủ đó của mình mà con người rộng mở cho tình hiền phụ của Thiên Chúa. Sự tự do của con người nảy sinh từ việc để cho Thiên Chúa thật là Chúa duy nhất của đời mình. Điều này cho phép chấp nhận sự giòn mỏng của mình và khước từ các thần tượng của con tim.
Nơi Chúa Kitô bị đóng đinh không phải là sự lừa dối rực rỡ nhưng là tình yêu
Là ki tô hữu chúng ta ngước nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đanh (x. Ga 19,37), yếu đuối, bị khinh rẻ và lột trần khỏi mọi chiếm hữu. Nhưng nơi Ngài được vén mở gương mặt của Thiên Chúa thật, niềm vui của tình yêu chứ không phải của sự lừa dối lóng lánh. Ngôn sứ Isaia nói: “Vì các vết thương của Người chúng ta được chữa lành” (Is 53,5). Chúng ta đã được chữa lành chính bởi sự yếu đuối của một người đã là Thiên Chúa, bởi các vết thương của Ngài. Và từ các yếu đuối của mình chúng ta có thể rộng mở cho ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Sự chữa lành của chúng ta đến từ Đấng đã trở thành nghèo nàn, Đấng đã chấp nhận sự thất bại, Đấng đã nhận lấy sự bấp bênh của chúng ta cho đến cùng để làm cho nó được tràn đầy tình yêu và sức mạnh. Ngài đến để mạc khải cho chúng ta tình hiền phụ của Thiên Chúa. Nơi Chúa Kitô sự giòn mỏng của chúng rta không phải là một sự chúc dữ nữa, nhưng là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa Cha và suối nguồn của một sức mạnh mới đến từ trên cao.
Nguồn: Đài Vatican