Đức Thánh Cha gặp người tị nạn Rohingya ở Bangladesh
Người Rohingya nguyên là những người gốc Bengali, hầu hết theo Hồi giáo, được người Anh đưa vào Miến Điện, tại bang Rakhine, để làm công nhân rẻ tiền trong thời thuộc địa. Chính phủ Miến, nay là Myanmar, không công nhận họ là người Myanmar. Ngày 25-8-2017, dân quân Rohingya tấn công các đồn bót quân đội và cảnh sát Myanmar, giết khoảng 100 người. Phản ứng lại, quân đội Myanmar đàn áp, đốt phá làng mạc của người Rohingya, khiến cho 600 ngàn người phải chạy sang tị nạn bên Bangladesh.
Tại Myanmar, từ Rohingya là điều cấm kỵ, nên ĐHY Charles Bo, TGM Yangoon, đã xin ĐTC đừng dùng từ này, để khỏi gây phẫn nộ trong dân chúng, như phản ứng của dư luận nước này khi ĐTC kêu gọi giúp đỡ người Rohingya trong một buổi đọc kinh Truyền Tin trước cuộc viếng thăm tại Myanmar.
Trong cuộc gặp gỡ liên tôn chiều ngày 1-12-2017 ở khuôn viên tòa TGM Dhaka, thủ đô Bangladesh, trước sự hiện diện của 5 ngàn người, gồm các vị lãnh đạo và tín đồ của Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và Kitô giáo, cũng có sự hiện diện của 16 người tị nạn nam nữ, được ngồi ở chỗ danh dự. Vào cuối buổi gặp gỡ, ĐTC đã gặp riêng và lắng nghe một số người Rohingya kể lại thảm trạng họ đã trải qua. Và ngài nói: ”Thảm trạng của anh chị em thật là lớn lao. Nhân danh tất cả những người bách hại các bạn, những người gây đau khổ cho các bạn, nhất là vì sự dửng dưng của thế giới, tôi xin lỗi các bạn”.
ĐTC cũng nói với mọi người hiện diện rằng: ”Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh giống Ngài, tất cả chúng ta đều là hình ảnh của Chúa. Cả các anh chị em này, họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống. Một lưu truyền trong tôn giáo của anh chị em [tức là Hồi giáo] nói rằng ban đầu Thiên Chúa lấy một chút muối ném xuống nước, và đó là hồn của mọi người; và mỗi người chúng ta đều mang trong mình một chút muối thần linh. Các anh chị em này mang trong mình muối của Thiên Chúa… Chúng ta hãy tỏ cho thế giới thấy sự ích kỷ đối xử thế nào với hình ảnh Thiên Chúa”.
Và ĐTC tha thiết kêu gọi: ”Chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ các anh chị em này, chúng ta hãy tiếp tục hoạt động để các quyền của họ được nhìn nhận. Chúng ta đừng khép kín tâm hồn, đừng ngoảnh mặt đi nơi khác. Sự hiện diện của Thiên Chúa ngài nay cũng có tên là Rohingya. Mỗi người chúng ta có câu trả lời của mình”.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vaticam