Đức Thánh Cha tái lên án tội ác lạm dụng tính dục trẻ em

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái lên án tội ác kinh khủng lạm dụng tính dục trẻ em, nhất là khi tội ác này do một linh mục.

Ngài bày tỏ lập trường này trong lời tựa viết cho cuốn sách tựa đề ”Thưa cha, con tha thứ cho cha” (Mon Père, je vous pardonne) do ông Daniel Pittet, người Thụy Sĩ, 55 tuổi, thuật lại sự kiện ông bị một LM dòng Capuchino ở Fribourg, lạm dụng trong 4 năm, từ khi ông lên 12 tuổi. Ông gặp ĐTC tại Vatican năm 2015, nhân dịp Năm Đời Sống Thánh hiến, và xin ngài viết lời tựa cho cuốn sách sẽ được phổ biến rộng rãi. Cuốn sách cũng thuật lại chứng từ về nhiều vụ lạm dụng tính dục khác.

Trong lời tựa, ĐTC viết: ”Tôi vui mừng vì những người khác ngày nay có thể đọc chứng từ của ông và nhận thấy tới mức độ nào sự ác có thể đi vào tâm hồn của một người phục vụ Giáo Hội.

”Làm sao một linh mục, phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội, có thể gây ra sự ác dường ấy? Làm sao người ấy đã dâng hiến cuộc sống của mình để dẫn đưa các trẻ em về với Thiên Chúa, rốt cuộc lại ‘ngấu nghiến’ các em trong điều mà tôi gọi là ”một hy tế ma quỉ”, tàn hại nạn nhân cũng như đời sống của Giáo Hội? Một số nạn nhân đi tới độ tự tử. Những người chết ấy đè nặng trên tâm hồn tôi, trên lương tâm của tôi và của toàn thể Giáo Hội. Vơi gia đình họ tôi bày tỏ tâm hình yêu thương và đau đớn, và tôi khiêm tốn xin lỗi”.

Đó là một sự kinh tởm tuyệt đối, một tội ác khủng khiếp, hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì Chúa Kitô dạy chúng ta. Chúa Giêsu dùng những lời rất nghiêm khắc chống lại tất cả những người làm hại các trẻ em: ”Ai làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này là những người tin nơi tôi, thì tốt chẳng thà cột cối đá vào cổ họ và ném xuống biển còn hơn” (Mt 18,6).

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Trong bất hạnh, Ông Daniel Pittet đã có thể gặp được một mặt khác của Giáo Hội và điều này giúp ông không mất niềm hy vọng nơi con người và nơi Thiên Chúa. Ông cũng kể lại với chúng ta sức mạnh của lời cầu nguyện mà ông không bao giờ từ bỏ và lời cầu nguyện đã an ủi ông đã những giờ phút đen tối nhất”.

Ông đã chọn gặp kẻ đã lạm dụng ông 44 năm sau, và nhìn tận mắt người đã gây thương tích sâu đậm trong tâm hồn ông. Ông đã giơ tay ra cho người ấy. Đứa trẻ bị thương tổn ngày nay là một người đang đứng bằng đôi chân của mình, tuy yếu nhưng vẫn đứng. Tôi rất cảm kích vì lời ông nói: ”Nhiều người không hiểu nổi tại sao tôi không ghét ông ấy. Tôi đã tha thứ cho ông ấy và tôi đã xây dựng cuộc sống của tôi trên sự tha thứ ấy”. (SD 13-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: Đài Vatican