Giá trị của cái bị mất

Bất cứ người nào trong xã hội cũng đều có một cái gì đó để chiếm giữ và sở hữu. Cho dẫu tôi nghèo đến đâu thì tôi vẫn có chính mình để sở hữu: tôi là của chính tôi. Bởi vậy, chúng ta là con người ai cũng đã sở hữu một khối lượng tài sản, một năng lực hay một cái tôi rất riêng cho mình. Chính kinh nghiệm sở hữu ấy giúp chúng ta cảm biết được sự hữu dụng nơi các vật được sở hữu. Nhưng đôi khi chúng ta không để ý hay không định lượng được giá trị và sự cần thiết của những điều, những vật mà ta đang sở hữu. Vì chưng mọi sự tồn tại quanh ta nhưng chúng ta không để ý đến chúng; chỉ khi nhu cầu chợt đến thì ta mới để ý đến những công dụng và vai trò của nó, cùng nhận biết giá trị tồn tại nơi chúng. Điều này cũng nói lên một hiện thực về con người mọi thời đại, đó là con người chỉ cảm biết được sự cần thiết hay giá trị của một điều gì đó khi chúng ta đã đánh mất điều đó. Nói một cách khác chúng ta cảm thấy quý giá hơn những điều mà chúng ta đã mất.

Trong cuộc sống chúng ta, có rất nhiều thứ để mất và từng điều đều có thể liên hệ đến chúng ta. Tôi đánh mất một vật dụng nào đó mà vì thế tôi cảm thấy mình thiếu thốn một phương tiện để làm việc, để đi lại hay vui chơi.

Từ việc đánh mất một vật dụng đôi khi chúng ta đi đến đánh mất niềm vui nào đó trong cuộc sống hiện tại. Từng niềm vui đến với chúng ta nhưng chúng ta đánh mất chúng do thái độ của một ai đó hoặc chính mình, do mất mát một thứ gì đó hoặc mình đang đánh mất chính mình mà không tìm thấy niềm vui nữa.

Sự mất mát ấy còn lên cao hơn khi chúng ta mất đi hạnh phúc, mất đi hướng đi của cuộc đời. Mỗi người đều có thể có hạnh phúc nhưng chỉ vì chúng ta  không nắm bắt được khi hạnh phúc đến gõ cửa với mình, chúng ta vô tình để hạnh phúc vụt qua để rồi có những tiếc nuối, luyến nhớ cảm giác mơn man qua mất rồi.

Sự mất mát ấy cũng có thể là mất đi một người thân yêu, mất đi một người sẻ chia vui buồn và những lời tâm sự, cái mất tạm thời (chia ly) vì xa cách hay cái mất mãi mãi (cái chết) không thể gặp gỡ để chuyện trò, thân thưa nữa.

Đôi khi chúng ta đánh mất điều chúng ta nghĩ khó có thể mất được là chính mình. Chúng ta có thể đánh mất chính mình khi để mình bị chi phối bởi sự ồn ào của thời cuộc, xô bồ vào những thú vui hay kiếm tìm những lạc thú. Không những vậy, chúng ta cũng có thể bị cướp đi chính mình và bị giản lược thành những con số trong nhà tù, hay thành những kích cỡ trong xã hội.

Trên hết, con người có thể đánh mất chính Thiên Chúa khi không muốn cho Ngài hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa còn có đó nhưng chúng ta muốn Ngài chết đi hoặc ít nhất cũng đừng đụng chạm đến tự do của ta hay cuộc đời của ta nữa.

Chúng ta đánh mất đi tình yêu hay niềm tin vào Thiên Chúa và không muốn Ngài xuất hiện trong cuộc đời ta và chối bỏ tiếng lương tâm của Ngài thúc dục ta hướng thiện. Sự đánh mất lương tâm của mình khiến chúng ta không thể nào hướng về Thiên Chúa và về vạn vật như là bạn đồng hành của chính mình.

Sự mất mát nào cũng khiến chúng ta kiếm tìm và mong mỏi, bởi chỉ khi chúng ta cảm thấy sự mất mát ấy, chúng ta mới cảm biết được giá trị của những điều đã mất cho dù điều đó là điều gì, dù vật chất hay tinh thần hay nơi sâu thẳm tâm linh của mỗi người chúng ta nữa. Dù là một vật nhỏ bé như chiếc bút hay những nhu cầu hoặc cao hơn là đánh mất chính mình hoặc thậm chí là Thiên Chúa nữa. Chúng ta sẽ kiếm tìm những điều đã mất để mong mỏi có được lại những giá trị mình đã từng sở hữu.

Tin mừng Luca chương 15 cho ta những dụ ngôn điển hình về lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời tác giả Tin mừng cũng trình bày cho ta về những sự lạc mất điển hình nơi con người mọi thời đại. Với dụ ngôn đầu tiên về ‘con chiên lạc mất’, người chủ chiên lên đường tìm kiếm cho kì được con chiên bị mất đó. Con chiên đã cố tình hoặc vô ý đi lạc khỏi đàn chiên, có thể vì nó tìm thấy một nguồn nước mát hay một đám cỏ non (một nhu cầu của cuộc sống), hay vì mải mê với cảnh vật chung quanh (lạc thú), hoặc vì sức yếu không thể theo kịp đàn của mình (do chính mình). Tất cả những lý do đó đôi khi được chúng ta viện dẫn cho sự lạc mất của mình hay của người khác. Trong dụ ngôn này, cả người chăn chiên và đàn chiên đều ở ngoài đồng vắng, con chiên bị lạc cũng ở ngoài đồng vắng, như vậy sự lạc mất ở đây là lạc mất ở bên ngoài. Con chiên bị lạc cũng có thể là hình ảnh của mỗi người chúng ta khi cố gắng lạm dụng tự do quá chớn để cố gắng tự tách mình ra khỏi cộng đoàn và xa lìa Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn thể hiện tình yêu bước trước khi từng ngày Ngài vẫn lên đường tìm kiếm cho kì được và đưa chúng ta trở về hiệp thông với Giáo Hội là đàn chiên của Ngài.

Nơi dụ ngôn ‘đồng bạc bị đánh mất’ nói lên một điều khác biệt của sự mất mát, vì đồng bạc bị mất ngay khi nó ở trong nhà. Đồng bạc bị mất do sự vô ý của người đàn bà chứ không do ý riêng của nó, vì chưng đồng bạc chỉ là thứ vô tri vô giác, tự nó chẳng thể làm gì nhưng hoàn toàn chịu sự chi phối của con người được trao phó cho. Người đàn bà quản lý đồng bạc và làm mất nó. Đôi khi sự lạc mất của chúng ta hay của một ai đó trong cộng đoàn không phải do chính họ nhưng do những gương xấu khiến họ vấp phạm hoặc do sự vô tâm của những thành viên trong cộng đoàn bỏ rơi họ. Mỗi con người cần được chú ý để thăng tiến chính họ trong niềm tin, cậy, mến. Việc người đàn bà mất đi một phần mười số tiền của mình, là số tiền để nộp thuế đền thờ hay phần dâng lên cho Thiên Chúa (theo luật Do Thái) thể hiện một điều sâu xa hơn nơi con người. Chúng ta có thể giữ gìn được mọi thứ là của mình (chín phần mười tài sản) nhưng phần mà chúng ta phải dâng về Thiên Chúa thì chúng ta dễ dàng đánh mất. Chúng ta sẵn sàng nới với Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, con đã đánh mất phần của Chúa rồi nên Chúa không còn phần nào nữa đâu, Chúa không còn nhận được quyền lợi gì từ con nữa và con không phụ thuộc nơi Ngài”. Điều này tất nhiên là khó có thể thốt ra nơi môi miệng của con người cho dẫu thời nào đi nữa, nhưng điều đó được thể hiện qua cách sống của chúng ta khi chúng ta có ý sống bất cần đến Thiên Chúa và không muốn chu toàn nghĩa vụ với Ngài và sứ vụ Ngài trao cho ta trong đời sống mình. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể vô ý hay vô tình đánh mất đi một thứ gì quý giá; có thể là tình yêu hay đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Lúc đó, chúng ta phải dừng lại và trầm tĩnh lại, thắp đèn tâm linh mà dọn dẹp tâm hồn mình hầu cố gắng tìm lại những điều cao cả đã lạc mất đâu đó do cuộc sống bộn bề hay những lo toan choán ngợp chúng ta.

Dụ ngôn thứ ba có thể nói là dụ ngôn điển hình nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng đồng thời dụ ngôn cũng nói lên sự mất mát điển hình nhất. Bởi chưng dụ ngôn nói về hai sự lạc mất của hai người con: Một người bị lạc mất bên ngoài gia đình (người em) và một người bị lạc mất ngay trong chính gia đình của mình (người anh cả) khi anh tự coi mình như một người làm công ngay đang khi đang ở trong chính nhà của cha mình. Người cha nhân hậu đã tìm và phục hồi phẩm giá của cả hai người con và niềm vui của ông thực sự đã trọn vẹn. Bởi chưng, người con thứ khi trở về chỉ ước muốn được đối xử như một người đầy tớ hầu có được của ăn nuôi thân, còn người anh cả đang sống trong nhà cha nhưng lại tưởng mình chỉ là một người đầy tớ (người làm công) trong nhà mà thôi. Vì thế, người cha già kiếm tìm con bằng cách phục hồi quyền làm con, làm người thừa kế của chúng để chúng tìm lại được chính mình. Những người con đã tự đánh mất chính mình vì những lạc thú (người em) và sự tự ti của bản thân (người anh), và người cha đã tìm thấy con mình qua việc làm cho chúng tìm lại về với chính mình, nói cách khác, sự trở về ở đây không phải là trở về ngôi nhà chung bên bàn tiệc hay sự hiệp thông với cha và gia đình cho bằng những người con đã hoán cải và trở về với chính mình, tìm được chính mình sau khi đã ý thức được sự lạc mất ấy. Niềm vui của sự tìm thấy luôn làm cho con người hạnh phúc, vì chưng cũng như người mục tử và người đàn bà, họ đã vui mừng vì con chiên và đồng bạc mà họ tìm lại được sau công khó tìm kiếm và quét tước. Người cha nhân hậu càng có lý do để vui mừng và hạnh phúc hơn khi người con út trở về với mình và hòa nhập với gia đình, hơn thế nữa, niềm vui của ông cũng trọn vẹn khi cho người con cả thấy lại được vai trò của anh trong chính gia đình của mình, anh không phải là người làm công nhưng là người thừa kế. Chỉ khi nhận ra địa vị của chính mình, con người chúng ta mới có thể thấy lại được mình và tìm lại được cái tôi đã lạc mất.

Ngày hôm nay, chúng ta sẽ và vẫn còn đánh mất rất nhiều điều. Bởi vậy, đừng để đến lúc mất rồi chúng ta mới tìm biết giá trị của cuộc sống, nhưng hãy biết trân quý những gì mình đang có, hãy biết yêu quý những con người đang ở bên cạnh chúng ta để khi họ qua đi rồi, chúng ta không phải hối tiếc vì những điều mình muốn nói và muốn làm với họ chưa được thành toàn. Cuộc sống sẽ dạy chúng ta biết sự quý giá của thời gian, bởi chúng ta có thể tìm thất bất cứ một vật dụng gì sau khi ta đánh mất chúng, chúng ta cũng có thể tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc khi chúng ta đánh mất chúng, thậm chí chúng ta cũng có thể tìm lại chính mình khi ta biết phản tỉnh và nhìn lại chính mình. Nhưng thời gian sẽ trôi qua và ta sẽ không bao giờ lấy lại được, bạn không thể nào lấy lại thời thơ ấu đầy vui vẻ của bạn, tôi không thể nào lấy lại được thời học trò đầy mơ mộng của mình và nhiều người trong chúng ta sẽ không thể lấy lại được tuổi xuân sung mãn đầy sức sống của trí tuệ và sức lực. Bởi đó, chúng ta hãy trân quý những điều mình đang có và hay sống thời gian hiện tại của mình, chỉ có thế chúng ta mới không phải hối tiếc khi mỗi phút giây cuộc sống mình qua đi.

Đừng để mất chính mình… Bạn nhé!

Mục Đồng Nguyễn