Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,33)
CAN ĐẢM LÊN, THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN (Ga 16,33)
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”. Được gợi hứng từ lời dặn dò của Thầy Chí Thánh, đặc biệt sau khi lắng nghe bài chia sẻ của đức cha Cosma Hoang Văn Đạt S.J., trong thánh lễ bế giảng năm học nhà ứng sinh thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, người viết có đôi điều suy nghĩ về giáo phận miền Quan họ nhân dịp giáo phận mừng sinh nhật lần thứ 134 (29/5/1883 – 29/5/2017)
1. Tri ân quá khứ
Với lòng nhiệt huyết và can đảm, các thừa sai tận trời tây xa xôi đã tới loan gieo Tin mừng của Đức Kitô trên xứ sở Kinh Bắc từ những năm 1640. Các nhà truyền giáo đầu tiên đến Bắc Ninh có lẽ là các cha dòng Tên. Các ngài không quản nắng, chẳng quản mưa, chẳng ngại vùng rừng thiêng nước độc. Các ngài ra đi chỉ có trong hành trang duy nhất là Đức tin mà thôi. Bỏ lại sau lưng những phù hoa nơi quê hương yêu dấu, các thừa sai lên đường với mong ước mang Tin Mừng cho người Việt.
Lúc này, Bắc Ninh không còn là vùng đất hoang sơ mà nơi đây đã có sự giao thoa của nhiều luồng tư tưởng, nhiều nét văn hóa. Xứ Kinh Bắc vốn mệnh danh là vùng đất văn vật, sánh ngang hàng với xứ Kinh Kỳ. Người Kinh Bắc vẫn tự hào vì có: “Một giỏ ông Đồ/ Một bồ ông Cống/ Một đống ông Nghè/ Một bè Tiến sỹ/ Một bị Trạng nguyên/ Một thuyền Bảng nhãn”. Hơn nữa, mảnh đất nhỏ bé này còn là cái nôi tạo nên “Tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo); đồng thời là trung tâm văn hóa và niềm tin truyền thống của Việt nam với rất nhiều hình thức thể hiện như Tín Ngưỡng Thờ Mẫu, Thờ Ông Bà Tổ Tiên, Thờ Thiên Nhiên, Thờ Trời,…. Những tôn giáo ngoại lai kết hợp với những tín ngưỡng nội địa đã khắc họa nên nền văn hóa đa sắc màu của người dân Việt nói chung, và ăn sâu tâm thức của người dân Kinh Bắc nói riêng.
Khi đặt chân tới xứ Kinh Bắc, các nhà truyền giáo đã rao giảng giáo lý “yêu thương”, cổ võ sự “bình đẳng” giữa mọi người trong một xã hội phong kiến phân biệt giai cấp, nam nữ; các ngài đã dạy cho mọi dân chúng biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau… Các ngài đã kể những tích trong Tin mừng của Đức Kitô theo phong cách của người dân nơi này. Đặc biệt, những làn điệu dâng hoa cổ truyền, những lời kinh, thơ ca… được các cha “Kinh Bắc hóa” bằng cách dùng các cung âm Quan họ mượt mà để diễn đạt. Từ đó, Tin Mừng được trình bày một cách bình dân dễ hiểu, Chúa Giêsu trở nên gần gũi thân thương. Nhờ thế, ánh sáng Tin Mừng dần dần được truyền tải bằng văn hóa hệt như ngọn lửa được đốt cháy lan tỏa ánh sáng và hơi ấm giữa đêm đông giá rét.
Kể từ đó, hạt giống Tin mừng âm thầm đâm rễ, nẩy mầm trên miền đất “một làn nắng cũng mang làn điệu dân ca”. Những mầm non Tin mừng lớn lên và phát triển dưới bàn tay chăm sóc của nhiều thế hệ các cha thừa sai. Ngay từ khi sinh ra, mầm non Tin mừng phải chống chọi với biết bao nhiêu giông tố của thời cuộc. Những cuộc bách hại đạo giữ dội có một không hai trong lịch sử Giáo hội, nhất là trong thời Minh Mạng (1820 – 1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848 – 1883). Biết bao nhiêu chứng nhân anh dũng sẵn sàng chết vì đạo chứ nhất định không chịu quá khóa (bước qua Thánh giá để chối đạo). Có lẽ chỉ với sức người mỏng giòn, các ngài sẽ khó có thể dũng cảm đến thế nhưng nhờ ơn Chúa qua lời của Ngài nhắc nhở: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”, các ngài đã kiên vững không lay. Trong số những chứng nhân Đức tin, lịch sử vẫn kể tên 12 thánh tử đạo đã được phong hiển thánh và 100 vị đầu mục tử đạo ngày 4/4/1862 tại cổng tả thành Bắc Ninh. Máu của các vị tử đạo đổ ra chính là nền móng vững chắc dựng xây nên hình hài một giáo phận mới giữa miền đất Kinh Bắc (ngày 29/5/1883 từ giáo phận mẹ Đông Đàng Ngoài).
Trong dòng lịch sử 134 năm, giáo phận Bắc Ninh đã phải chịu đựng và trải qua biết bao cam go, thử thách, khi đất nước phải chịu cảnh chiến tranh giặc giã từ năm 1946, nhất là sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954. Khi hiệp định Giơnevơ được kí kết năm 1954, đã có 47 linh mục, tất cả chủng sinh và gần 40,000 người Công Giáo di cư vào Miền Nam. Giáo phận chỉ còn lại 14 linh mục già, 12 thầy giảng, 11 nữ tu Dòng Đa-minh và khoảng 30,000 tín hữu Công Giáo. Trước đó trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1946 – 1954 đã có 250 trên tổng số 300 nhà thờ trên khắp giáo phận bị phá hủy. Trong thời gian này có những lúc giáo phận chỉ còn một linh mục rưỡi (một cha hoạt động chính thức, còn một vài cha hoạt động trong âm thầm).
Giáo dân chở củi về tòa giám mục để nấu cơm trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận (1983)
Cũng nên nhắc lại một vài sự kiện cụ thể chỉ cách đây có 34 năm nhân dịp giáo phận kỷ niệm 100 năm thành lập (1983). Cách đây bốn ngày (26/5), người viết có dịp gặp và nói chuyện với cha Vinhsơn Trần Thế Thuận quê gốc giáo họ Sen Hồ – Bắc Giang nhân dịp cha về thăm giáo phận và dự lễ tạ ơn của tân linh mục quê hương Phanxicô Xaviê Trần Minh Khánh. Cha Thuận kể lại lần đầu tiên ngài trở về thăm giáo phận từ Miền Nam vào dịp lễ kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận, đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng lúc đó đang là giám mục giáo phận Bắc Ninh tìm mọi cách để xin phép chính quyền cho ngài được dâng lễ đồng tế trong dịp trọng đại của giáo phận, sau bao nỗ lực cuối cùng, ngài chỉ tránh được chuyện bị trục xuất về Miền Nam và “được phép” ngồi dự lễ như anh chị em giáo dân.
Nhân dịp sinh nhật giáo phận, gia đình Tòa giám mục tổ chức bữa tiệc nho nhỏ. Trong bầu khí hàn huyên, cha Phêrô Chu Quang Tòng chậm rãi, bồi hồi: “nhanh thật, mới hôm nào mà đã 34 năm rồi”. Ý cha Tòng muốn đề cập đến là biến cố kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận. Lúc ấy, cả giáo phận nỗ lực tổ chức thánh lễ mừng kỷ niệm 100 năm, vất vả gặp gỡ xin phép cả năm trời cuối cùng chính quyền cũng đồng ý nhưng chỉ được tổ chức lễ trong nhà thờ. Khổ nỗi nhà thờ chứa tối đa cũng chỉ được ngàn người, trong khi đó giáo dân về tham dự thánh lễ cả hơn chục ngàn người, quả là bài toán khó. Các cụ nói cấm có sai “trong cái khó ắt ló cái khôn”. Trước tình thế ấy, ban tổ chức đã quyết định “lách luật” bằng cách dâng thánh lễ ở ngay cửa chính nhà thờ. Nhờ sự khôn ngoan của Đức cha Phaolô và các cộng sự mà hàng chục ngàn giáo giáo dân ung dung dự lễ cả trong nhà thờ lẫn ngoài sân kéo dài ra tận khu vườn mà không ai “ngăn cản” cho được.
Thánh lễ kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận được cử hành trong cửa nhà thờ
Giáo dân về dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận
Vào thời điểm này (tức năm 1983), cả cha Tòng và cha Hiểu đều là linh mục âm thầm. Trước đó (trước năm 1983), cha Tòng đã được nhà nước quan tâm cho ở tù gần 15 năm. Hai cha cũng cho biết thêm, sau lễ mừng kỷ niệm 100 năm một thời gian ngắn, công an đã vào khám xét tòa giám mục và giáo xứ Ngô Khê, họ đã tịch thu tất cả sách vở và tài liệu. Trong khi công an khám xét thì giáo dân đã đến cướp lại được một số sách vở và đem đốt hết. Vì thế, sau sự kiện này cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu bị chính quyền ưu ái đưa đi “chăn kiến” hơn 4 năm.
Tại quãng thời gian đó, chuyện đang đêm được chính quyền đột ngột đến rồi đưa đi “bóc lịch” là chuyện thường tình. Vì lẽ đó, mà từ đức cha tới các cha, các thầy lúc nào cũng khăn gói quả mướp và sẵn sàng tinh thần đi ở tù bất cứ lúc nào. Ai may mắn không phải ngồi tù đếm kiến là do “họ” chưa tìm được lý dó và thời điểm thích hợp để điệu đi cho kỳ. Trong số các nhân viên “chăn kiến” mẫu mực có thể kể đến đầu tiên là Thầy Đaminh Đinh Huy Sức, quê Tử Nê với kinh nghiệm 28 năm chăn kiến. Kế đó là thầy Fx.Trịnh Ngọc Nha với 15 năm “chăn kiến”, hay cha Giuse Phạm Sĩ An cũng có 20 năm kinh nghiệm và có lẽ ngài là linh mục đặc biệt nhất Việt Nam vì từ khi được truyền chức (29/6/1964) cho tới tận bây giờ chưa có ngày nào sống đời linh mục công khai.
Đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng cũng không kém phần long trọng khi có 9 năm sống trong lao tù, ngài bị bắt giam tại Thái Nguyên ngay sau khi làm linh mục vài tháng. Hay như cha nguyên tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh cũng có 9 năm làm nhân viên “chăn kiến” thuê cho nhà nước. Rồi thì Cha nghệ sĩ Giuse Trần Bá Hạnh cũng có 7 năm viết nhạc, làm thơ trong “trại sáng tác” đặc biệt của nhà nước. Bên cạnh đó, có không ít các nữ tu và các vị chức dịch trong ban hành giáo ở nhiều nơi trong giáo phận cũng chịu chung cảnh ngộ với các cha các thầy trong giáo phận.
Dâng hoa kính Thánh Tâm
Hôm nay giáo phận 134 tuổi, nhắc lại những sự việc trên đây không phải để kể thành tích hay trách tội đổ lỗi cho ai hay là khoét sâu vào lòng thù hận ngăn cách vì mọi sự cũng đã qua và rõ ràng, chúng ta thấy giáo phận, giáo hội đã thắng thế gian. Điều đang lưu tâm ở đây chính là, trong giai đoạn khốn khó, bị bách hại bắt bớ như vậy mà giáo phận vẫn hiên ngang, kiên vững vượt qua, vậy thì còn có điều gì làm ngáng trở cây Đức tin giáo phận trổ sinh hoa trái.
Theo dòng lịch sử 134 năm, con thuyền Đức tin giáo phận có những lúc đi trong bình yên, có những lúc gặp mưa to gió lớn, hay có những khi chao đảo vì những trận cuồng phong. Nhưng cho dù hoàn cảnh thế nào thì con thuyền giáo phận vẫn vượt qua và thẳng tiến cập bến bình an. Qua đó chúng ta mới nhìn rõ và cảm nghiệm sâu xa lời của Đức Giêsu: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.
2. Say mê hiện tại
Đức tổng giám mục Leopoldo Girelli – đại diện Tòa thánh lần đầu tiên về thăm giáo phận Bắc Ninh từ ngày 5-7/6/2011 đã nói với anh chị em tu sĩ: “đây không phải là một phép lạ thì là cái gì. Bởi vì 20 năm trước giáo phận không có một nam nữ tu sĩ nào, mà bây giờ đã có hơn 200 nam nữ tu sĩ”.
Theo con số thống kê mới nhất của văn phòng tòa giám mục Bắc Ninh, hiện nay số giáo dân trong giáo phận là 137,343 người trong tổng số dân 8.607.164, số linh mục là 96 cha (76 cha triều và 20 cha dòng); ngày 3 tháng 6 sẽ có thêm 6 cha mới được truyền chức nâng tổng số linh mục giáo phận lên 102 cha. Số chủng sinh đang học tại đại chủng viện là 58 thầy và số dự bị chủng sinh là 50. Số nữ tu đang phục vụ trong giáo phận là 285 người, số huynh trưởng – giáo lý viên là 1,589, giáo phận có 356 giáo họ thuộc 76 giáo xứ. Ngoài ra, còn có hàng ngàn vị ban hành giáo và các thành viên của các tổ chức Công giáo tiến hành như phong trào thiếu nhi Thánh thể, hội Mân côi, Giuse, huynh đoàn Đaminh giáo dân, Khôi Bình…. Hơn nữa, cây đức tin giáo phận còn trổ sinh ra nhiều vị giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân cho nhiều giáo phận trong nước cũng như trên thế giới.
Trong ngày kỷ niệm 134 năm, gia đình tòa giám mục đã tổ chức giờ Chầu Thánh Thể trong phòng nguyện tòa giám mục vào lúc 7g30 tối ngày 29/5. Giờ chầu Thánh thể tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng cũng hội đủ mọi thành phần dân Chúa gồm đức giám mục, các linh mục, phó tế, chủng sinh, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Bài hát “Khúc cảm tạ” nói lên tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân đã gìn giữ giáo phận kể từ khi Tin mừng được gieo vào vùng đất giáo phận, đặc biệt trong suốt 134 năm qua kể từ ngày thành lập giáo phận.
Cho dù còn gặp nhiều khó khăn thử thách có khi làm cho nản chí lòng người trong giai đoạn hiện tại, nhưng giáo phận vẫn luôn sống và thực hành theo lời mời gọi của Thầy Chí Thánh “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”. Lời mời gọi này như liều thuốc bổ thôi thúc mỗi người con xứ Kinh Bắc nỗ lực hết mình để viết tiếp trang sử vàng của cha anh.
3.Hướng Tới Tương Lai
Đứng trước những thực trạng khó khăn kéo đến từ tứ phía, nhiều người có cái nhìn bi quan về tương lai của giáo phận. Một trong những thách thức lớn mà Giáo hội đang gặp phải đó là não trạng vô thần, bên cạnh đó viễn cảnh toàn cầu hóa đã đi vào mọi ngõ ngách và phá vỡ đi cuộc sống bình yên nhiều làng quê trong giáo phận. Cũng vậy chủ nghĩa tiêu thụ, quan niệm sai lầm về tự do cá nhân xảy ra trong bộ phận giới trẻ Việt nam; tinh thần trách nhiệm với xã hội và cộng đồng bị giảm sút trầm trọng làm cho con người không còn biết quan tâm đến nhau.
Trong khi đó, các giờ kinh cầu, thánh lễ vắng bóng người trẻ. Đâu đó chỉ còn một số cụ già ngày ba buổi tới nhà thờ, còn con cháu ngoảnh mặt làm ngơ như không biết. Còn đâu những thánh lễ ngày Chúa nhật và lễ trọng đông cứng, giáo dân cơm đùm, cơm nắm ngủ dưới gốc nhãn như cách đây mấy chục năm tại sân tòa giám mục.
Thiếu nhi về tòa giám mục dâng hoa kính Thánh Tâm
Giáo dân ngủ dưới gốc nhãn để sớm mai tham dự thánh lễ
Ơn gọi nam nữ tu sỹ cũng đang có dấu hiệu giảm sút vì nhiều những lý do khác nhau. Cho dù hàng năm có những ngày lễ và nhiều dịp cổ võ ơn gọi nhưng xem chừng kết quả còn khiêm tốn. Hôm nay đi dự lễ bế giảng nhà Thánh Tự thấy chỉ có hơn hai chục chú ứng sinh khiến nhiều người không khỏi âu lo. Thậm chí, có người đã nghĩ tới viễn cảnh một ngày nào đó giáo phận thiếu hụt ơn gọi linh mục và nam nữ tu sĩ như bên tây phương, vốn là nơi cách đây mấy trăm năm dồi dào linh mục và chính các linh mục từ bên trời tây đã tới đất Kinh Bắc của chúng ta loan báo Tin Mừng. Nhưng nay thì mọi sự đã khác, bên Tây phương linh mục ít, tu sĩ cũng ít và giáo dân đến nhà thờ cũng ít và vì vậy có nhiều vị linh mục Việt Nam được “xuất khẩu” hay các giáo phận bên trời tây “mượn”. Vậy là lại tồn tại một vòng luẩn quẩn.
Thế sự phù vân có nhiều khi làm ta nản chí, lạc bước. Nhưng hôm nay Lời Chúa vẫn vọng vang: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”, hẳn sẽ giúp cho nhiều người luôn có cái nhìn lạc quan về tương lai tươi sáng của giáo phận. Những khó khăn trong xã hội và Giáo hội ngày nay vô hình chung lại là niềm hy vọng cho giáo phận. Những thách thức lại làm khơi dạy tăng cường nỗ lực và say mê hơn đời sống tông đồ. Điều quan trọng nhất là mỗi người phải luôn gắn bó với Thiên Chúa, với Giáo hội và từ đó tất thảy chúng ta sẽ cùng đưa ra những dự phóng để cùng nhau thực hiện.
Những con số thống kê trên phần nào cho ta yên tâm và cái nhìn tươi sáng về tương lai giáo phận. Gần 10 nghìn thiếu nhi Thánh Thể, giới trẻ và hàng nghìn thành viên khác trong các hội đoàn Công giáo là nhân sự vững chắc của hôm nay và cho ngày mai. Hơn nữa, đời sống thiêng liêng người tín hữu không ngừng được nâng cao qua việc đào tạo và huấn luyện đều đặn.
Các chương trình huấn luyện và thường huấn linh mục, nam nữ tu sỹ, chủng sinh đi vào chiều sâu nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng nhân sự chuyên môn. Các khóa huấn luyện về dự tu, các khóa đào tạo về thần học và mục vụ, những buổi tĩnh tâm và tập huấn cho giáo dân đã đang và sẽ được tổ chức thường xuyên.
Nhìn lại lịch sử của giáo phận lúc thăng, lúc trầm, có khi bình yên, có khi giông bão… nhưng bách xe giáo phận vẫn quay đều theo đà tiến của lịch sử nói chung. Tuy nhiên, trên đường tiến đó ắt sẽ gặp những cản trở. Qua đó, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta vẫn có quyền hy vọng con thuyền giáo phận vẫn từ từ tiến về bến bình an.
Tạm kết
Trong suốt chặng đường lịch sử giáo phận Bắc Ninh đã qua, vinh quang cũng có và bão tố cũng nhiều. Giờ đây những trang sử hào hùng giáo phận được thế hệ chúng ta viết tiếp. Những gương sáng oanh liệt của các chứng nhân tử đạo là nguồn cảm hứng vô tận và nhiệt thành mới giúp chúng ta xây dựng và phát triển giáo phận.
Với nhiệt huyết và ý thức được nền móng giáo phận được dựng xây bằng mồ hôi, nước mắt lẫn cả máu đào của cha anh thì không một trận cuồng phong nào có thể cản được bước tiến vững chắc của giáo phận. Mỗi lúc khó khăn, nản chí thì Thầy Chí Thánh Giêsu lại thôi thúc “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” làm mới lại quyết tâm tiếp bước các bậc tiền nhân. Cũng vậy, mỗi người con miền Quan Họ hàng ngày vẫn dâng lời khẩn nguyện: “Lạy trái tim nhân lành Chúa Giêsu, xin thương xót và che chở chúng con”. Xin Đức Mẹ Mân Côi và các thánh tử đạo Bắc Ninh cầu bầu cho chúng con.
Bắc Ninh, một chiều tháng 5 – 2017
Lm Fx.Nguyễn Văn Thắng